Trong những ngày cuối tháng bảy vừa qua, dân nhậu ở huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk
loan đi bản tin rất đáng lưu ý: muốn ăn đặc sản chim én hãy vào xã Chư Zang! Không
biết tin đó đúng sai thế nào mà người ta đổ xô vào để tận hưởng món thực phẩm mới,
lạ, hấp dẫn, kéo theo cả sự tò mò. Tuy không phải là đệ tử của “thần Lưu Linh”
nhưng cái tin có “đặc sản chim én” làm tôi phân vân nửa tin, nửa ngờ và nảy ra ý
định thử vào tận nơi xem sao. Biết đâu mấy tay bơm nhậu rủ nhau đi ăn thịt “rắn
vuông” cũng nên.
I/. Đường vào Chư Zang.
Sáng chủ nhật mùng hai tháng tám, tôi phóng xe máy từ thị trấn Ea Kar vào xã
Chư Zang. Con đường dài chưa đến 40 km nay đã được rãi đá cấp phối nên đi lại
khá tốt, không giống như mấy năm trước cũng con đường này nếu đi vào mùa mưa xe
máy phải đi mất cả buổi và chuẩn bị vài chục ngàn tiền lẻ trả tiền đi nhờ đất,
nhờ cầu. Quả thật chuyện thật trăm phần trăm mà nghe như bịa. Hồi đó đoạn đường
đi qua xã Ea Păn để vào xã Chư Zang vì xe ôtô, xe máy cày chạy nhiều nên có đoạn
bị lún xuống như ruộng, không thể nào đi xe đạp hay xe máy qua được; buộc lòng
người ta phải đi tránh chỗ lầy ấy vào góc vườn của một nhà bên cạnh đường dài
khoảng 20 mét. Chủ nhà rất vui lòng cho đi nhờ với điều kiện một xe máy đi qua
phải trả 1000 đồng còn xe đạp 500 đồng. Tính ra mỗi lần đi nhờ trên đất của người
ta mỗi mét phải trả 50 đồng. Chưa hết, cây cầu xi măng bắc qua con suối nhỏ chỉ
cách Uỷ ban xã Ea Păn khoảng 200 mét bị lũ cuốn trôi mất một đoạn đường ngay đầu
cầu rộng chừng hai mét. Một người dân gần đó sẵn lòng giúp người qua đường “làm
phúc”, tự mang mấy tấm ván nhỏ bắc qua chỗ sạt để người đi xe máy, xe đạp có thể
qua lại và chỉ “xin” trả công cũng đúng 1000 đồng một lần qua của xe máy và 500
đồng đối với xe đạp. Làm phép tính đơn giản ta thấy mỗi mét đi nhờ “cây cầu” phải
trả 500 đồng. Nhưng muốn đến UBND xã Chư Zang phải qua hai cây cầu như vậy và
giá cả như nhau. Ấy là chưa kể muốn vào mấy xóm phía tây của xã phải đi qua một
con đò mà giá “mềm” một chuyến cũng phải trả không dưới 10.000 đồng cho một lượt
người. Còn hôm nay xe chạy rất êm, không gặp ổ gà, ổ voi nào cả. Có lẽ vì đường
đi thuận tiện thế này nên mấy tay buôn bán thú rừng, sành ăn, mò vào đây cũng
phải.
Theo chỉ dẫn của người bạn đi cùng đường: đi tới trạm xá xã Chư Zang, rẽ phải
qua cầu Bò độ một kilômét, rẽ trái thêm ba kilômét nữa là đến đội 12 nông trường
717. Đoạn đường này khó đi vì phải men theo những lô cà phê xanh tốt um tùm, cây
nào cây ấy cành trĩu quả. Có lẽ cái nắng hạn kéo dài vừa qua của vùng Đăk lăk
không ảnh hưởng gì đến vùng này.
Con đường ngoằn nghèo đưa tôi đến trước một con hồ chiều ngang không lấy gì
làm lớn lắm; chỗ rộng nhất khoảng ba trăm mét, còn chiều dài có lẽ không dưới năm
kilômét. Trên hồ thuyền to, thuyền nhỏ tấp nập đi lại.
II/. Du ngoạn trên hồ.
Đang mãi ngắm hồ, bổng thấy có người vỗ vai hỏi: “Anh vào chơi à!”. Quay lại
tôi nhận ra anh Phạm Công Đức, giáo viên dạy trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Ea
Tý về nghỉ hè tại đây. Biết tôi muốn xem nghề “săn chim én”, anh tận tình cất
xe và nhờ người chèo thuyền dẫn đi. Trước khi chia tay, anh nói: “Trăm nghe không
bằng một thấy” ông xuóng đó sẽ rõ!
Mới chín giờ sáng mà thuyền neo ở bến bốn cái, không có ai trên thuyền. Người
dẫn đường bảo: “chủ nhân của nó mang chim ra chợ rồi”! Chỉ mấy phút sau lại có
ba chiếc nữa cập bến; mỗi thuyền có hai người, khi họ rời thuyền mỗi người xáh
trên tay hai cái lồng lớn đầy chim én. Qua trao đổi cùng người thanh niên khoảng
hai mốt, hai hai tuổi xách chim én lên bờ đầu tiên, tôi được biết những người bắt
chim Én đi từ lúc năm giờ sáng và bắt đến tám rưỡi, chín giờ, tuỳ theo én nhiều
hay ít rồi về; chiều ba giờ đi bắt tiếp đến sáu giờ tối. Mỗi buổi đi bắt nếu
nhiều được năm bảy trăm con, còn ít cũng được trên dưới trăm con. Cái nghề này
xem ra “phát đạt” đa số những nhà gần hồ đua nhau hành nghề.
Thuyền chúng tôi rời “bến” ra hồ. Gọi là “bến” những đó chỉ là một lạch nước
ăn sâu vào khu đất cao, đầu con đường cụt. Nhiều nhà xa hồ phải để thuyền tại đây
nên thành “bến”, còn những nhà sát bờ hồ đều có bến riêng của họ. Theo tay anh
bạn chèo thuyền chỉ, tôi thấy trên hồ có rất nhiều điểm bẩy én, cách bẫy khá đơn
giản; trước tiên chọn hai cây trúc hoặc cành tre khô cao độ hai mét (không kể
phần cắm dưới đất) buộc vít lại với nhau, trên đỉnh gò đất nổi trên mặt hồ, dưới
gốc cây cắt cỏ gianh làm thành cái chòi nhỏ cao độ một mét, rộng bằng khu đất nổi.
Thế là xong công việc chính, việc còn lại
thì đơn giản: dùng một cây sào dài một đầu có quét nhựa để dính các chủ chim én
khờ khạo đến đậu trên hai cây trúc buộc sẵn trên chòi. Để dụ chim đến đậu người
ta buộc sẵn một con chim én mồi. Con chim mồi tội nghiệp này bị khâu cả hai mắt
không dám bay mà chỉ đứng kêu những tiếng kêu đau khổ, tắt nghẹn. Nó đâu biết
những tiếng kêu bi thương đó đã gây nên tội ác đẩy đồng loại vào chỗ chết. Những
con chim én tự do vượt hàng vạn kilômét đi tránh đông đến đây thấy tiếng kêu đau
đớn cuả đồng loại vội dừng cánh trên các cành trúc. Chỉ chờ có thế, người thợ
“săn” núp phía dưới nhẹ nhàng đưa cây sào đã quét nhựa chạm vào người chim và kéo
xuống bỏ vào lồng. Các con khác không biết cứ lao đến đậu, người thợ “săn” phải
nhanh tay và khéo léo tóm từng con, từng con cho đến hết. Sau một buổi săn người
ta lại thay bằng con mồi mới, còn con cũ đã kiệt sức không dùng được nữa.
Trên mặt hồ ngoài thuyền bắt chim én ra còn có thuyền đánh cá cũng khá nhiều
và hoạt động cả ngày. Chim chóc ở đây cũng nhiều. Bầy vịt trời khoảng ngàn con
mãi mê kiếm ăn, thuyền đi sát tới nơi mới lười nhác vỗ cánh bay một đọan lại đáp
xuống. Trên các đám cỏ năn từng bầy chim Két màu xanh biết, mào đỏ chót đứng trên
đôi chân cao kều cứ nghển cổ nhìn người chèo thuyền; có lẽ trên hồ loài chim này
lớn nhất, lớn hơn cả vịt trời. Ngoài ra, trên hồ còn có gà nước, le le rất nhiều
bơi lội tung tăng trên mặt nước.
III/. Đặc sản chim én.
Muốn có thịt én để “nhậu” ắt người ta phải nghỉ cách bắt. Cái nghề bẫy chim
én không biết bắt đầu từ ai và có từ lúc nào không ai còn nhớ. Song người dân ở
đây cho biết cứ tháng hai, tháng ba là mùa “tiểu én” - én về ít, còn tháng bảy,
tháng tám là mùa “đại én” - én về nhiều và bắt cũng được nhiều. Mỗi con én giá
chỉ hai trăm đồng. Nếu bắt một ngày măy mắn cũng có thể kiếm vài trăm ngàn. Việc
lại nhàn hạ, không vất vả gì nhiều. Mùa này học sinh nghỉ hè nên cũng được huy động
tham gia bắt én rất đông. Quả thật đây là nghề nhanø nhã mà “hái ra tiền”!
Tôi nhẩm tính riêng khu vực ven hồ đội 12 nông trường 717, xã Chư Zang mỗi
ngày có khoảng hai chục cái “bẫy” bắt chim Éùn hoạt động thì một ngày trên dưới
xấp xỉ mười nghìn con én phải vào lồng; một tháng con số đó sẽ là ba trăm ngàn
con. Một con số khổng lồ đủ để cung cấp cho dân hành nghề kinh doanh“đặc sản” vận
chuyển đi đâu không rõ.
Thịt chim én thơm và ăn rất dòn, có người quả quyết ngon hơn thịt bồ câu
nhiều lần; cách làm thịt cũng đơn giản: vặt sạch lông, thui qua lửa rơm cho vàng,
rửa sạch, mổ bụng moi lòng bỏ đi, rồi nhét thêm mấy hạt sen, hạt lạc đã ngâm nước
vào bụng, ướp gia vị để độ năm phút rồi đem nấu.
Có ba món chính được chế biến từ chim én là: nướng, chiên dầu và tẩm bột xào
lăn. Nếu nướng người ta chọn chiếc lá chanh hoặc lá bưởi cuộn tròn con én đã tẩm
gia vị bỏ vào vĩ đặt lên bếp tham hồng. Người nướng phải quạt liên tục mới không
bị tắt than. Mở trên mình chim chảy xuống than hồng toả mùi thơm ngào ngạt kích
thích nước miếng ứa ra đầy miệng. Thịt chín được xếp lên đĩa có lót rau xà lách
và một ít lá hành, ngò, mùi tàu. Khi ăn, quấn thêm các loại rau thơm quanh miếng
thịt, bỏ vào miệng ăn, vị ngọt đậm đà quện vào đầu lưỡi; mùi thơm của thịt én rất
riêng biệt tạo cho ta cảm giác lâng lâng.
Thịt én ngon thật! Và người ta đồn rằng có ba vị chức sắc nọ vào thưởng thức
“đặc sản chim én” một lần hết ba thùng Tiegr và 1.000 con chim én. Nhiều ngươì ăn
quen đâm nghiện và có lẽ vì thế người ta đổ xô đi săn chim én hình thành một làng
nghề “hái ra tiền”, ai mà chẳng ham.
Chỉ tội con chim én, sứ giả của mùa xuân, biểu tượnh của tình yêu thiên nhiên
mãnh liệt; tuy thân hình bé nhỏ nhưng can đảm tuyệt vời đã tung cánh bay liên tục
một nửa vòng trái đất về đến đây được đón tiếp nồng nhiệt trên bàn nhậu. Tôi còn
nhớ hồi nhỏ, bầy trẻ chăn trâu bao giờ cũng náo nức chào đón bầy én bay rợp trời
trở về phương bắc khi hoa đào nở rộ. Không ai nỡ làm hại chúng dù chỉ là va chạm
nhẹ. Còn giờ đây người ta đang tôn chúng lên hàng “đặc sản” và cứ đà này thì không
bao lâu nữa con cái chúng ta chỉ biết đến loài chim én qua sách vở mà thôi. Tôi
nghiệp loài chim bé nhỏ, can trường, giàu lòng trắc ẩn và tình đồng loại mà mất
dần, mất dần.
Rời xã Chư Zang tôi còn nghe thấy tiếng kêu khắc khoải của con chim én tội
nghiệp vang vọng trong tâm. Không biết những người có trách nhiêïm gần đó có
nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng ấy không? Hay họ chỉ còn nghe vương vấn mùi thơm
đặc sản “chim én”.
IV/.Khúc vỹ thanh.
Viết xong bài ký này, tôi mang đọc cho mấy người bạn hàng xóm cùng nghe. Một
người bạn có vẻ đắc ý cứ gật gu, gật gùø một chặp rồi bất ngờ chỉ vào mặt tôi
phán một câu tỉnh khô: Anh đúng là người “ngoài hành tinh”! Tôi giật mình hỏi: “Tại
sao ông lại nói thế?” Anh ta mới thủng thẳng trả lời: “còn không đúng sao! Bây
giờ cần gì phải vất vả vào Chư Zang, xứ “khỉ ho cò gáy ấy” để xem chim én. Ngay
ở chợ Bình Minh thị trấn Ea Knốp này thôi, buổi sáng muốn mua bao nhiêu chim Én
mà chẳng có. Ông không tin sáng mai ra xem”!
Có thể nói không ngoa, thị trấn Ea Knốp, huyện Eakar là thị trấn công nghiệp
đứng vào hàng lớn nhất nhì của tỉnh Đăk Lăk. Vậy người ta bán buôn loài chim quý
trái pháp luật như vậy mà vẫn tồn tại tại đây chăng? Không thể nào có chuyện đó
xảy ra được; tôi muốn tin như vậy. Thật không ngờ sáng hôm sau tôi theo người bạn
ra chợ Bình Minh và chứng kiến người ta bán bốn cái lồng đầy chim én to đùng
ngay tại hàng gà. Mỗi lồng nhốt tới hàng ngàn con. Cô bán hàng đon đả: “Mua đi
các anh, hôm nay có ít; không mua là hết phần đấy”! Tôi ngao ngán đứng nhìn người
ta đổ xô vào mua én; người mua năm bảy chục, người trăm, hơn trăm con; song cũng
có người mua đúng hai con. Tò mò, tôi hỏi một người mua: “Sao anh mua ít vậy?”
Người mua, cười trả lời: “À, rẻ quá chỉ 500 đồng một con, mua về cho bọn trẻ chơi.”
Thật buồn cho “sứ giả mùa xuân”; người ta sao mà vô tình đến vậy? Nhưng cũng
phải thôi, người bắt được chim bán 150 đồng một con và người chở én đi chưa đầy
40 km giá đã lên 500 đồng một con. Lãi to thật! Nhưng rồi sẽ ra sao én ơi! Nếu
người ta cứ vô tình bước qua pháp luật tự do bắt, bán, ăn nhậu én như thế này?
Mùa thu năm 2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI