Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả TRẦN THANH PHƯƠNG

Sổ tay Thơ

HAI NỬA VẦNG TRĂNG

Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên.

Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
                                                                    8.1981  
                                                                 Hoàng Hữu
  MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH

  Đây là bài thơ đạt giải B Cuộc thi thơ năm 1981 – 1982 của Tuần báo Văn Nghệ. Đọc bài thơ, mặc dù còn nhiều chỗ chưa thể hiểu ngay được, nhưng nỗi xót xa của hai nửa vầng trăng chẳng thể nào đến được sự viên mãn cũng như linh cảm về cuộc đời “một nửa” của nhân vật trữ tình cứ luôn ám ảnh trong tâm trí, buộc tôi phải đi tìm hiểu sự thật suốt nhiều năm qua. Và lần theo những nguồn tư liệu tôi đã biết được nhà thơ tên thật là Nguyễn Hữu Dũng (một chữ D hoa – tên anh). Anh là họa sĩ. Khi đã có vợ con đề huề, tình cờ anh gặp một nữ đồng nghiệp dịu dàng, xinh đẹp cũng có tên bắt đầu bằng chữ D hoa (tên em) thì mối tình không cưỡng lại được bỗng dưng bùng cháy trong lòng làm anh cứ mất ăn mất ngủ. Mối tình ấy chủ yếu là đơn phương nên nó nung nấu những khát vọng được đền đáp một cách mãnh liệt và hết sức trong sáng. Bản thân nhà thơ lại bị bệnh tim nên cuộc đời ngắn ngủi chỉ có “một nửa”, nếu được yêu lại chắc cũng không thể đến với nhau “viên mãn” được. Như vậy ý tưởng của bài thơ là nói về mối tình dang dở của hai nửa vầng trăng (ẩn dụ bằng chữ D hoa) cùng khát vọng tình yêu vượt lên trên hoàn cảnh và bệnh tật.
  Khổ thơ đầu tiên nói về “vầng trăng – một nửa” tượng hình thành chữ D hoa (tên em). Nhưng “Trăng vẫn đấy mà em xa quá” đã xác định mối tình đơn phương của nhân vật trữ tình. Loại tình cảm này chỉ có cho mà không mong được nhận, không giống như mối tình “mây – gió” trong thơ Xuân Diệu: “Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu” (Anh yêu em chừng ấy còn em yêu anh được bao nhiêu*). Vì thế mà khát khao được đền đáp trở nên tha thiết, cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhà thơ hỏi trong sự tưởng tượng người yêu có hay “ngóng” trăng say đắm như mình: “Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên” – Mượn trăng để thổ lộ lòng mình là cách nói kín đáo tế nhị giống với những cách nói của cha ông ta trong kho tàng ca dao dân ca.
  Khổ thơ thứ hai cho ta biết lý do của sự hình thành thi tứ: “Trăng đầu tháng có lần em ví/ Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời”. Một sự liên tưởng rất cụ thể và thú vị của các họa sĩ vốn rất nhạy cảm với những hình khối mang tính biểu tượng như thế. Một nửa vầng trăng cũng đã từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Du (Vầng trăng ai xẻ làm đôiTruyện Kiều) hay gần đây, trong ca từ của nhạc sĩ An Thuyên (Cắt nửa vầng trăngCa dao em và tôi), nhưng để nói về một cái tên người cụ thể thì có lẽ đây là một sáng tạo đầu tiên và duy nhất trong kho tàng thi ca nhân loại.
   Nếu hai khổ thơ đầu ít nhiều còn nói sự việc (Tình cờ anh gặp lại vầng trăng; Nắng tắt đã lâu rồi trăng thức dậy dịu êm) hoặc giải thích lý do (Trăng đầu tháng có lần em ví…), thì đến các khổ thơ tiếp theo hoàn toàn chỉ còn tình cảm tha thiết, ám gợi:
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào lên cỏ ướt
  Câu thơ thứ nhất vận dụng những kiến thức khoa học về mối liên hệ giữa thủy triều lên xuống và quỹ đạo của vầng trăng, nhưng chỉ cần một chữ “theo” đã làm cho vầng trăng hóa nên sống động và nặng tình. Câu thơ thứ hai thật là tài hoa của sự kết hợp giữa ngôn từ và hình khối: “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt”. Từ “theo” đến “say đắm” đã là cả một bước tiến dài về mặt tình cảm và hình tượng. Các chữ “dào lên cỏ ướt” rất tạo hình. Động từ “dào” ở đây thật đắt. Đã từng có những cách đặc tả ánh trăng rất hay như ánh trăng “nhễ nhại” (Nam Cao) hay ánh trăng “dàn dụa” (Dương Kiều Minh), nhưng chưa thấy ai sử dụng động từ chính xác và đắc địa như tác giả bài thơ này - “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt” đúng là một sáng tạo độc đáo của riêng Hoàng Hữu -  Ở bên trên đã có “con nước” thì ở bên dưới “cỏ ướt” là lẽ tất nhiên: Từng đợt sóng trăng trào lên bờ cỏ ướt nước cũng là ướt ánh trăng lóng lánh mê ly. Trăng đẹp như thế, cuộc sống đẹp như thế mà nhà thơ đã như linh cảm thấy mình sắp sửa phải ra đi mãi mãi vì quỹ thời gian (theo dự báo của bác sĩ điều trị) đã sắp cạn kiệt rồi! Những câu thơ giống như những lời nói “gở” nhưng không “gở” chút nào vì nhà thơ đã biết trước tất cả để khẳng định như đinh đóng cột:
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
   Không chỉ “Em đã khóc” mà tất cả những bạn bè của nhà thơ, những người đọc thơ đều rưng rưng trong tâm hồn trước một con người tài hoa bạc mệnh! Hai câu thơ tiếp theo như cứa vào lòng người đọc: Một người bị bệnh tim đã sống hết mình cho tình yêu, cho nghệ thuật, trái tim của anh đã “phát sóng” hết công suất: “Nhưng làm sao tới được/ Bến bờ anh tim dội sóng không cùng”. Đó là một cuộc sống đích thực dám đi đến cùng trong tình yêu và niềm đam mê của mình - Nó làm cho những người đang sống khỏe mạnh không khỏi có sự chạnh lòng và tự xem lại bản thân.
   Ba câu thơ tiếp theo như đúc kết lại một cách đầy xót xa nhưng vẫn lấp lánh niềm tin: “Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh/ Cứ một nửa như đời anh, một nửa/ Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…”. Sự đay đi đay lại “Một nửa vầng trăng thôi, một nửa” rồi lại xác  quyết: “Cứ một nửa như đời anh một nửa”, đúng như Hữu Thỉnh cảm nhận:“nó cứ như bào như xát vào gan ruột người ta. Và đấy là thành công, là hiệu quả nghệ thuật của bài thơCái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người”** Câu thơ cuối cùng không nói hết được, như hụt hơi, nấc nghẹn, còn biết bao điều âm vang trong dấu ba chấm (…) để cho người đọc tự suy đoán lấy bằng sự trải nghiệm của riêng mình.
  Khổ thơ kết bài giống lời dặn dò, trăng trối giàu tính chiêm nghiệm:
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau
   Xuất phát từ sự quan sát tinh tế: Một nửa trăng hình chữ  D hoa, nhìn kỹ, ta vẫn có thể thấy được một nửa trăng phía bên kia mờ mờ, khớp với nhau để tạo thành một vầng trăng tròn đầy, viên mãn. Nhà thơ hỏi em, dặn em nhưng cũng là nói với tất cả chúng ta, hay ngược lại, đọc hai câu thơ này, ta cảm thấy như chính mình đang nói với một ai đó những lời tha thiết chân thành nhất. Đó là sự kỳ lạ của thơ, hay nói rộng hơn là của nghệ thuật nói chung. Vì vậy, đối tượng trữ tình được gọi là “em” trong bài thơ này không nên giới hạn vào chỉ một cô gái có tên bắt đầu bằng một chữ D hoa nào đó. Đấy chỉ là cái cớ cho ý tưởng thơ phát triển. Sự chiêm nghiệm “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” vẫn thường phổ biến trong cõi nhân sinh, có trong tất cả mọi người và nó mang tính nhân loại phổ quát. Đó cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Minh, vợ của cố họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu, sau 31 năm hờn giận chồng vì cô gái có chữ D hoa trong bài thơ, cuối cùng cũng đã nhận ra rằng: “Sự “tình cờ” bởi cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt: Nguyễn Hữu Dũng, cái tên bắt đầu bằng chữ D hoa đã khiến anh viết thành công bài thơ gửi tặng cho đời. Vượt nỗi đau số phận nghiệt ngã của mình chắt lọc ra hai nửa vầng trăng, nửa “tròn đầy” nửa “viên mãn” vững tin ở ngày mai tốt đẹp”***
Quy Nhơn, 12. 2016


                                                            

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả HỒNG CHIẾN





HỘI THI

Truyện ngắn


Công việc nương rẫy vừa xong, cả vùng thảo nguyên bước vào mùa lễ hội, tổ chức mừng được mùa và tạ ơn Yang(1) giúp đỡ, mưa thuận gió hòa, mọi nhà no ấm. Các già làng ngồi lại với nhau quyết định tổ chức cuộc thi chọn người khỏe mạnh, dẻo dai và khéo léo nhất vùng để trao thưởng. Năm nay chủ đề cuộc thi: “Lên rẫy”, nhằm vinh danh người phụ nữ.
Mỗi buôn cử một người phụ nữ tham gia cuộc thi. Người dự thi lưng đeo gùi, hai tay cầm hai chiếc lá dong mọc hoang ven suối di chuyển đến đích là một cây tre được treo nhiều sản vật như: bông lúa, bắp, bầu, bí, rau xanh… cách vạch xuất phát hai chục sải tay. Khi di chuyển đến đích để lấy sản vật treo trên cây rồi trở về vạch xuất phát, người tham gia thi phải luôn luôn đi trên hai chiếc lá dong, không được để bàn chân hoặc bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể chạm đất. Cuộc thi đòi hỏi người tham gia không chỉ khỏe mạnh, mà còn phải khéo léo giữ trọng lực bản thân luôn trên một chân và thao tác tay chân đều nhau: Tay phải đặt lá để chân phải bước lên, chân trái nhấc lên để tay trái lấy lá đặt lên phía trước… cứ như vậy tiến dần về đích; ai đi nhanh nhất, không phạm quy và lấy được nhiều sản phẩm thì người ấy thắng cuộc.
***
Truyền thuyết kể rằng: Ngày ấy, cách nay đã xa lắm rồi, nhân dân trong vùng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đất đai màu mỡ, khi mùa mưa đến chỉ cần tra hạt xuống, là có thu hoạch. Đàn bà lo làm rượu cúng Yang còn cánh đàn ông ban ngày rủ nhau săn bắn rồi về vít cần rượu. Phụ nữ đua nhau dệt vải thêu thùa lo làm đẹp và nuôi dạy con cái. Đêm đêm, làn điệu ay ray(2), tiếng kể khan(3) quấn quýt bên bếp lửa nhà dài…  cuộc sống vui vẻ cứ vậy trôi đi.
Vụ mùa năm ấy, cây cối đơm hoa kết trái rực rỡ hơn các năm trước; hạt bắp thả xuống khi lớn lên mỗi lá trên cây đều ôm một quả to như cổ tay người lớn; hạt lúa mới gieo vào lỗ đã bật dậy nảy mầm, cây vươn lên ngang vai người, vào mùa thu hoạch bông dài hơn hai gang tay, hạt nào cũng to như đầu đũa, mập căng. Mọi nhà vui lắm làm lễ cúng Yang, xin đưa lúa, bắp về nhà.
Trên trời, một con Quỷ nhìn xuống hạ giới thấy con người sống vui vẻ, hạnh phúc thì tỏ ra ghen tỵ mới nói với Yang:
- Tại sao lũ người lại được ưu ái ban cho nhiều thứ như chúa tể dưới đó vậy?
- Tại con người thông minh nhất so với các loài động vật dưới hạ giới.
- Con không thể tin được điều ấy thưa Yang.
- Ý nhà ngươi có vẻ coi thường con người muốn xuống thử sức chứ gì?
- Dạ! Xin Yang cho con xuống xem có đúng vậy không!
 Yang nở nụ cười nhân từ chấp thuận cho Quỷ xuống hạ giới thi tài.
Buổi sáng, mọi người rủ nhau lên rẫy bắt đầu thu hoạch. Trời trong xanh không một gợn mây, bỗng nhiên mây đen cuồn cuộn kéo đến, gió bão nổi lên, bắp lúa trong vùng bị cuốn bay hết lên trời rồi rơi xuống một bãi bằng ven sông, chất cao như núi. Mọi người vội đuổi theo nhặt lại. Trên đống lương thực, con Quỷ ba đầu sáu tay, hình thù rất khủng khiếp ngồi trên đó từ lúc nào rồi; thấy người kéo đến, nó vẽ một vòng tròn cách đống lương thực một trăm bước chân con người rồi nói:
- Con người có công trồng, ta có công thu về đây bây giời nếu con người muốn lấy, ta cũng không cấm nhưng phải có điều kiện.
Già làng buôn Đơk nghe Quỷ nói vậy mới bước ra hỏi:
- Quỷ muốn có điều kiện gì?
- Nghe nói con người giỏi giang và thông minh lắm, vậy ta tổ chức thi nếu ai thắng thì toàn bộ số lương thực thực này thuộc về bên ấy.
- Thi như thế nào?
Già làng băn khoăn hỏi lại, Quỷ nhe nanh cười, trả lời:
- Ta vạch vòng tròn rồi, con người đứng bên ngoài vòng tròn này nếu đi vào lấy được lương thực và đi ra khỏi vòng, chân không chạm đất thì thắng cuộc; toàn bộ số lương thực này trả lại cho con người, còn nếu một bộ phận nào của con người chạm đất thì thua, người đó sẽ biến thành quỷ.
Mọi người nhìn nhau lắc đầu vì con người không biết bay làm sao vượt qua được khoảng cách dài như thế mà không chạm đất. Thế này thì con người thua mất thôi. Già làng các buôn ngồi lại với nhau bàn kế trị Quỷ, nhưng bàn mãi vẫn chưa có cách gì. Hàng ngàn con người đang phân vân đưa mắt nhìn nhau chưa biết phải làm sao. Trong lúc khó khăn ấy, Y Luc con già làng buôn Phăn Lăm bước đến trước các già làng xin thử sức. Y Luc năm nay tròn mười tám mùa rẫy, nước da như màu chiêng đồng mới đúc, bắp tay cuồn cuộn như con trăn cuốn mồi, cao hơn hẳn đám bạn cùng lứa một cái đầu, tay không có thể vật ngã một con bò đực lớn. Già làng hỏi:
- Con có cách gì vượt qua khoảng cách đó?
- Con có thể dùng cây le dài, chạy lấy đà rồi chống cây nhảy vào đống lương thực, chân sẽ không chạm đất.
- Xa thế có nhảy đến không?
- Con phải thử, chẵng lẽ để mọi người chết đói sao?
Quỷ ngồi trên đống lương thực, luôn mồm thúc giục con người ra đấu; thấy Y Luc vác cây le dài gần chục sải tay, lưng đeo gùi bước ra xin đọ sức thì bật cười bảo:
- Ta sẽ có thêm một con Quỷ con đây, vào lấy đi, nhớ lấy cho đầy gùi nhé.
Y Lúc, yêu cầu mọi người đứng dẹp qua hai bên nhường cho mình một lối đi rộng một sải tay, chạy một đọan lấy đà rồi chống cây le vào trong vạch tung người lên không trung, vẽ một đường vòng cung trên trời rơi ngay vào đống lương thực. Mọi người vỗ tay như sấm trước cú nhảy tuyệt vời. Con quỷ há hốc mồm, thè lưỡi dài cả sải tay như không tin ở mắt mình. Qua phút bối rối, Quỷ gầm lên:
- Con người giỏi lắm, nhưng đây mới được một nửa đường đi thôi, nào hãy trổ tài mang được bao nhiêu lúa bắp thì cứ lấy đi rồi trở về bên kia vạch.
Y Lúc xếp một bông lúa, một quả bắp vào gùi; đứng trên đống lương thực lấy đà, chống mạnh cây le xuống đất tung người bay ra khỏi vòng. Mọi người căng mắt nhìn, cánh phụ nữ nhiều người ngửa mặt lên trời cầu khấn Yang giúp sức…
Đám đông lặng ngắt rồi gần như đồng thanh thét lên: Yang ơi! Y Lúc chỉ còn cách vạch chừng một sải tay đã rơi xuống, không qua khỏi vòng; chân vừa chạm đất cả người run rẫy như bị sốt rét ngã lăn quay trên mặt đất, lên cơn co giật, phút chốc biến thành một làn khói xanh chui tọt vào quả bầu Quỷ đeo bên mình. Con Quỷ khoái trá cười lên như sấm:
- Còn ai dám thử nữa không?
Đám phụ nữ nhiều nước mắt, ôm mặt khóc hu hu, thương xót người thanh niên dũng cảm. Cánh đàn ông, mặt tái xanh như nhuộm nước vỏ cây phải vịn vào nhau cho khỏi ngã, nước mắt cũng giàn dụa…
Con Quỷ đắc chí hò hét:
- Nào có ai muốn thành quỷ nữa không, bước ra thử đi. Nếu không còn ai nữa thì đưa nhau vào rừng làm khỉ nhé.
Rẽ đám phụ nữ đang ôm nhau khóc, có một thiếu nữ mặt tròn như trăng rằm, đôi mắt sắc, tuổi độ được mười bảy mùa rẫy, từ từ bước đến bên vòng ranh giới cuộc thi nói với quỷ:
- Tôi vào lấy được không?
- Được, được lắm, ta còn thiếu con quỷ cái con nữa cho đủ đôi đây.
- Nhưng nếu tôi thắng, quỷ phải hứa với tôi một điều.
- Điều gì?
- Trả Y Luc lại cho tôi.
- Được!
- Quỷ nhìn đây.
Mọi người ngạc nhiên, ồ lên khi nhận ra H’Lin, con của già làng buôn Đơk; nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, khéo tay nhất vùng; nhiều chàng trai mơ ước được nàng mang củi xếp dưới gầm sàn(4); vai khoác gùi chất đầy lá dong rừng mọc ven suối, nhẹ nhàng thả lá dong lên mặt đất rồi đặt chân lên, bước từng bước một lên trên lá dong tiến vào bên đống lương thực… Mọi người vỗ tay reo hò thán phục trước sự thông minh của H’Lin. Con quỷ ức quá, gầm lên làm gió nổi lên ầm ầm, cô gái phải cúi mình tránh gió làm toàn bộ số lá dong đựng trong gùi rơi xuống đất bị gió cuốn đi hết. Gió lặng, cô gái đứng thẳng người lên nhìn xung quanh không còn chiếc lá dong nào ngoài hai lá dẫm dưới chân. Con quỷ lại cất tiếng dục:
- Nào lấy đi rồi quay về chứ.
Nói dứt lời, Quỷ lại rống lên cười đắc chí vì tin rằng với hai lá dong dưới chân cô gái không thể đi ra khỏi vòng được. Phía ngoài, mọi người lặng ngắt trước việc chơi xấu của quỷ và lo cho H’Lin sẽ thua cuộc vì bây giờ chỉ còn hai chiếc lá dưới chân, đi làm sao đây? Mọi người căng mắt nhìn, lòng nhấp nhổm không yên; có người còn nhắm mắt lại không dám nhìn vì đã đoán ra kết cục đang chờ H’Lin khi hết lá lót chân đi trở ra... H’Lin mặt không đổi sắc, nhặt một bắp ngô bỏ vào gùi đeo lệch qua một bên vai, nhanh tay đưa một bông lúa lên mồm cắn chặt rồi cúi xuống dùng hai tay nắm lấy cuống lá của hai chiếc lá dong, thong thả nhấc chân phải lên thì rút lá lên đặt ra phía trước, đưa chân phải dẫm lên và nhấc chân trái, tay trái cầm lá dong đặt lên trước… cứ như vậy cô gái bước chầm chậm ra sát vòng tròn. Quỷ biết sắp thua liền há mồm làm phép cho gió nổi lên, buộc cô gái phải cúi mình chống tay vào bàn chân giữ thăng bằng, quả bắp đựng trong gùi rơi xuống đất bị gió cuốn đi mất. Cô gái bước ra khỏi vòng tròn quay lại nói với Quỷ:
- Quỷ thua rồi, hãy trả lại người và lương thực như đã hứa.
- Nhưng trong gùi của người còn gì trong đó đâu?
Quỷ cất tiếng cười khoái chí vì thông minh hơn, đã chiến thắng. Con người tưởng như đã thắng vì đi vào đến tận nơi lấy được bắp bỏ vào gùi quay ra, nhưng lại đánh rơi mất, chỉ còn gùi không, thế là thua rồi. H’Lin mỉm cười bảo:
- Quỷ nhìn đây!
Nói dứt lời H’Lin cầm bông lúa ngậm trong mồm lúc nãy giơ lên, Quỷ thét một tiếng hãi hùng làm văng cả chiếc bầu bên hông xuống đất rồi vội vã bay thẳng về trời, không dám quay đầu nhìn lại. Quả bầu rơi xuống đất bật nắp, Y Luc hiện nguyên hình trở lại như cũ, chạy lại nắm tay H’Lin cảm ơn và hình như họ có trao vòng cho nhau(5) thì phải. Mọi người mừng lắm, hò nhau vào lấy lương thực mang hết về buôn. Từ đó người dân trong vùng có tục lệ sau khi đưa lúa bắp vào kho sẽ tổ chức cuộc thi “lên rẫy” để tưởng nhớ đến trận quyết đấu năm xưa.
***
Dàn chiêng tấu lên bản chào khách, người đàn bà đứng tuổi đánh trống cầm nhịp. Tiếng chiêng, tiếng trống ngân vút lên trời cao, lan tỏa ra tận các đỉnh núi phía xa. Các già làng uy nghi trong bộ áo truyền thống chống gậy đứng trước, mọi người đứng thành vòng tròn xung quanh cây tre chôn giữa một khoảng đất bằng ven sông. Trên cây tre được cột nhiều sản vật để người dự thi vào lấy.
Phía ngoài vạch, hai mươi ba cô gái mặc bộ yen(6) áo đẹp nhất, lưng đeo gùi có nhiều hoa văn tinh xảo bước đến bên vòng tròn chuẩn bị xuất phát. Già làng buôn Um giơ tay ra hiệu bảo mọi người yên lặng rồi nói:
- Theo quy định như mọi năm, người nào đi nhanh nhất, lấy được nhiều sản vật nhất sẽ thắng cuộc. Khi nào nghe ta gõ chiêng thì xuất phát. Vào vị trí, chuẩn bị!
Các cô gái hăm hở cúi xuống bên vòng tròn, hai tay cầm hai cái lá dong, tư thế sẵn sàng.
Boong! Tiếng chiêng vừa ngân lên, đám đông hò reo, vỗ tay, khua chiêng, đánh trống vang lừng thúc dục, động viên. Hai mươi hai cô gái vội vã đặt lá dẫm lên tiến dần vào gốc cây tre làm đích. Người lớn, trẻ em, người nào khuôn mặt cũng hồ hởi, khua tay múa chân, luôn mồm la hét… còn các gìa làng khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt như cười khi chứng kiến con cháu trổ tài di chuyển. Trong số người thi, có người đi nhanh không khéo bị ngã nghiêng phải chống tay xuống đất, thế là bị loại chạy ra ngoài úp mặt vào lưng bạn, giấu vẻ mắc cỡ. Nhiều người chậm rãi di chuyển vào gần đến đích. Có tiếng ai đó kêu lên:
- H’Lê Na đâu, không dự thi à?
- Vào đi, vào đi H’Lê Na!
Mọi người ngạc nhiên quay lại nhìn cô gái xinh đẹp đứng bên vạch xuất phát vỗ tay, hò hét động viên đám người đang trổ tài mà quên mất mình cũng là người dự thi. Một người di chuyển nhanh nhất đã đến đích, đứng thẳng người lên giật mỗi thứ trên cây một ít bỏ vào gùi rồi cúi xuống định di chuyển ra ngoài; nhưng vừa cúi xuống, bao nhiêu thứ trên gùi đổ xuống đất hết cả. Mấy người đến sau nhanh ý, chọn một thứ bỏ vào mồm ngậm lại rồi quay ra không dám bỏ vào gùi vì sợ đổ.
H’Lê Na lấy từ trong gùi ra hai lá dong, dùng dây buộc vào chân rồi chạy đến bên cây tre giật hết rau quả xếp đầy gùi, ung dung rảo bước ra ngoài vòng, đến bên già làng buôn Um đặt gùi xuống, nở nụ cười tươi như hoa. Trong khi ấy nhiều người còn chưa đề được gốc cây tre treo giải. Cánh con trai hò hét vang trời:
- H’Lê Na thắng rồi! H’Lê Na thắng rồi!
- H’Lê Na phạm quy, không được tính!
- Không chơi cột chân, không tính, không tính!
Các già làng vội vàng hội ý, nhưng mỗi người một ý. Một số người muốn xử H’Lê Na thua vì dùng chân, không dùng tay khi di chuyển; một số khác lại cho H’Lê Na thắng vì quy định dùng lá dong di chuyển mà không cấm buộc vào chân. Họ khen cô gái thông minh biết lách luật chơi bao đời nay bằng cách dễ dàng nhất để thắng cuộc. Cuối cùng già làng buôn Um nói:
- Tại từ trước tới nay không ai nghĩ ra cách di chuyển đơn giản như H’Lê Na vừa làm nên chúng ta không cấm, mà chưa cấm thì không phạm lỗi, vì thế phải công nhận kết quả thôi. Từ năm sau phải quy định lại chặt chẽ luật thi mới được. Các già thấy thế nào!
- Ừ, Đành phải vậy thôi.
Đám đông thanh niên nam nữ nhảy múa xung quanh H’Lê Na và già làng buôn Um, trao phần thưởng cho người thắng cuộc một chiếc abăn bă(7). H’Lê Na choàng abăn bă qua vai cúi đầu chào mọi người. Dàn chiêng lại nổi lên chúc mừng, nhiều người xuýt xoa: Đẹp quá, H’Lê Na đẹp như Yang ấy!
Chưa ai thấy Yang bao giờ, nhưng chắc họ không còn từ nào để khen nên đành phải nói vậy thôi. Nhưng quả thật H’Lê Na đẹp rực rỡ như bông hoa hồng chớm nở buổi sáng vậy, đã nhìn thì không thể quay mặt đi nơi khác được.
Trại sáng tác Nha Trang tháng 11 năm 2016

Chú tích:
1.Yang: thần linh - tiếng Ê đê;
2. Aray: dân ca Ê đê;
3. Khan: chuyện - tiếng Ê đê gọi bà;
4. Mang củi xếp dưới gầm nhà sàn: người con gái tỏ tình với người con trai theo phong tục người Ê đê;
5. Trao vòng tay: đính hôn theo tục lệ người Ê đê;
6. Yen: váy – tiếng Ê đê;

7.Abăn bă: tấm chăn để địu con – tiếng Ê đê.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

NGƯỜI HÁI MÂY


  
Truyện ký của HỒNG CHIẾN

Phía tây, những đám mây từ từ chuyển  màu đen sẫm. Bóng tối trùm dần lên thung lũng. Đâu đó tiếng chim “bắt cô trói cột” đều đều gõ vào màn đêm nghe lạnh buốt sống lưng. Thoảng trong cơn gió rừng xào xạc, tiếng chim ăn thịt vang vọng: “Thu thỉ thủ thì -thủ thỉ thù thì”. Hòa theo là tiếng cú rúc từng nhịp một như kẻ cầm nhịp trong ban nhạc tang. Xa xa tiếng suối chảy réo rắt… tất cả tạo nên không gian ghê rợn của núi rừng.
Hơn ba chục con người nằm quây quanh đống lửa. Che cho họ là những tấm màn một, thêm tấm nilông phủ bên trên, ba bốn người ngủ chung qua đêm. Ngày mai khi bình minh đến, họ đã phải hối hả nhen lửa nấu cơm ăn sáng và nắm theo phần buổi trưa, chiều tối mới lục tục kéo nhau về. Người khỏe bứt được nhiều về sớm, kẻ kém may mắn về muộn hơn. Tính vội tính vàng cho chủ rồi lại bắc bếp nấu ăn cho qua bữa. Cuộc sống cứ vậy đều đều tái diễn. Mỗi ngày cũng kiếm được năm, ba chục ngàn. Nhưng đêm nay…
-Anh em ngủ sớm thế?
Tiếng một người nào đó nói vọng vào núi, núi nhái lại: th…ế… kéo dài không dứt. Mọi người bực mình ngồi dậy ngó kẻ quấy rầy. Hắn khệnh khạng trong bộ quần áo rằn ri, ngang hông đeo khẩu súng ngắn, bao súng che kín bộ hạ, chân đi đôi  giày cao cổ còn mới gác lên trên khúc củi cháy dở. Ánh lửa leo lét soi rõ khuôn mặt đen như than, môi thâm sì, hai hốc mắt sâu hoắm phát ra tia lành lạnh. Hắn trạc khoảng năm mươi nhưng khuôn mặt đầy góc cạnh, có lẽ đó là dấu ấn của đói khát và sốt rét.
- Mời tất cả anh em dậy ta nói chuyện.
            Mọi người nhìn vóc dáng, điệu bộ đã đoán ra hắn là ai nên tất cả im lặng, không ai dám lên tiếng.
- Quan ngài đây mời bà con ra bếp lửa nói chuyện.
Ông chủ thầu mây không biết chui ra từ lúc nào đứng bên người lạ, khúm núm nhắc  lại. Vẫn không có ai đủ can đảm bước ra. Ông ta bực mình đi đến từng chiếc màn một nói rất khẽ:                                                                                                                                                                    - Chúng mày muốn chêt hở, dậy ngay đi!
Việc làm của lão chủ thầu có tác dụng. Đám người nhếch nhác, quần áo xộc xệch, kéo nhau đến bên đống lửa. Người nào người ấy mặt cúi gằm, cứ như dưới chân có vật gì cần tìm.
- Mời anh em ngồi xuống .
Chờ mọi người ngồi xuống hết, người lạ mới nhìn lướt qua đám người làm thuê đang kiếp sợ, nói tiếp:
-Tôi là Y Dhen Bya - Đại tá kim Tỉnh trưởng, kiêm Sư trưởng sư 272 của lực lượng Phun-rô.
Mọi người bất giác rùng mình, ngồi xích lại gần nhau hơn. Cái điều ai cũng đoán nhưng rồi ai cũng sợ hãi khi có người nhắc đến: Phun-rô!
- Anh em đừng sợ. Chúng  tôi không làm gì ai cả, chỉ muốn trao đổi một chút để mọi người hiểu chúng tôi chống Cộng có mục đích...
Giọng hắn đều đều, phát âm khá chuẩn tiếng Kinh. Hắn nói rành rọt  như đọc một bài học thuộc lòng. Kết thúc bài diễn văn, hắn nói thêm:
- Anh em thấy chưa, Phun-rô chúng tôi muốn đấu tranh chống Cộng sản nên sẵn sàng đoàn kết với mọi người, xem mọi người như anh em cả thôi.
Tất cả lặng im, nghe rõ cả tiếng nổ lách tách của bếp lửa và cả tiếng của lũ thú ăn đêm. Y Đhen, tên Phun-rô,khét tiếng chuyện đốt nhà, giết người không ghê tay từ trước giải phóng đến nay bỗng nhiên giở giọng mị dân, chắc nó có ý đồ gì đây.
-Tôi nói vậy đúng không thầy giáo?
Y Đhen đi lại gần bếp lửa vỗ vào vai người đàn ông có vóc dáng thư sinh, làm người này giật mình.
- Thầy giáo đừng sợ. Trước đây bọn giáo viên từ miền Bắc vào dạy cái chữ cho dân là chống lại chúng tôi. Chúng  tôi xem bọn đó là kẻ thù nguy hiểm số một cần phải tiêu diệt. Nhưng còn thầy, tôi biết rõ.
Hắn cười rồi móc gói thuốc Zét lấy một điếu châm hút, chìa một điếu cho người thanh niên, nói tiếp:
- Thầy hút đi! Chúng tôi rất trọng người tài như thầy. Có những bài viết mà đài BBC Luân Đôn sử dụng quả là hiếm lắm. Nhưng có lẽ vì tài quá hóa mang tội với chế độ này.
- Dạ, ông nói hơi quá, nhưng sao ông lại biết điều đó?
- Người chúng tôi có mắt khắp mọi nơi tại sao lại không biết cái chuyện lớn tày đình như vậy. Chúng tôi còn biết thầy bốn lần ra vành móng ngựa, trong đó có hai lần tòa án tối cao Việt cộng xử, có đúng không? Vậy chúng tôi tin và muốn hợp tác với thầy cùng đấu tranh cho thế giới tự do.
- Cảm ơn ông! Nhưng tôi còn cha, mẹ, vợ, con.…
-Thầy cứ suy nghĩ cho kỹ. Đây, tôi tặng thầy cái này làm lưu niệm.
Nói xong y vỗ tay, lập tức từ trong bóng tối một tên Phun-rô còn trẻ, ăn mặc rách rưới bước ra đưa cho Y Đhen chiếc răng heo rừng cong vút. Y cầm lấy đặt vào bàn tay người y vừa gọi là thầy giáo:                                                                                                                                                           -Thầy cầm lấy, nó sẽ là bùa hộ mệnh cho thầy. Đoạn quay sang lão chủ thầu:
- Này ông chủ, có gì khao vui cho cuộc hội ngộ hôm nay chứ!
- Dạ có rượu chanh Hà Nội chính cống ạ.
- Được, mang ra đây.
Ông chủ thầu mây ôm ra năm chai rượu chanh loại 0.75 lít và một nắm cá nục khô xếp lên chiếc chiếu trải sát đống lửa.
- Mời tất cả cùng uống, chúc mừng cuộc gặp gỡ hôm nay.
Y Đhen nhắc chai rượu tu một hơi dài, rồi bất ngờ ngửa cổ hú một hồi. Lập tức từ trong rừng xuất hiện thêm sáu tên quần áo vá chằng vá đụp, giày dép rách nát, tay khư khư ôm súng tiến lại gần đống lửa.
- Xin giơi thiệu với các anh em, đây là đồng đội của tôi. Bạn bè cả, ta cùng uống với nhau cho vui.
Tội nghiệp chín người đàn bà, già có, trẻ có, ngồi dúm dó lại với nhau, trùm chung một tấm chăn chiên, mặt cúi gằm xuống đất, không dám ngửng lên.
Bọn lính được phép uống rượu, chúng tu ừng ực rồi sán lại mấy vị đàn ông quần áo còn tươm tất đề nghị kết nghĩa anh em. Nhìn họng súng đen ngòm ai cũng run sợ nên họ muốn gì mà chẳng được. Đã kết nghĩa anh em phải trao vật kỷ niệm cho thêm phần “thân thiết” với lý lẽ rất “tình cảm”, bọn lính Phun-rô cởi giày, dép, áo, quần rách rưới đổi cho đám người bất hạnh, lấy đồ mới mặc vào người.
Cuộc gặp mặt kéo dai hơn hai giờ đồng hồ, khi đã khật khừ, Y- Đhen mới đứng dậy bảo mọi người:
- Thôi, xin tạm biệt, hôm sau lại tới. Nhưng cấm không ai được nói chuyện hôm nay. Nếu không… hắn giơ tay cứa ngang cổ mình – đó là hình phạt của kẻ phản bội. Này thầy giáo, tạm biệt và suy nghĩ cho kỹ. Chúng tôi muốn sự tự nguyện của thầy. Không bắt ép.
Khi bọn lính bị màn đêm nuốt chửng, đám người mới òa ra những tiếng thở dài ngao ngán. Tất cả vây quanh người thầy giáo bất hạnh như chớ đợi phán quyết.
- Việc họ họ làm, việc ta ta làm. Khuya rồi, bà con đi nghỉ mai còn làm sớm. Ngày mai ta đi từng nhóm năm sáu người giúp đỡ lẫn nhau. Không việc gì phải sợ người ta cả.
- Ông giáo nói phải đấy! Ông chủ thầu đế thêm; bà con không phải lo gì, họ cũng là người cả thồi!
Mọi người lại tản ra xung quanh bếp lửa, tiếng rì rầm cứ luẩn quất mãi không ngừng. Ông chủ thầu mây kéo người đàn ông được gọi là thầy giáo lại bên chiếc lều duy nhất được che tạm bằng lá cọ, sàn lát cây rừng, có trải chiếc chiếu một. Tuy trông tạm bợ nhưng chắc chắn, chống lại được gió rừng và những hạt sương lạnh buốt. Thêm mấy cây củi cho bếp cháy to lên, ông chủ thầu bảo:
- Anh thông cảm, kiếm được miếng ăn cũng khổ lắm chứ  sướng gì đâu. Ở trong này phải đóng thuế cho Phun-rô bằng gạo, muối, quần áo; có thế họ mới để cho yên. Chứ không à, còn lâu mới đặt chân vào đây được, ấy là chưa kể phải có giấy vận chuyển... nói thế để anh hiểu cái nghề này nó cũng khốn nạn lắm. Anh hút thuốc!
- Cảm ơn bác. Thế Phun–rô có đông không mà khiếp vậy?
- Chắc khoảng trên dưới chục người thôi.
Ông ta lấy  khăn lau chiếc trán ngắn ngủn và khuôn mặt nung núc những thịt. Là một tay buôn lậu cà phê nổi tiếng liều lĩnh một thời, nay chuyển qua thầu song mây; nghe đâu nghề này phất lắm, một sợi song mây lời tới hai, ba chục ngàn đồng. Một xe chở 700 trăm sợi lời ba, bốn cây vàng; vì vậy ông ta phải bám vào rừng bằng mọi giá. Còn anh người thầy giáo bị buộc thôi việc, không nghề ngỗng gì, đành phải đi bứt song mây thuê kiếm sống qua ngày. Nhắp ngụm nước trà chát đắng, ngửa bàn tay phồng lên vì không quen cầm dao, kéo mây, anh khẽ thở dài, hỏi trống không.
- Làm sao bọn chúng lại biết tôi?
- Anh thông cảm, tại tôi cả thôi. Chúng thấy anh không có vẻ gì là người làm thuê, tôi cứ thật tình kể với họ về anh. Ngài Y Đhen có vẻ thích thú lắm. Ngài xem anh như một người hùng có thể hợp tác.
- Thế ông có nói tôi sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa không?
- Có chứ, tôi còn nói cả nhà anh đều làm giáo viên, bố anh trước làm quan cho Pháp nữa cơ. Chính vì vậy nên anh mới được tin cậy.
- Tại sao ông làm vậy?
- Cũng vì miêng ăn cả thôi. Nếu anh nhận lời với họ, họ sẽ tạo điều kiện cho tôi kinh doanh, nhất định tôi sẽ giúp đỡ chị và hai cháu ở nhà. Anh nghĩ xem. Thời buổi này…
-Thôi được, bác để tôi nghĩ đã. Xin phép bác.
-Ngủ lại đây với tôi.
-Khuya rồi, để tôi về ngủ với mấy người bạn kẻo họ chờ.
-Tùy anh.
Bầu trời đầy sao, những vì sao nhỏ bé li ti như những con mắt đang thấp thỏm nhìn anh. Bốn hòn núi cao sừng sững nghiêng bóng che kín cánh rừng… Từng đợt gió ào ào luồn qua đám cây lật mấy tấm ni lông bay phần phật. Phía xa xa, tiếng gà rừng nối nhau báo sáng.
Vân thập thững bước lại chiếc màn của mình định ghé lưng nằm xuống đống lá rừng chợp mắt.
-Anh về rồi à! Thanh lồm cồm ngồi dậy hỏi vọng ra.
-Ừ, sao các cậu không ngủ đi.
-Bọn em lo cho anh quá.
Thanh và Bá là hai thanh niên khỏe mạnh từ Ninh Bình vào đây tìm việc làm với mong muốn kiếm ít tiền làm vốn để học nghề gì đó. Thấy Vân là thầy giáo, không quen vất vả nên thương tình rủ làm chung, nhường cho việc kéo mây, bó song nhẹ nhàng hơn là phát cây, hay leo trèo tận ngọn cây cao chặt bớt gai để kéo dây xuống.
-Anh nằm vào giữa cho ấm. Bá bò ra ngoài nhường chỗ. Lớp lá xanh lót phía dưới gãy rào rào Vân ngả lưng xuống kéo Thanh cùng nằm.
-Bọn em lo cho anh quá. Hay mai anh trốn về, chứ ở đây lỡ bọn chúng bắt thì khổ. Bá ôm ngang lưng Vân thì thào.
-  Kệ nó, sức đâu mà lo, chúng nó sắp chết đói cả, lấy gạo đâu mà nuôi mình. Việc ta, ta làm. Thôi ngủ đi, mai còn dậy đi làm .
Một lát sau Vân đã ngáy đều đều. Bá chép miệng lẩm bẩm: “Người đâu vô tâm thế”!

*       *
*

Đêm. Mọi người hối hả ăn uống rồi chui vào mùng ngủ ngay; không ai dám ngồi la cà bên bếp lửa. Đống lửa được chất bằng những khúc cây Kơ nia to như đầu người cháy lên hừng hực. Ai cũng mong được một đêm yên thân. Xa xa tiếng chó sói trú lên từng hồi dài lạnh lẽo. Vân cùng Bá, Thanh nằm úp thìa, không ai nói với ai điều gì. Tất cả đều thao thức nhưng làm ra bộ ngủ  say. Bá và Thanh đều có chung tâm trạng lo sợ  Phun -rô hành hình, bắt cóc, lo cho tương lai không biết sẽ ra sao. Còn Vân, anh thao thức không biết có phải vì nhớ vợ con đang sống ngoài thị trấn kia, hay anh thao thức vì nỗi bất hạnh của cuộc đời mình. Một học sinh xuất sắc suốt  mười năm trời theo học  phổ thông, một thầy giáo được trò yêu, đồng nghiệp mến, một cán bộ quản lý giáo dục có năng lực, thế mà bỗng nhiên mất sạch vì những bài báo anh viết bị đài B.B.C xuyên tạc đưa lên làn sóng... và bị quy tội có dụng ý bôi nhọ chế độ. Cuộc đời sao oái oăm làm vậy. Nhưng Vân thao thức có thể còn một lẽ khác: bọn Phun-rô, chúng cần mình để làm gì? Có phải như chúng nói muốn đưa mình ra nước ngoài! Hay bọn chúng chuẩn bị rút qua Thái Lan huấn luyện? Hay đây chỉ là cạm bẫy thử mình?
- Này, thầy giáo dậy cho tôi nhờ chút.
Ông chủ thầu mây mò mẫm đến bên cạnh mùng giật giật, nói nhỏ.
-Có gì để mai, đêm hôm thế này không đi đâu cả. Tiếng Bá  quyết liệt.
-Có chuyện cần tôi mới nhờ, dậy đi.
Vân uể oải ngồi dậy đáp :
-Bác chờ tôi một chút .
-Anh khoác thêm cái áo của em cho đỡ lạnh. Thanh cởi áo đang mặc khóa lên người Vân nói thêm:  Anh yên tâm, hai đứa tôi ôm nhau ấm chán.
Vân lầm lũi bước về chòi ông chủ thầu, không hỏi gì thêm.
Bên cạnh đèn dầu, Y Đhen đang nhấm nháp ly rượu chanh  Hà Nội. Thấy Vân vào, hắn lịch sự giơ tay bắt.
-       Mời thầy ngồi  xuống  đây làm một ly.
-          Tôi uống kém lắm, chỉ một ly là đỏ từ đầu đến chân. Đi không nổi.
-          Thế thì thôi, hôm nay tôi có cái này bất ngờ dành cho thầy đây. Thầy đi theo sẽ rõ; ta đi.
Đêm tối mịt mù, đường núi lởm chởm đá, cách nhau hai mét nhìn không thấy gì ngoài cây rừng. Ánh đèn pin chỉ đủ soi một khoảng trống nhỏ nhoi. Vân thập thững bước theo được một đoạn ngã oạch, trán va vào cây rừng  đau điếng, nước mắt muốn ứa ra. Y Đhen  quay lại cười:
-Nhà báo dở quá, đường rộng thế này mà con ngã .
Có ai túm tay lôi Vân đứng lên; lúc này anh mới biết phía sau anh một quãng còn có mấy tên Phun-rô lặng lẽ bám theo. Chẳng lẽ chúng định giết anh? Không, nếu chúng muốn giết đâu cần phải bày trò thế này. Hay chúng cần gì ở anh? Loanh quanh gần hai giời đồng hồ  mới tới một chiếc lán dựng tạm, một mái, rộng khoảng chục mét vuông, nền  được lát bằng những cây lồ ô bổ đôi, ba phía che bằng mấy tầu dừa núi.
-Mời thầy giáo vào “nhà”.
Vân bước vào nhà và giật mình nhìn thấy người phụ nữ, hay đúng hơn một xác phụ nữ nằm sát vách. Ánh lửa leo lắt lúc sáng, lúc tối hắt lên khuôn mặt hốc hác, xanh xao, đượm vẽ sầu não.
-Thầy lại gần xem có quen người này không?
Vân bước lại gần, tháo loa đèn pin cho ánh sáng tỏa ra chung quanh, nhìn vào khuôn mặt chỉ còn da bọc xương, trên trán lòa xòa  mấy sợi tóc lưa thưa khe khẽ rung theo hơi lửa phả qua. Nguơi con gái mở mắt, hai giọt nước long lanh trào qua khóe mắt, môi mấp máy:
-Nai * Vân !
-Cô là ai, sao lại biết tôi?
Bàn tay nhăn nheo chỉ còn da bọc xương từ từ rút ra khỏi tấm mền giơ lên run rẩy nắm chặt tay Vân áp vào má mình, đôi môi mấp máy, thì thào:
-          H’Ren đây, thầy không nhận ra em sao?
-          Trời, H’Ren!
Vân kêu lên như không tin ở tai mình, mắt mình. Cô học trò nhí nhảnh, thông minh nhanh nhẹn, hay tìm cách trêu ghẹo thầy ngày trước đây sao? Vào cái tuổi mười lăm em như một nụ hoa đầy sức sống, thế mà giời đây…
-          Các bạn em ở đâu ?
-          Theo Yang ** cả rồi !
H’Ren nghẹn ngào, nước mắt chảy thành dòng nhỏ xuống sàn. Vân cũng thấy mọi vật chìm dần, chìm dần vào biển xương mù  dày đặc. Vân không khóc được, chỉ ngồi bất động nắm chặt tay H’Ren để mặc cho vị mặn chát chảy xuống miệng.
   -Nhà báo mềm yếu quá, như vậy không thể trở thành chiến binh được. Người lính phải xem thường cái chết, có thể mới giải phóng đất nước Đê-ga tươi đẹp này. Giới thiệu  với thầy giáo đây là bà Thiếu tá H’Ren quận trưởng  H. 6 một sĩ quan dũng cảm của chúng tôi. Bà ấy bị sốt rét quật ngã đấy.
-          Tại sao các ông không chạy chữa cho cô ấy.
-          Chính vì việc đó, tôi mới mời thầy đến đây. Thầy qua bên này.
Vân gỡ tay H’Ren đặt trả lại trong mền.
Bên kia bếp lửa, chai rượu chanh được bật nắp, bên cạnh đặt tàu lá chuối với mấy miếng thịt nai khô to bằng ngón chân cái, dài độ gang tay.
Y Đhen vui vẻ bảo:
-Mời thầy làm một hớp cho ấm bụng.
Nói là làm, Y nâng cả chai kê vào miệng tu một hơi dài, rồi đặt chai xuống sàn xé thịt nhai nhồm nhoàm, hất hàm bảo:
-Uống đi chứ!
Vân cũng cầm chai nhấp một ngụm nhỏ xong xé thịt nhấm nháp. Thịt nai hăng hăng mùi khói xen mùi thum thủm vì phơi không được nắng, xung quanh miếng thịt trứng ruồi đẻ trắng hếu.
-Nói thật với thầy – Đôi mắt Y Đhen lóe sáng chiếu thẳng vào mắt Vân.  Bọn tôi cái gì cũng thiếu thốn, nhất là thuốc men, lương thực và tư trang. Thầy có cách gì giúp được chúng tôi không?
Im lặng một lúc, Vân nói:
-Theo tôi, ngày mai các ông nhờ ông chủ thầu mây chở hẳn cho một xe lương thực và tư trang vào đây chắc là được.
             -Thầy nói nghe dễ nhỉ. Nếu bắt nó chở nhiều lỡ nó bỏ không vào, lại báo Công an thì nguy.
-Dễ thôi, ông báo với họ chở đồ vào, một mặt cho họ tự do khai thác song mây trong vùng, không ai làm khó dễ; một phần lấy quế, sừng nai phụ thêm một chút. Mặt khác dữ chủ thầu mây lại là yên tâm. Còn chở lương thực vào nhiêu giải thích dễ ợt: có nhiều người lấy song mây phải cần nhiều lương thực, quần áo, chăn màn... vậy thôi.
-Hay! Hay, thế mà tôi không nghĩ ra – Nhưng … e.
Cặp mắt hắn tối lại, nhìn chòng chọc vào Vân.
-Nếu bọn Công an biết, theo vào đây có phải ta tự sát không?
-Theo tôi, khi xe vào khu vực các ông kiểm soát, tăng thêm trạm quan sát và vào một điểm nhất định nào đó chặn xe lại kiểm tra rồi cho rẽ theo đường đến chỗ cất đồ dự trữ tạm thời, sau đó vận chuyển tiếp đến nơi an toàn cất giấu. 
-Được.
Nói dứt lời y lại vớ lấy chai rượu ngửa cổ làm một hơi dài.
-Thầy giỏi lắm, ở lại với chúng tôi chứ!
-Tôi không thể đi với các ông được vì tôi là người Kinh, còn vợ, còn con. Nhưng nếu cần gì cứ gọi tôi sẽ đến.
-Thế cũng tốt.
Vân bước  lại bên H’Ren, thấy mắt cô vẫn mở nhìn trân trân vào khoảng không. Đặt bàn tay lên chiếc trán nóng bỏng, Vân khẽ gọi:
- H’Ren! H’Ren!
H’Ren từ từ quay lại, đôi mắt ráo hoảnh nhìn sâu vào mắt Vân. Môi mấp máy  nói điều gì nghe không rõ. Nhúng chiếc khăn mùi xoa vào dòng nước rót từ trái bầu khô, Vân gấp lại đặt lên trán H’Ren, cô học trò bé bỏng ngày xưa đã cùng tám cô bạn gái bỏ lớp chạy vào rừng theo Phun –rô. Kết cục chỉ còn lại một người như thế này đây.
-          Thầy! – Tiếng H’Ren nghẹn ngào:  Hãy tha lỗi cho em!
Gỡ tay H’Ren, Vân vội vã quay đi như chạy …

*      *
*

Ngọn lửa bập bùng  soi rõ những khuôn mặt ngồi vây quanh. Họ ngả nghiêng bên những chiếc chai vứt chỏng chơ, tay huơ huơ những xiên thịt nai chưa kịp hơ qua lửa. Họ nhồm nhoàm nhai, nuốt, uống... như chưa từng được uống, chưa từng được ăn. Những khuôn mặt đen thui chỉ thấy hố mắt trũng sâu với xương gò má in nét lên da.
Chếnh choáng, Y Đhen xách chai rượu bước lại gần Vân:
-  Tất cả nghe đây, có ngày hôm nay là nhờ công của ông thầy giáo đây. Sư đoàn 272 chúng ta đã vững mạnh. Ngày mai sẽ cấp thêm quần áo, giày dép mỗi người một bộ. Lương thực dự trữ đủ dùng cho cả chục năm. Chúng ta sẽ thắng. Nào, xin chúc mừng, chúc mừng!
-H’Ren đâu? Vân hỏi.
-Bà thiếu tá H’Ren, người phụ nữ dũng cảm đã có công lao to lớn gây dựng phong trào. Sau này đất nước giải phóng chúng ta sẽ khắc tên vàng cho bà ta. Hôm nay vì con ma rừng đã chấm nên không thể giữ bà ấy lại được nữa. Tôi cho bà ấy đi theo Yàng rồi.
-Không, cô ấy còn có thể khỏe lại mà. Có thuốc sẻ khỏi thôi.
-Thuốc dành cho người khỏe. Ở đây chỉ có ra lệnh và chấp hành. Nào uống đi.
-Uống, uống!
Cả sư đoàn 272 chỉ có 14 người, mười bốn con người đói khát, bệnh tật sống chui lủi trong rừng, thỉnh thoảng mò ra các buôn gần rừng đánh lén cướp của, giết người, đốt nhà... tội ác chồng chất; người dân căm hận, không ai tiếp tế cho nữa. Vì thế chúng phải chui vào rừng sâu làm rẫy mong bảo toàn lực lưỡng. H’Ren, cô thiếu nữ 21 tuổi sau sáu năm chạy vào rừng không biết đã gây ra những tội ác gì cho người dân lương thiện trong vùng, lại bị chính đồng bọn thanh toán. Vân bất giác thở dài.
Phương đông ửng hồng, bữa liên hoan mừng chiến dịch hậu cần thắng lợi, ngoài một tên lính gác theo quy định, còn tất cả được uống thả dàn, uống đến say sưa, nôn mửa... uống đến lúc thịt da biến thành rượu mới thôi. Bao nhiêu năm mới có một bữa liên hoan vui vẻ thế này. Bọn lính nằm còng queo bên đống lửa đã lụi. Đứa ngã bên này, đứa ngã bên kia nhưng trước ngực luôn luôn có khẩu AR15, cái vật giết người đó như dính chặt vào chúng không thể rời ra. Vân lóp ngóp bò ra sau gốc cây cách xa đống lửa, vịn vào gốc cây đứng dậy, lần từng bước.
-Đứng lại!
Một tiếng thét vang lên từ ngọn cây trên đỉnh đầu Vân. Vân ngửa mặt nhìn lên trả lời:
-Vân đây! Sáng rồi, xuống làm chút cho ấm bụng. Mọi người say cả, chỉ có mày là đói thôi đấy. Thấy tên lính còn ngần ngừ. Vân tiếp :
-Không sợ chỉ huy la đâu, tôi nói cho.
Tên gác tụt xuống, đứng chưa vững đã bị giáng một đòn vào gáy, đổ xuống như cây chuối. Khẩu súng đeo sau lưng cướp cò nổ rung chuyển cả núi rừng. Bọn lính hoảng hốt chồm dậy, loạng choạng định lao vào rừng; nhưng những bóng áo xanh từ sau các gốc cây lao vào quật ngã chúng. Cái “sư đoàn 272” của bọn Phun-rô bị xóa sổ hoàn toàn. Tên Y Đhen trợn tròn mắt kinh ngạc nhìn viên Trung tá Công an chỉ huy trận đánh ôm chầm lấy người thầy giáo khi gặp lại, hắn bất giác thở dài, cúi đầu lầm lũi bước theo đồng bọn.
Hai tháng sau, khi mùa thu đến, tiếng trống trường vang lên đón học trò vào năm học mới, người ta lại thấy Vân – người thầy giáo đi hái mây ngày nào cắp cặp bước lên bục giảng giữa tiếng nói cười của các em học sinh người thiểu số vây quanh.

Chú thích:
Nai: tiếng Êđê gọi thầy giáo dạy học.
Yang: tiếng Êđê gọi trời.