Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

ĐỨA CON NGƯỜI THỢ SĂN - Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN


(Trích trong tập truyện ngắn ZÀNG PHẠT - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2003)

Cây mai trước nhà bỗng nhiên đổi màu, những chiếc lá xanh ngắt chuyển sang màu vàng và bay theo gió phủ kín cả mảnh vườn. Chỉ có mấy ngày thôi, cây mai xanh tươi là vậy mà bây giờ chỉ trơ lại những chiếc cành khẳng khiu như sắp cạn kiệt sức sống. Mặt trời nóng bỏng đổ lửa suốt từ sáng sớm đến hoàng hôn. Cái nóng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên làm cây cối phải gục đầu, chim chóc cũng lặng im tiếng hót. Nhưng có lẽ nhờ cái nóng đó, cây mai cổ thụ bỗng nhiên trở mình đâm chồi, nảy lộc ló ra những búp hoa báo hiệu xuân sang, Tết đến và báo hiệu một mùa săn mới.
Quê tôi người ta thường lấy cúng Yang(1), cúng lúa mới làm cái tết chính, còn Tết mùa xuân tính theo hoa mai nở, thì ăn theo người Kinh cho vui thôi chứ không có ý nghĩa gì. Nhưng mùa hoa mai nở, trai tráng ai cũng thích vì đó là mùa đi săn.
Mấy hôm trước ngày tổ chức đi săn, các trảng cỏ gianh được châm lửa đốt. Ngọn lửa theo nhau chạy qua hết đồi này sang đồi khác, kéo dài có khi ba, bốn ngày đêm. Bầu trời cũng phải sẫm lại vì khói và tàn tro. Khi ngọn lửa tàn, những khu rừng rậm hàng chục héc ta chỉ còn lại lưa thưa, từng mảng rừng già bị cháy nham nhở, chim thú dồn vào ở đó; người ta tổ chức đi săn.
Năm ấy tôi vừa tròn 13 mùa rẫy nên được phép theo ama(2) đi săn. Ama tôi là một thợ săn nổi tiếng khắp vùng. Cây ná làm bằng rễ gỗ thị đen láng, cánh ná được làm từ thân cây ô rô có thể bắn xa trăm mét. Điều đặc biệt là thuốc bôi ở đầu mũi tên do dòng họ truyền lại, không con vật nào dính phải chạy nổi trăm bước, cho dù đó là min, bò rừng, hổ hay báo… Trên vách nhà sàn dài gần 100 sãi tay treo đầy sừng min, bò rừng, hươu, nai, cà tông… xếp thành hai hàng song song với nhau. Đấy chính là chiến tích của ama tôi.
Ama đeo cho tôi chiếc ná nhỏ vừa với sức của mình và dạy tôi bắn, bắn vật chết - đứng im; bắn vật sống - nó biết chạy nhảy; từ lúc tôi mới chập chững biết đi. Năm lên 9 mùa rẫy tôi có thể bắn trúng chim đang bay, sóc đang chạy. Nhưng tôi chưa bao giờ được bắn thú. Vì vậy tôi náo nức khi được theo ama đi săn. Thế rồi cái ngày dữ dội đó cũng đến. Buổi sáng khi mặt trời còn chưa thức dậy, những vì sao vội vã chạy trốn chỉ còn le lói vài ông sao nhỏ bé nổi bật giữa nền trời xanh ngắt, tiếng chuông ngân vang, tiếng chó sủa, tiếng chân người bước thậm thịch trên các ngôi nhà sàn - vốn bao giờ các nhà sàn cũng làm cạnh nhau - kéo tôi khỏi giấc ngủ. Tôi choàng dậy bốc vội mấy miếng cơm bắp ăn rồi chạy ra vớ quả bầu đựng nước suối tu một hơi dài. Xách chiếc gùi của mình đã xếp sẵn quả bầu khô đựng nước, cái xoong nhôm đựng bắp giã nhỏ, nấu nhừ - tiêu chuẩn ăn cả ngày, vác chiếc ná ra đầu buôn nhập vào đoàn người.
Ama lặng lẽ đeo gùi dẫn dầu đoàn người đi về núi Cánh Diều. Khi đến bãi săn, ông chia người chặn các ngả đường, con thú có thể chạy qua khi bị dồn đuổi. Ông dặn kỹ bọn người đi lùa cách lùa theo hướng đã định, cuối cùng ông dặn thêm.
- Mẹ con con min này mới ở đâu chạy lạc về đây, ta cố gắng bắn cả đôi về ăn Tết Doan(3) cho vui.
Mọi người kéo nhau đi. Ama dẫn tôi đến cạnh cậy lồng bàng, trên thân cây cách mặt đất khoảng 3 mét, ai đó đã làm sẵn 1 cái sàn rộng chừng 3 mét vuông bao xung quanh thân cây đủ chỗ cho 4 người ngồi thoải mái.
Ngồi ngay ngắn trên sàn giơ nỏ ngắm thử về thung lũng phía trước, quả thật tôi hồi hộp vô cùng. Cánh rừng bị đốt cháy trụi lủi sạch như dọn rẫy, ngay cả cây lồng bàng to là vậy, phía dưới lá cũng bị cháy quăn queo, thân cây lửa táp đen sì. Xuôi về phía bãi săn chỉ thấy đám rừng xanh nhỏ bé nổi bật trên đám tro rộng lớn mà lòng xốn xang.
*
**
Xa xa tiếng chuông, tiếng tù và nổi lên ầm ĩ tạo nên một dãy âm thanh ồn ã như sầm đầu mùa mưa rộn vang. Vì ngồi cuối gió tôi nghe rõ tiếng chiêng, tiếng tù và sừng trâu. Tiếng hò hét của đoàn người đi lùa ngày một rõ dần, bỗng nhiên tiếng chó sủa rộ lên, tiếng chiêng thúc gấp gáp, tiếng hò hét từ mấy chục cái miệng cùng gào lên tạo thành một thứ tạp âm dội vào núi vọng ra nghe rờn rợn.
- Min! Ama kêu lên. Đúng là hai mẹ con nó rồi. Mày bắn con nhỏ nhé.
- Dạ!
Con min mẹ chạy từng đoạn ngắn để chờ con. Con nó màu đỏ, phớt nâu to phải bằng con bò cái lớn chạy thập thững phía sau, đầu ngẩng cao mắt liếc về phía sau, nơi đàn chó gần hai chục con thi nhau gào thét. Đàn chó luôn luôn giữ khoảng cách hai chục mét phía sau con min. Gió thổi làm đất bay mù mịt tối cả một vùng trời. Mắt min mẹ đỏ ngầu to như chiếc ly lớn gườm gườm nhìn đàn chó. Nó không chạy nữa mà thủng thẳng bước. Con min con có vẻ khiếp sợ, vừa đi vừa dụi vào bụng mẹ trông thật dễ thương.
Hai mẹ con nó cứ nhắm thẳng hướng tôi bước tới. Khi còn cách chòi độ năm chục bước, con min mẹ linh cảm thấy điều gì đó không ổn nên đứng sựng lại, hai con mắt trắng đã bỗng chuyển sang màu hồng như có máu nhìn chằm chằm vào tôi. Con min con ngơ ngác đứng nép vào bụng mẹ giương cặp mắt ngây thơ nhìn tôi như muốn hỏi điều gì.
Bình thường, với khoảng cách này chắc chắn tôi sẽ bắn trúng mắt con vật nếu nó chạy chứ đưnngs nói gì đứng yên. Nhưng tôi đã không bắn nổi, vì đôi mắt như cầu xin tha mạng ấy. Đôi mắt như một lời trách móc. Tay tôi run run định hạ ná xuống.
- Bắn đi!  Ama hét lên.
Như cái máy, tôi bấm mũi tên lao vút khỏi ná. Thực lòng lúc đó tôi cầu xin Yang hãy làm cho mũi tên tôi trật đi đừng đúng vào con min tội nghiệp. Nhưng cùng lúc mũi tên tôi bay ra, con min mẹ chồm lên quay ngang người che cho con min con, nhận gọn mũi tên tôi bắn cắm vào vai và mũi tên ama xuyên vào cổ. Bị đau nó “họ” lên một tiếng lao thẳng vào gốc cây lồng bàng.
Rầm! cây lồng bàng to thế mà rung lên lá rụng lả tả, cây ná tôi cầm văng xuống đất, tôi chới với xuýt rơi. May sao ama giơ tay giữ tôi kịp. Sau cái húc khủng khiếp đó, con mẹ đổ vật xuống, máu mồm, máu mũi chảy ra ròng ròng. Đôi mắt nó trợn ngược trước sự việc xảy ra. Con min con ngơ ngác nhìn mẹ ngủ gục bên gốc cây, nó chạy lại húc vào cổ con min mẹ nâng lên. Có lẽ quá nặng nên nó không giữ được cổ con mẹ, để trượt rơi xuống đất. Máu của min mẹ thấm đen đầu con min con. Con min con quỳ hai đầu gối trước xuống, luồn mõm qua cổ con mẹ định nâng lên, mồm kêu ọ ọ. Nhưng lại trượt. Nó cố lần nữa, lại trượt. Nó đứng dậy ngây người nhìn xác min mẹ, đôi mắt nhòe nước.
Bầy chó săn xúm xít xung quanh sủa nhặng xị cả lên. Có con lao vào gặm chân con min mẹ. Bất chợt con min con ngửa cổ gào lên “ọ”! Rồi vung chân sau đá con chó vàng đang gậm chân mẹ nó. Con chó chỉ kịp kêu “oẳng” đã bay ra xa cả chục mét nằm thẳng đơ, bụi tro bay mù mịt.
Min con lồng lộn chạy vòng quanh xác mẹ hết thúc vào hông, lại huých đầu vào bụng như muốn thúc mẹ dậy. Nhưng mọi cố gắng của nó vô ích. Nhìn nó tôi thấy thương quá chừng. Hình ảnh con min giống như một đứa trẻ bị mất mẹ. Tôi hối hận vì mũi tên của mình, mũi tên ấy đã giết chết con mẹ và có thể giết chết cả con con bằng sự cô đơn, tang tóc. Chính tôi là kẻ gây nên cảnh đau xót này. Đôi mắt của con min con nhòa lệ, lệ nó chảy bằng máu đỏ bầm. Tiếng khóc của nó nức nở từ trái tim tan nát tôi nghe như chính nỗi đau của mình.
Cách đây hơn bảy năm về trước, khi lên sáu tuổi, tôi cũng giống như chú min con hôm nay ngồi ôm xác amí bên chòi canh rẫy. Nước mắt tôi cùng máu của amí thấm đẫm mảnh đất nương yêu dấu. Tôi căm thù cái máy bay Mỹ giết chết amí tôi vô cớ để lại sự cô đơn cho ama.
Amí mất, dòng họ không còn người nối dây, bà ngoại ra điều kiện: Một là ama ở vậy, nuôi tôi sẽ được hưởng phần gia tài của amí như trước đây còn sống. Hai là đi lấy vợ hoặc về nhà ông bà nội thì sẽ đi một mình, chỉ được mang theo mấy bộ đồ mà thôi, tài sản trước đây thuộc về ngoại hết. Còn tôi, đứa con ông bao nhiêu năm mới có được nhưng theo tục lệ sắc tộc, tôi mang dòng họ mẹ và phải ở với ngoại.
Chôn nỗi buồn vào trong bụng, ama chấp nhận ở lại nuôi tôi. Nhưng cái miệng không bao giờ nở nụ cười, người như một cái bóng, hết lên rẫy lại vào rừng, lầm lũi làm việc. Đêm đêm khi tôi chợt thức giấc thấy người ngồi lặng im ngắm ngọn lửa bập bùng bên bếp; chắc khi ấy ama nhớ amí lắm, nước mắt tôi trào ra… Giờ đây nhìn con min con tôi thấy đau xót quá chừng.
*
**
Ama lại giơ ná lên, khoảng cách chỉ năm mét thôi, tôi có cảm tưởng đầu mũi tên giơ lên là chạm vào mắt con min con tội nghiệp. Nó đứng ngửa mặt lên cây như thách thức, chấp nhận cái chết. Tôi thét lên:
-  Ama đừng bắn!
Và hất mạnh mũi ná lên cao. Phựt! tiếng lẫy ná kêu lên cùng lúc mũi tên cắm phập vào cành cây lồng bàng sâu nửa gang tay.
- Ama tha cho nó đi, nó mất mẹ rồi, đừng giết nó nữa!
Ama trợn mắt nhìn tôi như nhìn một vật lạ từ cung trăng rơi xuống. Có lẽ khuôn mặt đanh lại, mắt trợn ngược nhìn ama, để dòng lệ tự nhiên tuôn chảy của tôi lúc đó ngó gớm ghiếc lắm. Dòng nước mắt hối hận của tôi lả chả rơi, làm ama mềm lòng. Bất giác ông buông tiếng thở dài.
Đoàn người đi săn kéo đến mỗi lúc một gần, tiếng chuông, tiếng tù và rúc ing ỏi, tro bay mù mịt, che kín cả ngọn cây. Bầy chó vẫn thi nhau gào lên inh ỏi, nhưng không có con nào dám bén mảng lại gần. Tôi kêu lên với con min:
- Chạy đi! Chạy đi không mày chết bây giờ.
Con min như hiểu được tôi nói gì, nó giương đôi mắt lồi nhìn tôi lần cuối rồi bất chợt rống lên:
- Ọ! ọ! ọ!...
Tiếng kêu não lòng át cả tiếng chó sủa, át cả tiếng chuông, tiếng tù và của đám đông người đi săn tràn ngập khoảng không gian mênh mông đập vào lòng tôi tê tái. Kêu rồi con min cúi đầu xuống húc vào bụng mẹ nó như lạy trước khi thập thững bước qua để xuôi về phía rừng già. Mấy con chó chạy theo nó một quãng như tiễn chân rồi quay lại.
Tôi cùng ama nhảy xuống người con min, bước xuống đất. Con min mới to làm sao, dài đến ba sãi tay người lớn. Tôi bước lại phía đầu nó nhặt cây ná bị con min con dẫm gẫy làm ba đoạn bỏ vào gùi.
Đám người đi săn xúm quanh, xuýt xoa tài bắn của cha con tôi. Họ đâu biết rằng tiếng khen của họ đang như mũi kim châm thẳng vào trái tim non nớt cu tôi. Tôi cảm thấy mình là một kẻ tàn nhẫn, tội lỗi nên lầm lũi bỏ đám người săn đi trước về nhà. Mặc cho mọi người kêu phía sau.
Cây ná gãy đó đến nay vẫn còn, nó theo tôi suốt cả cuộc đời, nhắc nhủ tôi nhớ về kỷ niệm lần đầu và cũng là lần cuối cùng đi săn.

Chú thích:
1.     Yang: thần linh – tiếng Êđê.
2.     Ama: ba – tiếng Êđê;

3.     Tết Doan: Tết âm lịch của người Kinh – tiếng Êđê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI