Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

EA SÔ, SAU NHỮNG ĐÊM ĐỘNG RỪNG phóng sự của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN HÓA số tháng 3 năm 2002



           
Phóng sự
        
Năm năm có lẻ nay tôi mới có dịp quay lại thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thuộc huyện Ea Ka, tỉnh Đắc Lắc. Trong những ngày đầu xuân Quí Mùi này, Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang xôn xao về việc ông Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh lên tận Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đi săn và bắn chết hai con bò tót. Cánh báo chí sôi lên sùng sục lao đi lấy tin, chụp ảnh, viết bài đưa những hàng tít lớn làm nhiều nhười yếu tim phải té xỉu. Trước trận cuồng phong đó bạn tôi làm ở báo Dak Lak cũng lao vào cuộc và rủ tôi cùng đi. Năm năm trước hai chúng tôi cũng đội lốt những tên “Lâm tặc” đi buôn gỗ lậu đã vượt qua ba trạm gác khá gắt gao của cái gọi là “Nông trường vùng đông bắc Ea Kar” vào gặp Giám đốc (vì họ nhầm chúng tôi là người buôn gỗ), nhờ vậy bài phóng sự điều tra: “Nông trường hay sơn trại” được hoàn thành và in trên báo Dak Lak như một lời cảnh báo thực tế ở đây.
        Con đường heo hút ngày xưa nối từ quốc lộ 26A vào nhà Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Easô đã được mở rộng, xe cộ đi lại nhiều nên toàn “ổ voi, ổ trâu” làm hai anh em cỡi chiếc “Bônus 125” hết chúi về phía trước lại giật ngược về phía sau như cỡi trâu lồng. Ngã ba rừng Trắc ngày xưa nay được điểm xuyến bằng trụ sở UBND xã Ea Sô, trường học, trạm xá trông rất bề thế, khang trang và rừng trắc ngày xưa cũng chìm vào dĩ vãng, mới mấy năm thôi thế mà cả cánh rừng trắc đã không còn nữa. Trước đây, khi vào khu rừng Ea Sô để tìm kiếm “mô hình nông trường lạ”. Chúng tôi đã gặp hàng đoàn xe đạp thồ những cây trắc đẽo hết lớp giác ngoài khoe khúc lõi đỏ au, còn hôm nay chỉ thấy nhà và rẫy.
        Cách khu nhà làm việc của ban quản lý Khu bảo tồn Ea Sô khoảng hơn hai kmvề phía tây, sừng sững một quả đồi nổi lên giữa bình nguyên bao la giống như một chiếc tô úp lên mặt bàn. Trên đỉnh núi có hai hòn đá lớn như được một bàn tay khéo léo xếp lên bên cạnh một cây đa gốc to đến hai người ôm, cành lá xum xuê xanh tốt; nhìn xa như một cái núm vú của cô thiếu nữ. Dưới chân hai hòn đá và kéo dài xuống tận vùng giáp ranh với đất bằng chỉ tuyền một loài le; le họ nhà tre, giống cây trúc ngoài Bắc, có những cây cao tới năm sáu mét không biết mọc từ bao giờ và như được một bàn tay người sắp đặt. Có lẽ không có cái đồi nơi người dân trong vùng đặt cho cái tên “Núi Cô Đơn” thì sẽ không có khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ngày nay. Tôi còn nhớ năm 1996 khi nghe truyền thuyết về câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai tài gái sắc dám trái ý Zàng nên họ bị phạt mà trở thành núi “Cô Đơn”. Câu chuyện hấp dẫn quá, thế là tôi tuy chỉ là người cầm bút nghiệp dư nỗi máu lãng tử rủ anh Đinh Lập Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 333, Quân khu 5 vào xem cho biết. Sau gần hai giờ chạy xe theo đường xe khai thác gỗ chúng tôi cũng đến được chân đồi và hăng hái leo lên, dưới bóng le mát rượi. Đang mải bước, bỗng anh Đinh Lập đứng khựng lại huýt khẽ và chỉ về phía bên phải, tôi tưởng mình hoa mắt khi thấy con vật to gấp ba bốn lần con trâu, màu xám đen lừ mắt nhìn chúng tôi rồi bất ngờ lao xuống chân đồi, làm le gãy đôm đốp. Hôm ấy trở về tôi không những hoàn thành truyện ngắn “ Sự tích núi Cô Đơn” mà còn viết được một mẩu tin gửi cho báo Đắc Lắc thông báo về con vật lạ giống loài bò Xám. Không ngờ mẩu tin nhỏ bé ấy được nhiều báo đăng lại và nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về động vật; Giáo sư  tiến sĩ  Đặng Huy Huỳnh cùng phó giáo sư tiến sĩ Lê Vũ Khôi vào tận nơi nhờ tôi dẫn đến núi Cô đơn tìm “Bò xám”. Qua Giáo sư tôi được biết loài bò xám được thấy lần cuối cùng ở những năm 1930 trên đất Cam Phu Chia và từ đó đến nay chỉ còn trên sách báo mà thôi. Chính giáo sư cũng có một ít  tài liệu và một số bức hình đen trắng không rõ lắm về giống bò này.
      Hình ảnh một nhà khoa học lão thành hơn sáu mươi tuổi vẫn cặm cụi đo từng dấu chân, vết xước của thân cây với mong muốn tìm ra con bò quí hiếm kia và kết quả sau hai đợt khảo sát, Khu bảo tồn Ea Sô đã được thành lập, đáp ứng lòng mong muốn của người dân địa phương và các nhà khoa học.
        Thế nhưng hôm nay ngày trở lại vùng đất xinh đẹp này, đập vào mắt chúng tôi là những vùng đất bị cày, cuốc nham nhở đến sát tận bờ sông Hai. Thảm cỏ gianh ngày xưa trải dài đến hút cả tầm mắt còn đâu. Vượt qua chiếc cầu tạm bắc chênh vênh qua dòng sông Hai đi thêm mấy chục mét nữa đã đến sân khu nhà làm việc của ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Quả thật chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước cơ ngơi khang  trang, đẹp đẽ của khu nhà làm việc và ngay trước mặt là con đường nhựa bắt đầu từ đây kéo dài xuống thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
        Do “số không may”, khu nhà làm việc chỉ có vài nhân viên ở lại, còn lãnh đạo đi vắng, theo chỉ dẫn của mấy người nhân viên, chúng tôi đi tiếp chục ki lô mét nữa vào đến Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Ea Sô.
               Tiếp chúng tôi tại nhà làm việc của hạt kiểm lâm khu bảo tồn Ea Sô, ông Võ Đức Long - Hạt trưởng báo cáo sơ bộ việc bố trí các trạm kiểm tra xung quanh khu vực. Con đường liên tỉnh đi từ khu bảo tồn xuống Phú Yên có gây khó khăn cho công tác bảo vệ khi xe và khách vãng lai nhiều, song nó cũng góp phần quan trọng cho việc cơ động của lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Nếu sử dụng phương tiện ô tô, xe máy vào khu bảo tồn; chỉ duy nhất có con đường này mà thôi; nếu chặn hai đầu thì chỉ có “mọc cánh” mới ra khỏi khu vực. Ông Hạt trưởng còn vui mừng báo tin ngày 2 tháng 1 năm 2003 quân của ông đã chặn xe  47 L3242  phát hiện có hai con mang bị bắn chết, đã xử phạt 2 triệu đồng và cho đi. Có lẽ do cách phạt chưa “đủ độ” như vậy nên chiều ngày 28 tháng 1 vừa qua những người bị phạt tiền ấy đã mang thuốc, rượu đến hạt “biếu” để đưa một chiếc xe sang trọng mang biển kiểm soát 54 M 6265 của ông Giám đốc sở khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vào rừng “chơi” dẫn đến hậu quả hai con bò bị bắn.
        Nếu ta chỉ nghe ông Hạt trưởng trình bày cách “điều binh, khiển tướng” ở đây thì đến một cành cây, cọng cỏ cũng không ai lấy đi được. Thế nhưng thực tế thì sao? Điều băn khoăn của công luận là tại sao cái xe ấy, con người ấy ngang nhiên vào rừng bắn hai con Mang để bị phạt hành chính 2 triệu đồng rồi… tha! Nếu như  hạt kiểm lâm giữ người, giữ súng, giữ xe, giữ tang vật và xử  theo luật định thì chắc chắn hai con min quý hiếm kia đâu có bị chết oan như vậy! Và giá như khi phát hiện hai xe chạy vào rừng đi bắn, các nhân viên bảo vệ đuổi theo buộc xe quay ra thì đâu đến nỗi…
         Chuyện từ hai con mang đến hai con min là cả một quá trình kéo dài có biết bao nhiêu kế sách vạch ra để “tóm tận tay, day tận trán” như mấy ông cảnh sát hình sự điều tra vụ án. Tóm được kẻ bắn họ reo ầm lên, vỗ tay tự tán thưởng mình: giỏi! Và không ít người ở xa nghe tin cũng tưởng vậy. Song bọn họ quên rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ và giữ gìn động thực vật nơi đây chứ không phải chờ người ta, đốn cây, bắn chết thú để bắt; nếu vậy thì khu bảo tồn sẽ tồn tại bao nhiêu lâu nữa?
Ngày 25 tháng 2 chúng tôi quay lại khu bảo tồn gặp Hạt trưởng kiểm lâm EaSô để xác minh trả lời của ông Võ Thành Long giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, nghi can đồng chủ mưu trong việc săn bắn trái phép động vật quí hiếm tại đây. Trả lời câu hỏi của anh bạn phóng viên đi cùng: “Ông Võ Thành Long cho rằng, việc ông ta vào khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có thư tay của ông Bí thư Tỉnh uỷ Đắc Lắc gửi Hạt trưởng kiểm lâm EaSô; Chuyện ấy có không?” Ông Võ Đức Long không những khẳng định là có mà còn đưa cho chúng tôi xem bức thư của ông Bí thư  Tỉnh uỷ gửi cho ông viết trên giấy vở học trò mấy dòng vắn tắt có nội dung như sau: “Em Long thân mến, có đồng chí Long giám đốc sở công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là bạn của anh đến thăm vườn của anh, có Đại Hùng dẫn đến, em tạo điều kiện giúp anh”.
          Ông Võ Đức Long còn giải thích thêm: “Ông ấy vào thăm trang trại của Bí thư Tỉnh uỷ thì không nói làm gì, nhưng lợi dụng ảnh hưởng của người khác để làm bậy là không thể tha! Trang trại của Bí thư nếu đi theo đường nhựa nối khu bảo tồn với tỉnh Phú Yên thì ở phía tay phải, cách hạt kiểm lâm ba km đường nhựa, nhưng xe ông ta và xe của Đại Hùng lại chạy từ phía tay trái ra đường nhựa cách Hạt Kiểm lâm hơn một km”. Các bạn đồng nghiệp đi cùng tôi có lẽ quá bất ngờ trước sự “thành thật” của ông Hạt trưởng Kiểm lâm về việc trang trại tư  nhân thành lập ngay trong lòng khu bảo tồn nên hỏi thêm: “ngoài trang trại của Bí thư Tỉnh uỷ còn có trang trại nào nữa không?” Ông Long vui vẻ cho biết: “Ngoài trang trại của mấy vị cán bộ tỉnh, còn có trang trại của Bí thư, phó Bí thư huyện uỷ EaKar, của nông trường Phước An, trang trại của Hội Cựu chiến binh, của Công đoàn Khu bảo tồn v.v... mỗi trang trại khoảng 40ha.
         Tất cả những người có mặt tại nơi làm việc của ông Võ Đức Long Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên kiêm Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Ea Sô, đều ngạc nhiên đến sững sốt trước sự “thật thà” đến khó tin khi cho chúng tôi biết khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã được chia cho các “Sếp” và cả một số người làm công tác quản lý trong khu bảo tồn. Sự “thành thật” này là vô tình hay cố ý tố cáo với chúng tôi những tiêu cực đang xãy ra trong khu bảo tôn! Nếu làm một phép tính đơn giản như con số ước tính của ông Hạt trưởng Kiểm lâm Ea Sô thì năm trang trại của các “Sếp” ở huyện Ea Kar và khu bảo tồn đã tròn 200 ha đó mới là con số nói miệng, còn trên thực tế có lẽ còn khác nhiều.
         Chúng ta không sửng sốt sao được khi nhà nước đổ tiền của vào đây xây dựng khu bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn zen quí giá may mắn còn sót lại, thế mà họ nỡ đang tâm chia nhau làm “điền trang thái ấp” ngay trong lòng khu bảo tồn. Thực chất của việc này thế nào?
         Nếu tính bắt đầu từ khu nhà làm việc của ban quản lý khu bảo tồn xuống đến Hạt Kiểm lâm hai bên đường nhựa có chỗ đã được trồng cây keo tai tượng, bạch đàn khá xanh tốt. Song khi lội sâu vào khu rừng trồng hai bên đường ta sẽ ngỡ ngàng trước chiều rộng của mỗi bên chỉ trên dưới 30 mét mà thôi, còn phía trong chẳng có gì nữa. Đi tiếp qua trạm độ hai km tôi thật sự giật mình khi thấy trãi dài hai bên đường trồng toàn khoai mỳ; khoai mỳ ở đây tốt thật, cây nào cây nấy mập mạp và xanh ngắt. Qua hết rừng khoai mỳ độ ba km trước mắt hiện lên những quả đồi trọc cày  xới sạch tinh không một cọng cỏ trải dài đến hết cả tầm mắt. Chúng tôi tự hỏi chẳng lẽ đây là khu bảo tồn thiên nhiên hay sao? Họ giữ cái gì khi rừng bị cày xới ngang dọc trồng khoai mỳ và chờ mùa mưa tới để trồng các loại cây ngắn ngày khác. Xa hơn chút đến gần bờ sông Hinh, phần cuối của khu bảo tồn được điểm xuyến bằng những bầy bò đủng đỉnh theo nhau dạo bước. Những bầy bò đó là bò nhà chứ không phải bò rừng.
         Thế ra khu bảo tồn này lại có vùng  “đặc dụng” của một số người dùng làm vườn, làm trang trại phát triển kinh tế. Có lẽ nhờ “phép màu  thần kỳ”, khu bảo tồn thiên nhiên bỗng chốc biến thành trang trại, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Cũng theo ông Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Ea Sô cho biết: “mỗi trang trại thường có từ bảy đến mười người làm việc, số người vào làm đều có báo cáo cho Hạt”. Vậy trong số mấy chục con người ở rãi rác trong khắp Khu bảo tồn ấy, ai có thể giám chắc là họ chỉ làm thuê cho chủ trang trại chứ không  tàn phá cây cối, săn bắt chim thú khu bảo tồn và chắc chắn những ai đó không cố tình biến khu bảo tồn thành vườn của riêng mình thì chắc không xảy ra vụ thảm sát hai con min quí hiếm ngày 28 tháng 1 vừa qua.
          Giờ đây các cơ quan pháp luật cũng như một số cơ quan ngôn luận đang cố xem xét phải xử những tên săn trộn vừa qua như thế nào? Hai con bò bị bắn chết thuộc loại bò gì? Bò rừng hay Min? Nhưng có cơ quan nào lưu ý đến nguyên nhân vì sao họ lại vào đây đi săn và không phải là lần đầu tàn sát thú ở đây. Những cánh rừng bạt ngàn gỗ quí cách đây năm năm về trước giờ nó đi đâu, về đâu nhường chỗ cho các đồi khoai mỳ và những dải đất trắng thế này! Thảm thực vật tự nhiên cần bảo vệ bị quét sạch từng vùng và theo đó các loài động vật cũng phải ra đi là điều tất yếu; khi mà con người cứ tiến mãi, tiến mãi vào khu rừng cần bảo vệ. Vậy bảo vệ cái gì ở đây ?
          Đến hôm nay thực chất khu bảo tồn Ea Sô còn được bao nhiêu phần trăm sinh vật so với ngày đầu thành lập, chỉ có cơ quan chuyên môn mới xác định được; song đến huyện Eakar chắc chắn du khách muốn thưởng thức đặc sản thú rừng từ: Chồn, cáo,  thỏ đến nhím, heo rừng, nai v.v... thế nào cũng được đáp ứng đầy đủ. Chỉ tính từ thị trấn Eakar đến thị trấn EakNốp khoảng 10 cây số thôi đã có không ít hơn con số một chục quán thịt thú rừng.Thịt ấy ở đâu ra; nếu không phải từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ea sô!
          Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng có trách nhiệm hãy bớt chút thời gian vào “thăm” lại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và có biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng mượn danh bảo tồn để trục lợi cá nhân, biến tài sản quốc gia thành của riêng, ban phát cho nhau, xem thường kỷ cương phép nước. Phải tìm cho ra ai là kẻ chủ mưu trong việc “xẻ thịt” khu bảo tồn Ea Sô chia chác cho nhau và xử lý bọn chúng theo luật định. Có như vậy mới bảo vệ được các loài động thực vật quí hiếm còn sót lại nơi đây không bị hủy diệt. Và mai đây chúng ta không phải ân hận với với thế hệ con cháu vì đã không giữ được tài nguyên quý giá cho mai sau. 
  

                                                              26 Tháng 3 Năm 2003 

4 nhận xét:

  1. Ha ha, vớ được cái tem nhà bác
    mời bác qua thăm tôi nhé
    http://anhgiaolangchieng.blogspot.com/2011/12/the-nay-moi-la-nhat.html

    Trả lờiXóa
  2. mộc ghé thăm anh đây, chúc anh "chân cứng đá mềm" để đi và viết về Tây Nguyên Xanh hùng vĩ anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã vào thăm nhà mới của H,C.
      Chúc một buổi chiều như ý!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI