TÊN ĐỒ TỂ GIẤC MƠ
Truyện ngắn
Tôi mưu sinh bằng những giấc mơ của mình. Những giấc mơ
mang theo khao khát, ảo vọng giữa cuộc sống thực tế trần trụi cần cơm ăn, áo mặc
và sinh hoạt phí mỗi ngày.
Nhưng tôi còn giữ trong mình chút sĩ diện. Không thể đứng
giữa chợ mà rao bán giấc mơ như người ta bán cá, bán đồ hạ giá hay giới thiệu công
năng một mặt hàng tiện lợi. Tôi giấu mặt mình, giấu lý lịch khai sinh, giấu nơi
chốn mình nương náu. Tôi sợ, sợ người đời chê cười sự hèn hạ, ti tiện trong tôi.
Và nguy hiểm hơn là họ sẽ coi thường món hàng của tôi.
Tôi gặp gã vào một chiều cuối thu mưa tầm tã trong lúc trú
mưa dưới một mái hiên xập xệ, nước mưa chảy tràn khoảng sân nhỏ. Gã mở cửa, nhìn
cái thân hình gầy gò như chuột chũi của tôi thì khẽ khàng lách mình, nhẹ như cọng
cỏ khô trước gió, chừa một lối đi đủ để tôi lách qua. Một tách trà ấm trong căn
phòng toàn mùi màu vẽ, lờ mờ làm tôi rơi vào ảo giác như đang trôi về cõi mộng.
Một cõi vô hình, vô thanh mà gã là chúa tể cầm trên tay cây cọ cùn vẹt như cây
phương trượng quyền uy. Tôi nhìn lướt qua gã, không hỏi han, một loạt những dữ
liệu chạy qua trong đầu. Tôi thử đoán xem gã thuộc kiểu người nào trong xã hội đương
thời. Nhưng gã không thể xếp cùng loại với bất kỳ ai tôi từng gặp. Gã đứng riêng
rẽ, một mình giữa căn phòng loang khói. Mưa vẫn xối vào mái hiên theo từng cơn
gió.
“Cô vẫn còn mơ?”.
Gã phá tan không gian loãng mùi ẩm mốc. Tôi thường xuyên
mơ, những giấc mơ vụn rời không trình tự. Có những đêm tôi mơ cùng một giấc mơ,
lặp lại như một thước phim cũ rích, trình chiếu nhiều suất cùng ngày trong những
dịp lễ lạt. Có những giấc mơ tôi không thể nhớ sau khi mở mắt. Tại sao hắn nhìn
ra được điều đó? Tôi xoa hai tay vào nhau, áp vào má, vào mi mắt mình. Tôi sống
nhờ chúng, nhưng không có nghĩa tôi quá lệ thuộc vào cơn mơ đến nỗi gã có thể bắt
gặp được chúng trên gương mặt đang tái đi của tôi.
“Anh cần gì?”.
“Những cơn mơ của cô”.
“Để làm gì?”.
“Bán cho người cần chúng”.
Tôi không có việc làm ổn định, sinh hoạt phí chỉ phụ thuộc
vào những việc bán thời gian lặt vặt, bản thân lại không có khả năng làm việc
trong môi trường công sở, thường bị ức chế ở những nơi quá khắt khe về thời
gian. Tôi sống khá cô độc, tùy hứng, đã chia tay vài mối tình và hiện đang ở nhờ
trên một căn gác xép cùng một con mèo đen. Tôi không yêu mèo, nhưng tôi nuôi chúng
vì sợ chuột. Lũ chuột đã nhiều lần gặm móng chân tôi.
Gã kể rằng từ lâu rồi, con người ta không biết mơ nữa. Tôi
dường như không tin gã, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lạ lùng đó. Ngay cả
bản thân gã cũng chỉ nuôi mộng qua lời kể của người khác. Những người bạn cùng
thời với gã giờ đã lưu lạc nơi nào, sau nhiều biến cố chỉ mình gã nhớ. Gã có vị
của kẻ cô độc trên hành trình dài đầy sỏi đá, người gã toát ra mùi bụi, và vị của
thứ thịt ôi.
Tôi mặc định rằng ai cũng mơ, cơn mơ là đặc quyền của mỗi
người, miễn phí. Vậy mà giờ đây, những người xung quanh tôi phải bỏ tiền ra để
mua lấy cho mình một giấc mơ trong những đêm dài cô quạnh với vài tiếng đồng hồ
cho giấc ngủ có thêm màu huyền bí. Vậy là chỉ riêng tôi, chứa đựng trong mình cái
tàn tích xưa cũ mà người đời giờ đây chỉ dành chỗ xếp chúng vào những câu chuyện
cổ tích. Tôi tự hỏi từ bao giờ, người ta không còn mơ những giấc mơ cho riêng mình?
“Ông nội tôi là người đã dệt những giấc mơ kỳ diệu. Tôi
luôn ao ước có ngày mình vẽ lại được những giấc mơ của đời mình. Nhưng chưa bao
giờ tôi mơ”.
“Tại sao anh biết tôi còn mơ?”.
“Cô có vị của kẻ còn giữ trong mình một khoảng lặng, đủ để
cơn mơ len lỏi vào. Vị của trái chín”.
Mưa tạnh, tôi nhẹ nhàng rời khỏi căn phòng nhỏ và chạy trốn
ánh mắt gã, ánh mắt của loài sói rình mồi.
Tôi sợ gã, từ tận sâu thẳm các giác quan tôi cảnh giác trước
gã. Vậy mà sau cơn ác mộng, tôi tìm đến gã với bộ dạng của một con bò trên đường
đến lò mổ. Tôi cần gì nơi gã? Cần người thấu hiểu tỉ tê? Cần người biết mình còn
giá trị hay cần khoe khoang những giấc mơ của mình? Tôi muốn đứng ra giữa phố
thị ồn ào mà gào lên cho những kẻ vô tri kia biết rằng, tôi, là chính tôi đấy còn
mơ hằng đêm, còn giữ được một thế giới ảo ảnh huyền diệu. Nhưng vì tôi chẳng
bao giờ làm được điều đó, với bộ dạng còi nhom và quê mùa như tôi ư? Lần hồi
trong vô vọng, tôi lê bước đến căn nhà có mùi mốc và khói bụi.
Gã, một tên đồ tể không hơn không kém. Tôi ngồi đó, kể về
cơn mơ màu xám của mình. Gã cầm cọ vẽ lên phông vải, cắt giảm nhiều chi tiết không
cần thiết. Cuối cùng cơn mơ của tôi thành hình, một gương mặt đàn bà với đôi môi
mọng đỏ, sống mũi cao, và không có mắt.
“Cô không cần mắt, khi mơ”.
“Vậy mắt tôi ở đâu khi tôi mơ?”.
“Trên trán của kẻ không mơ”.
Bức tranh được một nhiếp ảnh gia mua tặng vợ, giá cao ngất
ngưởng. Tôi cầm tiền bán giấc mơ mình, bán một phần linh hồn mình với cảm giác
chơi vơi.
Tôi đã không còn giữ được cho riêng mình, chút gì thuộc về
vùng mơ.
Gã bắt đầu bước vào thế giới của tôi bằng những bước đi
nhẹ như bước chân của loài mèo. Gã cắt gọt, tỉa tót, yêu cầu tôi đừng mơ những
giấc mơ nhạt nhẽo không kịch tính, nhưng cũng đừng quá viễn vông. Ngay đến cả
giấc mơ còn được quy ước thì còn gì trên đời này không thoát khỏi gông xiềng?
Một ngày nắng vàng, gã cần tôi mơ cho một bà góa giàu có,
một cơn mơ chứa đựng ẩn ức của kẻ bị chồng bỏ rơi lại cõi đời. Nực cười, tôi thừa
biết mụ có nhân tình nhân ngãi khắp nơi, nhưng vẫn muốn trưng ra với thiên hạ mụ
là người đàn bà đoan trang đứng đắn. Tôi mơ thấy mụ nằm lõa lồ giữa đồng hoang
sau mùa gặt, xung quanh toàn những con bù nhìn rơm mang khuôn mặt người. Con bù
nhìn mang gương mặt chồng mụ nằm thoi thóp thở, giữa một tràng cười man rợ.
Gã nhăn mặt cầm cọ. Gã bảo tôi bướng bỉnh, làm gã phải mất
công xử lý những đầu thừa đuôi thẹo như mổ một con bò bị dịch bệnh. Gã vẽ mụ và
con bù nhìn mang gương mặt chồng mụ theo cách mà gã nghĩ mụ sẽ thích. Họ ôm
nhau giữa cánh đồng, hạnh phúc như đôi tình nhân sau đêm tân hôn. Bức tranh được
trưng ngay gian phòng lớn nơi mụ góa tiếp đãi khách khứa, hả hê và hài lòng. Tôi
liếc gã, vẻ kinh tởm.
“Đồ lừa đảo”.
Tôi vùng vằng khi gã đưa tiền bán giấc mơ đã bị gã làm biến
dạng.
“Vậy cô hãy mơ đẹp vào”.
Gã cười khẩy, đi lên căn gác tối om om, vùng riêng của gã.
Tôi dợm bước theo để xỉ vả, để soi mói cái nơi không dành cho trí tò mò của bất
cứ ai. Gã quay lại, đôi mắt lạnh như nước hồ đóng băng. Tôi rùng mình, lùi lại
và chạy nhanh ra phố. Gã đáng sợ hơn tôi hình dung, rất nhiều.
Đêm đó tôi mơ về một nụ hôn, nụ hôn rụt rè của mối tình đầu.
Ngọt ngào và mê đắm. Tôi hân hoan kể lại cho gã. Gã gật gù, rồi vẽ một đôi môi
bị chết chìm dưới đáy một đầm lầy.
“Có biết lãng mạn chút nào không?”.
“Không phải mối tình đầu của cô đã chết yểu rồi sao?”.
Gã tàn nhẫn hơn cây cọ của gã. Một cặp vợ chồng son đã
mua chúng ngay khi ráo màu vẽ, tôi không hiểu họ thấy gì đẹp đẽ nơi đáy đầm lầy,
đôi môi khô héo tàn lụi nằm đơn côi cô quạnh ở đó.
“Con người ta muốn giữ hạnh phúc cho riêng mình thôi, cô
thật ngây thơ”.
Một đêm rất lạ, tôi mơ mình dang cánh bay giữa thiên hà, đùa
nghịch với muôn vì sao. Tôi muốn giữ giấc mơ lấp lánh đó cho riêng mình, nhưng
gã không tha cho tôi. Gã kêu réo, nói có một khách hàng đang cần mua một giấc mơ
để giới thiệu tác phẩm mới ra, một cuốn sách hai nghìn trang. Tôi hài lòng với
yêu cầu của vị khách, thầm nghĩ lần này giấc mơ của tôi sẽ tròn trịa như một bức
tranh toàn bích.
Gã làm công việc của mình trong thinh lặng, một đôi chân đung
đưa ngồi trên vành trăng khuyết như một chiếc xích đu giữa không gian.
“Còn đôi cánh?”
“Không cần thiết”.
Gã cắt đôi cánh của tôi nhanh gọn như cắt cánh một con gà
mái mẹ. Tôi thấy lồng ngực buốt nhói, lưng bỏng rát như ai đó đâm xuyên cơ thể
mình. Luồn hai ngón tay vào hộp màu đỏ, tôi vẽ trên lưng mình hai đường cắt rớm
máu.
Gã đứng chết lặng nhìn tôi ra về.
Buổi ra mắt sách thành công ngoài mong đợi, tác giả trở nên
nổi tiếng, chụp hình đưa tin với phông nền là giấc mơ của tôi. Tác giả còn gửi
tặng riêng tôi cuốn sách, nặng như viên gạch mới nung. Những trang sách vô hồn,
như xác chết trôi lờ đờ trên dòng sông đen ngòm. Tôi dùng gói cá cho cô mèo nhỏ
của mình.
Trong những chiều lang thang, tôi giật mình bắt gặp những
giấc mơ của tôi hiện diện dày đặc trong thành phố. Tôi phải quay mặt đi vì sợ
phải nhìn thấy chính mình đã được giăng ra giữa chợ đời, như người ta giăng đồ
lót đại hạ giá. Tôi chạy quanh mọi cung đường, những biển hiệu mang hình mái tóc,
một phần của giấc mơ bị treo ngược mà gã đã cắt đi cả thân hình tiều tụy của tôi.
Đâu đó là một xâu chuỗi khuyên tai, những bộ móng tay đủ sắc màu được treo trước
cửa tiệm vàng, tiệm nail, salon tóc. Là tôi, là một phần cơn mơ tôi. Gã, tên đồ
tể làm gì với cuộc đời tôi? Còn tôi đang làm gì với chính mình?
Tôi đã không còn đủ can đảm để tìm đến gã, khi nhìn thấy
mình rơi rụng khắp nơi.
Từ ngày không gặp gã, tôi thường dậy muộn, vì những cơn mơ
mỗi lúc một tối màu. Thói quen mỗi sáng ôm mèo, vuốt ve nơi gáy làm mắt cô bạn
lim dim và kể lại những giấc mơ của mình đã không còn. Cả tuần nay tôi không thấy
cô mèo đâu, hay là đến mùa sinh sản lũ chúng đi tìm bạn tình và hát dưới ánh trăng?
Tôi nhìn xuống đôi chân mình, những đầu móng bị gặm lởm chởm. Lũ chuột đã thừa
cơ hội tấn công tôi khi tôi đang mơ. Tôi bắt đầu mang bít tất, để giấu chúng đi.
Tôi tạt vào siêu thị mua mấy lát cá thật ngon, để đền bù
cho cô mèo nhỏ. Tối nay tôi quyết định sẽ không ngủ, sẽ chẳng mơ những giấc mơ
dành cho người khác mà thức đợi cô mèo của mình. Căn phòng tối om, ánh sáng len
lỏi qua ô cửa sổ loang trong bóng đêm. Trăng lên cao, ảo mờ. Đâu đó trong thành
phố bản tình ca loài mèo ngân lên ai oán. Nếu ai chưa từng nghe những thanh âm đó
vào mùa sinh sản của chúng sẽ không khỏi giật mình mà tưởng tượng đó là tiếng vọng
nơi hầm mộ. Chúng hú dài, âm điệu cao vời vợi. Tôi nằm co ro bên đĩa cá kho. Lũ
chuột đã tụ tập quanh phòng, tôi nghe chúng gọi nhau rúc rích. Tôi đợi cô mèo đen
trở về, còn chúng đợi tôi mơ.
Giấc mơ của tôi, không chỉ nuôi sống tôi hằng ngày, làm vật thí nghiệm
cho gã đồ tể, vẽ lên niềm hi vọng cho người mua mà còn giúp lũ chuột tha hồ gặm
móng chân mình.
“Mười đầu ngón chân của tao đã cùn hết rồi, chúng mày cút
đi”.
Tôi gào lên để đánh đuổi lũ chuột, lúc rúc những thanh âm
chúng trốn chạy. Tôi mệt lả, nằm sóng soài dưới ánh trăng. Trong mơ, tôi thấy mình
xám lại và bắt đầu nứt như một bình gốm không được nung đủ độ. Từng mảng rời
ra, vụn vỡ giữa lòng đường người qua kẻ lại. Chúng biến thành một lớp bụi dày rồi
cuộn lên từng lớp như sóng vỡ.
Tỉnh dậy đã quá trưa, những lát cá nằm vãi ra sàn vì lũ
chuột. Cô mèo của tôi đã không về. Tôi nhặt nhạnh từng đoạn xương cá, nhưng không
thể. Mười đầu ngón tay tôi đã bị lũ chuột gặm nhấm sạch sẽ. Tôi đau đớn gào lên,
những thanh ấm chói chát như bài hát của lũ mèo trong đêm. Hoảng loạn, tôi đã bỏ
quên mình nơi đâu? Từ khi nào? Từ ngày tôi khao khát trưng ra cái mà người đời
không còn nhớ, là ngày tôi đem bán những giấc mơ mình.
Tôi đã mất chính mình, từ giây phút tôi gặp gã, tên đồ tể
máu lạnh. Tôi thét gào trong điên loạn chạy đến tìm gã để đòi lại những gì là của
tôi, để hàn gắn những giấc mơ đã bị gã xé toang không thương tiếc. Tôi lao vào
căn gác u tối của gã, mở toang mọi cánh cửa sổ được gã khép chặt. Cả khoảng không
nhỏ bừng sáng, quanh phòng là những giấc mơ tôi được gã cất giấu từ ngày đầu tiên
chúng tôi gặp nhau. Đôi mắt của bức tranh đầu tiên, gương mặt của mối tình đầu,
đôi cánh trắng được gã treo lên trần nhà. Gã đang nằm đó, giữa những giấc mơ
nhiệm màu mà tôi đã mơ. Gã dành phần đẹp nhất cho mình, để ru cái tuổi thơ thiếu
thốn vùng mơ của gã, để nhớ lại ông nội gã, người kể chuyện mơ. Và tôi nhận ra,
gã sống nhờ chúng. Không phải tôi, mà chính gã đã thoi thóp nhờ những cơn mơ của
tôi.
“Xin lỗi”.
Gã thều thào rồi tắt lịm.
Tôi ngốn ngấu nhai nát những giấc mơ của mình. Chúng thuộc
về tôi, của riêng mình tôi. Những giấc mơ mang vị ngọt của trái chín mùa hạ, của
giọt sương đầu ngày. Tôi ăn tất cả, vội vàng, như sợ gã cướp mất. Khi ăn hết phần
mình, tôi chợt nhận ra còn nhiều bức tranh khác, là những giấc mơ của bạn gã, của
ông nội gã. Tôi xé vụn, nhai đến mảnh cánh cuối cùng.
Tôi có đủ sức góp nhặt lại những mảnh mình đang giăng khắp
phố? Hẳn rồi, đó là điều bất khả. Tôi chỉ có thể luyến tiếc mút những đầu ngón
tay đã bị gặm mòn, trên ấy còn lưu lại hương vị của những giấc mơ, của tôi, của
những người còn mơ trước tôi nhiều thế kỷ. Sẽ không còn ai có thể cướp chúng khỏi
tôi, tôi liếm láp mười ngón tay run rẩy trong cơn mưa buốt lạnh.
Có bao giờ, dù là trong những cơn mơ, mười ngón tay ấy sẽ
trở về hình dáng ban đầu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI