Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

NGƯỜI VIẾT “HUYỀN THOẠI NÚI” - lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 4 NĂM 2018





(Nhân đọc “Huyền thoại núi”, NXB Văn hoá Dân tộc)


Thế nào rồi cũng có phút giây cùng với người viết “Huyền thoại núi” trò chuyện với nhau. Cứ ngỡ rằng người viết tập thơ này còn trẻ lắm vì mới đọc thấy bao trùm giọng thơ của tập là tình cảm sôi nổi, nồng ấm nhiều lúc vồ vập, nghẹn ngào. Hoá ra anh sinh năm 1942, tính đến nay cũng kha khá gió sương đậu trên mái tóc bồng bềnh như mây trắng mỗi chiều của anh. Lúc đầu cứ tưởng anh là người chính gốc ở cái xứ sở nhiều điều kì bí cuốn hút này vì có những câu thơ anh viết như là hơi thở ấm nóng của mùi hương cà phê trực tiếp toả bung lên vậy. Quê anh mãi tận Thanh Oai, Hà Tây nay thuộc thủ đô Hà Nội. Thì ra vậy, thảo nào trong tứ thơ của anh phảng phất mùi văn của đất Bắc. Anh là nhà thơ Hữu Chỉnh, vào vùng đất đỏ ba zan từ khi mùi hương ngọt đắng nồng nàn đượm thấm của cà phê vẫn còn vương sau hàng rào giây thép gai. Bước chân của anh đặt dấu trên rẫy cà phê, cao su, tiêu của Tây Nguyên từ  năm 1972. Thời gian đó anh làm Trưởng Ban Giáo Dục H9 (Krông Bông). Vất vả, gian truân, thiếu thốn mọi bề, ngoài công việc của một cán bộ quản lí, anh vẫn dành chút ít thời gian cho thơ.
Đúng ngày 20.11.1973, anh viết bài thơ: “Đêm buôn Khanh” tràn đầy tình yêu thương của một người thầy đối với các em học sinh. Tình cảm ấy trong sáng, vô tư, đẹp đẽ vô cùng. Bây giờ ngoảnh lại mà nghĩ có lẽ bản thân mình cũng phải ngạc nhiên. Hồi ấy sao trong sáng thế, không mảy may một gợn bụi bặm trong tâm hồn, trong nghĩ suy. Cái hoàn cảnh: “Quần buộc túm sợi dây/ Áo rách bung từng mảng/ Củ mì theo năm tháng” bây giờ ngẫm xem lại khác gì là huyền thoại. Thiếu thốn về vật chất mà dư thừa,giàu có về nghĩa tình: “Rất xa và rất sâu/ Trong từng đôi mắt nhỏ/ Những Y Tim, Y Cố/ Những H’Yêng, H’Yun/ Là khát vọng bao trùm/ Là tiếng sông, tiếng suối/ Chuyển thành lời em ca.” Những dòng thơ chân thật ấy đã nói lên tư cách mẫu mực của một người thầy. Hình bóng mẫu mực của người thầy ấy mãi in sâu trong tâm tưởng của những học sinh như YTim, YCố, H’Yêng, H’Yun. Chắc hẳn bây giờ, sau bao đổi thay của cuộc sống, tôi vẫn tin trong sâu thẳm tấm lòng của các em vẫn còn nguyên hình ảnh người thầy tận tâm ấy, thời gian tuyệt nhiên không thể nhoà xoá được. Người đọc thật sự cảm động khi đọc những dòng thơ sau: “Có nặng lắm không mà quai gùi căng thế?/ Mệt lắm không mà mồ hôi đổ thành dòng?/ Chân sáo tung tăng, tiếng cười tươi trẻ/ Trên lưng em lấp loáng đạn đồng!” (Gùi đạn). Ngoài tình thương của thầy đối với trò, còn một tình cảm nồng đượm nữa là tình của người anh bộ đội giải phóng với  lứa em chiến sĩ trẻ đang tiếp sức cho mình. Hình ảnh lấp loáng đạn đồng trên lưng của mỗi học sinh vừa dễ thương vừa dũng mãnh kiêu hùng, vừa ngây thơ vừa dạn dày. Câu thơ khiến cho người đọc liên tưởng tới hình ảnh hai nụ cười điệp vào nhau làm sáng bừng cả không gian trập trùng núi đồi, sông suối, không gian ấy đâu đây vẫn còn vương mùi súng đạn, váng vất âm thanh của bom mìn. Nụ cười của chính em và nụ cười đang lấp lánh trong gùi đạn sau lưng em. Hai nụ cười ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng mùa xuân 1975 của dân tộc ta. Thơ anh trong thời gian này là thơ phản ánh chân thật cuộc sống sục sôi của khí thế cách mạng, là thơ của thế hệ: “Cha cầm súng giữ làng buôn giải phóng/ Nắng tháng ba đã gọi mí lên nương/ Anh còn bận đem mìn phá lộ/ Đoàn dân công có chị dẫn đường”; là thơ của niềm vui chiến thắng, một niềm vui quá lớn đến ngỡ ngàng, sửng sốt: “Ta đã gặp nhau mà tưởng còn trong mộng/ ...Cứ bùng lên cháy bỏng  cõi lòng” (Đi trong hương cà phê). Niềm vui to lớn ấy khiến anh ngất ngây: “Nắng xanh mắt lọc qua vòm tán lá/ Hương từ hồn em toả lên say mê”. Hương không phải từ em nữa mà ôm trùm cả không gian, không phải từ mắt em nữa mà từ cả vòm lá, từ màu nắng, tất cả cứ thế mà  bung toả lên. Anh phải cảm ơn niềm vui chiến thắng lẫy lừng to lớn kia vì đã đem đến cho anh hai câu thơ thật ấn tượng. Chợt nghĩ giá mà lúc ấy, anh kìm nén một chút mức độ dâng trào của cảm xúc thì hai câu thơ trên bớt đi sự rườm rà của từ ngữ và tất nhiên sẽ đem lại cho người đọc hai câu thơ thật sự độc đáo.
Từ khi giải phóng, anh vẫn song hành hai nhiệm vụ. Một là nhà quản lý (Giám đốc công ty Sách - Thiết bị trường học, Phó ban vận động thành lập hội VHNT Đắk Lắk, Chủ tịch hội VHNT Đắk Lắk 1990-2001), hai là nhà thơ. Những tưởng làm quản lý thì thơ anh nhẹ đi phần nào, ngờ đâu thơ anh ngày một sâu sắc hơn, cái sự rườm rà trong từ ngữ không còn nữa thay vào đó là là sự cô đọng của suy tư, chiêm nghiệm. Cảm xúc trong mỗi bài thơ vẫn nồng nàn, vẫn say mê: “Trên đầu ta em ơi/ Ngọn cờ sao lồng lộng/ Trước mắt ta hồ rộng/ Thu bẩy sắc cầu vồng” (Biệt điện bên hồ). Anh nhìn cảnh vật lúc này giống hệt một chàng trẻ tuổi, nhìn chỗ nào cũng vui, thấy người nào cũng dễ mến, dễ yêu. Háo hức và sung sức: “Đường lên hạnh phúc - cánh bay tuyệt vời/ Thanh tân qua mỗi dáng người” (Cho em phố núi). Nhưng rồi cái háo hức dễ mến ấy rồi cũng có lúc lặng thầm nghiêng đi mà nghe, mà suy tư, mà ngẫm nghĩ: “Pleiku có mơ màng/ Mà sương nắng cứ nhuốm vàng tháng năm”.
Những năm 1980 trở đi thơ anh không còn thuần tuý nhìn sự vật ở bên ngoài bằng cách kể, tả nữa mà mà đi vào từng tầng sâu của nó. Vì thế có những câu thơ anh kết hợp giữa kể, tả với chiều sâu tâm trạng, giữa cảm xúc với suy tư, tạo ra một sự tưởng tượng đầy sức gợi: “Nắng lưng đồi cứ tưởng nước lơ thơ” (Nghe quan họ trên cao nguyên). Câu chuyện trong bài: “Chợ huyện mới trong vùng căn cứ cũ”, cảm động lòng người, chọn để trích ra đôi câu hơi khó, nhưng cái tứ của nó cho người đọc một nỗi tình bâng khuâng, da diết. Và đằng sau cái bâng khuâng, da diết ấy là sâu thẳm tính nhân văn: có hôm nay là nhờ có quá khứ, có hoa hồng là nhờ có máu đổ, có nụ cười là nhờ có nước mắt, mồ hôi. Bên cạnh cảm xúc nồng nàn về những đổi thay của cuộc sống mới, anh đã có cái nhìn biện chứng, toàn diện về mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại, tương lai giữa sự vật và con người, giữa hai mặt đối lập của một thực thể: “Đêm cứ chung và đêm cứ riêng/ Núi cứ tím hồ sẫm màu cổ tích/ Bên cánh cửa khép vào tĩnh mịch/ Bên mở ra nắng mới ùa vào” (Đêm huyện Lăk). Nhìn bông lúa chín vàng trĩu hạt hôm nay ở khu căn cứ cách mạng Khuê Ngọc Điền, anh bỗng rưng rưng nhớ về thời chưa giải phóng và chính thời ấy đã cho anh nguồn sống, cho anh những suy tư về những gì đã mất mát, hy sinh, nhắc nhở thế hệ sau, chúng ta sống đủ đầy bao nhiêu là chúng ta “mắc nợ” các thế hệ trước bấy nhiêu: “Lúa!/ Nơi nào tôi cũng gặp/ Nhưng có ở đâu mắc nợ thế này/ Nâng bông lúa sẫm vàng ngang mặt/ Nghe rưng rưng chuyển vào đôi tay.” (Lúa Khuê Điền). Chắc hẳn người đọc rất đề cao cái tâm thế cung kính biết ơn của nhà thơ trước những bông lúa vàng hôm nay có được là bởi biết bao máu đỏ của biết bao người đã rải khắp miền sông suối, núi rừng ấy.
Cái đáng quý và trân trọng trong thơ Hữu Chỉnh là ở chỗ dường như lúc nào trong thơ anh cũng tràn đầy sức sống, giọng thơ hăm hở, cảm xúc nồng đượm, cái khoẻ khoắn hoà cùng sự sôi động, cái sức trẻ nhuyễn hoà cùng mê say. Đời sống của đồng bào đặc biệt đời sống văn hoá  tinh thần dưới góc nhìn của anh vừa đẹp vừa đượm tính đặc trưng: “Sóng dội sóng/ Chiêng nhịp chiêng/ Bập bùng vỗ lửa/ Chuếnh choáng say/ Trong lúng liếng rượu cần.” (Ơi H’năng). Một lát cắt ròng tươi sự sống. Người, cảnh, tình quyện lại xoả ra xung quanh một hấp lực say sưa quyến rũ. Hình ảnh thơ của anh ngày một cô đọng và có tầm khái quát hơn: “Lững thững đàn voi cổ sơ/ Chở nắng chiều nhuộm vàng lưng núi/ Nhạc theo chân cô gái Ê-đê.” (Buôn Đôn chiều). Mạn phép nhà thơ cho tôi tạm cất từ “nhạc” vào kho từ vựng. Rõ ràng ý thơ cô đọng hơn, hàm ẩn sâu hơn. Sự thực nhạc đã tràn ra ở các  câu thơ rồi, bỏ từ nhạc đi người đọc còn nhận ra sự linh thiêng của cái đẹp, của truyền thống văn hoá  mẫu hệ ngàn đời đậm sâu trong dòng máu mỗi người hiện ẩn trong dân tộc người Ê-đê. Ngoài sự linh thiêng còn tỏ rõ uy quyền của giới nữ. Từ thiên nhiên hoang sơ kì bí đến núi đồi hiểm trở, từ đàn voi dũng mãnh đến chiều vàng mênh mang đầy nắng, tất cả đều quy thuận “theo chân cô gái Ê-đê”. Một bức tranh hoàn hảo, gợi cảm, ấn tượng, độc đáo về Tây Nguyên, về phụ nữ Ê-đê.
Nhà thơ Hữu Chỉnh cũng là một trong những người đi nhiều, tới đâu anh cũng đặt dấu ấn thơ ở đó. Tới Phong Thổ, anh cho người đọc nghe tiếng ngựa hí trên đỉnh trời vọng xuống, với tiếng khèn gói bao nhớ thương của những đôi tình nhân muôn thuở ở chợ tình Sa Pa được bọc ướp bằng những làn sương đục trắng la đà lưng chừng núi. Ghé qua Sơn La gặp đêm múa xoè thơ mộng khiến anh: “Một lần gặp/ Đam mê/ Đắm đuối/ Níu hồn người.” (Đêm Sơn La). Lên Hà Giang anh vẩy lên bầu trời đá mấy nét mà cảnh, người, phong tục tập quán nơi đây hiện ra thật sinh động: “Ngô vạch đá lên trời/ Lúa bắc thang lên trời/ Để ngàn đời/ Người xuống chợ.” (Xuống chợ).
Có thể nói thơ của Hữu Chỉnh giàu hình ảnh, đượm say về cảm xúc. Dường như bài thơ nào của anh cũng mang hơi thở say tràn sự sống. Thơ anh là thơ của xúc cảm dâng trào, người đọc chẳng bao giờ lãng quên thơ của anh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI