THƠ CHÚC TẾT CUỐI
CÙNG
VÀ DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI
Mùa
xuân Kỷ Dậu 2017, là mùa xuân thứ 48 Bác Hồ đi xa. 48 mùa xuân đã qua, đồng bào,
chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài không được nghe thơ chúc Tết của
Người trên Đài Tiếng nói Việt Nam .
Và mùa xuân này, cũng là 48 mùa xuân toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của
Bác, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn
trên các lĩnh vực. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy sự vĩ đại
của Bác trong những lời dặn cuối cùng của Người.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong đường lối chỉ đạo cách mạng, trong các bài
phát biểu, các tác phẩm văn chương mà Người sáng tác để tuyên truyền vận động
nhân dân. Thơ chúc Tết, một mảng thơ ca thể hiện rõ tính tư tưởng của Người.
Tư tưởng xuyên suốt trong 22 bài thơ chúc Tết của Chủ tịch
Hồ Chí Minh được sáng tác từ năm 1946 đến 1969,
là “tư tưởng về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc”. Ý
nguyện và khát vọng giải phóng dân tộc, mong muốn cho dân tộc được hòa bình, độc
lập, thống nhất luôn xuất hiện trong các bài thơ chúc Tết. Các từ ngữ như “kháng
chiến”, “thắng lợi”, “độc lập”, ‘thành công”, “chiến thắng”, hòa bình”, “thống
nhất” cũng luôn xuất hiện trong thơ chúc Tết của Bác.
Như bao mùa xuân trước, ngày
1.1.1969, nhân dịp năm mới Hồ Chủ tịch gửi thư chúc mừng tới đồng bào và và chiến
sĩ cả nước. Và đây cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên!
Chiến sĩ, đồng bào!
Bắc Nam
sum họp, xuân nào vui hơn”.
Toàn áng
thơ toát lên không khí tự tin, hào sảng về sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược,
bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc; tư thế của người nắm lẽ phải, đang chiến thắng,
lời lẽ giản dị đến không thể giản dị hơn.
Một phần đặc biệt
trong thơ chúc Tết của Bác là tình cảm dành cho đồng bào miền Nam .
Trong lúc phát động nhân dân miền Bắc trồng cây, Bác
lại nghĩ đến nhân dân miền Nam :
…Chúng ta trồng cây cho cả đồng bào
miền Nam
nữa… Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào
tốt cây ấy, tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 28 tháng 2 năm 1969, tại buổi tiếp đoàn đại biểu Mặt
trận Thống nhất dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác nói:
“Thưa các
cụ, các cô, các chú,
Trong thơ chúc Tết năm nay, tôi có nói là:
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không
chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay. Hôm nay, đồng chí bác sĩ
Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà
hoan nghênh phái đoàn miền Nam
ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được.
Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Việt Nam
đại thắng chúng ta vui mừng”.
Đây là lần gặp cuối cùng đại
biểu của đồng bào miền Nam; và là những lời chúc tết cuối cùng Bác dành cho đồng
bào, đồng chí miền Nam trong những ngày xuân của dân tộc, đất nước - để lại cho
đồng bào, đồng chí miền Nam nỗi niềm nhớ thương Bác vô hạn mỗi khi xuân về, Tết
đến.
Cũng mùa xuân năm kỷ Dậu, mùa xuân trước lúc
đi xa, Bác đã viết xong bản Di chúc với những lời thiêng liêng để lại cho toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân và muôn đời con cháu mai sau. Trong bản Di chúc có đoạn: “Điều
mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. 48 năm qua, lời căn dặn ấy đã trở thành sức mạnh tinh thần vô giá,
thôi thúc toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy, đánh thắng
các cuộc chiến tranh xâm lược, giành và giữ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc,
vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đón xuân Đinh Dậu
(2017), đọc lại từng câu, từng chữ những lời thơ chúc Tết cuối cùng và Di chúc thiêng liêng của
Người viết cách đây 48 năm (Kỷ Dậu 1969) ta thêm thấy lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác vẫn còn mãi với non sông, đất nước. Bác
đã, đang và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch
Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy
sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng,
hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu
cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một
di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức Hồ Chí
Minh, Phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI