Thi và tửu. Nhân loại xưa nay vẫn thường quan niệm hai
thứ này gắn liền với nhau, đến mức có lúc không còn có ý nghĩa vật chất, mà gắn
kết với nhau không thể chia cắt, như cùng một bản thể mang ý nghĩa triết học.
Cổ nhân đã có thi tiên Lý Bạch uống rượu say nhảy xuống sông ôm trăng mà chết.
Tiền nhân
cũng đã có Tú Xương đời hơn “Một trà một rượu một đàn bà” hoặc như cái lãng tử
ngông nghênh thơ rượu của Tản Đà “Rượu say thơ lại khơi nguồn/ Nên thơ rượu
cũng thêm ngon giọng tình”… Tất nhiên, không phải người nào uống rượu cũng làm
được thơ, nhưng hầu như người làm thơ nào, không ít thì nhiều đều uống được chút ít
rượu, kể cả các nữ lưu thi sĩ. Uống rượu không còn là thói hư tật xấu
mà hàm nhiên trở thành phẩm chất tốt đẹp của thi nhân, nên từ cổ chí kim người ta
coi thi – tửu là lẽ đương nhiên và mỗi thi nhân có một kiểu uống/ nơi
uống khác nhau, mà phần lớn là uống rượu thưởng trăng, chứ quả là tôi ít thấy
ai như Trần thi sĩ, một thi nhân lạc loài của xứ Huế lên đất Tây Nguyên: mang rượu
ra bên nhà mồ mà uống! Tôi phải thưa trước với Trần thi sĩ rằng, do cái nghề mê
đắm chữ nghĩa của mình mà tôi phải đọc nhiều, trong lịch sử thi nhơn xứ ta, đến
lành tính như ngài Tam Nguyên Yên Đổ cũng chỉ mong được uống rượu với bạn hiền:
“Rượu ngon không có bạn hiền…”, tôi không biết phong tục của đồng bào mình
trên đó ra sao, mà vào đêm khuya anh lại vác rượu ra nhà mồ uống với Amí – người
đã ở cõi âm: Đêm trên nhà mồ/ Ngồi bên người đã khuất/ Không gian chia thành
hai vùng/ Lạnh ngắt – xốn xang/ Chiếc cần rượu bắt ngang/ Như chiếc cầu vồng bảy
sắc/ Vắt ngang qua bầu trời/ Như nối hai đầu: âm – dương/ Amí ơi hãy uống chung
cần rượu yêu thương/ Dẫu cái chết đã cách ngăn làm hai nửa/ Đêm có còn dài con đốt
bùng lên ngọn lửa/ Mà trầm ngâm nhìn ánh lửa thâu đêm/ Ơi nhịp cần rung theo từng cơn
gió thổi ngang/ Đêm trên nhà mồ khơi dậy quãng đời gian khổ/ Qua chín núi mười
khe sau lưng còn đỏ lửa/ Cực còn chạy theo bóng amí in dài…
Những câu thơ như âm ấm lửa than ngún âm thầm
đâu đó, làm xốn xang tâm can người nghe, mới thấy không còn là chuyện rượu chè ngật
ngưỡng, mà là nỗi buồn, nỗi đau mang ý nghĩa nhân văn, được nghiệm sinh từ
chính những trải nghiệm cuộc đời của thi nhân. Có lẽ vì thế mà Trần Chi lấy
nhan đề bài này làm nhan đề chung cho cả tập thơ khá khiêm tốn mỏng mảnh chỉ 32
bài, phải “độn” thêm mấy bức tranh sơn dầu rất đẹp và hợp với chủ đề (Ký ức tuổi thơ, Cõi ta
bà, Đoá vô thường) của hoạ sĩ Bửu Tân vào mà chẳng dày thêm được bao nhiêu.
Sống ở đời không ai là không có ký ức. Chỉ có độ dày,
mỏng khác nhau thôi. Và, quan trọng hơn là có biết gìn giữ, chắt chiu, bồi đắp
để ngày càng giàu có hơn hay phung phí, làm rơi vãi cạn dần đến mức trở nên trống
vắng vô cảm. Người làm văn chương nghệ thuật thường là người giàu có và đầy tiềm
năng về ký ức. Đó vừa là niềm hạnh phúc vừa là nỗi khổ đau. Bởi lẽ, những
khoảng “bất
chợt nhớ” của họ nhiều và thường xuyên hơn. Nhớ niềm vui cũng buồn và tiếc nuối,
nhớ nỗi buồn lại càng buồn hơn. Buồn nhưng mà đẹp và đẹp nhưng mà buồn. Trần Chi
nhớ nhiều đến sông (13 lần nhắc sông), đến biển (3 bài về biển), nhắc nhiều đến
màu sắc và nhất là khi “những câu thơ khó khăn chợt đến”, anh hay tự kiểm,
tự nói về mình/ với mình, tự hoạ chân dung mình một cách tự trào (Tự kiểm, Tự bạch,
Tản mạn về… tôi, Vô thường), cảm thức cô đơn, lạc loài như một người Đi bên mùa
xuân với những ngậm ngùi nuối tiếc khi “Đêm cuối năm ngồi ngẫm lại tháng ngày qua/
Ngẫm lại buồn vui, ngọt bùi cay đắng/ Ngẫm lại những yêu thương, hờn giận/ Ngẫm lại đời
qua bao cuộc khóc, cười/ Sấp ngửa cuộc đời, sấp ngửa tôi/ Chợt nuối tiếc một thời
nông nổi/ Vô tư buông những năm tháng đi về”. Thời tôi và Trần Chi lớn lên ở miền
Nam được
bao quanh những sinh khí của các thứ chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực, hư vô, lãng
du tràn ngập trên sách báo, tham gia hoạt động cách mạng ít nhiều cũng nảy sinh
từ các thứ triết lý nhân sinh thời thượng ấy. Khi chưa tròn hai mươi tuổi
(1977), anh đã lên với rừng thiêng nước độc để xây dựng quê mới, bỏ lại sau lưng phố xá thị
thành, tình bạn tình yêu, những kỷ niệm đẹp của “Tuổi thơ tôi đếm theo
mùa những con ve/ Hoa phượng cháy một thời mơ mộng…” vì vậy, khi ngẫm lại những
ấn tượng đã trôi qua còn đọng lại, dâng trào ngập tràn ký ức. Về chân
dung con người, hầu như từ mấy mươi năm nay Trần Chi không có gì thay đổi: dáng gầy,
da hơi đen mai mái (hồi trẻ chưa “lai” đồng bào mình trên đó, không hiểu sao da
anh đã thế!), tóc dài, luôn đội mũ bê-rê vì cố che giấu cái đầu bị hói, nhưng khi uống
rượu bia bốc lên đọc thơ, giật ngay mũ xuống, đọc xong rồi chợt nhớ ra, len lén đội
trở lên… Gần đây, từ ngày làm báo, lên chức trưởng đài, lại tòng teng thêm chiếc
máy ảnh, ống tê-lê dài, cứ gặp em nào xinh xinh là chụp! Nhà thơ Mexico Octavio
Paz, Nobel văn
học 1990 nói rằng: “Con người hiện đại chỉ có tâm lý, không có tâm hồn”. May mắn
thay, Trần Chi sống càng ngày càng hiện đại, biết sử dụng tất cả các loại máy
di động, vi tính, chụp ảnh, ghi âm, quay phim, dựng hình… thuộc loại hiện đại
nhất, nhưng vẫn có một thế giới tâm hồn đa cảm, đa mang. Những câu thơ của anh
như những sợi chỉ lóng lánh đa sắc màu, đẹp mà buồn, được kéo ra từ ký ức dệt
nên thành chữ, thành câu, thành những tấm thảm xanh thẳm màu ký ức
thách thức cả thời gian. Chỉ nhìn vào nhan đề các bài thơ cũng dễ nhận ra toà
lâu đài ký ức nguy nga tráng lệ của thi nhân: Ký ức tuổi thơ, Ký ức một thời, Ký ức
mười năm, Vầng trăng ký ức, Những ô ngăn ký ức, Vườn xưa,…
Ngay cả những bài thơ viết về những cảm quan hiện thực khác, âm hưởng hoài niệm xếp
thành những câu thơ dường như cũng được gọi ra từ ký ức (Dòng sông quê
hương, Tình xa, Chiều cuối năm viếng bạn, Trước tượng đài Võ thị Sáu, Krông
Bông…), khi hát cùng Bài ca đồng đội, sức mạnh cũng được huy động “Với ký ức
ba mươi năm phủ bụi” hoặc khi quay về với mình, tự ngắm mình/ soi
lại hình tượng tác giả - cái tôi trữ tình của chính mình, trong động thái Tản mạn
về… tôi, ký ức bỗng vụt hiện ra: Bạn trách tôi lâu rồi sao chẳng làm thơ/
Hay bụi Tây Nguyên đã phủ mờ ký ức/ Hay men rượu đã làm chai huyết mạch/
Hay bởi “ruồi bu kiến đậu” của đời thường.”
Lại thi với tửu. Lúc nào cũng trong tâm thế gắn liền,
sóng đôi thơ với rượu. Thơ với rượu cũng là những nội dung mỹ cảm được nhắc nhiều,
như một điệp khúc tâm hồn được lặp đi lặp lại trong tập thơ như trong bài Ché
rượu hoặc bài Vườn
xưa anh uống đến trào nước mắt: “Ly rượu đắng nửa đời vẫn đắng/ Ta uống vào cay
trào nước mắt/ Chợt nghẹn ngào bật hai tiếng: Mẹ ơi!”. Và, khi đọc đi đọc lại tập
thơ, tôi mới nhận ra rằng không phải chỉ một lần trong đêm anh Uống rượu
bên nhà mồ cùng với Amí mà anh còn uống lần thứ hai vào buổi Chiều cuối năm viếng
bạn, người bạn cũng “thoáng hiện về trong đáy cốc/ nói cười như chuyện một
đêm mơ” (Quang Dũng) thật cảm động: Hùng ơi!/ Thắp cho mi một nén
nhang, điếu thuốc/ Rồi vác mặt nhìn trời thơ thẩn/ Có con chim nào tha niềm vui
làm tổ/ Mi chỉ còn như tiếng độc huyền cầm đêm vọng tiếng cô liêu/ Thôi đừng
trách cuộc đời sao nghiệt ngã/ Gió xô nghiêng, bạc nửa mái đầu/ Thôi đừng trách
chén rượu nồng sao nhạt/ Uống vào rồi mộng mị hoá chiêm bao/ Ừ thì
uống/ Uống cạn đời chếnh choáng/ Mây ngang qua hoá lau trắng quê nhà?/ Ừ thì uống/
Uống cả vầng trăng loá/ Mắt có hoa không/ Mà thoáng hiện mi về/ Từ chốn vô
cùng/ Nói cười như chưa bao giờ xa cách…/ Thôi giã biệt mà cũng là vĩnh biệt!/ Mi cứ
rong chơi trong cõi vĩnh hằng/ Tau ở lại cố kìm không khóc/ Bởi sợ mi bên ấy
mưa sa!
Tôi nhớ mang máng là khi Uống rượu bên nhà mồ
(2006) mới in ra, tôi đã có viết bài, nay đọc lại nhận ra nhiều điều mới, nên
viết lại lần thứ hai. Bởi vì, trong tập thơ, Trần thi sĩ đã có ít nhất hai lần
“uống rượu bên nhà mồ”, thì tôi có uống lại lần này cũng không có gì là lạ. Như
vậy, để biết “lại được uống” nghĩa là đọc lại tập thơ, chứ thực ra trong đời sống, tôi với
Trần Chi đã uống rượu với nhau không biết bao nhiêu lần không đếm hết, nhưng đã
có lần nào tôi có cái vinh hạnh là được anh đưa ra nhà mồ để uống cùng anh đâu!
Gần đây, sau ba mươi năm gặp lại thi nhân ở đất Phú Xuân, chỉ mình tôi uống rượu,
còn anh chơi sang chỉ uống được bia, vì đang bị một chứng bệnh khá
phổ biến và sang chảnh, có vẻ như hơi… thiếu văn hoá là hay đứng “tháo bên đường”! Vậy thì càng
khó có ngày liều mạng “ừ thì uống, uống cạn đời chếnh choáng” như âm hưởng giọng
điệu Vũ Hoàng Chương nghiêng ngã trong thơ anh ngày nào, Trần thi sĩ ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI