KHÓI BẾP MÙA XUÂN
Truyện ngắn
Mưa phùn, bà Tư hớt hải chạy ra sau bếp, kéo cái tấm
nilon che lên cao, miệng lầm bầm không ngớt
- May quá, may quá, không ướt cái nồi bánh tét…
Rồi bà lại hì hụi cột cái tấm nilon vuông đó lên làm bốn
góc, khói từ những cây củi ướt bốc lên, không có chỗ thoát ra ngoài, làm bà ho
sặc sụa. Nhưng bà vẫn cứ kiên trì thổi vào mớ tro và những cây củi đang khói
cho tới khi ngọn lửa bùng lên trở lại. Bà lui ra, ho rũ rượi, tóc tai bù xù.
Con Câm một tay ôm mớ củi ướt từ ngoài đi vào, một tay vén
mớ tóc ướt nhẹp chảy xuống trán, nó cười cười rồi ném nắm củi vào đống củi gần
bếp, xong nó đi ra. Bà Tư nói với theo
- Củi tao còn nhiều lắm, mưa gió mầy không cần bẻ thêm về
đâu, bịnh đó con!
Rồi bà ngồi nhìn bếp lửa có nồi bánh tét đang nấu, thở dài.
- Thằng Trình nó cũng đi cái ngày mưa vầy nè, xong nó bịnh,
rồi nó kêu con thèm bánh tét, nhưng con đi làm, mươi bữa con về con ăn...
Bỏ dở chừng câu nói, bà Tư lại cúi xuống thổi lửa.
Bọn con nít trong xóm cười ré lên rồi chúng lao nhao đọc
những câu hò vè và những lời trêu chọc. Bà Tư biết chúng chọc con Câm, nên quơ
vội cái cây trong bếp đứng dậy chạy ra ngoài, bọn trẻ thấy bà Tư thì ré lên:
- Á, bà Tư điên tụi bây!
Rồi mỗi đứa tản về một hướng. Con Câm nhìn vào bà Tư với ánh
mắt biết ơn rồi về hướng nhà mình. Bà Tư nhìn theo nó, thương cảm. Người ta kể,
hồi nó còn năm sáu tuổi, ba mẹ nó bỏ nhau, mẹ nó dắt nó lên thành phố đi làm, tưởng
làm gì hóa ra làm đĩ. Rồi trong lúc mẹ nó bị chuốc rượu say, nó bị nhân tình của
mẹ cưỡng hiếp, nó đi từ cõi chết trở về, nó chảy cả máu mũi máu tai rồi, mà không
hiểu sao nó sống, nhưng nó không nói nữa, nó cũng không nhớ gì chuyện đó nữa.
Sau đó nó về lại nhà cũ, bảy tám tuổi lay lắt sống một mình, mẹ nó đi đâu không
rõ, mấy chục năm rồi cũng không thấy về tìm, người ta đồn rằng, có khi bà ấy cũng
chết đâu đó rồi. Nhưng cái may của con Câm, là nó không nhớ gì đến cái ngày khủng
khiếp của cuộc đời nó, nó cũng không nhớ nó từng có mẹ, nó chỉ sống bằng sự đấu
tranh sinh tồn, cho cơm áo hàng ngày của chính bản thân nó. Vậy thôi, đã làm cuộc
đời nó nhiều truân chuyên lắm rồi.
Con Câm thương bà Tư, thương từ cái ngày thằng Trình bỏ bà
Tư đi, nó nói mươi hôm nó về ăn bánh tét bà nấu. Cả con Câm, cả bà Tư, không ai
nhớ thằng Trình đi từ bao giờ, không ai còn khái niệm thời gian là gì, hình như
với họ, thời gian là thứ không cần thiết nữa.
Con Câm cũng có lúc ngồi nhớ, có lần, thằng Trình ngồi cạnh
bếp, nắm lấy tay nó rồi nói
- Mày ở nhà coi má giúp tao, tao đi làm mươi hôm, tao về!
Bạn tao nói trên thành phố, có việc ngon lắm! Tao làm rồi có tiền tao xây cái bếp
này cho má, mày với má ngồi nấu ăn cho khỏi lạnh!
Vậy mà con Câm nhớ hoài, nó cứ ngồi lấy tay này chạm vào
tay kia, chạm vào cái tay mà nơi thằng Trình đã chạm, rồi rưng rưng. Bà Tư nấu
bao nhiêu nồi bánh tét rồi, sao nó chưa về? Nó không nói được với bà Tư là thằng
Trình theo bạn lên thành phố đi làm, mà nếu nó nói được, chắc gì bà Tư hiểu thành
phố là ở đâu, nó làm cái gì trên đó. Cái nồi bánh tét nhà bà, không bao giờ được
phép tắt lửa, bà Tư nói “lỡ thằng Trình nó về, bánh đâu nó ăn!”.
Bọn con nít trong xóm tụi nó nói bà Tư bị điên, có cái nồi
nước với mấy cái lá mà nấu hoài, nấu suốt từ ngày này qua ngày khác, cứ ngồi nấu
mà không dám đi đâu hết, sợ chỉ cần bà ra khỏi nhà, thằng Trình nó về, nó tìm
không ra bà, rồi làm sao. Ừ, chi mà cực dữ vậy, chỉ có điên mới làm vậy thôi.
Con Câm bực lắm, sao tụi nó hiểu được bà Tư, nhưng nó cãi không được, vì chính
nó cũng bị lũ con nít trong xóm chọc ghẹo. Cái thế giới mà bà Tư và con Câm đang
sống, dần dần tách biệt hẳn với thế giới ồn ã bên ngoài.
Ngoài chợ ồn ào mai vàng, ồn ào quần áo mới, bánh mứt, hình
như người ta chuẩn bị cúng ông táo rồi. Mấy cái tết rồi thằng Trình không về ăn
bánh tét mà bà Tư dày công đun nấu? Nó ở phương nào? Thành phố là đâu, nó làm gì
ở đó? Con Câm nhìn bà Tư thương nhớ thằng Trình, nó chạm vào bàn tay nó, nó cũng
nhớ thằng Trình. Nó ra rẫy từ sáng sớm đến chiều tối, nó vác về cả chục ôm củi,
nó chất thành một đống cao ngút cạnh bếp bà Tư, giống như lần cuối cùng nó đi bẻ
củi cho bà. Bà Tư nhìn nó suốt, hỏi nó mà nó chỉ cười.
Cái lưng quần lận hai ba lớp, nó nhét trong đó mớ tiền lẻ
để ra bến xe buýt, nó hỏi người ta đường lên thành phố là đường nào, cái nơi mà
có việc làm nhiều tiền, cái nơi mà thằng Trình của nó ở mãi đó không về. Nó vẽ
những nét nguệch ngoạc bằng những cục than trên nền đất, người ta đuổi mãi rồi
cũng có người thương tình đưa nó đi, nó đi bằng niềm tin sẽ tìm được thằng Trình
về cho bà Tư. Người ta ném nó xuống ở một nơi xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Nó
hoang mang nhìn, nó làm gì để tìm ra Trình? Nó không biết, thậm chí để diễn tả
làm sao cho người ta biết đó là thằng Trình mà nó tìm, nó cũng không biết.
Nó cầm cục than ngồi hì hụi vẽ theo trí nhớ trên một tấm
giấy carton nhặt được, mãi rồi nó cũng có được một bức chân dung lem luốc để đi
hỏi người này người kia, người ta tránh xa nó, chẳng ai cho nó được một cái gật
đầu. Nó mệt mỏi, mệt hơn là nó nghĩ, nó đói, nó khát. Nó uống nước mưa cho qua
cơn khát, nó ngủ cho qua cơn đói. Trình ở đâu trong dòng người ngược xuôi này?
Con Câm nằm trên cái sạp bỏ không sau khi vãn chợ, nó nhớ
cái bếp của bà Tư, cái bếp thơm mùi lá, cái bếp bà đun suốt ngày suốt đêm để
chuẩn bị bánh tét cho thằng Trình về. Nó nhớ cái dáng gầy gầy của bà cầm cây củi
quơ đuổi bọn trẻ con trong xóm khi tụi nó chọc ghẹo Câm, nó nhớ luôn những giọt
nước mắt bà rớt khi lui hui thổi cho bùng lên ngọn lửa từ những cây củi ướt. Cuộc
đời con Câm đã sống, hình như chưa có ai thân thuộc như bà Tư. Nhưng sao nó lại
nằm đây, nó tìm thằng Trình là tìm cho nó hay cho bà? Nó không biết, mà cho nó
hay cho bà Tư, thì cũng như nhau thôi, cái bếp có ba chân, thằng Trình bỏ đi như
đã mất một chân, cái bếp có hun củi kiểu gì cũng chẳng thể nào ấm được vì chênh
vênh mất rồi, phải không?
Câm co ro ôm xoắn hai bàn tay vào nhau, trong cơn lạnh từng
hồi đó, nó nghe cái hơi ấm năm nào từ bàn tay thằng Trình nắm lấy tay nó, nó
nghe cả hơi thở phả qua tóc nó khi thằng Trình nói mươi ngày thôi thì nó về. Mà
sao, mươi ngày là bao nhiêu ngày, hổng lẽ đến cả đếm ngày tháng thôi mà có đứa
không biết hay sao? Nó không biết hay Trình không biết? Nó muốn hỏi Trình, nó
muốn nói bằng chính cái giọng nói của nó, cái mà nó nghĩ mình đánh mất từ ngày
nào đó nó không nhớ. Hơi ấm của Trình tiếp tục phà vào nó, cuống họng nó không
còn ken đặc lại nữa, nó bắt đầu nở ra, nó giãn ra, và nó há miệng, nó uốn vành
môi, nó phát ra được những âm thanh, rồi nó phát ra được giọng nói, nó chuẩn bị
hỏi thằng Trình “lâu giờ anh đã đi đâu?”. Nhưng nó nghe trong cái mùi tanh tưởi
của nơi nó nằm, nó nghe cái mùi đàn ông uống rượu từ đâu đó trong ký ức nó, nó
nhớ cái tiếng thét nào đó trong cõi xa xăm, nó nhớ cái nỗi sợ hãi mơ hồ của ai đó,
nó nhớ nó từng gọi ai đó bằng mẹ... Trước mắt nó, thằng Trình lúc gần lúc xa,
chỉ có gương mặt người đàn ông to bè, đang nhe răng cười man dại thì mỗi lúc một
gần, nó hét lên “anh Trình!”.
Nó bật ngồi lên, hai bàn tay nó vẫn đang xoắn vào nhau,
gió thốc ù ù qua cái sạp nó đang nằm, không có Trình, nó bỏ chạy, chạy khỏi cái
tiếng cười man dại sắp ập vào nó. Khi đã thấy mình chạy xa rồi, nó bật khóc, khóc
thật to, nó uốn lưỡi mình để khóc, để nói cho ra tiếng như người ta vẫn hay vừa
khóc vừa than “anh Trình ơi, anh ở đâu?”. Nó bỗng sững lại, nó nghe tiếng của
chính nó, nó nói được! Không thể nào! Nó muốn thử lại lần nữa “anh Trình!”, tiếng
của nó nghe rõ như có ai đang ngồi bên cạnh nó, nó lặp lại lần nữa, nó cứ lặp đi
lặp lại để tin rằng nó vừa nhận được một điều kỳ diệu từ giấc mơ. Nó chạy, nó
vui mừng, nó không thấy mình lạnh nữa, thằng Trình đã ở bên cạnh nó, gần lắm.
Nó luống mệt, nó ngồi nghỉ ở bên hiên của một ngôi nhà,
trong nhà người ta coi tivi, tiếng tivi phát ra và nhiều lời bàn tán. Nó tò mò
rướn nhìn qua cửa sổ, chợt thấy cái bóng quen quen, nó thấy thằng Trình, nó thấy
cái đứa con trai đầu tiên trong đời nắm lấy tay nó, nó là một trong những đứa mà
tivi họ nói là được ân xá trước hạn để về nhà ăn tết với gia đình. Người ta kể
là cái nhóm đó, tụi nó qua biên giới mua thuốc lá lậu rồi về thành phố bán kiếm
lời, tụi nó bị công an bắt, nhưng tụi nó đánh trả rồi tháo chạy, nghe đâu anh công
an bị gãy tay và vài vết thương khác, cả đám bị tù vì chống người thi hành công
vụ... Rồi người ta kể tiếp, lúc bị bắt có một đứa gào lên để nó về nhà nói má nó
tắt lửa nồi bánh tét cái đã, nhưng không ai cho, còn nói nó bị điên. Cái chương
trình đó, người ta nói cũ rồi, nghĩa là những người trong đó, được về nhà ăn tết
từ lâu rồi...
Con Câm quay lưng bỏ chạy, trời đã vãng chiều, nếu nó chạy
nhanh, thì có thể kịp về nhà, kịp để gặp thằng Trình, kịp để nói với bà Tư rằng
cuối cùng, con cũng biết nói. Nó không cần cục than để vẽ, nó nói rõ ràng, nó
muốn về cái nhà có bếp lửa ngày nào cũng cháy để nấu nồi bánh tét suốt mấy năm
trời.
Từ đàng xa, đã thấy khói bếp quyện trong sương trong gió.
Nó hét từ ngoài cổng “anh Trình!”. Ừ, Trình đang ngồi đó, lom khom trong chái bếp
được che bằng tấm nilon hình vuông, nó ngồi hun mớ củi ướt, mắt cay xè. Cái nồi
không chỉ thơm mùi lá, mà có mùi nếp, mùi đậu, mùi hành. Cái mùi bánh tét bao
nhiêu năm rồi con Câm chỉ đem củi về nấu mà bây giờ nó mới được nghe.
Bà Tư ngồi ở nhà trong, nhìn ra ngoài chái bếp, nơi thằng
Trình đang ngồi, miệng cứ lẩm bẩm “mồ tổ cha mày, có nồi bánh tét nấu hoài mà không
chín!”.
11.2016
Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI