Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

BUỔI SĂN CUỐI NĂM -truyện ngắn của Hồng Chiến

(Trích trong tập truyện ngắn Zàng phạt - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2003)


Sáng ba mươi tết tôi quyết định đi săn. Sau mấy ngày đêm anh em trong đơn vị thay nhau quần nát những cánh rừng gần mong bắn con nai, con heo về cho thương binh vừa ăn Tết vừa bồi dưỡng nhưng vẫn không được. Đường giao liên bị tắc do bọn Mỹ - Ngụy tăng cường đánh phá dữ dội, sợ quân và dân ta nổi dậy như Tết Mậu Thân. Trước đây khu rừng H5 này muông thú nhiều vô kể, vậy mà nay bom đạn, chất độc hóa học do bọn Mỹ rải xuống nên phần chết, phần còn sót lại phải chạy dạt vào rừng sâu.
Vùng H5 bị chất độc hóa học tàn phá nặng nề, chỉ những đám ven suối cây cối cổ thụ mới còn sót lại một ít, trên sườn đồi và những bãi bằng chỉ một màu xanh của cỏ gianh dài đến hút tầm mắt. Sức sống của cỏ cây Việt Nam thật kỳ diệu, nền khoa học hiện đại của nước Mỹ cũng phải chịu thua, không hủy diệt nổi màu xanh.
Tôi quyết định đi men theo các rìa suối vì biết khi cuối mùa mưa, đầu mùa khô, heo, nai thường tụ tập ở đầu các con suối nằm ngủ sau một đêm dài kiếm ăn. Nhiều lần tôi đã lọt vào giữa bầy heo rừng hàng trăm con nằm ngủ ngổn ngang nơi đầm lầy, nhờ tiếng gáy của bầy gà rừng báo hiệu. Bọn gà rừng thường tụ tập nơi heo, nai ngủ để bắt ve, khi no nê mấy chú gà trống đứng ngay trên lưng, trên bụng heo cất tiếng gáy rộn rã. Hồi mới vào, một lần nghe tiếng gà gấy gần trạm, tôi xách súng lần theo tiếng gáy thấy chú gà trống thật đẹp mào đỏ tươi, toàn thân khoác một bộ cánh màu vàng óng mượt, duy nhất hai bên tai có hai chiếc lông trắng to bằng đầu đũa, đứng trên đống mối vàng ươm gân cổ gáy. Tôi kê nòng súng lên cành le ngắm cẩn thận đúng bài bản như được học trong trường huấn luyện, bóp cò. Đoàng! Súng nổ, con gà giật mình kêu toáng lên: Toác, toác, toác… rồi vỗ cánh bay mất dạng. Tôi đứng chết lặng vì tiếc, vì giận mình bắn quá tồi. Con gà phải nặng trên một kilôgram và chỉ cách nòng súng của tôi hơn chục mét là cùng vậy mà trượt! Tại sao trượt, tôi cũng không hiểu nổi.
Đang định xách súng về, bỗng nghe tiếng cây gãy như có tiếng đập vào bụi le, thấy lạ, tôi tiến lại gần chỗ “đống mối” chú gà trống đứng gáy lúc nãy và mừng quýnh khi thấy con mang đực to đùng bị đạn xuyên gãy sống lưng. Có lẽ con mang nằm ngủ, con gà đứng trên lưng nó gáy, còn tôi bắn quá gần nên đạn ăn thấp, không trúng gà lại trúng lưng nó. Về trạm cứ thật tôi kể, mọi người được bữa cười no nê.
Còn hôm nay, tôi đã trở thành người thợ săn có kinh nghiệm, thường xuyên nhận nhiệm vụ kiếm thức ăn tươi cho trạm. Khoác khẩu AK đi trước, căng mắt quan sát động tĩnh xung quanh, tai dỏng lên sàng lọc âm thanh nhằm phân biệt tiếng gió, tiếng cây reo, tiếng chim hót và cả tiếng động lạ - nếu có. Bám sát phía sau tôi, Y Vế bước nhẹ như con mèo rừng, khâu AK báng gấp toòng teng trước ngực. Chàng trai Êđê này ít nói, đằm tính, chịu thương, chịu khó. Đi săn với Y Vế không sợ lạc đường, không sợ rắn độc vì cậu ta có tài bắt rắn và chữa rắn cắn. Hai anh em hợp tính nhau, đi đâu cũng cùng đi như một đôi tình nhân. Y Vế bảo người Êđê không ăn tết như người Kinh mà chỉ ăn mừng lúa mới. Còn tôi hồi ở nhà vào ngày ba mươi tết bao giờ cũng được vinh dự dẫn các em con chú đi tảo mộ. Tục lệ có tự bao giờ không ai rõ, nhưng cứ ngày ba mươi tết phải đến tất cả các mộ thuộc dòng họ, phát cây, đắp lại nếu bị sạt lở; cuối cùng xắn một hòn đất thật tròn úp lên ngôi mộ, phải chú ý úp mặt cỏ xuống, mặt đất mới lên trời.
Ba năm nay đi xa chỉ còn bố mẹ ở nhà, không biết mấy đứa em con ông chú có nhớ hết các mộ không? Ngày xưa các cụ cẩn thận quá phải chọn “đất tốt” mới chôn, thành ra mồ mả chôn rải rác ở khắp xã, đi cả ngày mới hết.
- Huỵch!
Nghe tiếng ngã, tôi giật mình quay lại cũng phải bật cười nhìn thấy Tuấn – cậu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh mới tăng cường vào đơn vị, cứ nằng nặc theo đi săn cho biết, giờ vấp dây bổ ngã ngửa, đầu chúc xuống lòng suối, chân mắc vào dây gắm treo lơ lửng trên không. May cho cậu ta còn nhanh tay nắm được sợi dây bên cạnh, song không gượng ngồi dậy được. Y Vế cười như bị chọc léc, hai tay ôm lấy bụng, mặt đỏ bừng.
Đỡ Tuấn dậy, ba anh em ngồi nghỉ trên một phiến đá to như chiếc chiếu đôi khá bằng phẳng.
- Giờ này ngoài mình chắc đang gói bánh chưng anh nhỉ? Hồi ở nhà em chỉ mong đến Tết để được ăn bánh chưng với thịt đông. Cả năm mới có được mấy ngày.
- Nhớ mẹ à! – Y Vế nhăn mặt nháy mắt chọc.
- Ừ, chỉ có ngày Tết mới được ăn bánh chưng, thịt lợn còn ngày thường làm gì có.
Nghe Tuấn nói, lòng tôi cũng thấy nao nao; giờ ngày ngoài Bắc chắc rét lắm, không biết ông bà già chuẩn bị Tết thế nào.
- Anh Tự, có mùi lạ!
Y Vế giật tay tôi reo lên nho nhỏ, hai lỗ mũi phập phồng trông thật buồn cười. Tuấn bắt chước cũng hít hít theo làn gió, nói nhỏ:
- Em chả ngửi thấy mùi gì.
- Mình cũng ngửi thấy có mùi gì đó trong gió. Hai cậu theo sau phải hết sức cẩn thận nhé, đừng bước lên cây khô đấy.
Ba người lặng lẽ băng lên triền đồi, sườn đồi toàn cỏ gianh mọc xanh um, lác đác có những bụi cây gai to lớn, dây mắc cỡ leo chằng chịt. Phía trước, một vùng le xanh tốt, nghe rõ tiếng cây gãy răng rắc.
- Có bầy heo ăn trong đám le, hai cậu ở đây chờ mình nhé.
Dặn Y Vế và Tuấn xong, tôi bật khóa an toàn, rẽ gianh bò vào rừng le. Giống heo rừng tinh khôn lắm, mùa này chúng thường tập trung theo đàn ủi gốc le ăn măng và các loại côn trùng. Năm cùng tháng tận, hên rồi. Bầy heo này chắc đông nên cây cối bị ủi đổ gãy lốp bốp, điều này rất thuận tiện cho việc tiếp cận, chọn mục tiêu và dễ dàng hạ được con ưng ý. Vừa bò, vừa hình dung cảnh anh em thương binh chắc chắn sẽ vui mừng lắm khi đón giao thừa có món thịt heo nóng hổi.
Bỗng nhiên cả không gian như chợt lặng đi, mọi tiếng động ngừng hẳn, chỉ còn tiếng gió đùa giỡn với cây. Tôi dừng lại quan sát mấy bụi le trước mặt và giật mình đứng bật dậy. Ngay trước mặt, chỉ cách tôi độ ba chục mét, một con voi đực khổng lồ, hai chiếc ngà trắng muốt chìa ra như hai chiếc đòn gánh cong vút, đang chăm chú nhìn tôi. Cùng lúc đó tiếng Y Vế gào lên: “Voi đấy!”.
Tôi bước giật lùi, còn con voi rít lên như tiếng còi xe Zin 130, lao vào người tôi. Không còn cách nào khác, tôi bắn chỉ thiên hai loạt, cùng lúc Y Vế bắn lên trời mấy viên. Và… bầy voi hoảng sợ bỏ chạy ầm ầm như một cơn lốc xoáy. Chỉ một phút sau cánh rừng trở lại yên tĩnh. Bấy giờ tôi mới ngồi bệt xuống cỏ gianh, mồ hôi chảy dòng ròng. Y Vế lao lại mặt xám đen hổn hển hỏi:
- Thủ trương có sao không?
- Không sao! Tuấn đâu?
- Ơ… n..ó!
Hai anh em đứng dậy chạy quay lại vừa chạy vừa gọi lạc cả giọng:
- Tuấn ơ..i!
- E..m, em ở đây!
Mãi mới thấy cậu ta run run trả lời. Tiếng nói phát ra từ một bụi găng khá to có những chiếc gai dài như ngón tay nhọn hoắt, dây mắc cỡ, cây gai đỏ ngọn quấn chằng chịt. Vậy mà cậu ta chui được vào trong đó, quả thật khó tin.
- Ra đi, voi chạy hết rồi.
- Em không ra được, nhiều gai lắm.
Nhìn Tuấn thò đầu lên trên mấy dây gai, người cứng đơ không cựa quậy gì được, vừa buồn cười lại vừa thương. Hai anh em phát hết bụi cây, cắt dây gai, gỡ từng khúc một, tránh cho Tuấn khỏi đau. Vừa làm Y Vế vừa nói:
- Tuấn giỏi thiệt, bụi gai gớm ghiếc thế này mà vẫn nhảy vào được giữa bụi để ngồi.
- Em sợ quá, chạy không được nên lao đại vào đây cho kín. Nào ngờ lúc nghe các anh gọi không thể cựa được nữa vì gai vây kín xung quanh, đâm vào người đau điếng.
- Cậu thấy voi chưa?
- Em có thấy con gì đâu, chỉ nghe anh Y Vế kêu lên: “Voi đấy!”. Thế là chân em tự nhiên như có người giữ lấy không cho chạy nữa.
- Ơ! Anh nhìn kìa.
Ngừng tay phát, Y Vế kêu lên thích thú chỉ cho tôi thấy Tuấn đang đứng trên lưng một con trăn to đùng. Có lẽ con trăn vẫn ngủ, người khoanh tròn như chiếc chiếc đôi, cái đầu to như báng súng thò lên ở chính giữa vòng tròn.
- Ối!
Kèm theo tiếng thét Tuấn lao vọt ra khỏi bụi gai như tên bắn, quần áo rách tả tơi, người chằng chịt các vết gai cào đang rớm máu, ôm chầm lấy tôi, khuỵu xuống.
- Thằng này nhát thế. Trăn là loài hiền lành, dễ bắt nhất. Hôm nay mình gặp hên rồi.
Y Vế nói và chạy đi chặt một khúc cây bằng lăng dài gần ba mét, to bằng bắp chân đặt lên mình con trăn. Trăn vẫn nằm yên như không có chuyện gì xay ra. Lấy cuộn dây dù, Y Vế trèo lên lưng nó đi vào giữa vòng tròn buộc dây vào cổ, nó vẫn nằm im. Chỉ đến khi luồn dây vào khúc bằng lăng, buộc đầu nó vào, lúc ấy nó mới oằn mình quấn chặt vào cây.
- Ta về thôi!
Y Vế bảo, và mỗi người một đầu cây, chúng tôi khiêng trăn về. Anh em trong trạm chạy ra xem, ai cũng trầm trồ  thán phục. Con trăn to, có lẽ nặng đến hơn bảy chục kilôgram.
Đêm giao thừa, mọi người được thưởng thức thịt trăn luộc trắng ngần như thịt gà, chấm muối trắng ăn no. Thịt trăn thơm và ngọt hơn thịt gà. Nước luộc bỏ thêm nắm gạo thành nồi cháo tuyệt vời. Nhưng ngon nhất có lẽ là bộ da. Sau khi lột, hơ qua lửa, lấy dao cạo sạch vẩy, rửa sạch cắt khúc đem ninh; bỏ vào miệng vừa thơm, vừa giòn. Khi đã nuốt vào bụng rồi, ở đầu lưỡi vẫn còn hương vị thơm thơm, béo béo, ngọt ngọt. Ngoài số thực phẩm ăn trong ba ngày tết, anh nuôi còn rán được nửa xoong quân dụng mỡ làm thuốc chữa bỏng.
Năm tháng qua đi, mái đầu giờ đã bạc trắng, song cứ mỗi độ xuân về, đứng bên các loại sơn hào hải vị, bia, rượu ngon mà con cháu mang biếu, tôi lại bồi hồi nhớ lại buổi săn cuối năm và cái Tết giữa rừng năm ấy. Sao mà vui, ấm áp đến vậy. Hầu như giờ đây nó vẫn còn lắng đọng trong tim.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI