Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 292 THÁNG 12 NĂM 2016 tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT





SỨC SỐNG HỒI SINH TRONG TÂM HỒN MỊ –
SỰ KẾT HỢP CỦA NHỮNG CHI TIẾT ĐỜI THƯỜNG



Tô Hoài là cây bút có sức sáng tạo dồi dào của làng văn chương hiện đại, một trong những cây đại thụ tỏa bóng xuống nền văn học Việt Nam. Cả cuộc đời ông bền bỉ không ngừng sáng tác, một lòng gắn bó với nét đẹp văn hóa, thuần phong mĩ tục của mỗi vùng miền trên khắp nẻo quê hương. Ngòi bút ấy thiên về mảng hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Trong đó, thành công nhất phải kể đến tác phẩm Vợ chồng  A Phủ -  bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân, vừa là bài ca về sức sống và khát vọng tự do và hạnh phúc con người. Khi đi sâu vào tìm hiểu tác phẩm, bạn đọc thường chú tâm tới những hình tượng điển hình, bàn về sức sống tiềm tàng trỗi dậy sau bao năm tháng lầm lũi mà lãng quên sự góp sức của những chi tiết nhỏ nhặt. Thế nhưng, chính những hình ảnh nghệ thuật  này đã tạo nên những đợt sóng lòng, những ám ảnh khôn nguôi trong việc khắc họa sắc nét sự hồi sinh của Mị. Qua đó, làm nổi bật lên bút pháp truyện ngắn bậc thầy của nhà văn. Đó chính là những “hạt bụi vàng góp phần tạo nên tác phẩm lớn”: thân trâu, thân ngựa; tiếng sáo gọi bạn yêu, men rượu trong đêm tình mùa xuân và ngọn lửa đêm đông...
1. Chi tiết thân trâu thân ngựa
Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm, Tô Hoài nhiều lần lặp lại hình ảnh “thân trâu, thân ngựa”, tần suất xuất hiện cũng khá dày đặc “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, “con ngựa, con trâu làm còn có lúc”, “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”, “đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”... Điều đáng bàn là khi Mị chưa trở thành “con dâu gạt nợ” của thống lí Pá Tra, còn được sống hạnh phúc trong một gia đình thực thụ  thì những hình ảnh này không hề xuất hiện. Đây chính là một ẩn ý nghệ thuật. Tiếp nối hình ảnh Mị tìm đến lá ngón để kết liễu đời mình, hình ảnh thân trâu, thân ngựa được khắc họa đậm nét. Những ngày đầu, Mị vẫn nuôi ý định tự tử nên cần đến lá ngón, còn nay Mị đã gắn đời mình với thân trâu ngựa thì lá ngón xuất hiện mà làm chi bởi “Sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Cuộc sống giữa chốn ngục thất trần gian này đã làm tâm hồn Mị héo hon, cô bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần. Còn đâu một cô gái  tràn đầy nhựa sống, tâm hồn lơ lửng theo những tiếng sáo vi vu trầm bổng, thay vào đó là một thân xác chai lì, vô cảm. Từ ngày cha qua đời trong Mị không còn ý định tự tử nữa. Cuộc sống bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn đã tiêu diệt cô gái năm xưa và trả lại một thân xác hoàn toàn tê liệt. Mị không ý thức được việc mình vẫn là con người, Mị đang đồng nhất hóa chính mình với thân trâu, ngựa lùi lũi, chỉ  lo quần quật làm việc. Có lẽ trong cô bây giờ chỉ thường trực một ý niệm duy nhất, ý niệm an phận với kiếp nô lệ, không còn nữa dẫu chỉ là đôi chút ý chỉ phản kháng, ý thức về cuộc sống tự do mà chỉ là “con ngựa phải đổi cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Suy cho cùng, mượn hình ảnh thân trâu, ngựa nhà văn muốn đề cập tới cuộc sống dưới đáy cùng xã hội của những kiếp nô lệ không thời hạn của Mị và của bao thế hệ phụ nữ đã bị dắt về “trình ma” nhà thống lí thì “chỉ biết đợi ngày chết rục xương ở đây thôi”.
2. Tiếng sáo dẫn tới men rượu trong đêm tình mùa xuân
Khung cảnh mùa xuân chốn Hồng Ngài vẫn rực rỡ với “cỏ gianh vàng ửng”, với “gió và rét rất dữ dội”, “những chiếc váy xòe”  đem phơi trên mỏm đá trông như “cánh bướm rực rỡ”, vẫn nô nức tiếng nói cười của lũ trẻ thơ ngây... Mùa xuân ấy sẽ chẳng có gì khác lạ bởi nó cũng chỉ là vòng tuần hoàn của tạo hóa. Nhưng, xuân của  Hồng Ngài năm ấy độc đáo ở chỗ có sự góp mặt của nét đẹp văn hóa điển hình xứ Tây Bắc... Tô Hoài đã rất dụng công đi vào sáng tạo và tái hiện hình ảnh đầy chất thơ, có sức ám ảnh lớn, đó là tiếng sáo gọi bạn yêu trong những đêm tình... Tại sao tiếng sáo lại có sức tác động mạnh mẽ tới ý thức của Mị? Bởi lẽ một thời xuân xanh đã chảy trôi trong quá vãng của Mị có sự gắn kết với tiếng sáo ấy. “Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Từ ngày về nhà thống lí, Mị  làm việc quần quật đâu còn thời gian để mà lắng nghe tiếng sáo thân thương. Tâm hồn dần chai sạn, héo hon, Mị đang dần đi về cõi chết.
Chi tiết tiếng sáo đặc biệt được nhà văn quan tâm, khơi nguồn từ tiếng sáo sự hồi sinh của tâm hồn Mị dần bừng tỉnh. Tiếng sáo được miêu tả theo trình tự không gian cụ thể, âm thanh tiếng sáo càng réo rắt, lòng Mị lại thêm phần nôn nao. Dõi theo tiếng sáo trầm bổng chính là bắt đầu cuộc hành trình tìm lại cô Mị ngày xưa... Hình ảnh cô gái ngồi quay sợi cạnh tàu ngựa lúc nào cũng chỉ biết “cúi mặt, mặt buồn rười rượi” mà nay bỗng có những hành động lạ lùng... Đầu tiên, tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, Mị thấy trái tim mình “thiết tha, bổi hổi” rồi nhẩm thầm lời người  thổi sáo:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta chưa có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu...”
Bài hát ấy bấy lâu nay Mị không hát, điệu sáo ấy lâu rồi Mị chưa thổi vậy mà nay vẫn nhớ, vẫn thuộc. Chứng tỏ Mị không quên, Mị không hề vô cảm. Đó là bằng chứng sắc nét cho sức sống đang dần được đánh thức bởi tiếng sáo.
Tiếng sáo làm Mị mạnh mẽ hơn, Mị thoát khỏi cái lớp xác vô hồn ấy bằng hành động “nổi loạn nhân tính”. Mị tìm đến rượu, nhưng đâu phải để tìm vui mà là để giải sầu “Mị uống ực từng bát. Rồi say”. Mị uống như nuốt cay, nuốt đắng, nuốt căm hận vào lòng. Cố uống cho quên nhưng lại càng nhớ. Một khi mà rượu không còn đủ sức làm người ta quên thì nó lại quay lại thức tỉnh con tim và lí trí con người đến không tưởng.  Sự bất bình thường trong mạch tư duy ấy đã nói lên tất cả. Sự chịu đựng có hạn, đã đến lúc cần bùng cháy. Rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất của Mị. Rượu làm sống dậy một quá khứ ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Giờ đây Mị không còn lặng câm nữa. Dù Mị đang nhìn “Người nhảy đồng, người hát” nhưng lòng  thì “đang sống về ngày trước”.  Mị đang lãng quên hiện tại và nhớ về quá khứ.
Khi tiếng sáo gọi bạn “văng vẳng” đầu làng thì Mị nhớ lại thời trẻ với bao hạnh phúc. Mị đang sống về với những ngày trước, không gì có thể ngăn cản được “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Còn có hạnh phúc nào hơn thế khi bản thân tìm lại được chính mình tươi đẹp của quá khứ? Tô Hoài đã thâm nhập vào sâu thẳm tâm tư nhân vật để vẽ nên bức tranh cảm xúc, gợi niềm trắc ẩn trong lòng độc giả trước những biến đổi tâm lí nhân vật sâu sắc. Không còn là “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”, Mị đã phá vỡ bức tường vô cảm khao khát hướng về thiên đường tuổi trẻ. Nhưng đồng thời hình ảnh lá ngón cũng hiện hữu trong tâm tư, Mị ao ước “có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa, nhớ lại nước mắt chỉ ứa ra”. Muốn chết cũng là sự biểu hiện của sự sống.
Không có lá ngón trong tay, tâm trạng Mị chợt rẽ hướng . Khi mà tiếng sáo gọi bạn yêu “lơ lửng” ngoài đường đang réo rắt mời gọi, cả thiên đường hạnh phúc của mùa xuân đang rộn rã bên kia khe cửa nhỏ. Tâm hồn, trái tim Mị cũng háo hức theo khiến Mị không thể ngồi yên được nữa. Sau đó, Mị lại “ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ bằng lỗ vuông mờ mờ, trăng trắng”.Chỉ cách nhau cái ô cửa nhỏ kia thôi mà sao cuộc sống khác nhau đến vậy? Nếu ngoài kia là hương sắc sục sôi, ánh sáng tràn đầy, là thiên đường tuổi trẻ thì trong này chỉ là ngục tối tăm, Mị cũng chỉ là thân trâu, phận ngựa mà thôi. Mị nhìn về phía ánh sáng, nghĩa là tâm hồn cô thèm lắm cảm giác “Vượt ngục”, cảm giác được tự do, được vẫy vùng đôi cánh hòa vào thiên nhiên ngập tràn xuân sắc. Nhận thấy mình còn trẻ “Mị trẻ lắm. Mị hãy còn trẻ”  cho nên “Mị muốn đi chơi”... Lòng yêu tự do đang cháy lên!
Cuối cùng, tiếng sáo ở thế chiếm lĩnh và cứ thế “dập dờn trong đầu Mị” để từ đó đi đến quyết định táo bạo “bỏ nhà theo những đám chơi”. Cách vượt ngục lặng lẽ nhưng cũng vô cùng mãnh liệt, Mị thắp lên ngọn đèn, xua tan đi tất cả bóng tối u ám đang bủa vây cuộc đời mình. Tác giả miêu tả cảm xúc của Mị lúc này bằng những câu văn ngắn, nhịp văn gấp thể hiện sự ham muốn giải thoát đến tột cùng: “Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách” “Mị sắp đi chơi”... Mị thản nhiên làm mà không quan tâm tới sự hiện diện của A Sử chứng tỏ không gì có thể lớn hơn sức sống đang ùa về...
Ý định vừa nhen nhóm nhưng không thành vì A Sử đã tàn nhẫn dập tắt bằng hành động “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột”, “A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”... Nhưng làm sao A Sử có thể trói được tâm hồn đang tự do trong thế giới của khát vọng hạnh phúc kia “trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói.” Mị vẫn thả hồn theo cuộc chơi.
Có lúc tiếng sáo nhập vào hồn Mị khiến cô vui sướng “vùng bước đi”. Thế nhưng đi sao được khi mà thân xác kia đã bị bao vây bởi dây trói và cô chỉ tỉnh khi “tay chân đau không cựa được”... Cứ rong chơi nữa đi Mị ơi! Tỉnh dậy mà làm gì khi ngắt quãng nhịp mơ vẫn chỉ là tiếng chân ngựa đạp vào vách. Giấc mơ vụt bay, tiếng sáo cũng chẳng thấy, chỉ còn lại trơ trụi chốn hiện tại một kiếp nô lệ bần cùng. Tỉnh rồi. Tỉnh để thấy thân tủi, phận cực, thấy lòng cay, dạ đắng...
Tóm lại, tiếng sáo là chất xúc tác, là hơi ấm tình người mà Tô Hoài nâng niu dành tặng cho cuộc đời cô quạnh của Mị. Hơi ấm tỏa ra từ tiếng sáo tựa men say như ru lòng bạn đọc ấy có tác dụng thổi bay đi lớp tro tàn nguội lạnh, thắp lên tia sáng lẻ loi. Thì ra sức sống tiềm tàng vẫn thường trực trong tâm hồn dẫu cho  Mị không hề hay biết nhưng dưới tác động của ngoại cảnh, niềm ham sống ấy không thể tiếp tục cam chịu cảnh ngục tù, bị giam hãm trong thân xác vô cảm. Sức sống dần hồi sinh và hứa hẹn sự bùng cháy...
3. Ngọn lửa đêm đông
Tự bao giờ hình ảnh ngọn lửa đã trở thành đề tài quen thuộc của văn chương, để rồi từ đời thường hơi ấm bếp lửa hóa thân, biến tấu qua lăng kính nghệ thuật trở thành muôn vàn chi tiết giàu hình ảnh, mang ý nghĩa sâu sắc. Xuôi theo dòng sông văn học Việt Nam có không ít tác phẩm đề cập tới chi tiết ấy, đó là ánh lửa hồng đầy sức sống trong“Chiều tối” của Hồ Chí Minh, ngọn lửa le lói yếu ớt trong đêm trầm buồn nơi phố huyện dưới ngòi bút của Thạch Lam, là ngọn đuốc rực sáng nơi chốn lao tù trong đêm trao chữ - “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” được  phác họa qua tâm hồn lãng tử của Nguyễn Tuân, là ngọn lửa hồng rực cháy khắp núi rừng của dân làng Xô Man trong đêm “đồng khởi” chống Mĩ xâm lược... Cũng mượn hình ảnh ngọn lửa, nhà văn Tô Hoài đã dày công xây dựng một chi tiết đầy dụng ý, bếp lửa hồng đêm đông làm tâm hồn Mị hồi sinh. Đó là chi tiết đặc sắc, là cái khoảnh khắc đời thường đi đâu ta cũng thấy cũng gặp nhưng chứa dựng sâu xa trong nó là cả một cuộc đời nhân vật và tồn tại đời đời.
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có 4 lần nhà văn nhắc đến chi tiết ngọn lửa và bếp lửa, điều này có mối liên quan mật thiết đến sự hồi sinh trong tâm hồn Mị. Để từ đó ta thấy rõ đằng sau cái dáng lầm lũi, câm lặng và chồng chất khổ đau ấy vẫn tồn tại dẫu chỉ là le lói ngọn lửa của lòng ham sống, của những khát vọng tiềm tàng âm ỉ, sục sôi.
Sự thay đổi  của Mị bắt đầu từ những đêm A Phủ bị trói và nằm trong tình trạng cận kề cái chết. Không gian truyện là những đêm mùa đông lạnh đến buốt xương, khi ấy Mị chỉ biết làm bạn với ngọn lửa. Nhà văn miêu tả “nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo”. Trong thế giới tù ngục của nhà thống lí, ngọn lửa là bạn tri âm luôn đồng hành với Mị. Có lửa hồng đêm đông Mị mới đủ sức chống chọi lại với “những tiếng tích tắc” của đêm dài. Có ngọn lửa, Mị đỡ đi phần nào, cái buốt lạnh của đêm thâu. Lửa không chỉ sưởi ấm hơi lạnh của ngoại cảnh mà còn sưởi ấm cái lạnh của tâm cảnh, hằng đêm Mị tìm đến nó để mà tâm tình, đối thoại, chia sẻ, vỗ về... Có sự chuyển đổi sắc thái của ngọn lửa trong mạch không gian truyện: Trong đêm mùa xuân, ánh lửa thật yếu ớt, Mị phải “xắn mỡ bỏ đèn cho sáng”, thì nay ánh lửa đêm đông được Mị “thổi phù phù” để ngọn lửa bùng lên. Hình ảnh bếp lửa đêm đông là chi tiết nghệ thuật được Tô Hoài miêu tả 13 lần. Lúc thì ngọn lửa “bập bùng sáng lên”, khi lại “Mị đã thức thổi lửa suốt đêm”, có khi “đám than đã vạt hẳn lửa”...Thế mới biết từ bếp lửa đời, đến ngọn lửa khao khát đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng Mị để sau này quyết liệt đến chừng nào. “Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn” cũng là đêm định mệnh dẫn đến sự gặp gỡ của hai số phận. Một bên là con dâu gạt nợ, một bên là kẻ phạm tội đánh con quan, cả hai đều là thân phận nô lệ của nhà thống lý. Vì tội để hổ bắt mất bò, A Phủ bị Pá Tra trói vào cọc bằng cuộn dây mây, án chết đến với A Phủ chỉ là từng phút, từng giây. A Phủ cứ thế chỉ biết đứng mà chờ chết, cảnh ngộ này thật dễ làm động lòng người, vậy mà dẫu biết có người đang bị trói trên cái cọc sát đó, Mị vẫn thản nhiên lạnh lùng, ngồi thổi lửa huơ tay. Mị chỉ biết có mình với ngọn lửa, thậm chí Mị vô cảm đến tàn nhẫn “nếu A Phủ là xác chết đứng đấy cũng thế thôi.” Chơi vơi trong nỗi đau của mình, Mị bàng quang,  không cần biết, không quan tâm, không đoái hoài đến nghịch cảnh của người khác. Lửa thì sáng mà lòng Mị lại tối! Tâm hồn Mị như tê, như dại ngay cả lúc sưởi lửa, bị A Sử đánh dúi xuống cửa bếp, đêm sau Mị vẫn thản nhiên ra ngồi sưởi lửa như đêm hôm trước. Cho đến cái đêm định mệnh. Khi ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị ghé mắt trông sang cũng là lúc Mị nhận ra “dòng nước mắt lấp lánh bê xuống hai hỏm má đã xám đen lại” của A Phủ. Đó là dòng nước mắt của kẻ đang hấp hối, nước mắt của phận nô lệ đang bất lực trước số phận. Và giọt nước mắt ấy đủ sức khiến Mị chạnh lòng, thấm thía nỗi cùng cực của thân trâu, phận ngựa mà chính bản thân Mị, A Phủ và còn đó bao kiếp thê thiếp đã “trình ma” nhà này phải hứng chịu. Thương mình rồi thương người, A Phủ sao mà giống Mị thế! Mị nhớ lại nỗi uất ức của đời mình năm trước cũng bị trói như thế... “Cơ chừng chỉ đêm nay hoặc đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”... Mị bồi hồi nhớ khoảng không gian xưa: “nhớ lại đêm năm trước A Sử  trói mình, Mị cũng bị trói đứng thế kia . Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ... không lau đi được!”, nhớ về cái đêm nổi loạn theo tiếng sáo, cũng trong không gian tăm tối này Mị đã bị A Sử tàn nhẫn dập tắt sức sống bằng cả một thúng đay, gợi nhắc về hiện tại thân trâu, phận ngựa mà đời mình đang mòn mỏi bước đi. Đúng là “Trông người lại ngẫm đến mình”. Ánh lửa gợi nhắc về cái chết thê thảm của những phận đàn bà trong nhà này từng bị trói đứng cho tới khi trút đến hơi thở cuối cùng... Từ nhận thức về thân phận kiếp người, Mị nguyền rủa nhà thống lí, Mị nhận thấy “Chúng nó thật độc ác”.  Khi một kẻ đang trong tình trạng mất hết ý thức lại nhận ra nguyên nhân của cái khổ mà đời mình gánh chịu thì đây quả là một cuộc lội ngược dòng của ý thức. Chắc chắn! Từ ngọn lửa đêm đông ý thức sẽ trỗi dậy, sẽ hứa hẹn bùng cháy. Lí trí mách bảo Mị rằng phải cứu A Phủ. Trái tim nhân hậu thôi thúc Mị hành động. Cứu được A Phủ có thể Mị sẽ chết nhưng cô nào đâu thấy sợ, bởi lòng thương người đã lớn hơn tất thảy mọi nỗi sợ hãi. Mị táo bạo. Mị quyết liệt. Mị nổi loạn...
Đám than đã vạc hẳn lửa, bóng tối như bưng nuốt chửng căn nhà. Từ ngọn lửa đời thường, Tô Hoài đã khéo léo đánh thức ngọn lửa của sự sống. Khi mà ánh lửa vật lí dần lẩn khuất trong đám tàn than cũng chính là lúc ngọn lửa tâm hồn bừng tỉnh và bắt đầu ấm nóng. Giữa không gian tối bưng như mực, Mị rón rén bước lại, rút con dao liều mình cắt nút dây mây.  Mị thì  thào giục A phủ “Đi ngay!”, còn mình sững lại, rồi nghẹn ngào. Mị biết khi A Phủ vụt chạy đi đồng nghĩa với bản thân sẽ phải thay thế bị trói trên cái cột kia “liền bị trói trên cái cột ấy, Mị phải chết...” Câu văn diễn tả khoảnh khắc sau phút hốt hoảng của Mị khiến lòng bạn đọc bồi hồi “Mị đứng lặng trong bóng tối”, đối mặt trước hiểm nguy có ai giữ được bình tĩnh mà không hoảng hốt. Câu văn đứng độc lập, chất chứa bao trăn trở suy tư của nhân vật. Trong phút giây đối diện với bản án tử hình, lòng ham sống tưởng chừng đã lụi tắt của Mị trỗi dậy thúc giục Mị chạy theo “Rồi Mị cũng vụt chạy ra”... Khoảnh khắc đứng lặng trong bóng tối tức là quãng đường phía trước Mị còn tối lắm, chưa rõ tương lai sẽ đi về đâu, còn cái cụ thể trước mắt là hiện thực tàn khốc, là cái chết cận kề. Khi Mị vụt chạy theo A Phủ thì đồng nghĩa số phận hai con người ấy đã gắn kết vào nhau. Chạy theo là sự phát triển hợp logic của tư duy nhân vật bởi nếu không chạy thì “ở đây chết mất”. Trời thì tối, nhưng lòng người lại rạng sáng vì vậy mà Mị băng đi mạnh mẽ, dứt khoát. Có ai ngờ rằng Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là vô tình cắt đi sợi dây oan nghiệt trói buộc cuộc đời mình. Ta hãy lắng nghe câu  nói đầy xúc động sau chuỗi dài câm nín mà Mị đã cam chịu: “A Phủ cho tôi đi!... Ở đây thì chết mất”. Những bước chân của hai con người khốn khổ băng qua đêm tối đã mạnh mẽ đạp đổ rào cản uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến bao năm đè nặng lên kiếp nô lệ... Đó không phải hành động mang tính bản năng mà đó là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng, là sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật. Dù hành động còn ít nhiều mang tính tự phát nhưng đó là tín hiệu đáng mừng báo hiệu sự bừng tỉnh của những nô lệ đang hướng theo tiếng gọi của Cách mạng.
Không quá lời khi khẳng định đây là chi tiết khép mở hai cuộc đời: Khép lại cuộc đời nô lệ tủi nhục và chính thức mở ra một cuộc sống mới đầy tự do. Ánh lửa ấy là năng lượng kích hoạt con người, đi từ yếu đuối, sợ hãi, cam chịu đến mạnh mẽ táo bạo... Từ đây, tác phẩm khép lại trong một kết thúc có hậu, lửa hồng đêm đông ngày ấy đã tắt nhưng nó vẫn mãi tỏa sáng và ấm nóng trong lòng bạn đọc. Ánh lửa của bếp đã lay động, thức tỉnh Mị, bóng tối tạo điều kiện cho chuỗi hành động nên viết về ngọn lửa và đêm tối là dụng ý đặc sắc.
*
Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ nhặt của tác phẩm tự sự nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Tựa như “nhãn tự”, “thi nhãn” trong thơ làm bừng sáng cho cả thi phẩm, việc xây dựng những chi tiết, hình ảnh có sức khát quát hóa cao, giàu sức gợi trong truyện ngắn đã góp phần tái hiện sinh động những lát cắt của đời sống. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh ấy, để từ qua một giọt nước ta có thể chiêm ngưỡng những đợt sóng ngầm dưới đáy đại dương bao la. Và còn đó bao cuộc đời thiếu nữ truân chuyên, “hồng nhan bạc phận” như cô Mị của Tô Hoài dẫu không được nhắc tới nhưng luôn sống mãi trong lòng bạn đọc. Sẽ không quá lời khi khẳng định, thiên truyện là truyện ngắn hay viết về một sự đổi đời kì diệu: Những ngày ở Hồng Ngài là nghịch cảnh trớ trêu khiến đôi trai tài gái sắc phải sống kiếp nô lệ ngựa trâu khốn khổ ê chề. Theo bước chân đôi vợ chồng trẻ ghé Phiềng Sa, một cuộc sống mới mở ra, họ đã thật sự trở thành người sống tự do và biết đấu tranh để bảo vệ tự do ấy... Cái tài của nhà văn là qua những chi tiết, hình ảnh tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã dựng lại được một chặng then chốt của sự chuyển biến ấy. Điều mà nhà phê bình Nguyễn Quốc Luân từng nhận xét: “Bạn đọc dẫu là người khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng: Việc Mị và A Phủ từ đêm đen nô lệ ra vùng ánh sáng của tự do là hoàn toàn hợp lí, hợp lẽ tự nhiên...”. Thử hỏi, nếu không có sự xuất hiện của những chi tiết như thân trâu ngựa, tiếng sáo, ngọn lửa... việc diễn tả sự hồi sinh của Mị sẽ nghèo nàn tới độ nào sẽ không có một số phận, một áng văn ám ảnh lòng người như vậy xuất hiện trên văn đàn...









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI