Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 292- tác giả PHẠM MINH TRỊ






ANH VẪN BỒNG BỀNH MÂY TRÔI ĐÁY TRỜI



Còn nhớ lần gặp đầu tiên, một người đặc sệt quê vai kẹp bị cói, áo xộc xệch, ống quần lòa xòa, tóc tai lởm xởm, răng nhe ra mấy cái ở cửa miệng xỉn màu vàng của người nghiện thuốc lào. Trông thấy thế, tôi liền tới làm quen: Này, hình như có gặp anh ở buổi gặp mặt cộng tác viên của báo Dak Lak cuối năm thì phải. Anh ta chựng lại, giây lát ngó nghiêng tôi có vẻ ngạc nhiên rồi lơ đãng buông một câu: Anh nhầm rồi, tôi có viết báo viết chí chi mô? Giọng sệt miền Trung quê miềng. À, ra vậy, mình nhận lầm rồi. Và lần nữa lại gặp cái người này ở buổi hội thảo hay sơ tổng kết công tác hội của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk năm nào đó. Lần này anh ta không kẹp bị cói vào nách nữa mà thay vào đó là một chiếc túi thổ cẩm có quai đeo trên vai. Mọi người đã ngồi đâu vào đấy từng bàn, mở nắp bia bôm bốp, cười nói rổn rảng còn anh lững thững với vẻ phớt lờ vẫn mặc xuềnh xoàng dường như chẳng để ý đến xung quanh. Tôi lại gần, kéo vào ngồi bên cạnh. Ờ ờ… cửa miệng của anh này lại buông ra từng tiếng rời rạc như vậy. Và một lần nữa trong buổi gặp mặt đầu xuân của trí thức và văn nghệ sĩ do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, gặp anh ở trên sảnh của hội trường UBND tỉnh. Vừa gặp, anh phô mấy cái răng xỉn màu và ngoắc tay vào tay tôi, kéo đi đến bàn nhận tiền bồi dưỡng. Anh nhanh nhẩu nói với cô gái đang ngồi ở đó: Này cô, phát phong bì cho anh này đi. Ơ thế anh không nhận à, ờ ờ tôi nhận lúc nãy rồi. Tưởng anh là người quen khô khốc như nắng, như gió, như cát quê anh. Trái lại, với bạn bè, anh nhiệt tình lắm lắm. Lại một lần nữa, trong đợt sáng tác tại Tam Đảo, trong đoàn có cả anh và tôi, một lần tôi có việc riêng nên về trễ quá giờ ăn, vừa gặp ở cầu thang, chẳng nói chẳng rằng anh lại cầm tay tôi kéo xuống nhà ăn và tôi thật sự ngạc nhiên, vào tận bếp anh bưng ra cơm canh bát đũa để trước mặt tôi và nói: Ăn đi kẻo đói. Lần này tôi thật sự cảm động. Ấy! Cái vẻ ngoài của anh dễ làm cho người ta nghĩ khác về anh nhiều lắm. Người nhỏ thó, mặt, mũi, mắt, tai, miệng đều nhỏ, chỉ có vầng trán là rộng, da dẻ màu ruộng đồng, vậy mà sao anh có những tác phẩm ngược hẳn với vẻ ngoài của anh. Anh là nhạc sĩ Sĩ Hùng hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, tên khai sinh bố mẹ đặt cho là Nguyễn Sĩ Hùng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, sinh ngày 3-12-1946. Anh đã được Đài Tiếng Nói Việt Nam giới thiệu trong chương trình: Ngôi nhà âm nhạc hồi tháng 4 hay tháng 5 gì đó năm 2016. Buổi giới thiệu hôm đó của Đài, tôi tiếc lắm vì vừa nghe được mấy phút chương trình đã kết thúc.
Anh từng là chiến sĩ chiến đấu ở thành Quảng Trị. Ai cũng biết rồi, ở đó là những trận đánh cam go, ác liệt vô cùng, ta và địch giành nhau từng ngọn cỏ, từng milimet đất, đáy sông Thạch Hãn còn ôm giữ biết bao những người chiến sĩ anh hùng thời ấy. Anh lại nhe mấy cái răng xỉn màu ra cười như trẻ được người lớn cho kẹo, anh nói: Miềng may quá, tí tị nữa là mạng mất, một lần mò vào trinh sát, vừa ra đến hàng rào dây thép gai bỗng một quả pháo lạc đánh rầm tung mình bay qua hàng rào cao hơn 5 mét, lần đó anh em tung tin mình có võ nhẩy rào siêu hạng. Và anh say sưa kể về những kỷ niệm thời quân ngũ thiếu thốn vô cùng về vật chất mà dư thừa về tình anh em, đồng đội, đồng chí. Chính những ngày ác liệt ấy mà trong anh đã rung lên những nốt nhạc đầu tiên, đã run rẩy những khuông nhạc ban đầu. Những khi giải lao, anh luôn ôm chiếc đài bán dẫn áp vào tai mà nghe từng bài hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mà lạ, anh nghe đến đâu hình dung ra đến đấy từng dòng nhạc, từng quãng phân cao thấp. Anh bảo hồi ấy miềng có biết chi mô về nhạc lý, những khái niệm: khuông, nốt, phách, cao độ, trường độ… còn xa lạ lắm. Chính giai đoạn từ năm 1968 đến năm 1975 là giai đoạn cho anh cơ duyên tiếp cận âm nhạc, là giai đoạn khơi gợi mầm mống năng khiếu âm nhạc của anh. Những chiến dịch ác liệt ở Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, 82 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, những đợt anh đi bảo vệ các cán bộ văn nghệ đi vào vùng địch hậu là những trải nghiệm sinh động nhất để sau này anh bật nở những lời ca nốt nhạc. Thời gian anh là chiến sĩ biệt động thuộc Tỉnh đội Quảng Trị là thời gian quyết định anh gắn bó với âm nhạc suốt đời. May mắn cho anh, ngay từ những ngày ác liệt ấy anh đã được gặp các nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ nổi tiếng như: Nguyễn Minh Châu, Cao Tiến Lê, Phạm Vũ, Huy Thục, Văn Dung, Lê Lan, Trọng Loan, Doãn Nho… Từ đó mầm năng khiếu và sự say mê âm nhạc có điểm tựa vững vàng để sau này cất cánh. Và hoa âm nhạc đầu tiên của anh đã nở. Đó là Bài ca Quảng Trị anh hùng sáng tác 1973, rồi Khi xe qua cầu Bến Hải, và Tuần tra trong đêm Đông Hà sáng tác 1975. Các ca khúc này có mặt đều đặn trong các đợt hội diễn và được các nhà chuyên môn, dư luận đánh giá khá cao. Theo một số nhạc sỹ nhận xét: Bước đầu anh đã định hình được phong cách và có ý thức kết hợp chất liệu âm nhạc của dân ca Bình Trị Thiên với ca Huế, đã lóe lên những tia độc đáo riêng có của chính bản thân mình. Do thành công của nấc thang ban đầu ấy, anh được chú ý và năm 1976 vào học Khoa Sáng tác Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Nhờ những tháng năm cần mẫn ở trường mà năng khiếu của anh ngày càng được đắp bồi và khẳng dịnh. Thời gian này giúp anh có cái nhìn soi chiếu qua lại mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn.
Năm 1982, anh được điều động vào Đoàn Ca múa dân tộc thuộc Ty Văn hóa Đắk Lắk. Những năm này, cuộc sống của anh và gia đình thực sự khó khăn, lận đận. Như đã nói ở trên, vẻ ngoài của anh luộm thuộm nay càng luộm thuộm hơn, ăn mặc xộc xệch, người càng nhỏ thó, răng vẩu hơn, da sậm nâu nên ai đó có cái nhìn thiếu thiện cảm. Có chuyện rất buồn cười và đau lòng, anh từng bị 4 lần lên xe rồi mà còn bị đuổi xuống (lời của anh) giữa đường trong những lần đi thực tế sáng tác vì người ta tưởng anh là nhân viên bảo vệ đi theo cho vui. Ấm ức lắm, anh từng rơi nước mắt, hồi bom đạn rơi vãi quanh mình có bao giờ anh khóc, vậy mà bấy giờ anh khóc. Anh học được chữ NHẪN đến tận cùng. Ở đời mất cái này lại được cái kia, cuộc đời công bằng và nhân ái lắm, dĩ nhiên trong một thúng gạo nếp cẩm vẫn có vài hạt sạn sao tránh khỏi. Nhờ những lần đối xử không đẹp ấy mà anh đem đến cho mọi người ca khúc Cánh cò trên cao nguyên từng được ca sỹ Tuyết Thanh thể hiện trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sỹ Mai Sao biểu diễn trên Đài Truyền hình Việt Nam. Có thể nói ca khúc này trả lời cho những ai có cái nhìn phiến diện về một con người. Tài năng tuyệt nhiên không phụ thuộc vào vẻ bên ngoài của người đó. Đương nhiên nếu vẹn cả hai thì còn luận bàn gì nữa. Anh viết bài này, cũng gửi gắm một điều rằng: Anh được cấp trên điều động lên Đắk Lắk chỉ khao khát làm đẹp cho xứ sở hoang sơ, đầy bí hiểm, cuốn hút này mà thôi, tuyệt nhiên không có ý nhỏ nào muốn mổ một hạt lúa, một hạt tiêu, hay một hạt cà phê nào đâu. Trong bài hát này có một điều độc đáo: ở Tây Nguyên thường chỉ nói về cà phê, cao su, tiêu, đất đỏ ba-zan chứ ít ai nhận cảm cánh cò như một biểu tượng đẹp của vùng đất cơ man bí hiểm, hoang sơ này. Đây chính là sự độc đáo, riêng có trong bút pháp nghệ  thuật biểu hiện âm nhạc của anh mà các nhạc sỹ tên tuổi như Phan Huỳnh Điểu, Lư Nhất Vũ, Hoàng Hiệp, Nguyễn Cường thậm chí cả nhà thơ Yến Lan cũng đều công nhận. Từ những chuyến đi thực tế kết hợp với những cơ sở lý luận mà anh được học ở Trường Quốc gia âm nhạc Huế, đặc biệt có sự góp ý, động viên chân thành của các nhạc sỹ đàn anh giàu kinh nghiệm mà anh có vở nhạc múa Cô gái giao liên do nhạc sỹ Đinh Long Ta biên đạo, nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân chỉ huy. Nội dung ngợi ca sự dũng cảm, mưu trí, thông minh của cô gái giao liên người dân tộc Êđê trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đáng nhớ tổ khúc này được ra mắt trong buổi đón tiếp Phó thủ tướng Tố Hữu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Đắk Lắk và được đánh giá rất cao.
Những tưởng con đường nghệ thuật âm nhạc của anh sẽ ngày càng bung nở, cuộc sống ngày một đỡ chật vật, nào ngờ phải 10 năm sau anh mới lại xuất hiện. Khoảng 10 năm này (1982- 1992) là thời gian anh gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhất. Vì nhiều lý do, anh về nghỉ chế độ một lần. Anh tâm sự, thực ra tư tưởng, quan điểm về nghệ thuật âm nhạc của anh với các vị cấp trên trực tiếp của anh có gì đó ngược chiều và không đồng nhất, do đó những nốt nhạc của anh quay ngoắt sang dòng nhạc Thánh ca, anh viết cho các xứ đạo ở Nghệ Tĩnh để lấy thù lao nuôi ba con đang đi học, vì thế người ta hiểu nhầm anh là phần tử bất mãn, phản động, rõ khổ cho cái thân còm cõi của anh. Nhưng bình tĩnh đọc lại cho kỹ các tác phẩm âm nhạc anh viết cho các xứ đạo ngày ấy cũng chỉ duy nhất một mục đích tốt đời đẹp đạo mà thôi. Đây ta hãy đọc lại lời ca: Sóng rì rào lặng mà nghe, sóng dập dềnh lặng mà nghe. Nghe câu thanh bình, tỏa dòng xanh, ngát xanh. Nắng chiều về, hạt vàng rơi, gió chiều về gọi thuyền bơi, bơi trong êm đềm, bồng bềnh mây trôi đáy trời. hoặc Bến mới đón em về, hòa trong dòng đời… Rõ ràng, trước sau anh luôn quý yêu, trân trọng cuộc đời, biết ơn cuộc đời đã dung dưỡng anh và cho anh chút ít tài năng âm nhạc để anh có cơ hội điểm tô thêm nét đẹp cho đời. Và điều đó là đúng, được khẳng định trong cuộc thi viết về Buôn Ma Thuột mừng 20 năm ngày giải phóng (1975-1995) tác phẩm Voi ơi vào hội đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Từ dấu chấm son này giúp anh dẻo dai, bền bỉ hơn để tiếp tục đi trên con đường âm nhạc. Và anh đường hoàng là Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT Đắk Lắk. Liên tiếp các ca khúc ra đời, nổi bật: Nhớ đêm xoang (thơ Hữu Chỉnh), tác phẩm này đạt Huy chương Vàng ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2002; Hát với đảo xa – độc tấu đàn đá, đạt Huy chương Vàng năm 2008; giải Ba của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với ca khúc Yêu người trồng cà phêƠi em Kon H’rinh; giải Khuyến khích của Hội Nhạc sỹ Việt Nam với Phiên chợ Ea TamHãy cưới ta về nàng ơi; cả hai lần Giải thưởng VHNT Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk  lần I, và II anh đều đạt giải Nhì. Nhìn thế đủ thấy sự sáng tạo, sức lực của anh bỏ ra  dọc con đường nghệ thuật âm nhạc đáng quý đến nhường nào.
Những điều viết về anh có thể chưa nói hết cái âm thầm chịu đựng, sự lận đận trắc trở trong cuộc đời anh nhưng khẳng định được rằng: Trước sau anh vẫn là một nhạc sỹ tràn đầy sức sáng tạo, thừa sự mê say để bước tiếp những bước trên khuông nhạc cuộc đời. Mong rằng hễ gặp là thấy anh sảng khoái bên ấm trà và chiếc điếu cày dài bằng sải tay gác bên cạnh, mỗi khi nâng điếu lên mà sòng sọc, sòng sọc ngửa cổ lên trời, hai mắt lim dim phun dòng khói trắng say ngất của vị thuốc lào Vĩnh Bảo, miệng nhô ra mấy cái răng xỉn màu. Ơn trời anh bước sang tuổi 70 rồi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI