Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012


THƯƠNG LẮM - MỘT TIẾNG GÀ!
                                                                                                                 Ký

Dịch cúm gia cầm tràn vào nước ta như một cơn ác mộng khủng khiếp. Từ thành thị đến nông thôn, và ngay cả ở huyện Eakar, một huyện miền núi nhỏ bé nằm khuất sâu trên cao nguyên ĐăkLăk nó cũng không tha. Người dân ý thức được nhiệm vụ của mình trước tai họa khủng khiếp ấy nên đã kịp thời hủy cả đàn gia cầm nhà mình tuy chưa có dấu hiệu gì bị lây nhiễm bệnh và cách xa ổ dịch hàng chục km. Những buôn làng Tây Nguyên mỗi sáng thức dậy râm ran tiếng gà gáy gọi nhau như một bản nhạc đồng quê với đủ giai diệu, tiết tấu giờ đây không còn nữa. Tất cả đã lặng đi, tạo ra một khoảng  trống trong không gian, và cả trong lòng người dân quê khi thiếu vắng một tiếng gà gọi nhau.
Xót xa quá! Đau đớn quá! Nếu như làng quê Việt Nam chúng ta lại mất đi tiếng gà gáy quen thuộc, mất đi hình bóng những chú gà quanh quẩn bên gốc cây, bến nước, hay ngay cạnh những lối đi. Con vật quen thuộc ấy không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quý giá, quen thuộc, rẻ tiền và thuận tiện cho mỗi gia đình người nông dân Việt Nam - đặc biệt là người dân vùng núi cao, nơi đi chợ mua bán khó khăn, đất nương rẫy bạt ngàn luôn luôn vẫn có đồ ăn tươi hàng ngày mà còn xem đó là con vật không thể thiếu của mỗigia đình. Cho dù người dân có nghèo đến mấy, mỗi gia đình cũng có vài chục con gà đủ các màu sắc thơ thẩn trong vườn, bới đất nhặt sâu. Con gà đối với người dân Việt Nam chúng ta quý là vậy, đáng yêu là vậy, nay bổng nhiên biến mất làm sao không buồn cho được .
Tôi đi từ đầu huyện Eakar tỉnh ĐăkLăk nơi tiếp giáp giữa xã Cư Huê với huyện  Krông Păk, qua thị trấn Eakar đến thị trấn Eaknốp xuống tận xã EaTýh giáp ranh với huyện M’Đrăk, tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng một con gà, con vịt nào lang thang ven đường quốc lộ 26A, nơi mà cách đây chưa lâu chúng vẫn dắt nhau hàng đàn quanh quẩn quanh gốc cây cà phê bới rác nhặt sâu. Buồn quá, tôi quyết định vào tận nhà anh Nguyễn Đức Quảng thôn Quyết Tiến Đông, xã EaTýh huyện Eakar nơi cách trung tâm huyện khoảng 25km và cách ổ dịch được phát hiện tại huyện Eakar gần 30km. Tôi chọn gia đình anh để đến vì biết anh là người làm ăn giỏi, hai vợ chồng từ Hải Dương vào xây dựng kinh tế mới, sau hơn chục năm từ một mảnh sườn đồi cỏ gianh và một đọan sình sậy rậm rạp đã trở thành đồi cà phê, ao thả cá và một ngôi nhà mái bằng diện tích hơn 100m2 sừng sững mọc lên. Những lần vào chơi thăm gia đình, anh chị rất mừng gọi gà, vịt về kín sân rồi bảo : “Ở đây xa chợ, chỉ có cây nhà lá vườn mời các bác”; và cúi xuống chọn một vài con gà ưng ý bắt làm thịt. Còn hôm nay tôi đến đàn gà chỉ còn hơn trăm con, anh cho biết: “Thấy đài, báo, ti vi đều bảo dịch cúm gia cầm lây lan rất nhanh và còn lây cả qua người nên ai cũng sợ; lúc đầu rủ nhau cố ăn thịt hết gà, vịt kẻo dịch tràn đến chôn phí đi. Ăn nhiều quá cũng chán nên không ai ăn nữa. Tôi liều để lại cố nuôi thử số còn lại, may ra dịch không đến. Bác tính vườn rộng mênh mông thế này mà không có con gà, con vịt thì sống sao nổi!” Qua tìm hiểu những người dân cùng xóm với gia đình anh Quảng, họ đều giữ lại một phần nhỏ đàn gia cầm nhà mình mong gây giống lại, nếu không bị dịch. Còn nạn dịch đến thì thiệt hại cũng không đáng kể. Cách họ phòng bệnh cho gia cầm cũng đơn giản, theo kinh nghiệm cha ông để lại: Chờ mặt trời lên, khô sương, nắng ấm mới thả gà ra khỏi chuồng. Nền chuồng rải vôi bột và vệ sinh thường xuyên. Chỉ có vậy thôi mà họ đã giữ được đàn gia cầm cho đến giữa tháng hai này an toàn.
Tôi quay về thị trấn EaKnốp vào thăm trang trại của ông Huỳnh Ngọc Tâm thường trú tại khối 5 phường Tân Lập thành phố Buôn Ma Thuột. Địa điểm chăn nuôi bầy vịt chỉ cách chợ Bình Minh, trung tâm thị trấn EaKnốp khoảng 400m nhưng bầy ịt hơn 5000 con của ông vẫn khỏe mạnh, mỗi đêm vẫn đẻ hơn 4000 quả trứng . Sáng 15 thnág 2, khi tôi đến ông chỉ bốn sọt trứng lớn để góc nhà bảo: “Tối qua thu được 4000 quả, còn một số đẻ muộn hơn”. Trả lời tôi vì sao còn giữ được đàn vịt đẻ đông vậy? Ông cho biết: Nhà nuôi vịt từ lâu, bị dịch là chuyện thường. Để giữ cho chúng khỏi bệnh chỉ có cách chích thuốc phòng, vệ sinh chuồng trại, ban đêm giữ nhiệt độ cho ấm. Từ xưa, ông bà mình rất sợ trời lạnh và sương muối, đó chính là hai nguyên nhân chính gây bệnh rù và dẫn đến chết hàng loạt. Biết rồi tìm cách khắc phục sẽ được thôi! Tôi tò mò hỏi thêm: “Trứng vịt hiện nay bác cũng bán được sao?”  “Mấy đứa con nó bỏ mối cho người quen”.
Trước thực tế mắt thấy, tai nghe tôi tìm gặp ông Nguyễn Thành Long trưởng phòng địa chính - nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Eakar hỏi thêm về tình hình phòng chống bệnh dịch gia cầm trên địa bàn huyện. Ông cho biết : huyện Eakar cũng là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk bị dịch cúm gia cầm hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi gia cầm. Nhưng ngay từ ngày đầu phát hiện ổ dịch, ban chỉ đạo của huyện đã kịp thời khoanh vùng vận động nhân dân tiêu hủy đàn gia cầm theo hướng dẫn của Trung Ương , còn vùng lân cận phát thuốc phòng dịch hướng dẫn bà con làm vệ sinh chuồng trại, tạm thời nhốt, không thả rông như trước. Nhờ vậy đã gần chục ngày nay không có thêm trường hợp nào gia cầm bị chết do dịch cúm. Nếu cuối tháng 2 này ta khống chế và thanh toán được bệnh dịch gia cầm, hy vọng đàn gia cầm ở huyện Eakar sớm hồi phục. Song đó là với hộ cá thể chăn nuôi nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu hàng ngày cho gia đình thôi , còn các trang trại lớn thì đau lắm ! Để tìm hiểu nỗi “đau” của những trang trại chăn nuôi gà lớn trên địa bàn huyện Eakar , theo giới thiệu của ông Nguyễn Thành Long tôi đến trang trại An Nguyệt ở khối 3 thị trấn EaKnốp. Trao đổi với tôi, anh An chủ doanh nghiệp giọng buồn buồn cho biết : Trang trại hiện nay có 22.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu trên 18.000 quả trứng nhưng chi phí bình quân mỗi ngày gần 10 triệu đồng cho gà ăn, tiền thuốc phòng và trả lương 40 công nhân. Khi biết tin bệnh dịch tràn đế, trang trại đã chích thuốc phòng dịch, đốt lửa tạo khói cả ngày lẫn đêm cho trang trại theo kinh nghiệm cổ truyền và cứ 3 ngày rắc vôi bột một  lần toàn bộ trang trại rộng hơn 2 ha, hết từ 3 đến 5 tấn vôi . Cái mừng là giữ được đàn gà cho đến lúc này không bị bệnh, chưa phải tiêu hủy. Giá một con gà đẻ 50.000 đồng nếu tiêu hủy được trợ cấp 5.000 một con , thiệt hại đến 1 tỷ. Song cái khủng khiếp nhất không phải mất bạc tỷ mà chính là mất đi trong tâm hồn của mỗi con người một cái gì đó gần như máu thịt của mình giờ phải giằng nó ra, cắt nó đi.
Hình ảnh bầy gà đã quá thân quen đối với mỗi người rồi, nếu không còn gà nữa mọi người sẽ hụt hẫng. Ấy là chưa kể có thêm 40 người thất nghiệp. Cũng may mà còn giữ được đến hôm nay. Trong cái may lại có cái không may; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được!
Anh An dẫn tôi đi xem 5 gian nhà chất đầy trứng gà để tồn lại từ tết đến nay. Gần nữa triệu quả trứng không bán được vì không ai dám mua, trong khi để duy trì sự sống cho đàn gà hằng ngày vẫn phải cho chúng ăn, chăm sóc, vệ  sinh chuồng trại. Biết phải làm gì đây? cuối cùng đành phát huy “sáng kiến” lấy gà nuôi gà. Nghĩa là luộc trứng gà lên bóp nát trộn cám cho gà ăn đã giảm được 50% lượng cám ăn hàng ngày. Nếu không nhờ bạn bè giúp vốn chắc chắn trại gà của anh không thể  cầm cự nổi một tháng .
Trước lúc chia tay anh có nhờ tôi chuyển lời khẩn cầu tới các cơ quan chức năng hãy giúp kiểm dịch và cho lưu thông số trứng gà nếu đạt độ an toàn cho người tiêu dùng và ước mong các cơ quan bảo hiểm cho các chủ trang trại ĐăkLăk được mua bảo hiểm, giúp họ thoát khỏi cảnh trắng tay nếu có dịch tái diễn . Trước mắt rất mong ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi để duy trì đàn gà .
Vấn đề hiện nay đang đặt ra ở Eakar nói riêng và cả nước nói chung là làm gì và làm cách nào sớm khống chế được bệnh dịch , trả lại sự yên tâm cho mọi người dân có thể tiếp tục chăn nuôi, sử dụng thực phẩm chế biến từ gia cầm, đặc biệt là gà và vịt những con vật nuôi không thể thiếu trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam. Các cơ quan ngôn luận cũng như các ngành hữu quan cần có hướng dẫn cụ thể hoặc định hướng cho sự phát triển gia cầm trở lại trong một ngày gần đây .
Tôi mong ước và tin huyện Eakar tỉnh ĐăkLăk cũng như các vùng nông thôn khác ở Việt Nam sẽ sớm rộn rã tiếng gà mỗi sáng mai thức dậy như trước đây thì may mắn lắm thay .

                                                                                      Ngày 16 tháng 02 năm 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI