Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

TÌNH YÊU VẪN THẮM MỘT MÀU HOA - lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018


THÁNG BA HOA GẠO


Tháng ba như thể dậy thì
lửa hoa gạo sáng cả khi tối trời
cánh hoa như thể làn môi
muốn dâng tất cả cho người nụ hôn

Tháng ba cầm hạt cô đơn
ta đi tìm chỗ để ươm nỗi niềm
ươm trong những ngón tay mềm
ươm vào ánh mắt sau rèm mi ai

Tháng ba mây trắng thở dài
chở theo yêu dấu ra ngoài nhân gian
ta ngồi đợi giữa mênh mang
con thuyền mắt biếc chèo sang bến tình

Tháng ba đậu xuống vai mình
bông hoa gạo nói lặng thinh bằng màu:
cây già nào biết bạc đầu
màu hoa vẫn thắm trong bao mắt người!
ĐẶNG BÁ TIẾN
                                       (Rút từ tập thơ Hồn cẩm hương, Nxb Hội Nhà văn, 2017)
LỜI BÌNH:

           
Tôi nhớ câu nói của một người thầy đã lớn tuổi, đại ý: "Thời gian đời người như tiền có trong túi. Tuổi trẻ tiêu phung phí lắm, càng lớn dần mới biết tiết kiệm, nhất là lúc về hưu rồi thì dè sẻn, sợ hết lắm! ". Câu nói của thầy hóm hỉnh mà dễ thương và sâu sắc đến lạ thường. Quả, đời người và thời gian cứ "đành hanh" như mẹ chồng nàng dâu, yêu thương cũng có mà nghiệt ngã cũng nhiều. Nhà thơ, với trạng thái cảm xúc sóng từ của một dạng ăng-ten đặc biệt, họ dễ đau đáu và rung cảm trước thời gian, nên thường "không có tuổi". Chính sự hồn nhiên, yêu đời đến da diết và đắm say ấy mà thơ ca để lại nhiều thi phẩm kiệt tác làm mê đắm lòng người. Tín hiệu thời gian qua sắc thái đất trời, tạo vật ánh lên như một nỗi niềm chứa chan, tha thiết. Màu hoa gạo tháng ba đỏ đến nhói lòng khiến cho nhà thơ Đặng Bá Tiến giật mình thảng thốt để rồi ngân lên một bài thơ lục bát thật dễ thương, khơi gợi và lắng sâu vào tâm thức người đọc bằng một tình yêu nồng nàn, mang cảm thức thời gian đến khắc khoải hay đó cũng chính là lòng yêu đời và khát khao mãnh liệt của thi nhân. Tháng ba hoa gạo có lẽ là thi phẩm đã nói hộ nỗi lòng cùng chúng ta điều đó.
Khổ thơ đầu được tác giả giới thiệu hình tượng tháng ba và màu hoa gạo trong phép tương quan so sánh thật thi vị. "Tháng ba như thể dậy thì" là câu thơ trực cảm giàu chiêm nghiệm. Tháng ba là tháng cuối cùng của mùa xuân trời đất, "thanh minh trong tiết tháng ba" (Nguyễn Du). Đó là tháng chuyển giao từ xuân sang hạ; từ non tơ, mơn mởn sang một chút nắng nôi của cánh hạ nồng nàn. Nhưng cái tính chất "dậy thì" hẳn phải giàu liên tưởng đến sức sống, sự mãnh liệt của loài hoa gạo đỏ thắp sáng cả một vùng trời đất trong sự hoà điệu với tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ mới có thể phát hiện được. Không để người đọc chờ đợi thêm về sự so sánh hơi khác thường này, Đặng Bá Tiến đã thắp lên cái màu hoa "đỏ chói hồn" ngay ở câu thơ thứ hai thật ấn tượng: "lửa hoa gạo đỏ cả khi tối trời". Phép hoán dụ kết hợp với thủ pháp nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật hình tượng hoa gạo cháy đỏ ngay cả khi trời đang chuyển dần về tối. Đó là màu của lửa sáng, của sức nóng nồng nàn và mãnh liệt, thế là "dậy thì" quá còn gì! Liên tưởng tiếp nối liên tưởng, so sánh chồng lên so sánh, gam màu đỏ của hoa gạo tháng ba một lần nữa thiết tha và nồng cháy qua làn môi thắm đỏ của nụ hôn tình yêu dâng hiến, đắm say:
Cánh hoa như thể làn môi
Muốn dâng tất cả cho người nụ hôn
Giọng thơ đắm say, nhịp thơ hớn hở, hình tượng thơ rực rỡ ở khổ thơ đầu đã khiến tâm hồn người đọc nao nao một niềm mơ tưởng. Đang nồng nàn, tha thiết thế, giọng thơ ở khổ thứ hai bất chợt chuyển sang trầm lắng, suy tư và man mác một nỗi niềm cô đơn của nhân vật trữ tình tác giả. Chính nỗi rạo rực của đất trời, tạo vật, nhất là cái sự lẳng lơ và "như thể dậy thì" của màu hoa gạo tháng ba đã đánh động vào thế giới tâm hồn của tác giả chăng? Con người ta hay buồn, hay cô đơn và hoài vọng khi nhận ra xung quanh mình một thế giới tràn đầy sức sống mà bóng thời gian của đời mình đã bước qua bên kia cái dốc cuộc đời, điều đó âu cũng là lẽ tự nhiên và nhân bản. Nhà thơ Đặng Bá Tiến, trước màu hoa gạo "dậy thì" cũng đã tự mình "cầm hạt cô đơn" đi ươm vào lòng thế nhân một niềm mơ ước thiết tha, một khát khao nồng cháy "trong những ngón tay mềm" hay "ánh mắt sau rèm mi ai" yêu dấu. Bốn câu thơ của khổ thơ thứ hai nhờ đó hiện lên đẹp lung linh như một bản tình ca tràn đầy ước vọng, tin yêu về một lẽ sống hiện sinh vĩnh cửu ở đời:
Tháng ba cầm hạt cô đơn
ta đi tìm chỗ để ươm nỗi niềm
ươm trong những ngón tay mềm
ươm vào ánh mắt sau rèm mi ai
Sự kiếm tìm, chờ đợi và khát vọng càng cháy bỏng bao nhiêu, con người ta dễ bẽ bàng, đau khổ bấy nhiêu khi nhận ra tất cả "chở theo yêu dấu ra ngoài nhân gian" mãi mãi. Ôi cái "hạt cô đơn" mới tội nghiệp làm sao! Nó là tiếng lòng thủ thỉ, là tiếng thở dài muôn thuở của kiếp sống nhân sinh giữa sự thế vô thường. Người thơ mãi đợi giữa mênh mang bến tình một hình bóng giai nhân, một con thuyền mắt biếc đang vời xa hun hút. Không gian tràn ngập màu mây trắng của tháng ba như tiếng thở dài xa xót nghe cảm thương và trắc ẩn đến nao lòng:
Tháng ba mây trắng thở dài
chở theo yêu dấu ra ngoài nhân gian
ta ngồi đợi giữa mênh mang
con thuyền mắt biếc chèo sang bến tình
Từ sự rạo rực ở khổ thơ đầu qua hình ảnh tháng ba hoa gạo "muốn dâng tất cả cho người nụ hôn", đến nỗi cô đơn ở khổ thơ hai với "tháng ba cầm hạt cô đơn", tác giả chuyển mạch thơ sang nỗi niềm lắng đợi ngậm ngùi của tháng ba "thở dài" qua làn mây trắng giữa bầu trời cao rộng. Bài thơ nếu dừng ở ý tưởng ấy có lẽ cũng hao hao giống tâm tình của nhiều thi phẩm khác. Như để làm nổi bật tứ thơ, Đặng Bá Tiến một lần nữa đưa hình tượng thơ hoa gạo tháng ba cháy đỏ "đậu xuống vai mình" để rồi cảm thán thốt lên như một tuyên ngôn về tình yêu, về khát vọng sống nồng nàn, cháy bỏng. Trong văn học trung đại, nhà thơ Hồ Xuân Hương vừa mới cô đơn với "vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" trong đêm "văng vẳng trống canh dồn" đã vội trào dâng niềm khao khát được sống, được yêu qua cái nhìn rạo rực trước thiên nhiên, tạo vật: "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn" để rồi xác quyết "thân này đâu đã chịu già tom". Đến nhà thơ Đặng Bá Tiến, trước màu hoa gạo tháng ba trào dâng, bỏng cháy, thiết tha, đã khiến tâm hồn càng yêu đời hơn, tha thiết hơn với cuộc sống quanh mình:
Tháng ba đậu xuống vai mình
bông hoa gạo nói lặng thinh bằng màu:
cây già nào biết bạc đầu
màu hoa vẫn thắm trong bao mắt người!
Chế Lan Viên từng triết lí về thời gian trong bài "Hoa gạo son (I)": "Thời gian trôi lặng thinh/ Mà tháng ngày chảy hết" với một nỗi niềm cảm khái trước sự nghiệt ngã của dòng chảy cuộc đời. Đặng Bá Tiến mượn màu hoa gạo đỏ để neo thả trái tim tình yêu vào thời gian vĩnh cửu: "Cây già nào biết bạc đầu/ Màu hoa vẫn thắm trong bao mắt người". Vâng, có lẽ đó chính là vẻ đẹp triết lí qua cảm thức đắm say, nồng cháy của một tâm hồn yêu ái với trần gian, với tình yêu lứa đôi muôn thuở.
      



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI