Chú thích ảnh: Tác giả và Đồn trưởng đồn biên phòng (ảnh trên);
Rừng biên giới (ảnh dưới)
Đại uý Y Bình, Chính trị viên
phó đồn Biên phòng 737 đưa tôi xuống xã Ia Rvê tìm hiểu thực tế đời
sống của người dân vùng biên, thuộc địa bàn Đồn phụ trách. Con đường đất khá
rộng, chắc xe đi lại nhiều nên đất bề mặt bị tơi ra như bột, ngập cả lốp xe.
Hai bên đường những cánh rừng điều chỉ còn trơ lại gốc to bằng chiếc mũ cối; từ
những cái gốc bị đốt cháy đen thui ấy, mầm non bụ bẫm, xanh mượt mà lại bung ra
chĩa ngọn như muốn lao lên bầu trời trong xanh. Bên đường, thỉnh thoảng mới
thấy một chiếc lều tạm che bằng tôn kẽm đứng ngơ ngác bên cạnh những cành điều
đen thui vì cháy không hết. Ngạc nhiên về quang cảnh được thấy ở hai bên đường,
tôi hỏi Y Bình:
- Tại sao điều bị chặt
phá hết đi vậy?
- Trước đây cả chục năm, người ta
lập dự án trồng điều trên các khu rừng thuộc địa phận huyện Ea Suôp, vốn bỏ ra
cả ngàn tỷ đồng, điều được trồng trên mảnh đất khô cằn của bình nguyên này
nhanh chóng phát triển, cành lá tươi tốt, trông đẹp mắt lắm; nhưng đến khi cho thu
hoạch thì... chỉ có nhiều hoa thôi, còn quả quá ít. Thế là dự án trồng điều bị
phá sản, người ta lại phải phá đi để trồng cây khác kinh tế hơn.
- Dự án trồng hàng ngàn ha rừng
mà không nghiên cứu kỹ dẫn đến hậu quả như thế
này, thật lãng phí quá, ai phải chịu trách nhiệm đây?
- Chốc nữa vào làm việc với UBND xã,
nhà văn tìm câu trả lời nhé!
A, cái tay Chính trị viên
Phó này cũng đáo để thật - Tôi tự nhủ thầm - nếu gặp
lần đầu, chắc chắn nhiều người sẽ nhầm anh là người con của vùng
đất ven biển miền Trung vì cái dáng to khỏe, cộng thêm nước da trắng chứ
đâu phải như các chàng trai Êđê có nước da bánh mật, bộ tóc xoăn tít... Chắc là
vì tế nhị nên không dám trả lời mình đây!
Nhìn
rừng điều chỉ còn trơ gốc và cành cháy đen thui, tôi thấy
buồn quá. Rừng vùng này tuy nghèo nhưng một số loài như: tre, nứa, cỏ gianh...
vẫn mọc xanh tốt về mùa mưa và đó cũng chính là nơi cho các bầy voi rừng lui về
trú chân mỗi mùa. Còn bây giờ trồng điều để rồi lại chặt đốt đi, thật lãng phí;
ấy là chưa kể công sức phải bỏ ra để đào gốc trả lại mặt bằng trồng cây mới...
Tiếp tôi tại trụ sở UBND
xã Ia Rvê là một phụ nữ còn
khá trẻ, được Đại úy Y Bình giới thiệu:
chị Lê Thị Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban xã. Sau cái bắt
tay thật chặt, chưa kịp ngồi xuống đã có một người đàn ông trung niên bước
vào hỏi tôi:
- Đồng chí cho xem giấy tờ?
Tôi hơi bối rối và bất
ngờ trước yêu cầu của người đàn ông mới vào;
chị Lê Thị Thảo như đoán ra ý nghĩ của tôi giới
thiệu ngay:
- Đây là đồng chí Chánh văn phòng
ủy ban xã, rồi quay lại nói với ông Chánh vừa vào: anh Hồng Chiến, nhà văn
công tác ở tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin vào công tác ở Đồn, được anh Y Bình
đưa ra thăm chúng ta đấy.
- Nhưng theo
quy định chung...
- Giấy giới
thiệu đây thôi!
Chị
Phó chủ tịch cười, giơ tay chỉ vào Đại úy Y Bình, làm
cả tôi và Y Bình đều bật cười; không khí nặng nề được xua tan, ông
Chánh văn phòng cười và nói thêm: Các anh thông cảm nhé, quy định của vùng biên
phải vậy. Tôi xin phép. Ông bắt tay tôi rồi bước ra ngoài.
- Quy định vùng
biên là vậy đấy, nhà văn thông cảm nhé!
- Không sao
đâu, hình như chị người Thanh Hóa phải không?
-
Dạ, em quê gốc huyện Quảng Xương, năm 1964 bố mẹ đi khai hoang
trên miền núi phía Tây tỉnh Thanh, sinh em trên ấy; khi Binh đoàn tuyển
công nhân trồng điều em vào đây trồng điều, đi xây dựng kinh tế ấy
mà.
Qua
trao đổi với chị Thảo, tôi dần dần hình dung ra con đường vất vả mà 1.435 hộ
dân đang sinh sống trên diện tích 22.700 ha của xã trải qua. Hầu hết người dân
nơi đây từ nhiều vùng quê khác nhau, theo chân bộ đội của Binh đoàn vào trồng
điều; cây điều không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn nên phải phá đi, chuyển
qua trồng cây keo lá tràm làm nguyên liệu giấy; vậy là dư người, thiếu đất,
quân đội thanh lý hợp đồng, người công nhân tự tìm việc mà làm. Người quê xứ
Thanh bán nhà cửa ruộng vườn kéo cả nhà vào đây với hy vọng xây dựng cuộc sống
tốt đẹp hơn nơi vùng đất mới, giờ không thể quay về quê quán nên phải ở lại tìm
cách mưu sinh. Đất bình nguyên Ea Suôp tương đối bằng phẳng, ít núi cao,
vực sâu; đất đai không đến nỗi cằn nếu... có nước!
Nước
của cả vùng chứ không riêng một xã là nỗi trăn trở của lãnh đạo cả huyện, cả
tỉnh đang phải tìm hướng khắc phục. Mùa mưa cây cối xanh tốt, trồng hoa màu chỉ
cần làm cỏ một lần là chờ thu hoạch. Hạt lúa, củ khoai vùng này nhiều hơn, to
hơn nhiều so với vùng quê: Ngọc Lạc, Lang Chánh, Bá Thước... xứ Thanh; ấy vậy
mà người dân định cư nơi đây vẫn nghèo. Nếu mùa khô, ô tô đi chỗ nào cũng được,
thì khi mùa mưa về chỉ cần chạy chệch vết bánh xe của người đi trước một tẹo
thôi thì... sập! Bẫy của thiên nhiên ấy, nếu không biết, lái xe tăng ga cố
thoát thì lại càng lún sâu hơn và chìm dần, chìm dần xuống mặt đất. Những hố
bùn sâu cả bốn năm mét có rất nhiều ở vùng này, tài xế không cẩn thận sẽ bị vùi
sống. Mùa mưa, lương thực, thực phẩm làm ra chất đống, không mua bán gì được vì
đường sá khó vận chuyển; còn mùa khô đến thì lại có cái khổ khác: đói nước!
Mỗi
thôn của xã đã được khoan một đến hai chiếc giếng, nếu
chỉ tính nước dùng cho sinh hoạt thôi thì tạm đủ, nhưng
khổ nỗi nước bơm lên để trong can qua một đêm thấy đáy can
đóng một lớp bùn trắng lắng lại bám dày cả đốt ngón tay; nước như thế làm sao
bảo đảm sức khỏe cho người dân. Mọi nhà phải tranh thủ mùa mưa hứng nước đựng
ăn quanh năm; song đâu phải nhà nào cũng làm được như thế, tội lắm! Các anh bộ
đội biên phòng bên Đồn chỉ có thể làm nhà giúp dân, hướng dẫn người dân chăm
sóc sức khỏe, bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa... nhưng không
thể cõng nước sạch đến cho mọi nhà hàng ngày. Để khắc phục tình trạng này, cấp
trên đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đưa nước từ hồ Ea Suôp Thượng
về, người dân hy vọng nhiều lắm, nếu có nước các cánh đồng lúa của xã không chỉ
trồng hai ba vụ mà hoa màu và nước sinh hoạt cũng được cải thiện, người dân
không phải dùng nước nhiễm vôi nặng như hiện nay.
Ngoài
trồng cây lương thực, nhiều hộ nơi đây còn chăn nuôi đạt hiệu quả cao vì cỏ
nhiều, lại được vay vốn của dự án 135, nên nhiều gia đình đã thoát nghèo và
vươn lên làm giàu.
Chia
tay chị Phó chủ tịch xã để đến thăm một số địa điểm
cũng như gia đình làm ăn khá của xã, lòng tôi thấy vui vui; cây
rau má, cây luồng xứ Thanh mang vào đất này không sống nổi; nhưng người con gái
xứ Thanh không những đứng vững, mà còn trở thành cái trụ vững chắc để hướng cho
nhân dân vùng biên biết vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu trên vùng đất biên
cương thừa nắng gió mà thiếu nước này.
-
Chị ấy cũng là dâu của Biên phòng đấy! - Ra đến xe, Đại úy Y Bình cho
biết thêm - Chồng chị là sĩ quan Biên phòng tăng cường
về xã, duyên số thế nào hai người nên vợ nên chồng, tình
quân dân thắm thiết thật sự, đúng nghĩa “cá gặp nước” đấy. Ở xã này có nhiều
cặp vợ chồng như vậy lắm!
Vùng biên khô hạn, khó khăn chồng chất
khó khăn, vậy mà người ta vẫn bám trụ lại được
và có thể làm giàu như các gia đình: ông Lê Văn
Sơ thôn 6, ông Võ Văn Vét thôn 11, ông Võ Văn Tuy thôn 5 v.v...
từ chỗ biết làm giàu người ta lại giúp cho người xung quanh thoát nghèo, vươn
lên; điều đó thật quý giá đối với những người xây dựng quê hương mới vùng biên.
Để mọi người dân xã Ia Rvê hết nghèo cần phải có thời gian và có... nước, nhưng
với những gì đang diễn ra nơi đây mà tôi được chứng kiến qua chuyến đi này, có
thể lấy lời Thiếu tá Bùi Quang Tuyến – Chính trị viên đồn 737 nói với tôi như
một lời khẳng định: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân dân cùng chung ý
chí, chắc chắn phòng tuyến biên giới sẽ vững vàng mà đời sống vật chất của nhân
dân cũng được nâng cao khi ta biết khai thác thế mạnh của từng vùng.
Vâng
tôi tin và mong như thế!
Mùa khô năm 2010
Hình như lần đi thực tế này, có người đã được gọi là "BIÊN GIỚI ơi"thì phải...Và có người thấy cảnh đẹp quá đã xuất khẩu thành thơ cho một người ở xa đây mà...
Trả lờiXóaHình như bạn là người có khả năng "Ngoại cảm" hay trí tưởng tượng phong phú đấy nhỉ!
XóaNL ko có khả năng đặc biệt gì, chỉ đơn giản là NL được đọc những câu thơ ấy từ một số máy........55 từ biên giới gửi về thôi ạ. Xin lỗi vì đã comment ko đúng trong blog của HC.
Trả lờiXóaSao N.L lại phải xin lỗi nhỉ? Chúc buổi tối như ý nhé!
XóaCảm ơn ạ!
Xóa