Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

PHÍA SAU MỘT VỤ ÁN ký của TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân  phục vụ”

                                                                                    


Một ngày mùa xuân, đất trời Ea Kar đẹp dịu dàng như một bức tranh thuỷ mặc. Nắng vàng như mật toả mênh mông, những cơn gió mang làn hương dịu nhẹ và tinh khiết của hoa cà phê thoang thoảng trong không gian an lành. Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh lặng lẽ nhìn những bông mai đang tận hiến hết mình cho mùa xuân, ông nhớ về thời trai trẻ.
Thời gian dẫu có như “bóng câu qua cửa sổ” thì với những người đã đi gần hết đời mình như ông, ký ức sương gió về những năm tháng cùng đồng đội dấn thân trên con đường phụng sự đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là điều không dễ lãng quên. Trải qua nhiều vị trí công tác, Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh nguyên là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng Công an huyện Ea Kar, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông đã trực tiếp tham gia hàng trăm chuyên án, mỗi chuyên án đều để lại dấu ấn riêng trong tâm khảm của ông. Nhưng ám ảnh nhất trong ông vẫn là vụ án xảy ra đêm giao thừa năm 1994 tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, khi ấy ông đang là Phó trưởng công an huyện Ea Kar. Với sự chảy trôi của thời gian, có thể có người còn nhớ, cũng có người đã quên. Riêng ông, mỗi khi nhớ đến vụ án ấy vẫn đau đáu và trĩu nặng một niềm thương cảm cho ba nạn nhân xấu số.
Đêm ba mươi tháng Chạp của hai mươi bốn năm về trước, tiếng pháo nổ vang trời, chuẩn bị đón năm mới. Đại uý Huỳnh Nhất Linh cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà chuẩn bị mâm cỗ để cúng giao thừa. Vợ ông rất vui vì đây là giao thừa hiếm hoi ông được ở nhà sum vầy với vợ con trong giờ khắc thiêng liêng này. Bỗng, tiếng chuông điện thoại dồn dập gọi tới. Nghe xong, giọng ông hốt hoảng “Anh có việc phải đi ngay”. Nhìn nét mặt chồng, biết là đã xảy ra trọng án, bà đáp: “Anh cứ đi, việc nhà đã có em lo”. Bao năm làm vợ của một chiến sĩ công an, bà hiểu và thông cảm với công việc của chồng, khi mọi người được nghỉ ngơi thì ông cùng đồng đội vẫn phải miệt mài với công việc và năm mới chỉ đến thực sự khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là sự “hy sinh thầm lặng” để mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng trong lòng bà tránh sao khỏi sự hụt hẫng lúc này. Bà nhìn theo bóng chồng khuất sau màn đêm lạnh giá. Ngoài trời gió vẫn vi vút thổi những điệu nhạc không lời.
Ông vội vã đến hiện trường của vụ án, một cảnh tượng quá đau lòng. Trong gia đình của ông Hà Đạt Đản có 5 người thì ông Hà Đạt Đản và vợ là bà Nguyễn Thị Luận cùng người con gái lớn bị sát hại. Còn lại hai đứa con nhỏ là Hà Tuấn Đạt và Hà Thị Huyền may mắn thoát chết. Đứng trước cảnh tượng thương tâm đó, ông cùng đồng đội đều thể hiện lòng quyết tâm tìm ra hung phạm. Nhưng trái tim của ông như bị bóp nghẹt đến vỡ vụn khi nhìn thấy sự sợ hãi đầy tuyệt vọng hằn sâu trong mắt hai đứa trẻ. Ánh mắt ấy như một sự kêu gào thống thiết đầy ai oán đã chạm sâu đến trái tim của người Đại uý công an. Và ông tự hỏi “Mình phải làm gì cho hai đứa nhỏ để khoả lấp bớt những đau thương đang cuồn cuộn đốt cháy hai tâm hồn trẻ thơ? Chúng còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau ấy”. Câu hỏi ấy khiến ông bần thần, trong lòng ông lúc nào cũng nghĩ làm sao có thể gánh bớt nỗi đau mà cháu Đạt và Huyền đang chịu đựng. Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu ông, vợ chồng ông sẽ nhận hai cháu về nuôi. Chúng phải có một gia đình mới, ngôi nhà của vợ chồng ông sẽ là tổ ấm mới của hai đứa nhỏ.
Khi nghe chồng nói về ý định của mình, biết hoàn cảnh tang thương của hai cháu Huyền và Đạt, lòng bà Hà cũng dậy lên sự thương cảm. Nhưng bà ngần ngại lắm, hai vợ chồng bà với hai đứa con, một đứa lên sáu, một đứa lên bốn, đồng lương của ông ít ỏi, bà chỉ là một thợ may, tằn tiện lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nỗi lo cơm áo của vợ chồng với hai đứa con nhỏ đã khó khăn, giờ nhận thêm hai đứa nữa về nuôi thì sự khó khăn càng thêm chồng chất. Biết là vợ chưa đồng thuận ngay nhưng ông tin từ trong sâu thẳm trái tim của một người mẹ, bà sẽ sớm đồng ý để đưa hai đứa trẻ mồ côi về chăm sóc. Nỗi trăn trở của bà tan biến khi chứng kiến cảnh nửa đêm ông bừng tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa, nói với bà: “Anh mơ thấy hai đứa trẻ ấy đang lang thang và bị kẻ xấu hãm hại. Anh lo quá!”. Giọng ông lại trầm buồn trong đêm vắng: “Cuộc đời bao thăng trầm biến cố ở phía trước mà chúng đang chập chững bước vào đời liệu chúng có vượt qua nổi?”. Bà hiểu ngày nào chưa nhận nuôi hai đứa trẻ thì trong lòng ông trĩu nặng lắm. Thôi thì, vợ chồng cùng chịu khó và chịu khổ để cưu mang hai đứa trẻ đáng thương. Bà nói với chồng: “Ngày mai, anh đưa hai đứa nhỏ về nhà mình nha”. Ông vui mừng khôn xiết và thầm cảm ơn bà đã giúp ông gỡ được một khối đá đang đè nặng trong lòng.
Hai vợ chồng Đại uý bước vào những ngày đầy khó khăn trong việc nuôi dạy và chăm sóc 4 đứa trẻ. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng khi chăm sóc bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, vợ chồng Đại uý mới thấm hết sự vất vả vì phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chiếc máy may của bà Hà phải hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm để góp cùng với tiền lương của chồng cũng không đủ lo cho bốn đứa con thơ. Rồi hết đứa nọ đến đứa kia thay nhau đau ốm triền miên. Quá xót xa khi mỗi lần xuống thăm con và cháu, thấy sự mệt mỏi bơ phờ in hằn trên gương mặt con gái và con rể, cha mẹ vợ của Đại uý có nhã ý muốn được đưa hai đứa cháu ngoại về nuôi. Hai vợ chồng đắn đo vì không muốn phải xa con của mình. Cuộc sống chật vật vì phải lo cơm áo và sự mệt mỏi trong việc chăm sóc con đã vắt kiệt sức đã làm cho bà Hà luôn trong tình trạng suy nhược cơ thể. Sau bao đêm cân nhắc, dù thương con hai vợ chồng không còn cách nào khác đành chấp nhận gửi con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Được sống gần con để chăm sóc con khôn lớn không chỉ là trách nhiệm mà còn là mong mỏi của những người làm cha làm mẹ. Nhưng để chu toàn giữa công việc và con cái, hai vợ chồng Đại uý buộc phải xa hai đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Những ngày đầu xa con, trái tim cả hai đều mang nặng nỗi thương con nhưng cố kìm nén không nói ra, chỉ cảm nhận được những giằng xé trong lòng nhau qua những tiếng thở dài sâu hun hút. Mỗi lần nghe tiếng gà mẹ gọi đàn con trong chiều tà để về ấp ủ, trong lòng hai vợ chồng lại day dứt vì cảm thấy chưa tròn trách nhiệm với con. Cuối tuần lên thăm con, khi dắt xe ra về, nghe con mếu máo đòi về nhà, hai vợ chồng bước lên xe mà đôi chân trĩu nặng, nước mắt chảy dài theo từng vòng xe. Đại uý an ủi vợ “Hai đứa con mình tuy phải sống xa cha mẹ nhưng được ông bà ngoại chăm sóc bằng tình yêu ruột thịt, thỉnh thoảng còn được cha mẹ lên thăm. Hai con Đạt và Huyền vĩnh viễn mất đi cha mẹ, không nơi nương tựa, hai vợ chồng mình gắng bù đắp sự thiệt thòi cho hai đứa trẻ bất hạnh. Anh tin rằng, lớn lên con mình sẽ hiểu thôi em à”. Hàng xóm khi thấy hai vợ chồng Đại uý đem con ruột của mình cho ông bà ngoại nuôi, không khỏi xì xào: “Ruột bỏ ra, da bọc vào”. Đại uý động viên vợ “Ai nói gì thì cứ kệ họ, miễn mình không hổ thẹn với lòng là được”.
***
Bốn đứa con của ông bà giờ đây đã trưởng thành, ai cũng một lòng hiếu kính với mẹ cha và luôn nhìn cha mẹ như một tấm gương. Riêng hai người con nuôi được vợ chồng Thiếu tá đứng ra lo liệu chu toàn trong việc xây dựng gia đình. Anh Hà Tuấn Đạt đang là công nhân của Khu công nghiệp Ea Kar. Chị Hà Thị Huyền buôn bán các mặt hàng nông sản. Nhớ lại ngày xảy ra biến cố với gia đình, trên gương mặt anh Hà Tuấn Đạt vẫn hằn sâu một nỗi đau. Còn nỗi đau nào hơn khi con phải tận mắt nhìn thấy cái chết đầy tức tưởi của cha mẹ và chị gái mình. Những ngày sau đó là những ám ảnh khôn nguôi, mọi cánh cửa của niềm vui và hạnh phúc dường như đóng chặt trước mắt của hai anh em. Lòng đầy sợ hãi và hoang mang, chỉ cần nghe một tiếng lá rơi trong đêm vắng hay nghe tiếng gió rít qua khe cửa cũng làm cho anh và em gái giật mình thảng thốt, ôm nhau khóc nức nở. Nỗi nhớ cha mẹ luôn cồn cào, sự đau xót vì bỗng chốc mất đi gia đình xé nát tim hai anh em. Nhưng may mắn thay, anh cùng em gái được ba Linh và mẹ Hà đem về nuôi dưỡng, tạo cho hai anh em tổ ấm mới và vững bước sau những đau thương mất mát. Tình thương của ba mẹ như ánh bình minh tươi sáng xua đi những đám mây đen xám xịt của đêm giông bão để hai đứa trẻ côi cút đến với hạnh phúc và bình an. Hơn hai mươi năm qua, hai anh em chưa bao giờ có cảm giác mình là con nuôi của ba mẹ. Ba mẹ đã dành hai anh em một tình yêu bao la và tình yêu thương đó như một cánh đồng trải dài bất tận xanh mơn mởn trên bầu trời rực nắng. Lòng biết ơn của anh Hà Tuấn Đạt và chị Hà Thị Huyền không thể diễn tả bằng lời với công ơn dưỡng dục. Với tất cả sự biết ơn và kính trọng dành cho người cha tận tuỵ, người mẹ tảo tần vì các con, hai anh em tự nhủ, cách tốt nhất để báo hiếu đó là sống trở thành người có ích.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đó chính là tấm lòng của vợ chồng Thiếu tá Huỳnh Nhất Linh. Tấm lòng đó được trao đi không phải để người khác ghi nhận, không phải mong được trả ơn mà tấm lòng đó xuất phát từ trái tim nhân hậu của một chiến sĩ công an “Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI