Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

CHỚP BỂ MƯA NGUỒN truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018




Chúng tôi lạc vào giữa một cơn giông. Chớp từ giữa những đám mây lóe sáng. Bạn vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa hỏi tôi: "Bạn có thấy gì không, giữa những tia chớp ấy?" Thấy, có nghĩa là không thấy gì cả. Tôi không kịp nhìn, không kịp thấy, vì tôi đang sợ. Cái mạng sống nhỏ nhoi của mình đây, chỉ cần một tia chớp chạm vào, cộng thêm một tiếng sét nữa, là xong. Tôi cầm chặt tay bạn, sợ lạc mất nhau, sợ không còn tìm được nhau nữa, sau cơn giông này. Bạn thì thầm vào tai tôi: "Đừng sợ!" Tôi cũng thì thầm, đừng sợ. Nhưng, sau mỗi tia chớp lóe lên, tôi lại thấy mọi vật đổi khác, rất nhiều. Lần chớp lóe đầu tiên: Cây cối đang rạp mình trong gió, gương mặt bạn ướt nhòe nước mưa... Lần chớp thứ hai: Núi đồi đã bị cạo trọc như sau một phép màu cổ tích, bạn tôi vẫn ở cạnh tôi, nhưng khuôn mặt đã biến mất, chỉ còn lại hai con mắt như hai cục lửa mùa đông...
Lần chớp thứ ba: Bạn tôi biến mất, chỉ còn một bàn tay của bạn vẫn nằm trong tay tôi, ấm nóng. Xung quanh tôi, hình như núi đồi, cây cối đang nhất tề đứng dậy. Chúng có hình mũi tên, hình lưỡi lê, lưỡi mác. Những vệt màu đen chĩa thẳng lên trời. Đừng sợ, tôi tự động viên, việc đâu còn có đó. Tiếng sấm rất giòn, như tiếng gãy của một chiếc cầu. Lạ là tôi thấy mình không hề cô đơn. Trong tay tôi, bàn tay bạn vẫn ấm nóng như chưa hề bị mưa, bị ướt. Những hình hài cây cối núi đồi bên cạnh cũng gần gũi, thân thương. Ơ hay, cây cối thường ngày hiền hậu thế, núi đồi thường ngày bình lặng thế, sao trong phút chốc thôi, chúng đã biến thành…? Chỉ tiếc là chúng biến hình quá nhanh, khiến tôi nghi ngờ thị lực của mình. Có thật không, núi rừng này, cây cối này… Sấm sét vẫn liên tu bất tận. Tôi cầm bàn tay còn lại của bạn, ấp lên ngực mình. Những ngón tay mềm mại như nhung. Tiếng bạn vẫn văng vẳng: “Đừng sợ!” Dưới chân, nước đã tràn qua gối.
Tôi lầm lũi bước đi trong gió thẳm mưa ngàn. Trước mặt là núi đồi, là sa mạc, là ruộng đồng, là gì nữa, tôi không dám chắc. Bạn tôi đã biến mất rồi. Bây giờ, tôi còn lại một mình. Cuộc sống trở nên vô nghĩa. Nếu ai hỏi: “Mày đi đâu giữa lúc trời giông gió?” Tôi sẽ không tìm được câu trả lời hợp lý, dĩ nhiên rồi. Nhưng sống ở đời, không lẽ vì gió mưa mà cứ mãi ngồi một chỗ? Con đường phía trước trải rộng ra vô tận. Hai bên đường xếp la liệt những chuồng, những cũi. Bên trong, nhốt la liệt hình hài. Có cũi nhốt hổ, nhốt voi, nhốt trâu, có cũi nhốt người. Những hình hài nằm phủ phục dưới mưa, lặng lẽ nhìn tôi. Hoàn toàn không có tiếng nói, tiếng rên hay tiếng gào thét ở đây.
Cuộc sống đang trở nên câm lặng khác thường...
Đột nhiên, giọng nói của bạn vang lên: “Hãy bỏ tay tớ ra, tớ không đi với cậu được nữa, con đường này còn dài lắm, lại hiểm nguy nữa, chia tay thôi nhé!” Tôi buông tay bạn ra, bước tiếp. Ngoái lại, thấy bàn tay thân thương ấy vẫn còn vẫy vẫy. Chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ cơn giông sẽ ngừng trong đêm nay. Chớp lại rạch ngang trời: Bây giờ, trước mặt tôi là sông, hoặc là biển. Nước lênh láng, dập dềnh. Nổi lênh đênh trên nước là rất nhiều pho tượng. Có phải đó là những pho tượng nhà mồ của người đồng bào bản địa, trong cơn hồng thủy đau thương này, đành giã biệt người thân mà chọn dòng chảy long đong? Hay đó là những pho tượng bằng đồng, bằng sắt, bằng cẩm thạch của những nghệ sỹ tài ba vắt óc thiết kế để kê vào cho cuộc sống này thêm chắc chắn, bây giờ đã trôi đi?
 Thuở bé, lúc còn chăn trâu cắt cỏ, tôi từng chơi trò nặn tượng. Những hình người nhỏ bằng ngón chân cái, nặn bằng bùn dẻo trộn phân trâu đặt bên bờ nước vũng trâu đằm. Tôi và bạn bè cùng trang lứa nặn ra để chơi, chỉ để chơi thôi. Cho nên, tối về nằm ngủ, tượng cũng về theo. Còn bây giờ, trước mắt tôi là những pho tượng bị nước cuốn đi, nhận xuống, trồi lên.
Hết đêm nay, nếu trời không dứt mưa, có thể tôi không bước đi được nữa. Một mình đi trong đêm dài vô định, bạn đã bao giờ ở vào cảnh này chưa? Người đi cùng với tôi đã buông tay, rẽ về lối khác. Dấu vết của bàn tay ấy, đã in rõ trên ngực tôi một vết lằn, như chiếc thuyền nằm trên cát, khi nó đi xa rồi, còn in rõ dấu nằm, tương tự một vết thương không rỉ máu đúng quy trình. Cuối cùng thì cũng có một lần đau. Lần này, tia chớp ở sát ngay trước mặt, và tiếng nổ khủng khiếp ở trên đầu. Tôi hoàn toàn mất cảm giác, mất luôn khả năng tri giác. Đêm đen đã nở hoa, cả ngàn hoa vỡ òa trước mặt. Này thì dã quỳ, nãy thì ngũ sắc, này thì tử đinh hương, này thì bất tử… Nếu thế giới này được hình thành bằng một vụ nổ thì rất có thể, nó cũng sẽ kết thúc tương tự. Không phải lê từng bước chân ngập ngụa trong bùn nữa, bây giờ, tôi có thể bay lên, rất cao và rất nhẹ…
Bây giờ thì nắng, và gió nữa. Thảo nguyên mùa này đẹp lắm! Đồng cỏ chín dưới nắng xuân đang giấu một bí mật nào đó, chưa kịp kể với tôi. Tôi không vội hỏi. Mùa xuân còn, chưa hết. Từ trên cao nhìn xuống, tôi đang muốn tìm một bóng hình quen thuộc: Cái bàn tay đã làm tôi đau ấy, bây giờ ở đâu? Tôi một mình đi qua mưa nguồn chớp bể, qua hết thảy tin yêu và phản trắc, lọc lừa chỉ để giữ riêng cho mình một vết thương ư? Tôi ngồi xuống với đồng cỏ, ngắt một chiếc lá xanh đặt lên ngực. Chiếc lá bỗng cất lên tiếng hát. Đó là bài hát về những cánh rừng trong dĩ vãng, về những dòng sông đã đổi dòng, về những hoang vu đã bất ngờ lùi vào quá khứ. Tiếng hát nhỏ chỉ đủ sức vọng vào vách núi, rồi từ đó mới dội ngược ra, rền rĩ, ngân xa.

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

VẮNG Truyện ngắn của LÂM HẠ - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018




Đường tàu dài, và tối.
Cả đoàn người đứng đợi, người lên người xuống, đếm số thứ tự.
Hành lang dài, và tối.
Cả bọn đứng yên lặng nhìn đoàn tàu xình xịch chạy quanh thành phố.
Ký túc xá dài, và tối.
Có mùi, tanh.
Mày là thằng hay con, đực hay cái, trai hay gái? Đã dậy thì chưa? Mộng tinh buổi nào, kỳ kinh đầu tiên mấy tuổi? Biên rõ ra đây.
Cho lên tàu, khoang hạng nhì, buổi chiếu phim sex lúc 00:00 giờ.
Ký túc xá sáng đèn, dài.
Học cấp tốc cho lớp xóa mù chữ.
Phấn trắng bảng đen.
Phấn này là xương bả vai, xương cánh tay, xương sườn, xương đùi, xương quai xanh, xương người, xương động vật.
Viết rõ bảng chữ cái Tiếng Việt
A B C X Y không Z
Thằng Z là của bọn tây, ta nó khác chứ, ta là là mà tây là tây.
Bọn Tàu thì còn để tính xem, dù sao cũng là gốc Hán, bao nhiêu phần trăm? Chưa biết, học thuộc bảng chữ cái đi đã.
Chết mẹ, hết phấn, đi đào thêm phấn ngay.
Đợi tàu qua đã, không nó cán thành phấn sống bây giờ.
Sao tàu có tiếng rú to hơn tiếng còi hú, ơ ớ ơ, chúng nó đang lăn lộn gì trong đấy.
Phim, phim trần truồng chúng mày ơi.
Đi đào phấn nhanh, chưa thuộc bảng chữ cái.
A
A á a
Phim, nhanh coi phim không tàu qua mất.
Còn thiếu một đứa, sao không đi học nhỉ.
Hay nó thuộc bảng chữ cái rồi? Hay nó chuồn lên tàu xem phim trần truồng.
Nó chưa dậy thì, ai cho mà xem, phải học thuộc bảng chữ cái.
Đào phấn nhanh bọn ngu này, chúng tao dạy miễn phí còn phải đợi chúng mày, nhanh chuyến cuối chúng tao về. Trễ tàu là hết phim.
Đào nhanh, thiếu một đứa.
Nó trốn đâu?
Không biết, từ ban chiều đã không thấy tập hợp tại nhà ăn.
Hay thức ăn không ngon, chỉ là xác thối thôi mà, mấy lần trước còn ăn cả giun dòi bọ, vẫn khỏe chán.
Không phải chê thức ăn, hay nó đợi chúng mình đi đào phấn về rồi nó mượn học chữ.
Láo thật, láo thật.
Đi tìm nó, đi tìm nó ngay. Bắt nó róc xương làm phấn sống, chút thịt còn đãi cả lũ buổi điểm tâm ngày mai.
Tàu qua, phim phim, nhanh nhanh chúng mày.
Lũ kia, có nhanh không cho chúng tao còn về, phấn đâu, đào phấn nhanh.
Bắt đứa vắng mặt là có phấn.
Nó đâu.
Không biết, xem phim đã.
Nó đang đóng phim.
Nó chưa dậy thì mà.
Nó là trai hay gái, đực hay cái?
Không xác định, phim, nhanh lên chúng mày, phim.
Nó trên tàu, nó trên màn hình.
A á a.
Nó đang học bảng chữ cái rồi.
Nó không cần phấn, nó tự đánh vần trên phim.
Vậy thì không cần học nữa chúng mày, lên tàu, xem phim là đánh vần được.
A á a.
Ai cho chúng mày lên, biên hết hồ sơ lý lịch ra đây, nhóm máu nào, bán máu mới được mua vé.
Thế sao nó được lên tàu, còn lên cả màn hình đóng phim.
Nó bán nửa lượng máu, mua được vé nguyên năm.
Vậy à, chúng tao cũng bán.
Bán vậy thì sống chả được mấy đâu.
Vậy sao nó sống được nguyên năm trên tàu.
Vì nó đợi chúng mày lên hút lại máu, chúng mày lên không.
Lên, học chữ cái không phải đào phấn, còn được xem phim, lên lên.
Xác định nhóm máu, bán bao nhiêu thì đổi vé bấy nhiêu.
Đứa nào đực hay cái, trai hay gái, dậy thì chưa? Biên cả ra đây.
Nó đâu rồi nó đâu rồi.
Nó xuống tàu rồi.
Sao lại xuống, vậy ai đóng phim cho chúng tao xem, ai dạy chúng tao đánh vần.
Không biết, tự chúng mày lên, nó không mời.
Thế nó đi đâu rồi.
Nó đi tìm phấn, phấn.
Tìm ở đâu cho chúng tao xuống tìm cùng, mai phải xóa mù chữ.
Ở hành lang ký túc xá.
Ơ, sao lại tìm ở đấy, có mả đâu mà đào.
Nó đang róc phấn sống cái lũ dạy chữ cái cho chúng mày. Giờ nó thuộc rồi nó dạy lại chúng mày, không cần lũ kia nữa.
Hoan hô hoan hô, vậy cho chúng tao xuống học chữ, mai phải xóa mù.
Không được sắp 00:00 giờ, khoang hạng nhì phải chiếu phim, giờ chúng mày phải đóng phim.
Chưa thuộc bảng chữ cái, không biết đóng phim.
Chỉ cần trần truồng.
A á a.
Và trần truồng.
Vậy là xóa mù, không cần đi học chữ nữa.
Chuẩn, qua khoang hạng nhì ngay.
Còn nó, nó đâu, sao vắng mãi thế.
Chúng mày không bao giờ thấy được nó. Cứ yên thân với số phận của chúng mày đi.
Ký túc xá dài, và tối.
Đường tàu dài, và tối.
00:00
A á a.
A á a.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

TRÒ CHƠI CỦA NHỮNG GIỌT NƯỚC Truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018




Những giọt nước bắt đầu cuộc hành trình của mình. Chúng từ từ chạm xuống nền gạch hoa trơn láng hơi xỉn màu. Ca Nhi không hề muốn ngắm nghía không gian chật hẹp, nơi nàng đang tồn tại lúc này. Nàng hồ tưởng rằng, nàng đã thoát khỏi trò chơi của những kẻ giữ gìn kí ức. Và với nàng, ít nhất với nàng, dĩ vãng - kí ức là thứ khiến nàng tồn tại một cách có ý nghĩa nhất. Dù vậy, nàng hẳn biết, kí ức có thể đẹp lung linh như biển sao trên bầu trời đêm mùa hè, nhưng chắc chắn chúng cũng xỉn màu và nhiều khi ố vàng đến độ khó có thể tẩy xóa được dù ở bất kì mặt phẳng nào đi nữa.
Ca Nhi tiếp tục ngắm nghía giọt nước trên mắt nàng, chúng đang rơi, chậm chạp rồi dần dần lớn lên khổng lồ, sau đó vỡ ra thành từng phân tử nước tan vào không khí. Nàng cảm tưởng thời gian đang đứng lại, khi nhìn những giọt nước chơi trò chơi của chúng. Thi thoảng nàng tự mình hoang tưởng và luôn luôn cho rằng những giọt nước đều có chân. Chúng có thể bước đi như người. Chúng có thể nhảy múa, khiêu vũ trong nhạc điệu mơ mộng của một thời tuổi trẻ. Hoặc, chúng sẽ biến mất không một dấu vết, tựa hồ chúng chưa bao giờ tồn tại. Nhưng, với Ca Nhi lúc này, khi đóng vai người giữ kí ức, những giọt nước mắt của nàng đã từng tồn tại, không thể nào chối cãi. Ở đó, nơi nàng cất giấu bí mật của tuổi mười sáu, mười tám, đôi mươi.
Một đêm mùa hè. Những giọt nước hoá thành những ngôi sao, biến mất vào khoảng trống mênh mông bên ngoài khung cửa sổ của căn phòng hẹp. Thi thoảng, Ca Nhi nghĩ, nàng nên dừng chúng lại, trò chơi của những giọt nước, và trò chơi của nàng, kẻ giữ gìn kí ức cùng những lá thư viết tay ố vàng mười năm, hai mươi năm. Nàng rời khỏi căn phòng hẹp. Bước chân ra phố, ngắm sao đêm. Những ngôi sao lấp lánh từ khi nàng chào đời cho đến khi nàng ngồi trong căn phòng hẹp của riêng mình và bày trò chơi với những giọt nước lạ lẫm này.
Đêm mùa hè không có hương nồng của hoa sữa. Nàng nhớ, phải đến tháng bảy, tháng tám. Vài con đường mới bắt đầu ngập tràn kí ức. Chẳng một ai rảnh rỗi canh giữ ngôi đền tuổi trẻ đó như nàng. Tất cả những giọt nước đã hòa tan vào cuộc đời thường nhật, réo rắt cơn sôi bỏng rát của nắng cháy mùa hè. Nàng đã bước ra khỏi căn phòng hẹp, nhưng vẫn không rời bỏ được cuộc chơi của những giọt nước mà nàng đã trót bày vẽ. Chúng hẳn sẽ không dừng lại. Trong căn phòng hẹp của nàng, chúng sẽ tự mình đùa chơi với nhau.
Nàng không dám tưởng tượng thêm nữa. Đèn đường hắt thứ ánh sáng gắt gỏng vào mặt nàng. Một cái bóng lướt qua nàng, một vạt lá lạo xạo dưới chân Ca Nhi. Nàng nhớ những mùa thu ly biệt của năm mười sáu. Những giọt nước trên mắt nàng rơi ngược vào đáy sâu của một vũ trụ non nớt cô độc. Lúc này, nàng cơ hồ nghĩ rằng, có lẽ chỉ mỗi mình nàng hoang tưởng về việc giữ gìn kí ức. Nàng nghĩ về căn phòng hẹp, bất giác nàng muốn trở về ngay lập tức. Trò chơi của những giọt nước chưa kết thúc. Hẳn là, chúng sẽ chồng chéo đè nghiến lấy nhau ở mọi khoảnh khắc có thể. Mi mắt Ca Nhi nặng trĩu. Nàng xoay người khi chưa đi hết con đường kí ức. Nàng trở về. Căn phòng hẹp của nàng, chắc chắn sẽ tràn lan đầy nước. Nàng nhớ ra, khi rời khỏi phòng, nàng quên khóa vòi nước trong nhà tắm. Chúng, những giọt nước, hẳn đã biến căn phòng hẹp của nàng thành một biển nước. Kỳ lạ thay, nàng có thể nhớ và giữ gìn những thứ không khiến nàng hạnh phúc trong quá khứ, nhưng lại rất dễ dàng quên khoảnh khắc hiện tại yên bình.
Nàng bước nhanh hơn, vừa đi nàng vừa tưởng tượng về những giọt nước. Chẳng hạn chúng hóa điên. Hệt như nàng nghĩ. Chúng đã hóa điên ngay trước ngưỡng cửa. Căn phòng hẹp lênh láng nước. Ca Nhi lao vào phòng, dọn dẹp trò chơi của chúng. Những giọt nước bị nàng giày xéo, vắt qua vắt lại trong chậu. Căn phòng của nàng lại trở về nguyên trạng, may mắn thay, chúng chỉ mới kịp bày trò khi nàng chưa đi xa lắm. Ca Nhi nghe tiếng nước sôi réo ở đâu đó, khiến nàng ngơ ngẩn ngồi bệt dưới nền nhà. Nàng bắt đầu tìm kiếm. Tiếng nước sôi. Tiếng nước réo. Tiếng nước gào thét. Ngoài trời vừa có một cơn giông gắt gỏng đi ngang, đánh xoẹt vài tia sét xé rạch nát ánh sáng bên khung cửa sổ. Giông mùa hè. Nàng lại nghĩ về những mùa thu chết, cùng với những giọt nước bị thương. Những giọt nước hóa điên. Chúng dường như đang cố tình khuấy động từng cơn sóng bạc trong não Ca Nhi.
Ký ức về một con đường nồng hoa sữa, một con đường đầy lá rụng, tuổi trẻ lấp lánh như những ngôi sao hồn nhiên trên bầu trời đêm. Nàng mệt mỏi với việc giữ gìn ký ức. Có lúc niềm kiêu hãnh của nàng trỗi dậy, nàng ước nàng có thể vày vò tuổi trẻ đau thương của mình như một tờ giấy trắng không có vệt mực tím nào lem luốc. Ca Nhi đứng dậy, vì tiếng chuông điện thoại réo rắt trên mặt tủ để ảnh thờ. (nàng thường xạc pin điện thoại ở đó). Màn hình điện thoại trống rỗng. Tiếng chuông vẫn reo. Chẳng có số người gọi đến. Nàng hờ hững nhấc máy. Chỉ có tiếng gió. Sự im lặng từ hai đầu thu phát sóng bị át bởi một vài thanh âm rè rè tựa hồ như tiếng sôi réo của giọt nước. Nàng thả máy xuống, nhìn khung ảnh buồn trống rỗng trên bàn thờ. Nàng giữ gìn ký ức ở đó. Ca Nhi bước đến cửa sổ. Nàng nhẹ tay đẩy cửa, mở toang chúng. Gió tràn vào. Gió tháng tư, tháng năm. Nàng nhớ cánh cửa sổ không bao giờ đóng ở một căn nhà nào đó gần biển. Quê nội. Gió lồng lộng. Gió biển. Nơi này, không giống quê nội lắm. Nàng đứng ngắm hàng cây đen đúa trong đêm. Bên ngoài cửa sổ là một thung lũng trắng. Từ góc nhìn này nàng có thể thấy tất cả thế giới. Một cơn mưa vội vã ào xuống. Trò chơi của những giọt nước đã bắt đầu. Thế giới mông lung thăm thẳm. Nàng cố tình nhốt hẳn tất thảy ký ức vào trong lòng sâu của những huyệt mộ, của những đói rách xác xơ, của những thần tượng kỳ quặc. Nàng chưa bao giờ thần tượng bất cứ ai. Nàng chỉ thần tượng tuổi trẻ. Nàng vui vẻ đóng vai người giữ ký ức, để được bày trò chơi cho những giọt nước. Trở lại với giọt nước. Nàng phải trở lại với chúng ngay lập tức, Ca Nhi nghĩ thế. Nàng rời khỏi khung cửa sổ, và tiếp tục bày trò chơi cho chúng. Vào lúc này, sự phấn khích của nàng vẫn đầy đặn khi chăm chú theo dõi sự biến chuyển cuồng loạn trong thinh lặng dưới hình thù một giọt nước. Chúng vẫn đang mải miết nhảy nhót vũ điệu của riêng mình. Thỉnh thoảng chúng lại hứng khởi hót véo von như bầy chim sẻ bị nhốt trong chiếc lồng đan bằng nan tre. Và sau đó, tách thành đôi thành cặp xoay vòng như một điệu valse quyến rũ. Nàng cứ thế, xả chiếc vòi trong phòng tắm, cho nước tiếp tục tràn lan trong sự kiểm soát của nàng. Nước tràn ra bên ngoài mép phòng tắm, chạm tới mắt cá chân nàng. Nước đi dạo vòng quanh trền nền gạch lạnh lẽo. Nàng lẩm bẩm, “chỉ mới ở mắt cá chân thôi, chẳng có gì đáng phải lo ngại”. Những giọt nước lấp lánh, ướt át, làm dịu mát làn da nóng hổi của Ca Nhi. Nàng thì thầm như khuyến khích, “hãy leo lên tiếp đi, bước tới, bước hẳn về phía trước và lôi kéo nốt đôi bàn chân này. Chúng ta sẽ cùng khiêu vũ. Chúng ta sẽ cùng chơi trò của những giọt nước”. Ca Nhi nhớ ra, một ký ức tuổi trẻ chưa bao giờ được dìu bước đi trong những điệu nhảy của thế giới hoang vu. Nước tràn ra đến cửa. Ca Nhi khóa vòi nước. Nàng sẽ đi pha café. Nàng cần nước. Chúng đâu ấy nhỉ? Hình như chúng đang bận nhảy nhót. Làm sao nàng pha cafe mà không có nước. Chân nàng ngập nước. Nàng nhìn lên bàn thờ, nơi có khung ảnh trống rỗng. Đó là một ngôi đền ký ức, với nàng. Chúng không phải bàn thờ. Chúng không phải linh hồn của một con người cụ thể. Nàng thèm café. Ngay lúc này. Nàng cầm chiếc bình đến vòi vặn nước. Không có một giọt nước nào. Nàng nhớ ra, hình như người ta có thông báo, vừa đến giờ cắt nước. Mùa hè. Nàng lãng phí nước chỉ để bày trò chơi cho chúng và cho chính mình. Dưới chân nàng, nước vẫn đọng lại lênh láng. Trên tay nàng, chiếc bình khô cạn. Ly café nóng của nàng nhanh chóng tan biến vào đêm đen.
Ca Nhi nhìn xuống nền nhà. Dưới chân nàng, nước trêu đùa nhau, hóa thành những hình thù quái dị.“Những giọt nước cũng có thể biến dạng được ư?”, Ca Nhi giật mình nhìn đôi bàn chân đang bị khóa trái trong hình thù của nước. Nàng muốn hét thật lớn, nàng muốn thoát khỏi những giọt nước. Nàng cần một ly café nóng. Cổ họng nàng bỏng rát và câm bặt như vừa bị đứt dây thanh quản. Trò chơi của chúng đã biến dạng thành những giấc mơ quen thuộc mà nàng vẫn thường thấy. Căn phòng hẹp của nàng lênh đênh giữa biển nước. Đêm lạnh lùng khép chặt bầu trời. Vũ trụ im lìm, không sao, không trăng, không mùi hương nồng hoa sữa, không chớp mắt tuôn lá rụng khắp mặt đường cũ kỹ.
Những giọt nước hóa thành màu đỏ, tiếp tục nhảy múa như cơn điên loạn của kẻ vừa đánh mất toàn bộ lí trí. Ca Nhi lạc vào trong giấc mơ của chính mình. Nàng không thể kiểm soát thực tại và trò chơi của chúng nữa. Nàng chạy theo những giọt nước ra ngoài cửa, chạy theo con đường hẻm thứ nhất, tiếp tục bước về phía con hẻm thứ hai. Nước ào ạt. Giông chớp xé toạc bầu trời cuối mùa hè vừa mới đượm mùi hoa sữa tối hôm qua. Dòng chảy của nước nhập nhằng trôi tuột theo triền dốc đứng của thung lũng này. Nhà nàng đâu? Cái phòng tắm của nàng đâu? Những giọt nước nhỏ nhắn đáng yêu của nàng đâu? Chúng mất tích hay rõ ràng đang nhe nanh vuốt cười cợt nàng ở phía nào đó. Nàng bắt gặp một người đàn ông trên con đường đuổi theo những giọt nước. Đôi mắt chàng lấp lánh màu trời. Đêm không trăng không sao. Nàng muốn mở miệng hỏi chàng liệu có thấy những giọt nước của nàng ở đâu không? Nhưng đôi môi nàng mím chặt. Mi mắt nàng trĩu xuống. Người đàn ông lạ nhìn nàng rồi biến mất sau những mùa lá rụng. Nàng tiếp tục đuổi theo những giọt nước đến một cung đường quen thuộc. Nàng dừng lại. Trước mặt nàng là góc quán café ngay ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Nơi nàng vẫn thi thoảng gửi gắm chút linh hồn bụi bặm, cũ kỹ của mình. Một người đàn ông khác mỉm cười nhìn nàng mời gọi. Ly café đã pha sẵn. Nàng bất giác muốn ngồi xuống. Ngay cái góc quen thuộc đó. Nàng không muốn đuổi theo những giọt nước nữa. Nàng không muốn bày trò chơi cho chúng nữa. Chúng sẽ khiến nàng bị lạc chính trong giấc mơ của mình.
Đêm mùa hè không trăng, sao. Ca Nhi thở dài, đưa tay đẩy cánh cửa sổ. Gió bên ngoài tràn vào mát rượi. Nàng nhớ căn nhà nhỏ ở quê của nội. Gió mùa thu. Gió của những cơn cuồng phong đang đợi người giữ ký ức ở phía sau thung lũng này.




Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

TRONG BÁN KÍNH 50 CÂY SỐTruyện ngắn của THẬN NHIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018




Mây chiều nặng, sà xuống thấp. Ngã ba. Hai con đường đất giao nhau, vắng hoe, bụi đỏ bốc lên khi có gió tạt ngang. Cái bảng tên đường rỉ sét, gắn trên thanh gỗ, vẽ mũi tên chỉ về hai phía. Một mũi tên ghi Núi Thái, chỉ theo con đường chạy vào chân núi, khi hút tầm mắt, nó chạm vào sườn đá thì biến mất, đường cụt. Mũi tên còn lại chỉ một ngã dẫn vào xã Định Long – 5 km, ngã kia ghi Cao Cảnh – 3km, dẫn ra đường lộ lớn, đường trải nhựa, ra thị trấn, ra tỉnh, đi Hà Nội, đi Sài Gòn, qua Miên, qua Thái, có khi ra khỏi nước. Có khi tới Mỹ.
Hắn xuống xe ở lộ lớn, từ trưa. Xuống ở đó là ngẫu nhiên, hắn không chọn. Định mệnh chọn giùm. Khi thằng lơ hỏi hắn xuống ở đâu thì hắn nói: “Ở đâu cũng được, mày cho tao xuống đâu thì tao xuống đó”.
“Đm, ông nói ngang vậy? Đi xe đ. trả đủ tiền còn nói giọng cà chớn. Đm, muốn chơi cha hả? Muốn gì? Đm, xuống đây đi!” Thằng lơ la to với tài xế, “Ghé vô cho thằng này xuống đi anh Hải ơi”.
Hắn mở dây kéo cái túi xách đeo ở vai, thò tay vào, ngón tay chạm lưỡi dao sắc ngót, rồi lần xuống cái cán gỗ quấn dây dù, cầm sẵn, nhưng hắn kịp nghĩ lại, thấy mình vô lý, đã đi xe không trả đủ tiền thì sinh sự làm gì. Hắn nhảy xuống. Chiếc xe vù đi.
Đứng tần ngần một lát, không còn chọn lựa nào khác, hắn từ từ đi bộ vào ngã ba này. Dọc đường không có quán xá. Mệt và buồn ngủ, hậu quả còn lại của bữa rượu tối qua. May trong xách tay còn khúc bánh mì, trái chuối và chai nước mà hắn đã mua ở bến xe. Và một xị rượu đế.
 ***
Từ trưa đến giờ chỉ có bốn chiếc xe chạy ngang. Một chiếc xe cày và một chiếc xe thùng gỗ chở phân bón làm bằng xác cá biển, hắn đứng ven đường vẫy tay xin nhưng cả hai xe đều không dừng lại. Chiếc xe chở phân bón để lại mùi tanh lợm giọng. Hai chiếc còn lại là xe gắn máy, nhưng khi nhác thấy hắn thì họ đều rồ tay ga, lạng ra giữa đường, phóng luôn, hắn không kịp phản ứng.
Đm, giờ có chiếc nào đến thì mình sẽ đứng giữa đường chận lại chứ không đứng vẫy nữa. Hắn nghĩ thầm, rồi quyết định. Hắn đã quyết định.
Tao sẽ giết thằng đàn ông đầu tiên nào đi ngang đây mà tao thấy, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể là ai!
Tao sẽ hiếp, rồi giết, bất cứ con đàn bà nào đi ngang đây mà tao thấy, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể là ai!
Rồi sau đó thì sao?
Đ. cần biết, tới đâu thì tới.
Hắn lấy con dao trong xách tay ra. Lưỡi thép xám, dài hơn gang, cong cong theo dạng lá lúa, rất vừa tay và quen thuộc đến từng gờ thép. Hắn lấy cái áo thun bọc lưỡi dao rồi dắt sau lưng quần, kéo cái áo lính đang mặc xuống phủ chuôi dao lại.
Người kế tiếp không đi xe gắn máy mà đang đạp xe đạp. Không phải là đàn bà, cũng không phải là đàn ông, như hắn tính. Chiếc xe đạp sườn ngang cũ mèm, không có vè. Cái bánh sau được quấn lại bằng ruột xe.
Ông già nhảy xuống khi hắn vẫy tay chận lại.
“Mi muốn chi?”.
“Tui lỡ đường. Chừ lạc...”.
“Tên chi?”.
“Dạ, Lộc”.
“Ở mô tới?”.
“Dạ, ở trong nớ”.
“Trong nớ là chỗ mô?”.
“Dạ, Sài Gòn”.
“Ở Sài Gòn răng nói tiếng ngoài ni?”.
“Dạ, nhà tui ở Quảng, rồi vô Sài Gòn”.
“Chừ đi mô? Định Long hay Cao Cảnh?”.
“Dạ, chưa tính đi mô. Chắc về...”
“Về mô? Chỗ ni chừ hết xe rồi”.
“Dạ, tui chờ xe từ trưa, mà không có chiếc nào dừng”.
“Không có xe mô đón khách hay cho đi nhờ ở đây. Muốn đi thì phải đi chuyến sớm, ở sân vận động trong xã”.
Hắn ước lượng khoảng cách giữa hắn và ông già, xem liệu rút dao ra thì có kịp chồm tới để đâm không. Đâm vào cổ, một nhát một thôi, chỗ những vằn gân xanh đang nổi lên, cho chắc ăn. Một nhát thôi. Chưa được, ông vẫn còn ngoài tầm tay, gượm chút nữa đã.
“Chừ tui phải mần răng đây?” - Hắn hỏi.
“Thầy mô biết! Mi có giấy tờ chi?”.
“Dạ, có. Có chứng minh nhân dân”.
“Có giấy chi nữa? Hộ khẩu ở mô?”
“Dạ, chỉ có vậy thôi. Không có hộ khẩu”.
“Rứa thì không được. Du kích xã sẽ giữ lại. Rồi mai sẽ giải ra ngoài huyện để xác minh”.
“Chừ mần răng?”.
“Răng thầy biết được...”.
“Hay là... ông cho tui trọ lại đêm nay đi? Ông giúp giùm...”.
“Thầy biết mi là ai, quen biết chi mà giúp? Nửa đêm xã tới xét hộ khẩu thì nói năng làm răng?”.
Hắn bước tới một bước, rồi hai bước. Ông già bước lui lại, kéo chiếc xe lết theo, một tay nắm ghi-đông, một tay giữ trên yên xe. Thấy ông có vẻ thủ thế, hắn đứng sựng lại.
“Thầy là thầy tu, không có của cải chi mô. Muốn lấy cái xe thì thầy cho”. Ông già nói.
“Dạ, tui nào dám, tui có ý chi mô, chỉ xin ông cho ngủ nhờ”.
Ông già buông tay ở yên xe, chìa ra. “Đưa dao đây!”.
“Dạ...”.
“Đưa dao đây!”. Ông già nói.
Hắn lạnh lưng. Làm sao ông biết mình có dao? Rồi không kịp nghĩ gì thêm, hắn hất cái xách tay trên vai xuống đất, vòng tay ra sau lưng rút cây dao, cái áo thun quấn dao rớt xuống đất. Lưỡi dao lăm lăm chĩa về ông già. Hắn dấn tới một bước.
Ông già gằn giọng, “Đứng lại đó. Đưa dao đây. Đưa chuôi dao đây!”.
Hắn vung tay dao lên, nhưng khựng lại, trở tay kia cầm lưỡi dao, ngần ngừ, rồi chìa chuôi dao ra. Ông già gạt chống xe, chồm tới. Lúc này thì cổ ông ở vừa tầm dao, nếu hắn muốn, nhưng hắn bất động.
Ông già nhón tay cầm lấy chuôi dao, hắn buông lưỡi dao ra.
Ông già nâng con dao lên ngang tầm mắt ngó, đưa sát vào mũi ngửi, rồi xoay tay đưa chuôi dao lại phía hắn, nói thong thả, “Thôi, cất lại vô xách đi. Theo thầy về chùa, rồi tính”.
Hắn líu ríu nhận dao, cúi nhặt cái áo thun và túi xách lên, bỏ dao vào.
“Mi chở, thầy ngồi sau. Chùa cũng không xa, chừng ba cây số thôi. Về nhanh còn cơm nước nữa, kẻo tối”. Ông già đẩy nhẹ chiếc xe đạp cho hắn, nói tiếp, “Đưa cái xách thầy cầm cho, không sợ mất đâu, có chi quý mô mà mất. Thầy phải ngồi sau lưng mi, kẻo có khi mi lại đổi ý”. Ông cười, rồi ngồi lên yên sau, lập lại, “Về chùa rồi tính, thầy đổi nghề, đổi đời cho...”.
“Dạ...”.
Hắn lên xe, gò lưng đạp. Chiếc xe lảo đảo chạy về phía chân núi.
 ***
Bảy năm sau, sư phụ qua đời. Hắn lo được hộ khẩu, thừa hưởng cái chùa, từ chức sãi hắn lên chức Đại Đức. Nghề này có vẻ hạp. Hắn không phải đâm giết ai từ dạo đó.
Theo lời sư phụ dạy, hắn gói kỹ con dao trong mấy lớp bao ni-lông, bỏ vào một hộp thiếc cũ đựng bánh, rồi mang chôn dưới một trong những cái lu nước sau hậu liêu.
Tám năm kế tiếp, từ một cái nền chùa hoang vắng, mái xiêu vẹo, hắn trùng tu thành ngôi linh tự nguy nga, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Hắn nhận thêm vài đệ tử nhưng chưa có ý muốn truyền y bát cho ai.
Hắn nổi tiếng đạo cao đức trọng hơn cả sư phụ. Tín đồ trong vùng rất yêu quý và trọng vọng hắn. Nhất là những bà goá, những bà cư ngụ trong bán kính 50 cây số.

22.10.2017