Trời xanh ngắt không một đám mây
nào lởn vởn đi qua, để mặc ông mặt trời cau có ném cái nóng xuống mặt đất hừng
hực như lửa đốt. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ ào đến vội vã đưa bàn tay mát
rượi xoa nhẹ lên hai khuôn mặt đẫm mồ hôi trước khi kéo theo đám bụi tro khổng
lồ chạy xuống chân đồi. Mới vào đầu mùa khô mà ai đó đã đốt cháy cả một vạt
rừng cỏ gianh rộng lớn để lộ những mỏm đá phơi mình đen thui; lác đác giữa bải
tro than đen sì ấy còn sót lại một vài bụi cỏ gianh vàng khè, xơ xác.
Y Tin đi trước, vai vác một cành mai đầy nụ xanh
biếc. Loài mai Tây Nguyên đến lạ, khi mùa mưa vừa ngừng thì những chiếc lá cũng
vội vàng nối tiếp nhau rời cành đuổi theo các cơn gió chạy qua, quăng mình nhào
lộn trên khoảng không bao la trước khi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Cả cây mai
chỉ còn độc những chiếc cành khẳng khiu, trơ trụi không một cọng lá. Nếu không
biết, người ta có thể nhầm cây bị chết. Mùa khô đến, cất tiếng hát thì thầm
ngọt ngào như những hạt sương đêm, cây mai bỗng trở mình bung ra những nụ hoa
xanh biếc, no căng điểm xuyến một vài búp lá xanh nhạt, báo hiệu mùa xuân đã
về. Mai rừng chỉ có năm cánh màu vàng rực rỡ thể hiện sự hùng vĩ của thiên
nhiên.
Hai tám tết Y Tin mới rủ Thạch
Sơn - thầy giáo chủ nhiệm lớp cùng đi chặt mai về trường trang trí văn phòng đón
xuân. Cây mai Y Tin đến chặt đã được đánh dấu từ trước, nó không những nhiều
hoa mà các cành đều có thế rất đẹp. Hai thầy trò lựa mãi, cành nào cũng thích
cả nhưng chỉ chọn hai cành, thầy một càng, trò một cành. Đặt cành mai lên vai,
cậu học trò thích thú nói: “Thầy trò mình mang mùa xuân về trường nè!”
Hình ảnh tết Bắc chợt hiện ra trong nỗi nhớ của Sơn…
Ngoài đó giờ này chắc lạnh lắm. Các gia
đình rủ nhau chung thịt lợn ăn tết; cứ hai ba nhà thịt một con vừa giã giò, nấu
đông vừa làm nhân gói bánh và quan trọng nhất có bộ lòng liên hoan cuối năm.
Còn bây giờ mình lại ở tít tắp tận Tây Nguyên xa xôi, ăn cái tết đầu tiên làm
thầy giáo dạy học với các em học sinh dân tộc. Người dân tộc bản địa Tây Nguyên
không ăn tết âm lịch như người kinh nhưng các em cũng háo hức theo các thầy đón
năm mới. Học trò vô tư và chất phác quá, các em xem thầy cô là chuẩn mực để noi
theo nhiều lúc cũng cảm thấy ngượng vì chưa làm được nhiều điều cho các em.
-
Oác! Oác! Oác!
Một
con gà trống đẹp như vẽ bỗng kêu toáng lên, lao từ đám cỏ gianh chưa bị cháy ra
ngoài; vừa chạy vừa đập cánh làm tro bay mù mịt. Nhìn con gà lết trên mặt đất
như bị thương, Thạch Sơn vội vã đặt cành mai xuống đất chạy lại vồ. Trượt. Vồ
nữa, lại trượt; mặt mũi chân tay đầy tro đen thui.
Y Tin cười ngặt nghẽo.
- Thầy ơi, nó lừa đấy đừng đuổi theo nữa.
- Nó bị thương không bay được, sao không lại bắt còn
đứng đó cười!
- Con gà ấy giả bộ thôi, không bắt được đâu. Thầy
nhìn nó kìa!
Lạ thay, con gà trống không bỏ chạy nữa mà nằm lăn
ra mặt đất vừa kêu, vừa đập cánh cho tro bay mù mịt như trêu chọc.
- Chắc nó có vợ trong đám cỏ gianh này nên làm giả
bộ làm như vầy để thầy chạy ra xa đấy mà.
- Sao em biết?
- Em theo ama amí đi rừng gặp cảnh này hoài à. Thầy
lại đây sẽ rõ.
Hai thầy trò vạch đám cỏ gianh chưa được nửa mét đã
nghe một tiếng kêu thất thanh: “oác,” rồi một con gà mái nâu chạy ra đám tro.
Nhìn con gà chạy chậm chạp như say rượu Y Tin bảo:
-
Nó đóng kịch đấy, không bắt được đâu. Thầy xem này.
Rẽ mấy cọng cỏ gianh phía trên, để phơi ra tám quả
trứng gà màu trắng to như quả bóng bàn, rất đều nhau, Thạch Sơn bảo:
- Đôi gà này lười quá chỉ biết vít cỏ gianh làm tổ,
không chịu nhặt thêm rác hay cây cỏ thêm vào.
- Ôi, thầy xem này!
Y Tin chỉ cho Thạch Sơn xem mảnh xương trắng ngà,
cong như cánh cung được xếp khéo léo bên thành tổ.
- Đây là nanh heo rừng đấy thầy ạ!
- Làm sao em biết?
- Người già nói mà. Lũ gà rừng thường đi tìm chỗ nào
có răng heo rừng rụng để làm tổ. Nhờ vậy tổ của nó không bị rắn và các loài thú
quấy phá. Còn con người ai nhặt được làm dây đeo vào cổ hay bỏ vào túi áo sẽ
tránh được gió độc, không bị cảm đâu.
- Lạ nhỉ?
Y Tin đưa cho Thạch Sơn chiếc nanh heo to hơn ngón
tay cái một chút, một đầu vẹt hẳn đi như bị mài mòn, khá sắc; phía dưới gần
tròn, rỗng ở giữa bị gẫy ngang khá bằng như
bị bẻ. Chiếc nanh heo khá nặng, tuy chỉ dài gần một gang tay.
- Thầy cầm lấy làm kỷ
niệm.
- Không, em nhặt được là
của em chứ!
- Em tặng thầy làm kỷ niệm
nhân chuyến đi rừng chặt mai đón tết mà.
- Vậy thầy nhận.
- Thầy nhìn đôi gà kìa!
Hai con gà đứng bên nhau không giả bộ què nữa đầu
ngẩng cao đưa đôi mắt tròn xoe chăm chú quan sát hai thầy trò. Con gà mái thỉnh
thoảng gào lên: Toác! Toác! Chắc chúng biết không đánh lừa được người nên đành
đứng nhìn.
- Ta về đi em, đừng phá tổ
nó nữa.
- Dạ!
Y Tin vuốt lại mấy ngọn cỏ gianh tạo thành mái che
cho ổ trứng như cũ trước khi quay ra vác cành mai đi tiếp. Con gà trống như
hiểu ra điều gì, vỗ cánh nhảy lên hòn đá cất tiếng gáy vang vọng cả không gian.
Y Tin quay lại nói:
-
Nó chào thầy trò mình đấy thầy nhỉ!
Ông mặt trời đứng trên đỉnh đầu, khoanh tròn bóng
dưới chân. Từng cơn gió mát nối đuôi nhau chạy theo, cả không gian như đầy ắp
tiếng ò, ó, o… của chú gà trống đang vươn cổ gửi lời chào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI