Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TRUYỀN THUYẾT VỀ ÔNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 65+66 tháng 1&2 năm 1998




                                                                              

Cái buôn nhỏ bé nằm dưới chân dãy nùi Krông Đóa bổng nhiên ồn ào cả lên trước cái tin Y Đhinh mượn súng về bắn cọp. Ông buôn trưởng mặt hằm hằm chỉ vào mặt Y Đhinh:
- Từ bao đời nay “ông ” là vị thần hộ mệnh cho buôn, xua đuổi lủ thú rừng không cho chúng phá hoại hoa màu; “ông” không bao giờ lấy của chúng ta con gì, nên không thể giết được.
-Ông buôn trưởng nhầm rồi, con cọp là cả một kho vàng to lớn. Bắn nó, ta mua được máy cày đất đỡ phải cuốc, mua được cái máy tưới nước, mua được cái xe khỏi phải đạp, như vậy không tốt à! Mình không bắn, người khác bắn mất uổng.
- Y Đhinh! Cái bụng mày độc ác chỉ nghỉ cho riêng mày, không nghĩ cái tình người của buôn mất rồi. Nay thời sống mới, chính phủ cấm săn bắn thú quý. Nếu mày bắn tao bắt.
Mặt buôn trưởng tím bầm, mắt như có ngọn lửa nhìn chằm chằm vào mặt Y Đhinh. Y Đhinh tức lắm; nhưng không dám cãi, cái bụng không phục. Ai đời cả một núi bạc như vậy mà bỏ đi bao giờ. Hắn lầm lủi bỏ về nhà lôi rượu ra uống. Thứ rượu nếp Ha Nội thơm phảng phất như hoa lúa, uống đến đâu biết đến đấy, càng làm hắn thêm tỉnh táo. Cả cái buôn ngu dốt này không ai biết điều, chỉ có hắn làm mở mày mở mặt cho buôn mà thôi. Hắn cứ uống và càng uống càng thấy cái vô lí của ông buôn trưởng .Mấy ông cán bộ ở ngoài huyện còn thích cao hổ để tẩm bổ. Còn mấy tay buôn thú rừng ngoài thị trấn cưỡi xe máy chạy như gió, sao mà oai thế. Chỉ có cách phải bắn cọp thôi. Bắn nó ta sẽ có mọi thứ …
Từ bao đời nay các chúa tể sơn lâm thích sống độc thân, cho dù là đực hay cái. Chỉ đến mùa giao hoan chúng mới tìm đến ghép đôi tình tự. Qua mùa ấy “anh đi đàng anh, tôi đàng tôi”, chúng lại về xứ sở của mình hẹn tái ngộ mùa sau. Rừng vùng Krông Đóa có con cọp đực chắc đã sống nhiều mùa rẫy lắm rồi nên to như con bò mộng. Thỉnh thoảng khi mùa khô tơiù, vào buổi chiều tà, nó lửng thửng đi dạo trên đồi cỏ gianh đã cháy rụi. Đững dưới buôn nhìn lên thấy nó oai vệ làm sao. Con cọp ấy là niềm tự hào của buôn Krông Đóa .Thỉnh thoảng nó về  xua đuổi bọn heo, nai… không cho phá hoa màu, rồi đi; có khi một tháng, có khi hơn mới quay lại. Có lẽ tại thú rừng nhiều hay còn vì một điều gì đó ẩn chứa bên trong nên nó không bao giờ quấy nhiếu cái buôn nhỏ bé này. Lâu lâu không thấy nó về người dân ở đây cảm thấy nhớ như thiếu đi một cái gì đó. Còn khi nó về cũng làm nhiều người dựng tóc gáy, đứng tim vì sự ngịch ngợm hay tò mò của “Ôâng ”.
Mới mấy tháng trước có người ra suối câu cá, mãi câu không để ý xung quanh, cho đến lúc chiều tà định đứng dậy ra về mới té xỉu cái rầm khi thấy Ôâng ấy” ngồi chổm hổm phía bên kia suối xem câu cá từ lúc nảo lúc nào. Con suối đâu có rộng gì, chỉ khoảng bốn mét là cùng; nhưng vì ông đứng cuối gió nên không biết.
Lại một lần khác, cả buôn đi săn, cả ngày không gặp con gì. Khi ông mặt trời sắp đi ngủ mới lếch thếch kéo nhau về. Bầy chó săn hớn hở chạy phía trước. Khià gần tới buôn; bầy chó quấn quýt chạy ngược trở lại luẩn quẩn dưới chân người, đuôi cặp sát đít, đầu ngẩng cao, tai dựng ngược, mắt nhìn nhớn nhác xung quanh, chỉ nghe chân người dẫm  cành cây khô gãy “rắc” cũng kêu “oẳng”, ngã dúi dụi vào chân người. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì người đi trước ngã khụyu xuống, miệng ú ơ nói không thành tiếngù. Mấy người đi sau rùng mình, mồ hôi vã ra như tắm khi thấy “Ôâng” ngồi chổm hổm trên tảng đá ngay cạnh lối re vào buôn õ. Qua lần đó bầy chó sợ đến cả tuần.
Có một buổi tối người đàn bà dỗ mãi mà con không chịu ăn, bực quá chị ta dọa con: “mày có ăn không tao cho Ông  này!” Vừa nói chị vừa cầm tô cơm chìa ra ngoài của sổ. Và như có phép thần, ai đó giành  luôn tô cơm đưa đi, chị giật mình nhìn qua cửa sổ dưới ánh trăng “Ông ” ngồi chổm hổm ở đó từ lúc nào, chân trước cầm tô cơm đung đưa, đung đưa dưới ánh trăng. Chị sợ quá ngã lăn quay đập đầu vào xoong canh vang lên tiếng “keng” khiến “Ông” giật mình làm rơi tô cơm đến “xoảng” một cái rồi vươn vai chạy biến. Ông chồng ngồi bên bếp không hiểu đầu đuôi ra sao, tưởng vợ trúng gió,chạy lại định lôi vợ dậy, nghe tiếng chén vỡ mới ngoái ra nhìn thấy “Ông” đang chạy.
Những câu chuyện về “Ông” thật nhiều, nhưng không thể ngăn cản người ta ao ước làm giáu, đổi đời. Biết là phạm luật nhưng mối lợi lớn quá làm sao bỏ cho được. Y Đhinh càng nghĩ càng tức và cái bụng muốn bắn lắm. Khi chiều “Ông” mới đủng đỉnh đi qua triền đồi về phía suối lớn. Nơi ấy đã trở  thành một quy ước không thành văn bản nhưng ai cũng theo là không được chặt phá và đốt cỏ tranh. Nơi con suối phình to có đám sậy mọc um tùm chừng chục hét ta  được bao bọc ba phía bằng những quả đồi cỏ tranh cao, thỉnh thoảng mới có cây Kơnia gốc to bằng vòng tay người ôm, tạo nên quang cảnh thoáng đảng làm chỗ cho heo, nai đầm và cũng là nơi dừng chân của “Ông”.
Y Đhinh uống hết chai rượu, đốt hết cả gói “Địa cầu” vẫn không sao ngủ được. Ngôi nhà sàn ba gian như rộng đến mênh mông. Con vợ vô tâm đã ôm con ngủ như kéo bễ lò rèn. Hắn không ngủ được và lòng tham trỗi dậy. Cây súng AR16 với hai chục viên đạn đủ cho buổi săn quyết định đổi đời.
Màn đêm dày đặc. Trên cao, những vì sao li ti nhỏ bé như những con mắt nhìn hắn trách móc. Kệ! Hắn khoác bình ắc quy lên vai, đầu đội đèn rồi vớ khẩu súng bước xuống cầu thang nhẹ như con mèo. Hắn lầm lủi đi ra khỏi buôn một đoạn thật xa mới dám bật đèn soi đường vào rừng cấm.
Nhưng, ở đời ai mà đoán được cái chữ “nhưng” đầy bất ngờ ấy. Khi đèn bật lên quét về phía trước thì bắt gặp hai đốm lửa đỏ, phát ra những tia sáng lạnh lẽo, và mấy giây sau chỉ còn một đốm. Hắn rùng mình, bủn rủn cả người khi nhận ra đó là “Ông”. Nhưng rồi những đồng tiền, những cây vàng lấp loáng hiện ra trong đấu: ta sẽ giáu có, trời giúp ta đây. Hắn run run nâng súng lên.
Trong đời hắn bắn giết đã nhiều. Mới mười sáu tuổi đã theo quân đội Cộng hòa làm biệt kích. Chế độ tan, hắn chạy vào rừng theo Fulro. Khổ quá chịu không nỗi, sau hơn hai năm ở rừng, hắn về đầu thú. Cái quảng đời binh nghiệp hơn chục năm trời, hắn bắn mọi thứ mà người ta bảo hắn bắn, chưa trật bao giờ. Hôm nay cũng vậy, với điểm bắn khoảng hai chục mét làm sao trượt được!
- Đoàng! H … ừ … m!
Tiếng súng nổ dội vào núi rừng chưa dứt thì liền ngay đó là tiếng gấm khủng khiếp của “Ông” làm núi rừng rung chuyển. Người ta nháo nhào thức dậy, giá trẻ lớn bé rồng rắn kéo nhau về nhà ông buôn trưởng, trên tay người nào cũng cầm bó đuốc cháy rừng rực. Ông buôn trưởng tay cầm đuốc, tay cầm cây xà gạc dẫn đầu đoàn người như một con rồng lửa chạy về phía tiếng súng, vừa chạy vừa gào lên:
- H … ú! H … ú! H…ú!
   Mặc mọi người lên tiếng, phía trước vẫn im lặng, cái im lặng khủng khiếp của tử thần báo hiệu điều gì đó ghê rợn đã và đang xãy ra. Đúng vậy! Khi mọi người đến nơi tiếng súng nổ, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt: Y Đhinh nằm ngửa, một mắt mở trợn trừng, còn con mắt bên phải cùng với nửa mặt đã bị văng đi, để lại một đống thịt lầy nhầy. Cây súng bị nghiền nát phần nhựa với cả cánh tay bị xé rời.
Tuy giận kẻ trái ý buôn làng gây tội với thần linh nên chuốc phải tai họa , nhưng người ta không thể không mang hắn về mai táng theo nghi lễ của dân tộc. Song có điều lạ, chiều hôm trước chôn hắn thì sáng hôm sau xác  hắn đã bị móc lên phơi trên mặt đất làm mối cho quạ và kiến. Sự trừng phạt của chúa sơn lâm thật khủng khiếp. Ba lần chôn hắn là ba lần “ông” về lôi xác hắn lên. Ông buôn trưởng phải vận động dân buôn chôn hắn lần thứ tư khi da thịt đã rữa, và mang rượu thịt ra mồ cúng suốt ba ngày ba đêm liên tục. Nhờ vậy, mồ hắn không bị đào lên lần nữa; nhưng cũng từ đó cái buôn nhỏ bé dưới chân dãy núi Krông Đóa không bao giờ còn thấy “Ông” trở về nữa.

2 nhận xét:

  1. Eo ôi, "Ông" thật là khôn quá, hiểu biết như người ấy ! sợ thật ! Chứng tỏ thú dữ cũng muốn chung sống hòa bình với con ngừơi mà không được nhỉ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. qUY LUẬT TỰ NHIÊN NÓ THẾ, NHƯNG HÌNH NHƯ CON NGƯỜI LẠI KHÔNG MUỐN VẬY sOC NÂU Ạ!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI