Tác phẩm tham dự cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Hơn một năm hưởng ứng Cuộc vận
động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân
dân phục vụ” do Bộ Công an phát động đến nay, lực lượng Công an tỉnh Đắk
Lắk đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động đối với
yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế, lễ
tiết, tác phong, ứng xử văn hoá, văn minh; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý
thức phục vụ nhân dân. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng Công
an đóng vai trò quan trọng hàng đầu, nhưng cũng không thể thiếu sự giúp sức to
lớn của quần chúng nhân dân. Để được nhân dân tin yêu, quý mến, trân trọng thì
người chiến sỹ Công an càng phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong
công tác, có tư thế, tác phong đúng mực, toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ.
Đối với các cán bộ, chiến sỹ
Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Đắk Lắk thì những chuyến đi tình
nguyện, hướng về cơ sở hàng năm do Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công đoàn
triển khai đã tạo nên khí thế sôi nổi, nhiệt huyết tham gia trong mỗi đoàn
viên, hội viên. Các chương trình hành động với nhiều hoạt động thăm, tặng quà
tình nghĩa, xây dựng lớp học tình thương... của đơn vị đã tạo được tinh thần
lan toả sâu rộng và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân, tăng thêm
lòng tin yêu, quý mến của nhân dân đối với lực lượng Công an.
Khi tôi tốt nghiệp đại học, ra
trường về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk,
những chuyến đi hướng về cơ sở, chung sức vì cộng đồng cùng với Đoàn Thanh niên
của đơn vị tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó
khăn đã mang đến cho tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đặc biệt là
chuyến đi vào dịp Tết Trung thu vừa qua đã gợi nhớ cho tôi rất nhiều kỷ niệm về
tuổi thơ và mang lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ hơn về ngày Tết Trung thu. Cán bộ
chiến sỹ Công an Đắk Lắk cũng vì thế mà để lại trong lòng người dân biết bao ấn
tượng tốt đẹp.
Trong một dịp đơn vị chúng tôi tổ
chức chuyến đi về xã Cư Króa, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk cùng với sự hỗ trợ của
các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân, đó cũng là dịp Tết Trung thu nên chúng
tôi quyết định sẽ kết hợp việc tặng quà cho các em vùng đồng bào dân tộc thiểu
số có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức một cái Tết Trung thu đầy ý nghĩa cho các
em.
Quãng đường từ trung tâm thành
phố Buôn Ma Thuột về đến thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’đrắk gần 100 cây số, còn
nhiều đoạn đường đất, khó đi lại. Khác biệt với thành phố nơi chúng tôi đang
sống, xã Cư Króa là một nơi còn nghèo khó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số
sinh sống, cái ăn cái mặc vẫn còn thiếu thốn, điện nước sinh hoạt chưa đầy đủ.
Công tác chuẩn bị bắt đầu từ lúc
ba giờ chiều, đoàn của chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương chọn địa
điểm là sân Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 7. Tên gọi của chương trình tối nay là
“Đêm Hội Trăng Rằm”. Chúng tôi bắt đầu treo những chiếc đèn lồng bằng giấy với
nhiều màu sắc xen kẽ giữa những quả bóng bay cũng rất nhiều màu, tạo nên hình
ảnh lung linh quanh nhà Cộng. Băng-rôn “Chương trình Đêm Hội Trăng Rằm” với
những chiếc đèn chớp và bong bóng được gắn xung quanh; hàng trăm phần quà gồm
những chiếc bánh trung thu, sữa, cặp sách, bánh kẹo các loại... được xếp ngay
ngắn trên chiếc bàn ngay dưới băng-rôn. Những đứa trẻ với mặt mày, quần áo lấm
lem, tóc vàng hoe, đi chân đất nhưng khuôn mặt rất háo hức khi thấy công tác chuẩn
bị của chúng tôi. Chúng đứng ngắm nghía những chiếc đèn lồng một lúc lâu, có
đứa chạy vòng quanh cười đùa, thích thú, nét mặt rạng rỡ; có đứa cầm bong bóng
đứng thổi thật to rồi vội chạy đi chỗ khác. Nhìn gương mặt của chúng thật giản
dị và đáng yêu.
Đúng bảy giờ tối, sau khi chúng
tôi trao những phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình “ Đêm
Hội Trăng Rằm” đã chuẩn bị sẵn sàng với màn múa lân thật rộn ràng. Những đứa
trẻ trong vùng đã tập hợp lại thành nhiều hàng dài, cả vòng trong lẫn vòng
ngoài xung quanh sân để chờ đợi chương trình bắt đầu, ngay cả người lớn trong
vùng đưa con em đến xem Trung thu cũng hứng khởi không kém bọn trẻ. Tiếng gõ
trống “Tùng rinh rinh” vừa vang lên, là hai chú lân với màu sắc rực rỡ kéo ra
và nhún nhảy theo nhịp trống giòn giã, vui tươi. Có những đứa trẻ lần đầu tiên
được thấy múa lân, gương mặt háo hức, rạng rỡ, đôi mắt tròn xoe chăm chú quan
sát từng động tác nhảy múa của những chú lân. Khuôn mặt chúng không giấu nổi
niềm vui sướng, cười đùa chỉ trỏ khi thấy những chú lân nhảy lên cao hoặc làm
những động tác khó.
... Hoà mình vào không khí náo
nhiệt của những chú lân, tôi như được trở về với tuổi thơ của chính mình vậy.
Đối với mỗi người, tuổi thơ luôn là những ký ức đẹp, nó tựa hồ như một bộ phim
dài tập, mỗi kỷ niệm như một tập phim được lưu giữ trong một góc của tâm hồn.
Để rồi một khoảnh khắc bất chợt, những thước phim dào dạt cảm xúc của một thời
tuổi thơ chợt ùa về như mây tuôn, nước chảy.
Với tôi, mỗi dịp Tết Trung thu,
cùng với tiếng trống lân dồn dập, trong tôi cứ bồi hồi, xúc động, tôi như thấy
tôi trong hình ảnh của những đứa trẻ đang hân hoan vui đón Tết trăng rằm. Từ
hồi còn bé xíu, cứ sắp đến Trung thu, lũ trẻ chúng tôi lại nôn nao vô cùng.
Chiếc đèn lồng ông sao bọc giấy kiếng đủ màu với chúng tôi là món quà xa xỉ.
Nhà đứa nào cũng nghèo, vì thế, cứ cách Trung thu cả tháng là chúng tôi tìm
những vỏ hộp sữa, giấy cứng từ thùng cacton, những thanh tre để làm thành những
chiếc đèn Trung thu. Đến chiều hôm Trung thu, những đứa trẻ trong xóm sẽ tập
trung trong khoảng sân rộng của Tổ dân phố để được chờ phát bánh kẹo. Mỗi đứa
chỉ được phát một bịch nhỏ gồm vài cái kẹo, vài cái bánh hình thỏ, hình gà,
hình mặt trăng... nhưng mặt đứa nào cũng rất háo hức khi được nhận quà. Tối hôm
đó, chúng tôi sẽ tập hợp lại hết bánh kẹo làm một bữa tiệc thịnh soạn với những
tiếng hát và tiếng cười giòn tan.
Khi lớn lên, tôi không còn sống ở
thị trấn nhỏ của mình nữa mà chuyển về trung tâm thành phố để làm việc. Cứ đến
dịp Tết Trung thu, tuy không còn cái cảm giác háo hức chờ đợi như ngày còn nhỏ
nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng gõ trống múa lân, trong lòng tôi vẫn thấy rộn
ràng, xao xuyến như được trở về tuổi thơ của chính mình vậy.
Ngày rằm tháng tám - ngày Tết
Trung thu đến cũng là ngày mà tất cả trẻ em trên mọi miền Tổ quốc đều ước mơ,
háo hức mong chờ được xem múa lân, được rước đèn lồng, được ăn bánh dẻo, bánh
nướng, được phá cỗ đón trăng cùng gia đình và bạn bè trang lứa. Nhưng đối với
các em nhỏ đang có hoàn cảnh khó khăn tại những vùng quê nghèo trên đất Tây
Nguyên thì ước mơ về một niềm vui đủ đầy trong ngày Tết Trung thu có lẽ quá xa
vời. Liệu có cách nào biến ước mơ ấy trở thành hiện thực được hay không? Chúng
tôi hy vọng với sự yêu thương sẻ chia của các doanh nghiệp, những người hảo tâm
các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số sẽ ngày càng có nhiều những Trung
thu đẹp.
Trung thu năm nay có lẽ là Trung
thu ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi, nó mang ý nghĩa cộng đồng hơn bao giờ
hết, chứ không phải bó buộc trong cảm xúc cá nhân như ngày còn thơ nữa. Nhìn
những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên với lồng đèn giấy, trong lòng tôi bỗng dâng
trào bao niềm cảm xúc. Niềm vui của chúng rất đỗi bình dị như chính cuộc sống
của chúng giữa núi rừng bao la rộng lớn trên vùng cao nguyên này. Trên trời
cao, trăng tròn vành vạnh như tô vẽ thêm cho vẻ đẹp của núi rừng. Gió thổi nhẹ
xua tan không khí ảm đạm của ngày cuối thu chuẩn bị chuyển mình sang mùa đông.
Khi đứng giữa núi rừng nơi đây, được nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên ấy của
chúng, tôi thấy lòng mình bình yên vô cùng.
Những người chiến sỹ Công an Đắk
Lắk vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng về với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sẵn
sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong xã hội, tích cực tham
gia các hoạt động tình nghĩa, xã hội từ thiện cũng chính là một trong những nét
đẹp nhân văn của người chiến sỹ Công an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI