Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả PHẠM THỊ THUÝ QUỲNH



HOÀNG HÔN

Truyện ngắn

Nắng quái lách qua khe cửa sổ thuỷ tinh lấm tấm các vệt nước đùng đục sót lại sau cơn mưa rả rích đêm hôm trước, rọi vào căn phòng mà mấy ông lão điều trị ở đây đã thách đố nhau tính được diện tích, người nói phòng này rộng dễ tới một trăm mét vuông do đi mãi chẳng hết, người lại bảo đâu có rộng được đến thế, chắc chỉ khoảng ba hay bốn mươi mét vuông thôi. Phòng có sáu giường, những khi bệnh nhân đông, phải nằm hai người một giường, đầu người này đấu chân người kia, hễ đụng chạm thôi là cả khoa lại nhộn nhạo vì tiếng cằn nhằn. Ấy vậy là họ quay sang cãi nhau, với những kẻ đã hơn thất thập gần đất xa giời, gần Bác hơn cả con cháu này thì đó cũng được xem như là thú tiêu khiển qua ngày đoạn tháng.
Người đến, kẻ đi, nhưng phòng này luôn có một ông lão lưu lại. Ông lão tên là Hoàng, không rõ quê ở đâu. Chẳng phải ông không nói, mà là không nhớ. Ông được đưa đi tản cư từ nhỏ, tất cả mọi ký ức hầu như bị xoá trắng, chỉ có hình ảnh dòng sông cuồn cuộn chảy xiết hiện ra mỗi khi say giấc là rõ ràng.
Trong cái bệnh viện đa khoa này, tính đi tính lại thì có ông Hoàng nhập viện được lâu nhất. Bác sỹ, y tá hay điều dưỡng nào cũng quen mặt và biết tính ông cả, vậy nên các ông cụ mới nhập viện đều đùa nhau, tôn ông làm tổ trưởng tổ dân phố, mà tổ trưởng tổ dân phố nào đây? Ừ thì mặc kệ, cứ nhận hẵng, đi đâu mà thiệt!
- Ơ này, cái ông gì mới chuyển đến nằm ở đây đâu rồi nhỉ? – Một cụ nom vẻ xơ xác tựa quả thông khô nằm ở chiếc giường nơi góc cửa ra vào chợt nhổm dậy hỏi.
- Hôm qua bị tai biến đột ngột, người nhà nhất nhất đòi chuyển tuyến, nghe đâu chưa kịp ra khỏi cổng đã đi rồi – Ông Sáu đương đấm chân, tặc lưỡi trả lời.
- À, người nhà lại muốn học làm bác sỹ - Ông Hoàng lắc lắc đầu, thở dài - Mà thôi, kể ra thì lão ấy cũng sướng, chẳng phải chịu khổ như đám tụi mình, suốt ngày dây rợ dòng ra dòng vào, mệt cả người.
Ông Hoàng nói lẫy thế là bởi vì cô nàng y sỹ thực tập mới đến đang loay hoay mãi mà vẫn chưa tiêm được cho mình, ngược lại khiến một bên cánh tay trái bị tím đen vì vỡ ven. Lâu nay ông vẫn không ưa thời điểm cuối năm này, thứ nhất do mọi người gấp rút chuẩn bị ăn Tết, bệnh viện vắng hẳn, thứ hai, các nhóm sinh viên, học sinh thực tập được gửi đến đây đều thiếu kinh nghiệm chăm sóc người lớn tuổi. Ông chép miệng, bảo:
- Thôi chị đưa đây tôi làm cho nhanh.
Lần này thì ông không hờn dỗi gì cả, ông nói thực. Bao nhiêu năm nằm ở một căn phòng, trên một chiếc giường này, thông thuộc mọi nơi trong bệnh viện, thậm chí ông còn học được cả cách tiêm, truyền, phân biệt một số loại thuốc. Cô y sỹ trẻ lúng túng. Ông nhìn cô bé đáng tuổi cháu của mình, thở dài:
- Chị ra ngoài kia gọi điều dưỡng khác vào tìm ven cho tôi, già rồi, vỡ ven, buốt lắm. Không chịu được!
Cô y sỹ ấy đã mếu máo muốn khóc. Lần này tới lượt ông Hoàng trở nên cuống, vì ý ông không phải vậy, bản thân chẳng hề có ý trách cô.
Ông ho hắng mấy tiếng, trùm kín chăn quay mặt vào tường.
***
Ông Hoàng có gia đình, có con trai, ông còn giữ trong túi áo mảnh giấy ghi số điện thoại của nó, nhưng ông đã chẳng liên lạc với con mấy năm nay rồi. Thằng con – ngoại trừ việc gửi tiền viện phí cùng vài ba lời hỏi han – cũng không tới thăm bố nữa. Dù rằng bảo ông đã quen sống một mình, song trong những ngày cuối năm này, lại cảm thấy chạnh lòng không thôi.
Bây giờ, ở băng ghế trước phòng chờ xét nghiệm đông nghịt người, ông Hoàng thẫn thờ ngồi, bàn tay khô nhám thọc sâu trong túi áo khoác bên ngoài chiếc áo bệnh nhân cứ vò đi vò lại mảnh giấy ấy, rồi ông lại giở nó ra đặt trên đùi, vuốt phẳng. Chợt có một giọng nói kề sát cạnh ông vang lên:
- Ông ơi, ông đang làm gì thế?
Ông Hoàng ngẩng đầu nhìn, trước mặt là một đứa bé trai tuổi độ mười một, mười hai, đầu trọc lốc, mình gầy như que củi. Dễ dàng nhìn thấy các điểm xanh tím trên khắp mu bàn tay, thậm chí ở trên mạch máu vùng trán của nó. Ông Hoàng lắc đầu, không hiểu vì sao, bản thân càng ngày càng khó tính, đôi khi quá quắt. Rõ ràng nhận ra, nhưng ông chẳng thể điều khiển được.
Đứa bé bỏ chỗ ngồi, cứ đứng mãi bên ông, chờ cho đến khi làm xét nghiệm xong, nó lại theo ông về tận phòng bệnh.
Ông Hoàng phát cáu:
- Bố mẹ cháu đâu?
- Bố mẹ cháu đi làm mất rồi.
- Cháu nằm ở khoa nào?
- Khoa ngoại ung bướu ạ - Thằng bé vẫn nhe rằng cười, thản nhiên đáp, chừng như bệnh tật đang hành hạ nó chẳng liên quan đến mình.
Ông Hoàng giơ tay đẩy nó:
- Mau đi về phòng nằm đi, trưa rồi.
Thằng bé ngoan ngoãn gật đầu. Ông vẫn nằm quay mặt, đối diện với bức tường trắng lạnh, những tưởng rằng nó sẽ không quay lại nữa.
Chỉ có điều, lần này ông Hoàng lại nhầm. Kể từ lần đó, cứ bảy giờ sáng, thằng bé lại chạy sang phòng bệnh tìm ông. Mấy ngày đầu, ông còn đuổi nó về. Nhưng sang tới tuần thứ hai, ông để mặc nó, nó lại chẳng nề hà, ngày ngày cầm cho ông một vài viên kẹo cứng, kể vài câu chuyện.
Thời gian cứ vậy trôi, rốt cùng một già một trẻ đã đồng hành suốt một tháng trời. Dần dà thành quen, chỉ cần nó tới muộn một chút là ông thấy bứt rứt trong người.
Mỗi lúc nhận ra cảm giác này của mình, ông lại tự nhủ: “Mình thèm hơi người quá rồi.” Hoặc lâu dần thành quen chăng? Ông cũng không rõ nữa. Người trong cuộc đã mơ màng, kẻ đứng ngoài nhìn lại càng mù mờ chẳng hay.
***
Thời tiết hôm nay ấm áp lạ, ông Hoàng trở mình thức dậy sau giấc ngủ sâu. Sực nhớ lại giấc mơ đêm qua, ông nhìn thấy mình được một người nào đó dẫn lên đò, qua dòng sông cuồn cuộn chảy. Dòng sông ấy không rõ tên là gì, chảy từ đâu tới, và chảy đi đâu, chỉ rặt màu nước trắng xoá với tiếng gầm rít dữ dội. Rõ ràng đó là hơi hướm của quê hương. Lên vùng đất Mường này mấy chục năm, ông đã tìm kiếm con sông giống như trong mộng vô số lần, nhưng rồi thất vọng nối tiếp hy vọng. Sự thực chứng minh, từ lâu ông đã trở thành kẻ mất gốc.
Những chiếc giường bệnh lặng câm. Cũng đêm qua, ông Sáu bị suy tim đột ngột, bệnh trở nặng, đã được lên phòng hồi sức tích cực. Ông Hoàng nở nụ cười méo mó, càu nhàu:
- Tổ trưởng tổ dân phố cái quái gì, không có người để quản lí thì làm đếch gì được!
Ông uống một ngụm nước cho tỉnh ngủ, ngồi nhìn chong chong vào cánh cửa bỏ ngỏ. Mọi khi, vào giờ này, thằng bé nọ đã sang đây chơi, tíu tít kể chuyện cho ông nghe.
Mặt trời lên cao quá ngọn sào. Ông vẫn ngồi đó. Chờ đợi.
Trời đêm. Chuẩn bị sang xuân, hiềm thời tiết vẫn buốt lạnh. Lòng ông chùng xuống.
Một ngày, hai ngày, rồi sáu ngày.
Thằng bé biến mất như chưa từng xuất hiện trên đời. Ông từng nhớ tới lần con trai mình cũng mất tích như thế, sau lúc ông nhặt nó từ bờ đê về. Ông điên cuồng tìm kiếm, cuối cùng phát hiện ra bà vợ đã len lén bế đứa con nuôi đem cho nhà người ta. Vậy là ông lại đưa nó trở về.
Nhiều năm rồi, ông đã chẳng kể cho con nghe về thân thế. Nếu nó rõ được, biết đâu chừng sẽ tìm lại được cha mẹ ruột, quê hương, chưa đến nỗi… Ông Hoàng thở dài: “Chưa đến nỗi mất gốc – như mình”.
***
Sang đến ngày thứ bảy, ông Hoàng quyết định sang khoa Ngoại ung bướu tìm thằng bé. Đưa ra tên họ và tuổi tác cho cô điều dưỡng trực ở phòng chờ tra tìm. Kim ngắn đồng hồ bắt đầu chỉ sang số tám rồi số chín. Tiếng sổ sách lật giở liên tục khiến ông cứ thấp thỏm không yên.
Khi kim ngắn trên chiếc đồng hồ treo tường chỉ tới số mười, cô điều dưỡng ngẩng lên, mấp máy môi với chất giọng lạnh lùng:
- Bệnh nhân Nguyễn Quang Minh, mười hai tuổi, đã tử vong vào hồi mười chín giờ năm mươi hai phút, ngày hai mươi mốt, tháng mười hai, năm hai nghìn không trăm mười sáu. Sau khi bệnh nhân qua đời, thân nhân đưa thi thể về nhà để an táng.
Ông Hoàng sững người. Trời đất hồ quay cuồng trước mắt. Mãi khi nữ điều dưỡng gõ gõ bàn ra hiệu, ông mới tỉnh lại được.
Ông cảm ơn nữ điều dưỡng, chân đưa đường, thẫn thờ lang thang dọc hành lang dẫn từ khoa ung bướu về khoa nội, xuống cầu thang, lê gót sang nhà làm thủ tục hành chính, lại quay đầu đến khoa nhi ở dãy nhà bên cạnh. Ông cảm thấy – hôm nay – không khí sao mà lạnh lẽo thế này?
Trời lất phất mưa phùn. Tích tiểu thành đại. Từng vũng nước đọng tròn trên đất. Giữa cơn mưa, ông run run lôi tờ giấy ghi số điện thoại của con trai ra, vừa kịp giở hết lần gấp thứ tư, đột ngột, tờ giấy rơi xuống. Nước bắt đầu lấn vào trong, dần bẻ gẫy các chữ số.
Ông Hoàng vội vàng nhặt nó lên, thở dài thườn thượt, nhét tờ giấy vào túi áo, lầm lũi quay về.
***
Hôm nay là ngày đầu tiên của năm 2017, hôm kia, lãnh đạo bệnh viện đã đến tặng cho ông Hoàng một túi quà. Túi quà Tết đỏ vẫn nằm trong hộc tủ…
Phòng trống rỗng, giường sắt lạnh lẽo lặng câm. Ông ngồi chống tay xuống thanh dát, đưa mắt nhìn chiếc đài cũ hỏng, lại đưa mắt nhìn bóng hoàng hôn ngoài cửa sổ.
Ông nhấc điện thoại, run rẩy giở tờ giấy nhàu nát ghi số điện thoại của con trai, song những con số trên đó đã nhoè mờ cả. Sững sờ, ông nhớ khi nó bị rơi xuống vũng nước mưa, mình đã nhanh tay nhặt lên và vẩy sạch. Tại sao hiện giờ… Tiếng thở dài khẽ vang lên. Bên tai ông lại vang âm thanh trẻ con khóc, vọng về từ quá khứ.
Mặt trời lặn, lại nom một lượt quanh căn phòng, thiếu tiếng cò cử của mấy lão bạn già, ông đâm ra khó ngủ. Thò tay nhét tờ giấy vào lại túi áo. Cơn khó thở. Ông ôm ngực dựa vào thành giường, vội vàng vặn hai ống thuốc giãn cơ trơn khí phế quản đổ vào máy khí dung, ấn công tắc, một làn sương mỏng bay ra… Toan chụp chiếc mặt nạ nhựa vào mũi, chợt nhiên ông lại ngập ngừng. Thiếu dưỡng khí, đầu óc đã váng vất. Đột ngột, ông quăng mặt nạ với dây rợ lằng nhằng sang một bên, trượt mình nằm xuống.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI