Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

TẾ TRÀ Truyện ngắn của PHẠM THUÝ QUỲNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018


  

1.
Ánh nắng chiếu xiên theo tầng tầng lớp lớp tán lá toả bóng trên cao, rọi sáng mặt tấm bia đá trước làng Vân Điền. Không ai hay nó xuất hiện tự khi nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra, những đứa trẻ ở đây đều được đưa đến đó để làm lễ bái, cầu xin Thần Trà phù hộ ban cho một cuộc đời bình an. Triệu cũng đã từng được bố mẹ đưa tới đó, được đặt trên một chiếc nôi trúc rải đầy những lá trà mơn mởn, nhấm giọt trà đầu tiên trong đời.
Anh xách chiếc gùi đi ngược vào trong làng, nhặt những lá trà già lau sương trên tấm bia. Mùi trà tươi phảng phất bện chặt hơi ẩm lành lạnh, Triệu xốc lại đồ đạc lên trở về nhà.
Toan mở cổng, anh chợt nghe thấy tiếng lạch cạch ở phía nhà ông Tôn hàng xóm, bèn gọi với sang:
- Bác dậy sớm thế?
- Tao vò nốt mẻ trà để chuẩn bị cho ngày mai.
Ngày mai… Hai mươi bảy âm lịch của tháng chạp là ngày tổ chức lễ tế trà. Triệu đặt chiếc gùi xuống cạnh cổng, bước vào sân nhà ông Tôn.
Trên một tấm ván được để chếch cao khoảng hai mét, dốc thoai thoải, hai tay ông bám vào lan can, đôi chân giẫm lên bao trà, từ từ lăn nó xuống. Kết thúc quá trình này, ông lại ôm bao trà lên và vò lại như thế từ đầu. Đây là công việc nguy hiểm, bởi vì nếu lơ là thì sẽ ngã ngay lập tức. Nhưng ngược lại, chỉ cần chú tâm thì mẻ trà sẽ đạt chất lượng rất cao, giá thành cũng vì thế mà tăng lên. Khi còn trẻ, ông có thể làm ra được khoảng hai đến ba mươi cân trà mỗi vụ, nhưng giờ đây, ông chỉ làm dăm cân, mà chính yếu để phục vụ cho cuộc thi trà trong lễ tế.
- Lần này bác lại định giành giải nhất nữa hả?
Bắt đầu lăn lại bao trà, ông Tôn ngoái đầu ra nhìn chàng trai nọ, chép miệng nói:
- Chất trà vụ thu này không ổn lắm, chẳng biết có tốt bằng vụ trước không nữa. Thời tiết ngày càng thất thường thế này, mong là vụ xuân sẽ tốt hơn.
- Cháu nghe nói là thành phố đang định mở đường lên làng mình.
- Tấm bia ngoài kia còn không? - Ông Tôn bỗng hỏi.
Triệu ngạc nhiên, chợt hiểu ra, mỉm cười:
- Năm nay cháu sẽ không thua nữa.
- Đám thanh niên các cậu chỉ háo thắng - Ông Tôn bật cười rồi tiếp tục làm việc - Có trà của thung lũng thì tốt biết mấy.
Triệu tặc lưỡi, nhìn tấm ván nghiến lên ken két vung đầy vụn mọt dưới chân ông bèn nhắc:
- Bác thay tấm ván mới đi.
- Được rồi, để nốt hôm nay rồi tao thay, về ngủ đi.
Triệu “vâng” một tiếng rồi trở về nhà, anh mở túi trà mới sấy đêm qua, tãi nó ra mẹt để ngồi nhặt lựa, thu những cánh hỏng xấu vào một chiếc bát gốm và đặt chúng lên kệ.
Toàn thân mỏi nhừ, hai mắt chừng như chẳng thể mở ra được nữa, Triệu lần đến chiếc phản gỗ, cứ vậy nằm lăn ra. Hiềm một nỗi, cho dù mệt mỏi là vậy nhưng giấc ngủ đến với anh rất chập chờn. Cơ hồ có thứ gì đó đè nặng lên ngực, Triệu gắng gượng động đậy tứ chi nhưng chẳng đặng. Cơn khó thở ập tới, phía trước anh bỗng hiện ra hình ảnh gãy đổ của cổng làng. Anh cứ vậy đi men theo con đường ấy. Vô định. Tấm bia đá, phải tìm được tấm bia đá.
“Chỉ cần tìm được tấm bia thì con sẽ về được làng” - Mẹ Triệu từng bảo. Song cuối cùng, khi lạc xuống thung lũng Sương Trắng, bà đã chẳng thể nào về được nữa.
Triệu vùng dậy, tấm chăn mỏng đắp trên mình rơi xuống. Anh gập người thở dốc, lắc đầu thật mạnh để lấy lại tỉnh táo. Cơn mơ bao năm tìm tới ư? Triệu nhìn chăm chắm chiếc bình gốm dưới đất, có lẽ vì mình bị kiệt sức mà thôi.
2.
Làng Vân Điền nổi tiếng với nghề làm trà, ẩn mình ở một góc núi, nó cứ vậy tồn tại mà chẳng màng tới sự phát triển của nhân thế. Nơi đây vẫn còn lưu giữ lại được những kiến trúc xưa cũ, vẫn tiếp tục trồng trà và làm trà bằng phương pháp thủ công.
Tang tảng sáng, màn sương dày vẫn phủ lên làng một lớp váng trắng đùng đục. Bấy giờ, từ bên ngoài cổng làng, tiếng bước chân người đều đều vang lên, kèm theo đó là tiếng lục cục khô khốc kỳ lạ. Hơn mười chiếc bóng dần hiện ra, vén màn sương mà đi, họ cúi thấp đầu, lưng gồ lên vì phải địu theo một chiếc gùi lớn. Trong những chiếc gùi đó, là trà. Họ đang mang theo những sản phẩm mới hoàn thành tới buổi tế.
Tế trà là đại lễ trước khi hết năm của người Vân Điền.
Triệu nhấc mười siêu nước đặt lên mười chiếc lò đất được xếp thành hai hàng bên cạnh tấm bia đá. Trên nền xếp hàng trăm chiếc bát gốm, chúng xuất phát từ Bát Tràng, vượt qua mấy chục kilomet để đến được đây - Bao nhiêu năm qua hành trình này chẳng hề gián đoạn. Đám trẻ được người lớn đưa cho một cành trà tươi, đứng bên cạnh xem lễ. Ông Tôn vẫn chưa đến, ông Hiệu lại phải thay người bạn già vận bộ áo tấc vào, tay ôm một chiếc mẹt, trên đó biện các loại trà mà người dân dâng lên hôm nay, chầm chậm bước tới phía trước tấm bia đá rồi đặt nó xuống.
Triệu ngóng mắt về phía con đường lớn, chờ đợi. Chân anh bồn chồn, người tựa hồ như có kiến bò. Đương lúc anh định chạy đi tìm ông Tôn thì mặt trời đã dần lên cao, không được phép để giờ lành trôi qua, ông Hiệu phải tiếp tục hô:
- Buổi tế bắt đầu!
Triệu thở dài thườn thượt, đành lòng rót nước vào trong các ấm trà, cẩn thận chuyên ra bát. Từng người lên đón lấy bát trà của mình, nhấp một ngụm, đồng thanh hô:
“Làm trà, làm từ khi còn nhỏ cho tới khi về già, làm từ khi còn khoẻ mạnh cho tới khi sức tàn lực kiệt. Làm trà, làm cho tới khi đi hầu Thần Trà cũng vẫn mang theo gùi túi đầu thai về làng cũ!”
- Thôi! - Người chủ trì lại hô - Sau đây là buổi thi trà, mời những hộ đăng ký tham gia bước lên trước chuẩn bị.
Tiếng trống vang lên từng hồi. Thảy đều hồi hộp, người chiến thắng năm ngoái là ông Tôn. Năm nay không rõ mọi chuyện sẽ thế nào, bởi vì chất lượng trà tươi vụ vừa rồi kém hơn những vụ trước rất nhiều. Nếu không thể cải thiện được chất trà vốn có, người ta đành trông chờ vào thủ pháp vò trà mà thôi. Triệu cẩn thận vốc từng vốc trà ra khay, cánh nào cánh nấy dường như ngậm nước non mởn. Anh cơi một lượng trà đủ dùng vào ấm, lắng đợi nước sôi. Đóng hết những thứ khiến mình phân tâm, giờ đây anh chỉ chú ý tới ấm trà trước mắt.
Lần nước sôi rót xuống, làn khói nóng xông lên mang theo hương thơm thanh mát pha lẫn vị ngọt đọng trong từng lá trà khô được sao cẩn thận.
Tấm bia đá ẩn vào màn hơi nước dày, quyện chặt trong mùi và vị trà. Triệu có thể nghe thấy tiếng thở dài thoả mãn của vị thần bảo hộ Vân Điền trên cao. Anh chuyên trà, đột ngột, một chiếc lá non chẳng hay tự đâu chao nghiêng rồi đậu xuống ngay giữa chén, càng khiến cho hình ảnh tán cổ thụ in trong lòng chén rõ nét hơn…
Thung lũng Sương Trắng, cái tên này hốt nhiên hiện ra trong đầu Triệu. Mẹ của anh từng vì buổi thi trà mà tìm xuống đó, để tìm ra loại trà cổ thụ trăm năm hoàn hảo nhất. Cũng vì nó mà bà chẳng thể trở lên được nữa. Mẹ, ông Tôn, đôi khuôn diện của họ chao đảo trước mắt anh và nhập lại làm một. Triệu giật thót, vung tay xua đi. Chỉ thấy “keng” một tiếng, chén trà trên bàn bị hắt đổ, nước tràn ra lênh láng…
3.
Lại là sự tĩnh mịch, sự tĩnh mịch thuộc về thiên cổ, như lời mà nhiều người đến đây đã nói. Triệu nhận ra đoàn người gánh trà khuya bèn cất tiếng chào hỏi. Một vài trong số đó đáp lại, một vài thì không. Vai của họ đều đã trễ xuống, sống lưng cũng cong vẹo, đó là căn bệnh về xương khớp mà hầu hết người dân Vân Điền phải mang.
Vì trà.
Hơi nóng từ chiếc chảo gang bốc lên, Triệu trút những đọt trà vào, xốc tay áo và bắt đầu sao. Đôi tay anh đã chẳng còn cảm nhận được cảm giác bỏng rát của tháng ngày đầu học tập nữa. Những cánh trà rút nước co mềm khẽ tung lên theo mỗi đợt đảo của chủ nhân.
Bước chân của những người gánh trà thưa dần rồi tắt hẳn, Triệu lắng tai nghe ngóng chờ đợi một hơi hướm quen thuộc nào đó đến từ nhà ông Tôn, nhưng ngoài âm thanh lách tách của đám củi khô và tiếng sao trà thì chẳng có thể nghe thấy gì nữa cả. Chững tay, anh chăm chắm nhìn vào bóng tối mịt mờ bên khoảng sân hàng xóm.
Buổi tế trà sẽ hoàn hảo nếu như không có sự thất thố của anh. Triệu thở dài. Tiếng trống lại vang lên ngoài cổng làng, thúc vào lòng anh đau điếng. Mọi năm, anh đều ở lại tham gia vào buổi đốt lửa cầu may, ca múa bày tỏ lòng kính trọng thần linh nhưng nay thì không thể.
Những cánh trà khô rang, vặn xoắn lại trong chảo, không được xới đảo nên dần bốc ra mùi khen khét. Triệu cắn răng nhấc chiếc chảo xuống, khoác áo sang nhà hàng xóm.
Triệu đẩy chiếc cổng tre, đập đập chiếc đèn pin chiếu khắp sân nhà ông Tôn. Khí núi ban đêm lạnh buốt xương sống khiến anh hơi rùng mình, kéo cao cổ áo, anh tiến dần về phía cầu thang.
- Có ai ở nhà không?
Chuông gió bằng trúc gõ vài tiếng đùng đục, Triệu rọi đèn về phía cửa chính, nó vẫn đóng chặt, ngay cả cửa sổ cũng vậy. Đột ngột đá phải vật gì đó, Triệu cả sợ soi xuống, ấy là chiếc bao tải con mà chủ nhà thường dùng để vò trà. Anh lần theo đường lăn của nó, chỉ thấy một thân hình khô cứng nằm sõng soài dưới đất, đầu ông va phải chân cột nhà sàn bám đầy máu đông và đất bụi.
“Cạch” - Chiếc đèn pin trên tay Triệu rơi xuống. Anh sững người đứng đó.
- Tấm bia đá vẫn còn bác ạ - Triệu ngồi xuống cạnh người đó, vực ông ngồi tựa vào lòng mình, thẫn thờ buông nốt lời hồi đáp cho câu hỏi hôm qua.
Xa xa, tiếng trà dân tham gia buổi ca múa mơ hồ vọng về:
“Làm trà, làm từ khi còn nhỏ cho tới khi về già, làm từ khi còn khoẻ mạnh cho tới khi sức tàn lực kiệt. Làm trà, làm cho tới khi đi hầu Thần Trà cũng vẫn mang theo gùi túi đầu thai về làng cũ!”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI