Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

NAM QUỐC SƠN HÀ - BẢN TUYÊN NGÔN ĐẦU TIÊN VỀ ĐỘC LẬP, CHỦ QUYỀN QUỐC GIA - lời bình của LÊ THÀNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018






(Đọc Nam quốc sơn hà, SGK Ngữ văn lớp 7, Tập 1, NXBGD, 2014)
           


Trải qua hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước, từ các triều đại phong kiến cho đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam luôn nêu cao tinh thần bất khuất, dũng cảm, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, quyết tâm giữ vững chủ quyền và độc lập quốc gia. Một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần ấy đã được thể hiện đậm nét qua bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Thi phẩm được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khẳng định chủ quyền thiêng liêng quốc gia Đại Việt trước triều đình phong kiến phương Bắc.
Tương truyền bài thơ ra đời trong hoàn cảnh Lý Thường Kiệt lãnh đạo toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược vào năm 1076 - 1077. Điều có tính huyền thoại là trong nhiều thư tịch cổ đều thống nhất cho rằng do thần nhân đọc lên khiến cho quân Tống hồn xiêu phách lạc, nhờ đó khí thế quân ta mạnh chưa từng có và thu về thắng lợi hoàn toàn. Nguyên tác cũng như bản dịch bài thơ này có giọng điệu hùng hồn, lời thơ khảng khái, hào sảng, khẳng định nền độc lập, tự chủ của đất nước ta như một chân lý hiển nhiên mà tạo hoá đã phân biệt rõ ràng tại "thiên thư" (sách trời), xin chép ra đây nguyên tác và một số bản dịch thơ được xem là hay nhất để cùng đọc lại:
Nguyên tác:     Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
                      Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản dịch của sách giáo khoa hiện hành:
                      Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
                      Vằng vặc sách trời, chia xứ sở.
                      Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?
                      Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
                                              (Lê Thướt - Nam Trân dịch)
Hai bản dịch khác:
                        Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
                        Rành rành đã định tại sách trời.
                        Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
                        Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
                                                          (Trần Trọng Kim dịch)
                          Nước Nam Việt có vua Nam Việt,
                          Trên sách trời phân biệt rành rành.
                          Cớ sao bay dám tranh giành?
                          Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi!
                                                          (Nguyễn Đổng Chi dịch)
Trước hết, tên Nam quốc sơn hà là do người đời sau đặt dựa vào nội dung tư tưởng và bốn chữ đầu tiên của câu thơ mở đầu, còn bản thân bài thơ vốn dĩ không có tên. Tuy nhiên, dù đặt tiêu đề nào đi nữa, tư tưởng bao trùm toàn bộ thi phẩm vẫn là sự khẳng định nền độc lập, chủ quyền quốc gia như một tinh thần bất biến, kiên định. Chính kẻ thù đi ngược lại "sách trời" đã định ấy nên mới gánh chịu cảnh tang tóc tơi bời, âu cũng là kết quả của sự "nghịch lỗ" vậy.
Như trên đã nói về hoàn cảnh ra đời có tính huyền sử của bài thơ, song cha ông ta đã gởi vào muôn đời sau một bài học rất quý giá về tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm về những gì thiêng liêng của Tổ quốc. Yếu tố huyền sử là thần nhân đọc thơ bên phòng tuyến sông Như Nguyệt, nhưng sự thật lịch sử thì đấy là sự tranh chấp chủ quyền giữa người Việt dưới thời Lý và người Trung Hoa dưới thời Tống. Bài thơ ngắn gọn, cô đúc, song hàm ý tư tưởng thì sâu sắc và rộng lớn vô cùng, vì nó đã chạm vào ý thức tự cường, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước thiết tha của hàng triệu con tim người dân Việt suốt bao đời nay.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã khẳng định nguyên tắc độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam với một giọng điệu dứt khoát, rõ ràng, có tính quyết liệt: "Sông núi nước Nam, vua Nam ở". Nguyên tắc độc lập đó là chân lý bất biến, vừa thuận "sách trời", vừa hợp lòng dân. Vua Nam Việt cai quản muôn dân trong phạm vi bờ cõi của mình, không xâm chiếm, đoạt lấy của ai, do đó mà được mọi người ủng hộ, trời đất cũng chiều theo lòng người mà cho yên ổn, vững bền. Mượn quan niệm trời định, lập trường đã được xác quyết và xem đó như là căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền. Dân tộc Việt vì thế có đủ tư cách của một Nam bang tồn tại ngang hàng với phương Bắc. Điều đó sau này Nguyễn Trãi đã khẳng định hùng hồn và minh bạch trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo bất tử: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác".
Sau khi khẳng định tư cách độc lập, chủ quyền của dân tộc như một nguyên tắc bất biến, trên thuận mệnh trời, dưới hợp lòng người, Lý Thường Kiệt đã kết thúc bài thơ như một lời thề về bổn phận và trách nhiệm giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của đất nước mà toàn dân tộc quyết tâm bảo vệ. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tổ quốc vẫn là trên hết, phải giữ cho bằng được chủ quyền quốc gia, ai đi ngược là có tội với non sông đất nước. Điều này, vào thế kỷ XV, Lê Thánh Tông cũng đã từng khẳng định: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!". Gần đây nhất, vào những ngày mùa thu lịch sử sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chủ tịch, sau khi nêu lên những cơ sở pháp lý, khẳng định tội ác của thực dân Pháp trải qua hơn 80 năm xâm lược Việt Nam, đã mạnh mẽ khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Qua đó, ta thấy tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập trở thành một mạch nguồn thiêng liêng không bao giờ vơi cạn qua lớp lớp thế hệ người Việt. Tất nhiên giữ nước, bảo vệ chủ quyền phải đi liền với chính nghĩa, vì chính nghĩa sẽ thắng hung tàn, kẻ thù dù mạnh đến đâu, nếu trái với chân lý đã được nhân loại cơ bản thống nhất, ắt phải chuốc lấy thất bại thảm hại: "Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!"
Một bài thơ ra đời cách đây hàng ngàn năm, song tư tưởng độc lập, chủ quyền và bài học giữ nước vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh thế giới và trong khu vực đang có nhiều tranh chấp chủ quyền khốc liệt như hiện nay, đọc lại Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, chúng ta càng được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin tưởng lớn lao vào điều chính nghĩa ngàn đời của dân tộc. Việt Nam, một đất nước yêu chuộng hoà bình, có lãnh thổ, lãnh hải riêng theo luật pháp quốc tế, tất sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình và chiến thắng kẻ thù bằng mọi giá.
                                                                                   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI