Bút ký
Theo hẹn, tôi và nhà thơ Văn Thảnh được ông Tô
Bá Tham Phó Bí thư Đảng ủy – Phó giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm dẫn đến
nhà ông Nguyễn La Vân, người giám đốc đầu tiên của Công ty Khai hoang cơ giới
4, tiền thân của công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm ngày nay. Tôi vô cùng ngạc
nhiên khi thấy “cơ ngơi” của vị giám đốc tại vị gần hai chục năm trời, khi về hưu
vì tuổi cao chỉ có ngôi nhà xây cấp bốn diện tích khá khiêm tốn nép mình giữa vườn
cây ăn quả xanh tốt. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy vị giám đốc nổi tiếng cứng rắn,
kiên quyết bảo vệ chính kiến ngay cả với cấp trên là những vị tướng khi thấy lệnh
đưa ra không khoa học; vị thủ lĩnh của những chàng trai lái máy ủi, máy đào, máy
gạt… đồ sộ lại là một con người có vóc dáng bé nhỏ, chứ không phải là thân hình
lực lưỡng như hầu hết cán bộ lãnh đạo của công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm. Sau
cái bắt tay thật chặt, ông Nguyễn La Vân mời chúng tôi vào nhà. Căn phòng khách
của chủ nhà được kê một bộ xa lông hộp, đóng bằng gỗ hương theo mốt của thập niên
80. Ông Tô Bá Tham giới thiệu để chủ khách làm quen, chúng tôi vừa uống nước vừa
trò chuyện.
Câu chuyện của ông Nguyễn
La Vân về quãng đời của mình làm chúng tôi rất cảm động. Con người có vóc dáng mảnh
khảnh, khuôn mặt cương nghị, râu tóc bạc phơ này được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách
mạng ở thị xã Quãng Ngãi. Năm 1947, khi chưa đầy 14 tuổi ông bí mật “nhảy núi”
gia nhập quân đội, năm 16 tuổi được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam,
năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1958 chuyển ngành qua bộ Nông Trường, công tác tại
nông trường 1-5 huyện Nghĩa Đàn – Nghệ An, năm 1978 được bổ nhiệm làm Giám đốc
Công ty Khai hoang Cơ giới 4 phụ trách khu vực miền Trung và Tây nguyên, năm
1993 về hưu. Tóm tắt tiểu sử của ông thật ngắn gọn nhưng không hề đơn giản tí nào.
Người con xứ Quảng có cuộc đời như một
pho tiểu thuyết của một vị anh hùng lại rất giản dị và đôn hậu. Qua câu chuyện
của ông và anh em trong công ty kể lại, tôi chỉ xin ghi lại đôi nét một quãng đời
công tác đương nhiệm giữ chức Giám đốc công ty Khai hoang Cơ giới 4 của ông mà
thôi.
Ngày mới thành lập, ông nhận trách nhiệm làm
giám đốc công ty, tìm mãi mới có được địa điểm ưng ý tại vùng ven thành phố Buôn
Ma Thuột, xin Ủy ban nhân dân tỉnh Dak Lak cấp cho 6 héc ta đất để đặt “đại bản
doanh”. Lúc ấy vùng này còn rậm rạp, hoang vu, mùa khô rừng bị đốt, có hôm nai
còn chạy lạc vào đứng giữa sân, cán bộ nhân viên cơ quan ùa ra xem nó mới bỏ chạy.
Là đơn vị chủ lực được Bộ Nông nghiệp giao trách nhiệm khai hoang cả vùng miền Trung và Tây
Nguyên phục vụ chiến dịch khai hoang một triệu héc ta, sản xuất 21 triệu tấn lương
thực theo nghị quyết Đại hội IV của Đảng đề ra nhằm khăc phục tình trạng thiếu
lương thực lúc bấy giờ. Nhưng máy móc do Liên Xô chế tạo đã sử dụng nhiều năm ở
miền Bắc trước khi chuyển vào, đây là thách thức không nhỏ. Tuy công nhân được đào
tạo bài bản qua các trường lớp chính quy ở miền Bắc, tay nghề tương đối vững,
song vì tình trạng máy móc như vậy nên buộc ông Nguyễn La Vân phải ra Bắc đi tìm
mua hoặc xin các máy cũ bỏ đi chở vào sửa chữa hoặc tháo lấy phụ tùng thay thế.
Nhằm đưa người công nhân có trách nhiệm với phương tiện lao động, công ty đã
khoán máy cho từng tài xế. Nhờ vậy tinh thần bảo quản máy móc được nâng lên rõ
rệt, công suất máy được phát huy hết khả năng, định mức giao khoán bao giờ cũng
vượt. Nói như thế không phải mọi thứ đều thuận lợi, những năm cuối thập kỉ 70 đầu
thập kỉ 80 bọn fulrô còn hoạt động mạnh, máy móc của công ty trở thành mục tiêu
tấn công. Máu của các tài xế đã nhuộm đỏ mảnh đất mới khai hoang, máy móc bị phá
hủy, đó là chưa kể cuộc sống của anh em hàng ngày rất tạm bợ. Ngày 7 tiếng ngồi
trên ca bin, tối đến lăn mình trên sạp nứa làm tạm, xung quang gió rừng gào thét,
mấy tấm gianh che mái, thưng xung quanh, nhiều lúc còn bị tốc ngược cho nước mưa
chảy vào; kèm theo đó là sốt rét, bệnh tật… nhiều công nhân muốn bỏ về quê. Làm
thế nào để công nhân gắn bó với công ty? Câu hỏi này phải có lời giải nếu công
ty muốn tồn tại! Sau nhiều đêm họp bàn, Đảng ủy và ban Giám đốc công ty đã tìm
ra biện pháp thiết thực nhưng cũng không lấy gì làm mới, đó là tổ chức thi đua.
Tùy theo chiến dịch khai hoang hay các ngày lễ lớn, công ty phát động thi đua
giữa các tổ theo từng đợt, từng chủ điểm ngắn ngày, có tổng kết trao thưởng và
phát động anh em cùng học tập các điển hình tiên tiến trong đơn vị. Song song với
phong trào thi đua lao động sản xuất là các cuộc thi thể thao, văn nghệ tạo nên
một không khí hết sức sinh động làm cho công nhân hăng say lao động. Bên cạnh đó
công tác đời sống của anh em cũng được quan tâm đúng mức, tiêu chuẩn lương thực,
thực phẩm hàng ngày trước đây cửa hàng đời sống của công ty mua rồi chở xuống các
tổ, có tổ làm ở ngoài tỉnh Dak Lak, tiền chuyên chở quá cao, thực phẩm chở đến
không còn chất lượng; để khắc phục điều này ông Nguyễn La Vân quyết định ban đời
sống phải quy ra tiền tiêu chuẩn của anh em, phát xuống tận tổ để anh em tổ chức
nấu ăn đảm bảo chất lượng. Thời bao cấp việc làm này được xem là “vượt rào”, ông
suýt bị kỉ luật vì đã làm “phá vỡ quan hệ chế độ cung cấp” truyền thống.
Trong thời buổi bao cấp, tàu xe ra Bắc vô cùng
khó khăn, Giám đốc Nguyễn La Vân có sáng kiến
tổ chức cho anh em đi phép bằng phương tiện của cơ quan. Làm như thế ở
quê gia đình thấy con em mình được xe đưa, xe đón rất vinh dự nên động viên họ
phải học tập và công tác tốt cho xứng đáng với sự quan tâm đó; với công ty không
còn công nhân nào trễ phép. Bên cạnh đó ông đề ra chủ trương “an cư - lạc nghiệp” khuyến khích cán bộ,
công nhân viên của mình đưa gia đình vào, ai mang được vợ con đến đều được cấp đất
làm nhà, ổn định cuộc sống, giúp công nhân an tâm ở lại công tác lâu dài. Chính
những biện pháp này đã gắn bó người công nhân với công ty, với mảnh đất Dak Lak
giàu đẹp. Nhờ vậy, đến nay Công ty Khai hoang Cơ giới 4 có hẳn 5 làng riêng của
những người làm trong công ty và các đội cơ giới ở Dak Lak – Gia Lai.
Đối với công nhân trong công ty ông Nguyễn
La Vân là người cha, người anh, người bạn nghiêm khắc mà gần gủi; đối với cấp
trên ông lại là một cán bộ năng nổ và thẳng tính. Anh em trong công ty còn nhớ
chuyện xảy ra đầu thập kỉ 80, lúc ấy cả tỉnh Dak Lak tập trung mọi nguồn lực khai
hoang cánh đồng Buôn Triết, Buôn Trấp – nay là vựa lúa của tỉnh. Trước tình hình
khan hiếm lương thưc, một vị tướng gọi ông lên, giao trách nhiệm phải tập trung
toàn bộ máy móc công ty khai hoang 500 hecta trong vòng một tháng ở khu vực Ea
Ktua lấy đất trồng bắp. Ôâng thẳng thừng phản đối vì không thể huy động năm sáu
chục các loại máy móc làm ở một diện tích nhỏ, trong một thời gian quá ngắn như
thế. Vị tướng nổi giận quát: nếu anh không chấp hành thì tỉnh này không cần các
anh nữa, đi đâu thì đi! Bực mình ông đáp trả: Anh không cho làm ở đây tôi đi nơi
khác. Nói là làm, ông về điều hết máy xuống sư 333. Sau này vị tướng ấy xuống tận
nơi ông làm việc và bảo: Về máy móc mình không rành lắm, thôi điều máy về làm
cho tỉnh đi – cả hai cười xoà.
- Các anh anh thấy đấy
– ông Nguyễn La Vân nhấn mạnh, giọng nói của ông già bảy mươi lăm tuổi như trẻ
lại - Sáu chục năm trước Bác của chúng ta đã phát động phong trào thi đua để mọi
người hăng hái tham gia sản xuất, nâng cao năng suất lao động; hơn 30 mươi năm
sau công ty chúng tôi nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức thi đua nên mới tồn tại
và phát triển được như hôm nay. Ở đâu, trong hoàn cảnh nào đi nữa, nếu chúng ta
biết tổ chức thi đua tốt thì hiệu quả sẽ được nâng lên, bài học mà Bác Hồ dạy
chúng ta trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Tuy đã nghỉ công tác, nhưng các
phong trào thi đua được công ty Cơ giới Đồng Tâm thường xuyên tổ chức, tôi vẫn
theo dõi và thật sự vui mừng khi thấy lớp người đi sau không những hoàn thành
nhiệm vụ lớp người đi trước giao lại mà còn có sự phát triển rất tốt, đặc biệt
là trong cơ chế thị trường như ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các
anh trong Đảng ủy cũng như Ban giám đốc đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình,
nâng cao thu nhập cho anh em, giữ được hoạt động của công ty đứng vững và phát
triển.
Thời gian trôi nhanh, đã
đến lúc chúng tôi phải chia tay ông ra về. Nhà thơ Văn Thảnh nắm thật chặt bàn
tay gân guốc của vị giám đốc già lắc lắc và nói: Qua câu chuyện của bác kể, chúng
cháu thấy tập thể cán bộ công nhân công ty ta đã và đang sống với truyền thống
của người công nhân Xã hội chủ nghĩa, nó trong sáng quá, vô tư quá. Chắc chắn
chúng cháu sẽ còn phải quay lại làm phiền bác thêm nữa.
Ông Giám đốc già chuẩn bị nhận huy hiệu 60 năm
tuổi Đảng, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng trong con người ông vẫn còn ngọn lửa cách
mạng rực cháy như thời trai trẻ. Thật mừng khi lớp cha ông đi trước là những
con người tài năng, đặt nền móng vững chắc cho lớp con cháu đi sau, tiếp bước vào
kỉ nguyên mới, một thời đại mới trong xu thế hội nhập nhưng vẫn giữ được bản chất
người bộ đội cụ Hồ.
Điều
tôi quan tâm nhất đến cuộc gặp gỡ này là muốn viết một cái gì đó về Công ty
Khai hoang Cơ giới 4 nhân dịp tròn 30 năm thành lập; qua 30 mươi năm ấy có biết
bao đổi thay, thế mà vẫn tồn tại và phát triển như ngày nay. Khi chuyển đổi qua
cơ chế thị trường, công ty đổi tên, nhưng vẫn tập thể ấy, những con người ấy và
lớp người kế cận như: ông Vũ Đức Bùi Giám đốc, ông Trần Đức Thành Bí thư Đảng uỷ,
ông Tô Bá Tham Phó bí thư kiêm Phó giám đốc công ty đều trưởng thành từ tập thể
ấy, nay đã vững vàng tiếp bước người đi trước, không những đứng vững trên mảnh đất
Tây Nguyên mà còn vươn ra cả nước ngoài, góp phần xây dựng mối quan hệ quốc tế
hữu nghị tốt đẹp với các nước bạn Lào và Cam Phu Chia. Có lẽ để đạt được thành tích đó khâu quan trọng
nhất là công tác tổ chức của những người lãnh đạo; họ biết phát huy vai trò người
Đảng viên trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, trên đưới một lòng tổ chức tốt
các đợt thi đua trong sản xuất cũng như
trong các phong trào thể thao - văn hóa văn nghệ. Ba mươi năm thời gian
chưa phải là nhiều, nhưng những gì mà Công ty Khai hoang Cơ giới 4 trước đây và
ngày nay là Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm đã, đang làm được là minh chứng đúng
đắn cho con đường phát triển kinh tế trong thời kì mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI