Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

NƠI ẤY BÌNH YÊN bút ký của MAI KHOA THÂU - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018


Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”






                         


Trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an của xã Ea Ka (tiền thân của Công an huyện Ea Kar ngày nay) đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhất là giai đoạn sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, vừa phải kịp thời bảo vệ sự bình an cho nhân dân, vừa phải tích cực truy quét bọn phản động Fulro…
Những năm tháng đáng nhớ:
Nghe Đại tá, trưởng Công an huyện Ea Ka Trần Duy Trường kể, chúng tôi thực sự khâm phục những ngày tháng “đánh Fulro” ở địa bàn huyện Ea Kar đầy sáng tạo, có một không hai của lực lượng Công an tỉnh nhà lúc bấy giờ. Với chất giọng chậm rãi, nhỏ nhẹ, anh kể:
- Khi đi truy quét Fulro, ngày ấy phương tiện thiếu thốn lắm, mà bọn phản động Fulro lại chống phá quyết liệt, giữa cái sống và cái chết cũng chỉ trong gang tấc… Suốt từ năm 1976 đến 1989 đã xảy ra bốn vụ giao tranh ác liệt, đêm nào lực lượng công an cũng phải đi tuần tra, đi trinh sát địa bàn. Lực lượng công an phải theo sát bà con đi làm nương rẫy, từ quả đồi này đến dòng suối nọ để lấy tin, cả mùa khô và mùa mưa…
Đại tá Trần Duy Trường bồi hồi kể lại: “Hồi đó chúng tôi chỉ là những chiến sĩ công an tuổi đời mới độ mười chín đôi mươi, có mặt tại xã Ea Ô để nắm địa bàn, chúng tôi căng sức chống chọi với đói, rét và cái chết luôn kề bên để lấy tin tức, tối về lại đi vào các buôn làng để nắm bắt tình hình. Ai cũng gầy rộc, nhưng rất phấn khởi, hạnh phúc vì những tin tức mình nắm được là để cho anh em cán bộ chiến sĩ và nhân dân bớt đổ máu. Đặc biệt là được sự tin yêu và che chở của những người dân ở các buôn làng của huyện Ea Kar… đã động viên, cổ vũ, khích lệ cán bộ chiến sĩ công an thi đua lập công”.
Theo lời kể của anh Trường thì mỗi lần đi truy quét Fulro khoảng từ 1 đến 3 tháng gồm nhiều đội, mỗi đội từ 10 – 16 người, kết hợp với dân quân tự vệ và một số trai tráng trong các buôn làng tham gia. Mỗi người mang một cái ba lô nặng khoảng 30kg và một khẩu súng AK. Do diễn biến mau lẹ của các cuộc truy quét, vì vậy khi nhận được tin tức là phải lên đường kịp thời. Thời trai thử thách trong những trận địa chống bọn phản động Fulro, trung niên ngụp lặn giữa ngổn ngang cơm áo và tái thiết đất nước, đồng tiền luôn là một thứ cám dỗ đầy ma lực, đòi hỏi người công an phải luôn luôn có bản lĩnh vững vàng. Trải qua những năm tháng đầy cam go thử thách, đất nước mới có sự bình yên như ngày hôm nay, anh Trần Duy Trường nhận ra giá trị của sum họp và đoàn tụ không hề đơn giản. Với vai trò của một người chỉ huy anh càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình với công tác an ninh trật tự trên địa bàn của huyện. Anh đã dành ra mỗi tháng một lần vào sáng thứ bảy, để mời các đồng chí công an đã nghỉ hưu gặp mặt. Điều này có hai cái lợi, cái lợi thứ nhất là gắn kết được tình cảm giữa đồng chí anh em một thời cùng công tác với nhau, cái lợi thứ hai là tranh thủ nghe và tiếp thu những góp ý của đồng đội đi trước để làm tốt hơn công tác an ninh trật tự tại địa phương. Chỉ có những người tâm huyết với công việc mới bỏ công sức dành cho việc đó. Chính vì vậy, anh coi việc gặp gỡ các cán bộ lão thành như một cách giúp anh truyền đi những thông điệp sống tích cực đến với mọi người.
Còn với Trung tá Nguyễn Xuân Trường, đội trưởng Đội CSKT, quê ở Nghệ An, là một trong những người có nhiều năm gắn bó với công tác ở Đội chống Fulro nhớ lại: Năm 1983, sau khi học xong Trường C25 đào tạo Công an ở Đắk Lắk, anh được điều về công tác ở Công an huyện Krông Păc, đến năm 1985 tách huyện, anh được điều về công tác tại Đội an ninh của Công an huyện Ea Ka. Anh Trường kể: Công việc hàng ngày của anh và các đồng đội ở Đội an ninh lúc bấy giờ chủ yếu là đi truy quét Fulro ở địa bàn hai xã Ea Knuêch (Krông Păc) và Ea Kar (huyện Ea Kar). Đội truy quét thường đi từ 10 đến 12 người, cộng với một số đồng chí người Êđê ở “lực lượng 04”, Có lúc đi nửa tháng, có lúc đi cả tháng ở trong rừng, lương thực mang theo chủ yếu là gạo và mì tôm, lương khô. Phải đối mặt với môi trường rừng rú lầy lội, muỗi vắt và rắn độc hiểm nguy luôn rình rập, chưa kể đến khi gặp “ông lớn” (tức là voi rừng) thì phải tìm cách tránh đường. Nước sinh hoạt cho ăn uống tắm rửa là các sông suối, hay vũng nước voi đằm, do vậy đa số anh em trong đội cứ mỗi lần đi truy quét về thường hay bị bệnh sốt rét. Cực nhất là những cuộc hành quân vào mùa mưa, phải băng rừng, luồn lách cây cối tự tìm đường, mò mẫm mà đi. Còn mùa khô cũng không kém phần khắc nghiệt và vất vả. Vất vả nhất có lẽ là việc đi tìm nước ăn uống, có khi không tìm thấy sông suối, thì phải tìm cây rừng rồi cắt ra lấy nước uống. Rồi phải băng màn đêm vén cây cối dây rợ, gai góc chằng chịt vào tận sâu trong rừng mới có suối nước. Nhưng khi có nước rồi cũng không dễ sử dụng, vì nguồn nước tìm thấy thường đục ngầu, khi nấu thành cơm chuyển sang một màu vàng ố, nhưng anh em cũng cố bảo nhau, bấm bụng nhắm mắt mà nuốt để cầm hơi qua ngày. Rồi cả cái việc nấu cơm cũng là một nghệ thuật của việc nghi binh. Có những khi phải làm đường thông khói cả hàng trăm mét đường rừng. Anh kể, có lần vừa mới bắc nồi cơm lên, khói tỏa ra phía cuối cánh rừng liền bị một loạt R15 và M79 của bọn Fulro nã vào, anh cùng đồng đội liền chia ra ba mũi tấn công, nhưng trời tối, cùng với địa hình rừng núi hiểm trở nên bọn chúng đã tẩu thoát… Trầm ngâm một lát anh xúc động nhắc lại trận đánh năm 1988 ở xã Ea Đah, giữa lực lượng Công an huyện Ea Kar kết hợp với sự tăng cường của Công an tỉnh đã tiêu diệt được 3 tên Fulro có vũ trang,…
 Ea Ka hôm nay là một vùng quê bình yên:
         Chuyến về thăm Công an huyện Ea Kar lần này khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay về kinh tế và một cuộc sống bình yên đến lạ. Bắt tay xây dựng cuộc sống trên quê hương mới được tách ra từ huyện Krông Păc năm 1985, những chật vật, vất vả ban đầu cũng qua đi. Là một địa bàn tuy rộng, nhưng đất đai lại cằn cỗi… Không trông chờ ỷ lại, nhân dân các dân tộc huyện Ea Kar đang từng ngày tạo lập một cuộc sống bình yên ấm no và đủ đầy.
Anh Cao Hoàng Cường chủ khách sạn Hương Quê, một người dân làm ăn khấm khá ở Thị trấn Ea Kar, cho biết: Ngay khi tách huyện mới, gia đình anh chị đã xây dựng hệ thống chuồng trại khá khang trang. Anh đã mua mười con lợn nái để tự bảo đảm lợn giống, từ đó phát triển đàn lợn thịt lên đến 200 con. Nhưng đến khi mở mang thêm mặt hàng kinh doanh cửa sắt thì bị thua lỗ… gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bản thân anh phải đi cải tạo lao động một năm. Nhưng được sự động viên và giúp đỡ của các anh em cán bộ Công an huyện Ea Kar, anh đã lấy lại được niềm tin, xóa bỏ được mặc cảm tội lỗi để làm lại cuộc đời, để trở thành một công dân có ích cho xã hội, không những làm  giàu cho bản thân mình mà anh đã còn tạo công ăn việc làm cho khoảng trên mười người.
Anh Trần Đình Phú ở tổ dân phố 4, thị trấn Ea Knốp thì trầm ngâm kể lại: Trước đây anh đã từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương được sự động viên giúp đỡ của chính quyền và công an địa phương, anh có niềm tin vào cuộc sống, anh đã không còn mặc cảm về tội lỗi và đã phấn đấu vươn lên trở thành một công dân tốt. Anh khoe với tôi trong nét mặt đầy tự hào về cái nhà hàng phục vụ ăn uống Đình Phú khá khang trang ở thị trấn Ea Knốp này. Theo anh xã hội cần lắm sự chung tay góp sức của mọi người với ngành Công an để tạo điều kiện cho những người đã có lúc lầm lỗi hòa nhập với cộng đồng một cách bền vững.
Về thăm Công an huyện Ea Kar, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Như các buổi phát động quần chúng có kèm theo chương trình giao lưu và biểu diễn văn nghệ giữa lực lượng công an và nhân dân, tạo sự thân thiện gắn kết đồng thuận trong việc chấp hành các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt hơn đó là lực lượng Công an xã Ea Sô trong 1 tháng, liên tục bắt được ba vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Rồi Công an xã Ea Ô có nhiều mô hình điểm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đang hoạt động có hiệu quả, như mô hình “Loa truyền thanh lưu động”; “Tiếng kẻng an ninh”; “Tiếng kẻo học tập”, “quỹ hoàn lương”. Đó là những mô hình rất thiết thực và hữu hiệu để đảm bảo an ninh Tổ quốc.
Từ cơ quan Công an huyện Ea Kar xuôi theo quốc lộ 26 khoảng 15 km đến km 68 tôi đến gặp đồng chí Trung tá Đinh Văn Thọ, trưởng Công an thị trấn Ea Knốp, và các anh em cán bộ chiến sĩ ở nơi đây. Chứng kiến anh Thọ và đồng nghiệp trong một ngày làm việc, tôi thầm cảm phục tinh thần vượt khó của các cán bộ và chiến sĩ Công an của thị trấn Ea Knốp. Tuy trụ sở chỉ là hai phòng chật chội của căn nhà cấp bốn tạm bợ. Nhưng các anh vẫn vui vẻ làm việc, không quản ngại ngày đêm bám sát địa bàn dân cư, rồi giải quyết hàng tá các công việc không tên thường ngày cộng với việc tuyên truyền kiến thức pháp luật, những việc làm tưởng chừng như bình thường đó đã góp một phần rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh và sự hài lòng của người dân. Có được cuộc sống bình yên như nơi đây, đó chính là sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ công an.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI