Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết vốn có
sự ổn định tương đối về đặc trưng thể loại, các tác phẩm ký tuy cùng nằm trong
loại hình văn xuôi tự sự song lại là tên gọi chung cho một nhóm thể tài có tính
giao thoa giữa báo chí (chính luận, điều tra, ghi chép tư liệu, tường thuật sự
kiện và thường có tính xã hội, tính thời sự sâu sắc, bao gồm nhiều tiểu loại
thể văn như bút ký, ký sự, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự, du ký, hồi ký, nhật
ký, tuỳ bút, tản văn, tạp văn...
Vậy làm sao để phân biệt đâu là một truyện
ngắn đâu là một bài bút ký văn học, rồi làm sao để phân biệt một bài bút ký với
một bài ghi chép báo chí hoặc phóng sự? Theo tôi, ở vế thứ nhất, dễ dàng thấy sự
khác biệt: Truyện ngắn là hư cấu còn bút ký bám vào một sự kiện hoặc một vấn đề thời sự xã hội. Cá biệt cũng có những
truyện ngắn kiểu tự truyện, kể lại một câu chuyện mà mình chứng kiến hoặc vừa xảy
ra, nhưng về cơ bản, trong đó, tác giả có quyền bịa chuyện, thêm thắt nhân vật, chi tiết, miễn là phù hợp. Còn bút ký, về
cốt lõi, vẫn là sự thật, một sự thật đáng tin cậy mà tác giả
thu nhận từ hiện thực trực tiếp và người đọc tin rằng, nó “có mặt” ở ngoài đời
thực.
Ở vế thứ hai, làm sao để phân biệt một bài
báo ghi chép, hoặc một phóng sự với một bút ký văn học? Có rất nhiều người viết
băn khoăn chỗ này. Như trên đã nói, tính giao thoa mập mờ giữa các thể loại
khiến cho việc phân biệt rạch ròi trở nên khó khăn. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi phân biệt
như sau: Cùng hướng đến đối tượng là các sự kiện thời sự - xã
hội, nhưng ở bài ghi chép hoặc phóng
sự, người viết cố gắng mô tả hiện thực càng chi tiết, càng rõ ràng càng tốt, để bày ra
trước mắt người đọc vấn đề cần nói. Đối tượng của bài ghi chép, phóng sự là những sự kiện, những con số, những ý kiến từ
nhân vật tại hiện trường. Đặc biệt, ở phóng sự, là những diễn biến
thực sự đang nóng, đang ảnh hưởng trực tiếp hoặc
thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Sự hấp dẫn của ghi chép,
phóng sự là tính thời sự. Do đó, nếu cùng một phóng sự đó, nhưng sau 2 năm đọc lại
thì tính hấp dẫn sẽ không còn như khi mới ra đời, vì nó mất tính thời sự. Sau 2 năm đọc lại một bài ghi chép, người đọc
chỉ còn được
“tưởng nhớ” đến một bức tranh hiện thực nào đó đã từng diễn ra.
Còn với một bài bút ký thì sao?
Thứ nhất, thể loại này không chú trọng khai
thác tính thời sự của vấn đề, mà đi tìm cốt lõi ở chiều sâu của suy
tưởng, chiêm nghiệm. Tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu: “Ai đã
đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là bút ký về sông Hương. Đọc lên,
ta không thể thoả mãn các câu hỏi là ai đang làm gì, sự kiện gì đang xảy ra, vấn
đề gì đang nóng bỏng ở đây? Hoàn toàn không có. Mà trong đó, bằng vốn văn
hoá của mình về vùng đất, nhà văn trình bày cảm nhận chủ quan về đối
tượng, về sông Hương. Ở thượng nguồn, trong thành phố, qua ngoại vi, mỗi khúc
sông mang một dáng vẻ khác nhau. Nhà văn lần tìm trong lịch sử, trong địa lý,
nhằm khai thác mọi khía cạnh giá trị của dòng sông này.
Đến đây thì chúng ta có thể hình dung được, bút ký cần thứ
gì, người viết bút ký, cần những phẩm chất gì? Để dễ hiểu hơn, chúng
ta thử so sánh: Bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường với
bút ký về sông Sêrêpôk của các tác giả Tây nguyên. Đã có ai viết về Sêrêpôk
như một sinh thể, như một cuộc đời chưa?
Hay là chỉ vài hiểu biết hời hợt, đó là dòng sông chảy ngược duy
nhất ở Tây nguyên, không đi ra biển mà vòng qua Biển Hồ? Tôi đọc nhiều bài ghi
là bút ký về dòng sông này, thấy mô tả các đặc điểm nhận dạng: Là
hợp lưu của hai dòng sông Krông Nô và Krông Ana, hai bên bờ là diện tích đồng
lúa rộng bao nhiêu héc ta, dưới sông thì có các loại tôm cá đặc biệt là cá lăng
Sêrêpôk nổi tiếng vân vân… Những thông tin đó, một bài báo bình thường có thể
cung cấp đủ, cần gì đến một nhà văn động bút?
Vậy làm sao để bút ký thực sự là một bút ký
văn học?
Trước hết, đừng hời hợt, hớt váng. Đến cầu
14 ăn cá lăng rồi về viết, đến huyện Krông Nô hỏi về diện tích lúa nước rồi về viết. Tệ hơn, gặp mấy đồng chí chủ
tịch xã, chủ tịch huyện hỏi ký kiến rồi bê nguyên xi vào bài viết. Người đọc không
chờ đợi những thông tin đó ở một tác phẩm văn học. Cái bạn đọc cần là dòng sông
đó và con người đã “ăn ở” với nhau như thế nào để góp phần tạo nên diện mạo, bản
sắc một vùng đất?
Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn bó cả đời với Huế,
với sông Hương, thì mới có tác phẩm ấy, Nguyễn Tuân ròng rã lên Tây Bắc hàng
năm trời mới có bút ký Người lái đò sông Đà, Nguyên Ngọc mất cả thời trai trẻ ở
Tây nguyên mới có tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy.
Như vậy, sẽ nảy sinh vấn đề thứ hai: Vậy,
tôi gắn bó cả đời với Tây nguyên sao tôi không viết được? Đến đây lại cần phẩm chất của nhà văn (không phải nhà báo):
Quan sát, so sánh, suy tưởng, tưởng tượng và vốn văn hoá. Anh ở Tây nguyên vậy anh đã bao giờ thử phân biệt tiếng nước suối chảy vào ban đêm
và ban ngày giống và khác nhau điểm nào chưa? Đã bao giờ
nghe tiếng cơn mưa trút trên rừng để cảm nhận cái u tịch của rừng chưa? Đã bao
giờ cháy lưng quệt mồ hôi giữa rẫy cà phê để thấm cái nắng cháy da cháy thịt của
Tây nguyên chưa? Nếu chưa thì thử tưởng tượng, có tưởng tượng được không?
Tôi xin trích một đoạn văn của nhà văn Nguyễn
Tuân: “Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Có lần, tôi
nhìn Sông Đà như một cố nhân…Cảnh ven sông ở đây lặng tờ, hình như từ đời Lê đời
Trần đời Lí, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế
mà thôi. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
Còn đây là một đoạn về Sông Hương của nhà
văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, Sông Hương đã là một bản trường ca của rừng
già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, và cũng có lúc trở nên dịu dàng và
say đắm, như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại…”.
Một đoạn bút ký “Những chiều kích của rừng”
của nhà văn Nguyên Ngọc kể lại một đêm nghe hát sử thi ở Tây nguyên: “Chính lúc
ấy ta mới biết hoá ra có cả một dàn nhạc đệm mênh mông vẫn chảy theo cuộc
phiêu lưu của anh chàng Đăm
Noi trên từng bước số phận gian nan và anh hùng của anh: Tiếng nước lanh tanh kiên nhẫn và thân yêu ở máng nước đầu làng, trong đêm khuya càng
trong veo, tiếng vỗ cánh của con chim đêm bí ẩn vừa bay vút qua trên ngọn nhà rông, mất hút trong rừng xa, tiếng một con mang tác gọi con đêm nào
cũng thống thiết khiến ta chợt lo lắng đến quặn lòng, tiếng nước quấn quýt quanh cái gành đá ngoài sông, chần chừ nửa ở nửa đi, và trùm lên tất
cả, tiếng rì rào vĩnh cửu của Mẹ rừng…”.
Thể loại bút ký cho phép người viết tha hồ
tưởng tượng, tha hồ so sánh, đối thoại, miễn là dắt được người đọc vào thế giới của mình. Trở lại với vấn đề đang quan tâm, tôi thấy nhiều
người viết ngại miêu tả, ngại suy tưởng, nên lấy số liệu, lấy báo cáo trát vào bài viết rồi nằng nặc nói đó là
bút ký, hoặc gặp gì ghi nấy cho đủ chữ đủ trang rồi cũng ghi vào đó là
bút ký.
Tóm lại, thể loại bút ký không dễ viết, bằng
chứng là người viết truyện ngắn, thậm chí tiểu thuyết thành công rất nhiều nhưng người viết bút ký chỉ đếm đầu
ngón
tay.
Tuy nhiên, khi đã nhận diện được đặc trưng của thể loại này, mong rằng, chúng ta cố gắng,
đừng để tác phẩm của mình trở thành những bài báo dài dòng chi chít các con số
các sự kiện, các ý kiến nhân vật. Và điều cuối cùng tôi muốn nói, là trước khi
viết như một nhà văn thì hãy sống như một nhà văn, quan sát, suy tư, chiêm nghiệm, trăn trở và đọc sách thật nhiều để
rèn luyện ngôn ngữ. Đó là nói
chung cho tất cả mọi người, trong đó có cả bản thân tôi, vì nghề viết là rất nhọc
nhằn, cần kiên nhẫn và cỗ gắng không ngừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI