Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả TRẦN THANH PHƯƠNG

Sổ tay Thơ

HAI NỬA VẦNG TRĂNG

Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên.

Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
                                                                    8.1981  
                                                                 Hoàng Hữu
  MỘT BÀI THƠ ÁM ẢNH

  Đây là bài thơ đạt giải B Cuộc thi thơ năm 1981 – 1982 của Tuần báo Văn Nghệ. Đọc bài thơ, mặc dù còn nhiều chỗ chưa thể hiểu ngay được, nhưng nỗi xót xa của hai nửa vầng trăng chẳng thể nào đến được sự viên mãn cũng như linh cảm về cuộc đời “một nửa” của nhân vật trữ tình cứ luôn ám ảnh trong tâm trí, buộc tôi phải đi tìm hiểu sự thật suốt nhiều năm qua. Và lần theo những nguồn tư liệu tôi đã biết được nhà thơ tên thật là Nguyễn Hữu Dũng (một chữ D hoa – tên anh). Anh là họa sĩ. Khi đã có vợ con đề huề, tình cờ anh gặp một nữ đồng nghiệp dịu dàng, xinh đẹp cũng có tên bắt đầu bằng chữ D hoa (tên em) thì mối tình không cưỡng lại được bỗng dưng bùng cháy trong lòng làm anh cứ mất ăn mất ngủ. Mối tình ấy chủ yếu là đơn phương nên nó nung nấu những khát vọng được đền đáp một cách mãnh liệt và hết sức trong sáng. Bản thân nhà thơ lại bị bệnh tim nên cuộc đời ngắn ngủi chỉ có “một nửa”, nếu được yêu lại chắc cũng không thể đến với nhau “viên mãn” được. Như vậy ý tưởng của bài thơ là nói về mối tình dang dở của hai nửa vầng trăng (ẩn dụ bằng chữ D hoa) cùng khát vọng tình yêu vượt lên trên hoàn cảnh và bệnh tật.
  Khổ thơ đầu tiên nói về “vầng trăng – một nửa” tượng hình thành chữ D hoa (tên em). Nhưng “Trăng vẫn đấy mà em xa quá” đã xác định mối tình đơn phương của nhân vật trữ tình. Loại tình cảm này chỉ có cho mà không mong được nhận, không giống như mối tình “mây – gió” trong thơ Xuân Diệu: “Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu” (Anh yêu em chừng ấy còn em yêu anh được bao nhiêu*). Vì thế mà khát khao được đền đáp trở nên tha thiết, cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhà thơ hỏi trong sự tưởng tượng người yêu có hay “ngóng” trăng say đắm như mình: “Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên” – Mượn trăng để thổ lộ lòng mình là cách nói kín đáo tế nhị giống với những cách nói của cha ông ta trong kho tàng ca dao dân ca.
  Khổ thơ thứ hai cho ta biết lý do của sự hình thành thi tứ: “Trăng đầu tháng có lần em ví/ Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời”. Một sự liên tưởng rất cụ thể và thú vị của các họa sĩ vốn rất nhạy cảm với những hình khối mang tính biểu tượng như thế. Một nửa vầng trăng cũng đã từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Du (Vầng trăng ai xẻ làm đôiTruyện Kiều) hay gần đây, trong ca từ của nhạc sĩ An Thuyên (Cắt nửa vầng trăngCa dao em và tôi), nhưng để nói về một cái tên người cụ thể thì có lẽ đây là một sáng tạo đầu tiên và duy nhất trong kho tàng thi ca nhân loại.
   Nếu hai khổ thơ đầu ít nhiều còn nói sự việc (Tình cờ anh gặp lại vầng trăng; Nắng tắt đã lâu rồi trăng thức dậy dịu êm) hoặc giải thích lý do (Trăng đầu tháng có lần em ví…), thì đến các khổ thơ tiếp theo hoàn toàn chỉ còn tình cảm tha thiết, ám gợi:
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào lên cỏ ướt
  Câu thơ thứ nhất vận dụng những kiến thức khoa học về mối liên hệ giữa thủy triều lên xuống và quỹ đạo của vầng trăng, nhưng chỉ cần một chữ “theo” đã làm cho vầng trăng hóa nên sống động và nặng tình. Câu thơ thứ hai thật là tài hoa của sự kết hợp giữa ngôn từ và hình khối: “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt”. Từ “theo” đến “say đắm” đã là cả một bước tiến dài về mặt tình cảm và hình tượng. Các chữ “dào lên cỏ ướt” rất tạo hình. Động từ “dào” ở đây thật đắt. Đã từng có những cách đặc tả ánh trăng rất hay như ánh trăng “nhễ nhại” (Nam Cao) hay ánh trăng “dàn dụa” (Dương Kiều Minh), nhưng chưa thấy ai sử dụng động từ chính xác và đắc địa như tác giả bài thơ này - “Trăng say đắm dào lên cỏ ướt” đúng là một sáng tạo độc đáo của riêng Hoàng Hữu -  Ở bên trên đã có “con nước” thì ở bên dưới “cỏ ướt” là lẽ tất nhiên: Từng đợt sóng trăng trào lên bờ cỏ ướt nước cũng là ướt ánh trăng lóng lánh mê ly. Trăng đẹp như thế, cuộc sống đẹp như thế mà nhà thơ đã như linh cảm thấy mình sắp sửa phải ra đi mãi mãi vì quỹ thời gian (theo dự báo của bác sĩ điều trị) đã sắp cạn kiệt rồi! Những câu thơ giống như những lời nói “gở” nhưng không “gở” chút nào vì nhà thơ đã biết trước tất cả để khẳng định như đinh đóng cột:
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
   Không chỉ “Em đã khóc” mà tất cả những bạn bè của nhà thơ, những người đọc thơ đều rưng rưng trong tâm hồn trước một con người tài hoa bạc mệnh! Hai câu thơ tiếp theo như cứa vào lòng người đọc: Một người bị bệnh tim đã sống hết mình cho tình yêu, cho nghệ thuật, trái tim của anh đã “phát sóng” hết công suất: “Nhưng làm sao tới được/ Bến bờ anh tim dội sóng không cùng”. Đó là một cuộc sống đích thực dám đi đến cùng trong tình yêu và niềm đam mê của mình - Nó làm cho những người đang sống khỏe mạnh không khỏi có sự chạnh lòng và tự xem lại bản thân.
   Ba câu thơ tiếp theo như đúc kết lại một cách đầy xót xa nhưng vẫn lấp lánh niềm tin: “Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh/ Cứ một nửa như đời anh, một nửa/ Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…”. Sự đay đi đay lại “Một nửa vầng trăng thôi, một nửa” rồi lại xác  quyết: “Cứ một nửa như đời anh một nửa”, đúng như Hữu Thỉnh cảm nhận:“nó cứ như bào như xát vào gan ruột người ta. Và đấy là thành công, là hiệu quả nghệ thuật của bài thơCái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người”** Câu thơ cuối cùng không nói hết được, như hụt hơi, nấc nghẹn, còn biết bao điều âm vang trong dấu ba chấm (…) để cho người đọc tự suy đoán lấy bằng sự trải nghiệm của riêng mình.
  Khổ thơ kết bài giống lời dặn dò, trăng trối giàu tính chiêm nghiệm:
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau
   Xuất phát từ sự quan sát tinh tế: Một nửa trăng hình chữ  D hoa, nhìn kỹ, ta vẫn có thể thấy được một nửa trăng phía bên kia mờ mờ, khớp với nhau để tạo thành một vầng trăng tròn đầy, viên mãn. Nhà thơ hỏi em, dặn em nhưng cũng là nói với tất cả chúng ta, hay ngược lại, đọc hai câu thơ này, ta cảm thấy như chính mình đang nói với một ai đó những lời tha thiết chân thành nhất. Đó là sự kỳ lạ của thơ, hay nói rộng hơn là của nghệ thuật nói chung. Vì vậy, đối tượng trữ tình được gọi là “em” trong bài thơ này không nên giới hạn vào chỉ một cô gái có tên bắt đầu bằng một chữ D hoa nào đó. Đấy chỉ là cái cớ cho ý tưởng thơ phát triển. Sự chiêm nghiệm “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” vẫn thường phổ biến trong cõi nhân sinh, có trong tất cả mọi người và nó mang tính nhân loại phổ quát. Đó cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Minh, vợ của cố họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu, sau 31 năm hờn giận chồng vì cô gái có chữ D hoa trong bài thơ, cuối cùng cũng đã nhận ra rằng: “Sự “tình cờ” bởi cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt: Nguyễn Hữu Dũng, cái tên bắt đầu bằng chữ D hoa đã khiến anh viết thành công bài thơ gửi tặng cho đời. Vượt nỗi đau số phận nghiệt ngã của mình chắt lọc ra hai nửa vầng trăng, nửa “tròn đầy” nửa “viên mãn” vững tin ở ngày mai tốt đẹp”***
Quy Nhơn, 12. 2016


                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI