(trích trong tập bút ký TIẾNG KÊU CHIM ÉN - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2009)
Cuối buổi chiều, lúc sắp
làm xong công việc với lãnh đạo Huyện ủy Ea Súp, tôi hỏi đồng chí Phạm Tấn Bê,
Bí thư Huyện ủy:
- Là một trong những người đầu tiên đến đây
nhận công tác chuẩn bị cơ sở vật chất thành lập huyện và gắn bó với phong trào
của huyện từ đó đến nay, anh có thể cho biết ai là người đầu tiên đề xuất
phương án xây dựng đập Ea Súp và có thể khẳng định nhờ nguồn nước lấy từ hai hồ
Ea Súp Thượng và Hạ mà đời sống phần lớn đồng bào các dân tộc trong huyện đã
thay đổi cơ bản?
-
Bây giờ muộn rồi, ta nghỉ. Bảy rưỡi tối nay, mời anh đến làm việc, và sẽ gặp
người trả lời cho các anh câu hỏi này!
Mọi
người cùng cười, đứng lên bắt tay tạm biệt nhau. Bước ra lan can, nhìn về hướng
tây, tôi giật mình thấy mặt trời đã đi ngủ từ lâu. Một buổi chiều trôi qua thật
nhanh làm cả chủ nhà lẫn khách quên mất thời gian đang vùn vụt trôi đi. Ðúng
hẹn chúng tôi trở lại, đón chúng tôi, ngoài Bí thư Huyện ủy còn có một người
đàn ông cao, gầy, tóc bạc trắng, bàn tay gân guốc nhưng giọng nói còn rất khỏe.
Qua giới thiệu của Bí thư Huyện ủy, người đàn ông ở tuổi "cổ lai hy"
ấy là ông Nguyễn Công Huân, nguyên Chủ tịch huyện Ea Súp. Sau khi yên vị, ông
Nguyễn Công Huân vào chuyện ngay:
- Nhanh thật, mới đó đã hơn ba chục năm trôi qua. Ðầu năm 1976, tôi được
Huyện ủy Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cử dẫn quân vào Ðác Lắc để xây dựng vùng kinh
tế mới. Khi ấy cả vùng đất này thuộc huyện Buôn Hồ, năm 1977, tỉnh có chủ
trương tách vùng đất phía tây huyện thành lập huyện mới, đặt tên là huyện Ea
Súp, thị trấn huyện đặt tại xã Quảng Phú (bây giờ là thị trấn huyện Cư M'gar).
Sau một thời gian tách huyện, tỉnh thấy thị trấn đặt tại Quảng Phú không phù
hợp nên đã quyết định chuyển về đây. Theo tôi đó là một quyết định sáng suốt vì
địa thế thị trấn hiện nay, không những thuận tiện chỉ đạo công tác hành chính
cho cả huyện mà còn bảo đảm công tác an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế về
lâu về dài. Cái mới bao giờ cũng khó, khi ấy điều kiện vật chất còn thiếu thốn
trăm bề, bọn phun-rô thường xuyên phục kích cướp của, giết người, phá hoại cuộc
sống của nhân dân; ấy là chưa kể bọn Khmer đỏ hằng ngày vượt biên quấy phá. Bên
cạnh đó cái đói là nỗi lo thường nhật của mọi người. Cả vùng đất bằng phẳng,
rộng mênh mông như thế này mà tại sao dân không đủ ăn? Làm cách gì và làm thế
nào để dân không đói? Ðó là nỗi trăn trở của những cán bộ đầu tiên đến nhận
công tác nơi đây.
Ngừng lời nhấp một ngụm nước trà như muốn cho
trôi đi cái ký ức không vui đã qua. Ông Phạm Tấn Bê đỡ lời.
- Bác
Huân đây trước học Ðại học Nông nghiệp cùng khóa với ông Nguyễn An Vinh, Bí thư
Tỉnh ủy đấy. Khi huyện được thành lập, bác đang làm Trung đoàn trưởng Trung
đoàn xây dựng kinh tế mới tại đây. Bác rất năng nổ với phong trào của huyện
và là người đầu tiên vạch ra phương án phải làm gì để xóa được đói, để từ
đó có thể làm giàu cho người dân.
Chỉ
có những ai từng sống ở Tây Nguyên những ngày đầu giải phóng mới thấy hết được
giá trị của những người có tri thức khoa học lúc bấy giờ là cần thiết cho công
cuộc tái thiết vùng đất này như thế nào. Chúng ta bắt tay xây dựng lại đất nước
trên đống đổ nát của chiến tranh; thiếu thốn mọi bề nhưng có lẽ các chuyên gia
trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật là thiếu trầm trọng hơn cả. Thời ấy có một kỹ
sư nông nghiệp ở Tây Nguyên còn quý hơn vàng. Càng quý hơn khi người kỹ sư đó
đã kinh qua công tác nhiều năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong
công tác quản lý nông nghiệp. Với vốn liếng khoa học trong nhà trường, tích lũy
qua thực tiễn cuộc sống thì không còn gì quý hơn khi mang kiến thức đó vào áp
dụng, giúp đỡ đồng bào Ðác Lắc nói chung và nhân dân huyện Ea Súp nói riêng.
Qua
tâm sự của ông Nguyễn Công Huân, thỉnh thoảng có đôi lời của đồng chí Bí thư
Huyện ủy, tôi dần dần hình dung ra bức tranh cuộc sống của đồng bào các dân tộc
tại chỗ lúc bấy giờ, mà gam mầu trội nhất là: Ðói! Trình độ canh tác của bà con
còn lạc hậu, dựa vào sức người là chủ yếu, còn trâu, bò chỉ dùng làm thực phẩm,
cúng tế trong các ngày lễ, chứ chưa biết sử dụng làm sức kéo trong lao động.
Sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào trời. Gió mưa thuận hòa còn có thể
đắp đổi qua ngày, còn không là đói. Dân quê lúa Thái Bình vào đây cũng đói vì
chỉ có thể làm một vụ lúa rẫy vào mùa mưa, còn mùa khô, nước uống cũng hiếm chứ
nói gì dùng cho các việc khác.
Ðể thoát đói nghèo phải
trồng lúa nước, nhưng từ bao đời nay rồi, người dân ở đây chỉ biết trỉa lúa
trên rẫy, còn lúa nước, bà con cho rằng không thể trồng trên vùng đất cằn cỗi
này được. Không bằng lòng quan niệm đó, ông kỹ sư nông nghiệp trên cương vị Trung
đoàn trưởng đã tổ chức trồng thử bốn sào lúa ven suối trước sự nghi ngại của
mọi người, trong đó một số vị lãnh đạo cũng cho là viển vông, không thực tế.
Hạt giống Thái Bình quen với hương vị phù sa sông Hồng, không ngờ lại sinh sôi
nảy nở tốt đến thế khi được gieo trồng trên mảnh Ea Súp có đủ nước. Ngày lúa
chín, ông Trung đoàn trưởng mời các vị lãnh đạo về tận nơi mục sở thị. Cầm trên
tay bông lúa vàng óng ánh, nặng trĩu, hạt xếp lên nhau dài hơn gang tay, ai ai
cũng xúc động. Chìa khóa xóa đói, giảm nghèo đã tìm ra. Vùng đất Ea Súp cũng có
thể trồng được lúa nước. Câu chuyện như nằm mơ giữa ban ngày đã thành sự thật,
việc còn lại là phải tìm cho ra nguồn nước. Nếu có nước, cả vùng bình nguyên Ea
Súp rộng lớn mênh mông này sẽ là vựa lúa trù phú trên Tây Nguyên.
Thực tế đó đã làm nảy sinh ý tưởng đắp đập để cung cấp nước cho sản xuất
nông nghiệp, phục vụ đời sống nhân dân. Và Dự án xây hồ chứa nước Ea Súp đã ra
đời trong hoàn cảnh như vậy và được các cấp lãnh đạo ở trung ương cũng như địa
phương chấp thuận. Ðể thực thi Dự án đắp đập, cấp trên yêu cầu Trung đoàn của
ông Huân phải khai hoang được 400 ha đất trước khi công trình khởi công. Lúc
bấy giờ Trung đoàn đã được cấp máy móc phục vụ khai hoang, nhưng người sử dụng
còn ít. Ông mời toàn thể anh em đại đội cơ giới về họp, đặt ra yêu cầu phải
khai hoang gấp diện tích đất theo yêu cầu cấp trên giao. Ðại đội trưởng cơ giới
thay mặt anh em trong đơn vị hứa sẽ hoàn thành đúng tiến độ với một điều kiện:
"Ðược ăn một bữa no". Ông đồng ý và còn quyết định cung cấp cho anh
em lái máy mỗi ngày một gói thuốc lá.
Kể
đến đây, ông Trung đoàn trưởng khi ấy, sau này là Chủ tịch UBND huyện Ea Súp
không nén được xúc động, lấy khăn lau mắt. Ước mơ giản dị của người lao động
làm công tác nặng nhọc chỉ là "được một bữa no" chứ không phải là
hai, nhớ lại mới thấm thía cái đói khổ khi ấy. Ðể động viên anh em trong đơn vị
lái máy, hằng ngày ông Huân lên ca-bin xe cày, xe ủi, ngồi cùng tài xế, không
lái được thì ông ở bên cạnh động viên anh em cố gắng lao động tăng giờ, tăng
ca. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi đồng chí Y Ngông, Chủ tịch UBND tỉnh
xuống kiểm tra thực địa đã bắt tay chúc mừng ông ngay trên vùng đất vừa khai
phá đúng tiến độ. Cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị xong, các đoàn đưa quân vào thi
công và hồ chứa nước Ea Súp Thượng rồi Ea Súp Hạ đã ra đời như vậy. Hơn hai
nghìn ha lúa nước hai vụ đã hình thành, đời sống của nhân dân nơi đây thật sự
đã lật qua một trang mới: ấm no - hạnh phúc. Nhưng thời gian qua đi, liệu rồi
đây các thế hệ đã hưởng thành quả từ hôm nay có biết được cái buổi ban đầu trăm
sự vất vả của lớp cha anh đi trước. Họ đã đổ không chỉ mồ hôi, nước mắt mà còn
đổ cả máu xương xuống vùng đất này, khi đất nước đã thống nhất để có ngày hôm
nay: dân giàu - nước mạnh.
Như một câu chuyện cổ tích: vùng đất hoang vu đã thành cánh đồng
trù phú. Thành quả hôm nay là sự kết tinh của sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và
chính quyền các cấp với những cá nhân tiên tiến dám nghĩ dám làm, dám hy sinh
lợi ích cá nhân vì công việc chung, vì lợi ích cộng đồng. Hai đồng chí lãnh đạo
của huyện Ea Súp thuộc hai thế hệ kế tiếp nhau, không khỏi bùi ngùi, xúc động
khi nhắc lại các vị lãnh đạo huyện thuở ban đầu như: A Ma Ðam, Thu Nga, Y Sơn,
hay các vị lãnh đạo UBND huyện: Y Li, Y Nga Kbua, Trần Biên... Họ, nay người
còn người mất, người ở Ðác Lắc, người chuyển đi xa, nhưng tất cả đã góp công
sức của mình vào sự hưng thịnh của vùng đất bình nguyên Ea Súp bao gồm không
chỉ huyện Ea Súp hôm nay mà còn cả các huyện Cư M'gar, Buôn Ðôn. Ðêm về khuya,
từng cơn gió mát ào đến. Phía tây thỉnh thoảng lóe lên những ánh chớp ngoằn
ngoèo báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Cả thị trấn sáng trưng dưới ánh đèn điện
soi rõ những căn nhà cao tầng đứng uy nghi như tạc vào đường chân trời trong
một bức tranh. Nhìn về phía đông, dãy đèn điện trên bờ hồ đập Ea Súp Thượng
lung linh rải bạc xuống mặt hồ làm sáng bừng cả góc trời, như thể có một thành
phố vừa mới mọc lên. Chia tay các anh, lòng tôi tràn ngập một niềm vui. Ở vùng
đất giàu tiềm năng này, với cán bộ lãnh đạo sâu sát như các anh, tôi tin cuộc sống
của người dân sẽ không chỉ đoạn tuyệt được đói nghèo mà còn có thể làm giàu
trên chính mảnh đất tưởng chừng mãi mãi khô cằn này. Vùng đất ngủ quên bao đời
nay đã được đánh thức. Một tương lai rực rỡ đang đón đợi phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI