Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO







ĐIÊN ĐIỂN NƠI TRIỀN SUỐI

Truyện ngắn
  

An trồng nó trên đất trắng, ven con suối mà quanh năm khô hạn, An đã mang giống từ Bến Tre lên đất Ea Súp, vùng biên của tỉnh Đắk Lắk này theo diện di dân làm kinh tế mới. An tự hỏi mình, số phận con người là do con người tạo ra hay ông trời sắp đặt? An đã hỏi nhiều lần lắm, nhưng An vẫn không trả lời được câu hỏi đó. Ai đã sắp đặt cuộc đời cho cô?
***
Ngày đi, An muốn mang gần như những cây trái quê mình để trồng trên vùng đất này, nơi người chưa ai đến ở, chỉ toàn rừng rậm. Vài cây số có một đồn biên phòng để canh giữ biên giới. An mơ mộng về những mảnh vườn xanh mướt cây trái, những vườn bưởi, vườn dừa ngút mắt. An nghe lệnh đi, An như hồi sinh, như mình được sống lại, An nghĩ mình bỏ lại cái khổ cực sau lưng. Cùng chồng và con đi với sự háo hức tột cùng.
Cái chòi gỗ được dựng lên giữa hoang vu, bà con chòm xóm đi cả cây số mới có một người, nhờ bộ đội biên phòng giúp sức, An cũng có chỗ chui ra chui vào. Trước mắt An là rừng, đúng như những gì An nghĩ, và An lại mơ đến màu xanh của vườn hoa màu, cây ăn trái...
Tới mùa tựu trường, chồng An đưa con ra trung tâm xã, đi tìm trường học cho con, đi mua cho con vài bộ quần áo mới, sắm cho con chiếc cặp sách, ừ, thêm vài bộ quần áo cho An nữa. Chồng giành phần vì mai là sinh nhật An, anh ấy sẽ tự tay chọn quà cho An luôn. Cái hạnh phúc ngọt ngào trong nghèo khó, An nghe lòng mình rưng rưng.
Mưa rơi hơi nặng hạt, An ngồi nhìn mưa mà lòng như lửa đốt, có cái gì đó nhói lên nhiều lần trong ngực. Quãng đường đất bốn năm cây số ra trung tâm xã mưa xuống thì lầy lội khó đi. An ngồi trấn an mình nhiều lần, không sao đâu, chồng An sẽ chở thằng nhỏ về đến nhà thôi, anh ấy khỏe lắm. Nhưng rồi chờ mãi, An chịu không nổi những cái nhói ở tim mình, An tất tả lấy cái nón đi ra con đường lầy lội đó. An cứ vừa đi vừa chạy để rút ngắn quãng đường mà sao càng đi càng cảm thấy nó càng dài ra.
Trung tâm xã kia rồi, đông người thế còn gì. Nhưng... nhưng... sao thế này? An quỵ xuống. Áo quần của con trai An, món quà được gói cẩn thận đã bết trong bùn đất của An. Con và chồng An đâu, An níu áo từng người An hỏi, chồng và con tôi đâu? Người ta nói, anh ấy đạp xe nhưng vì đường trơn và bị trượt, không may trượt ngã vào gầm xe tải đang đi qua. Giờ, họ đang ở trạm xá để chờ người thân. An hét lên, tại sao là chờ người thân, tại sao không phải là ở đó để được cứu chữa, tại sao? An không biết mình có chân hay không, An chạy như bay về hướng người ta chỉ có trạm xá xã. Rồi An ngất đi, An không kịp kéo những tấm vải trắng đang phủ lên hai chiếc băng ca.
Từ đó, An còn một mình!
Ngồi trong đám tang chồng và con mình, An không còn đủ sức kêu gào hay khóc lóc, trong đầu chỉ nghĩ được một điều, mình chết theo họ, được không? Nhà của An bây giờ, chỉ có bóng những áo xanh biên phòng, họ đến viếng và lo việc tổ chức tang lễ cho chồng và con của An. Thỉnh thoảng Hoài, đồn phó đồn biên phòng, liếc nhìn vào chỗ An ngồi, để chắc chắn rằng cô còn sống. Trong mắt Hoài, có cả nổi đau của An.
Một tháng rồi hai tháng lầm lũi sống, qua hết mùa mưa lại đến mùa hạn, cỏ cây bắt đầu khô cháy, An nghe cơ thể mình ngày càng nặng nề, soi vào chiếc gương mờ mờ của cái tủ cũ kỹ, An thấy cái bụng mình sao to hơn. An đội nón ra trạm xá khám. Cô y tá trạm xá nói An có thai năm tháng rồi. Lần nữa An không thở được. Cũng chính trong cái trạm xá này, lần đầu An đến để chứng kiến cảnh mất người thân, lần thứ hai, là để biết rằng mình vẫn còn một mầm sống, An bật khóc, cám ơn chồng mình, dù anh đã ra đi, vẫn để lại cho An một niềm vui.
An đã thôi một mình!
***
An cuốc xới quanh ngôi nhà mình để trồng rau, hay trồng bất cứ thứ gì có thể gieo xuống. Nhưng chỉ có mồ hôi của An đổ xuống, không có hạt nào nảy mầm vì trời không cho một hạt nước nào hết. An mặc kệ, cô mang gàu xuống suối xách lên, đổ xuống đất, đất nóng bốc khói kêu xèo xèo. Mỗi lần mang được một gàu nước lên thì bụng An trì xuống, cô ngồi xuống để thở, nghe mầm sống mình chòi đạp liên hồi, vậy thôi mà khỏe, vậy thôi mà vui.
Hoài giật cái gàu từ tay An, “em sắp sinh, những việc này, để anh làm!”. An nhìn Hoài không chớp mắt, màu xanh áo lính của anh nhanh như thoắt đi qua đám cỏ dại, đi qua đường mòn rồi khuất mất. Hoài là người đầu tiên đón gia đình An lên vùng đất này, anh cũng là người chỉ đạo anh em trong đồn biên phòng dựng nhà cho An, giúp đỡ An trong mọi thứ. Đồn mổ thịt heo, những con heo được lính nuôi, Hoài cắt sang cho An một miếng. An lắc đầu thì Hoài bảo, “chia đều cho dân mà, lo gì!”.
Hoài quá bốn mươi, là sĩ quan lâu năm nhất ở đồn biên phòng này, chưa vợ con. Người ta nói lính biên phòng độc thân nhiều lắm, bởi bốn bề là rừng, lấy đâu ra con gái để mà cưới làm vợ. An mang ơn Hoài, từ trong sâu thẳm lòng mình, An coi Hoài như một tượng đài, chỉ dám tỏ lòng biết ơn và giữ một khoảng cách nhất định. Nhưng Hoài thì khác, anh đến nhà An thường xuyên hơn để giúp cô những công việc nặng nhọc, vì sắp đến ngày sinh, An đã bắt đầu đi lại nặng nề. Mà Hoài sợ, An chuyển dạ thì một mình An biết kêu ai, rồi tự dưng Hoài cứ lo lắng hoài, ngày nào không ghé thì cũng phải đi ngang để nhìn thấy An, để biết mọi chuyện vẫn ổn, thì sau khi về đồn, Hoài mới ngủ được. Ừ thì mấy chục hộ dân ở quanh khu vực này trở thành máu thịt của Hoài rồi, An cũng vậy thôi, An cũng là máu thịt của anh rồi, còn ai ở vùng đất khô cằn đá sỏi này đáng thương và đơn độc hơn An?
Ven triền suối sau lưng nhà An, Hoài cuốc đất mỗi ngày một ít cho đất tơi ra. An nói, thôi để em gieo hạt điên điển, nó là loại cây dễ sống ở bất cứ môi trường nào, biết đâu rồi mùa mưa lại bội thu. An lạc quan, chỉ nói vậy thôi mà trước mắt An hiện lên cả rừng hoa vàng. Trước mắt An là những mùa nước nổi chèo ghe đi hái dọc triền sông, là những nồi cá linh kho bông điên điển thơm nức mũi, là những nồi lẩu nghi ngút khói và tiếng cười trong vắt thuở xa xôi. Nghĩ lung tung rồi An rớt nước mắt, Hoài ngưng tay cuốc, ngó lại, quệt mồ hôi cười “An lo gì, tôi còn khỏe!”. An bỗng bật cười. Ừ, sao mình khóc chi vậy, Hoài lại nghĩ mình đang thương cho anh ấy.
Hoài trằn trọc mãi không ngủ được, tới khi gà vừa gáy thì anh vội vã nổ xe và đi. Nhà của An khóa cửa ngoài, anh chạy thẳng ra trạm xá. Hoài biết mà, An đã đến ngày sinh. Xe anh chạy trên con đường mà chưa đầy một năm trước, An đã tất tả với cái nón lá chạy bộ trong để ra nhận xác chồng và con mình, anh hụp ổ gà ổ voi chúi nhụi mấy lần, giờ, anh phần nào lờ mờ hiểu được cái cảm giác bất an của An lúc đó, Hoài cũng đang bất an đến tột độ.
Anh ném xe ngoài cửa trạm xá mà không kịp lấy chìa khóa, anh ào vào nhà sanh, anh nghe tiếng thét của An, anh nghe rõ đến cả nhịp tim An đang đập, nghe lồng ngực mình muốn nổ tung ra. Hoài không biết nữa, hình như anh đã yêu An mất rồi.
Tiếng trẻ con khóc lên, Hoài hai tay ôm mặt, bật khóc. Anh khóc tu tu như chính mình vừa vượt qua cơn đau, như chính mình đã phải uất ức nhiều lắm giờ mới được minh oan. Y tá bế đứa nhỏ ra ngoài, Hoài đứng phắt dậy, đưa tay ra bế lấy nó. Cô y tá ngỡ ngàng nhìn Hoài “đồng chí...”. Hoài xua tay, ôi, cái mắt cái mũi cái miệng của An, từng nét trên gương mặt này của An. Anh áp thằng bé vào ngực mình, tim Hoài đập rộn ràng, cứ vậy mà nước mắt anh rơi.
***
Bông điên điển đã nở vàng trên triền suối, An không còn múc từng gàu nước để gánh lên, Hoài đã đặt dưới đó cho cô một máy bơm nhỏ, chỉ cần gạt cầu dao thì đưa nước về tận vườn mình. An nghĩ, đời An, cũng như những cây điên điển quê nhà, ném đâu cũng sống được, khắc nghiệt đến đâu cũng nở hoa. Ông trời hay bản thân mình tự tạo nên số phận cho mình, An không biết chắc. Chỉ thấy, sau những bão giông, An thấy cuộc đời mình đã nhẹ nhàng hơn nhiều.
Thằng bé chạy nhảy ngoài sân, nghe tiếng xe, nó mừng rỡ reo lên, “Ba Hoài, ba Hoài về rồi!”.
Trên tay Hoài là xâu thịt heo và mớ lá chuối, tay kia là nếp là đậu... Ừ thì bánh tét, ừ thì bánh chưng. Tết đến rồi đó. An nhìn xâu thịt heo trên tay Hoài, Hoài cười “đồn chia đều cho dân ăn tết nhé!”. An đón mớ đồ lỉnh kỉnh trên tay Hoài rồi đi vào nhà. Hoài nhìn theo dáng của An, mỉm cười hạnh phúc. Anh bế thằng nhỏ lên vai, xoay nó một vòng, khiến thằng nhỏ cười nắc nẻ. Mùa xuân ở trên vai Hoài chớ đâu, mùa xuân trong nụ cười của An chớ đâu, mùa xuân trong chái bếp kia chớ đâu. Và mùa xuân không cần mai vàng nữa, mà mùa xuân của Hoài là những bông điên điển nở vàng giữa bạt ngàn rừng núi, bất kể mưa nắng khô hạn, nở từ quê hương và giấc mơ của An.

Trại sáng tác Ea Súp 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI