Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

NGƯỜI BẮT HỒ SƠ “LÊN TIẾNG” bút ký của TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018



Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




Đến với Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Đắk Lắk là đến với sự lặng im của những kho hồ sơ nằm chất chồng lên nhau qua năm tháng. Màu thời gian phủ dày cùng những thứ hóa chất lưu giữ, bảo quản, chống ẩm, chống mối mọt làm chúng như những đồ vật không còn giá trị sử dụng. Người làm cho những kho hồ sơ lưu trữ luôn hiện hữu và sống động, biết nhận diện đối tượng, biết nói, biết khai báo, thú tội… là Thiếu tá Tống Văn Lợi. Mặc dù đã biết anh qua xem báo chí, truyền hình và biết anh là một trong những cán bộ trẻ đầy triển vọng với hàng loạt chiến công thầm lặng, là “tài sản” quý hiếm của đơn vị và của ngành, đã từng đại diện Công an tỉnh dự đại hội toàn quốc tài năng trẻ ngành công an. Tôi hình dung anh phải cao lớn khác người, mới có thể làm một cuộc cách mạng về công nghệ trong ngành hồ sơ để được vinh danh như vậy. Gặp anh tôi không khỏi bất ngờ, anh quá trẻ, nước da trắng trẻo, dáng điệu thư sinh, khuôn mặt thanh thoát và đôi mắt sáng, hiền lành phúc hậu. Nếu không có bộ quân phục tôn có lẽ tôi sẽ nhầm anh với các sinh viên văn khoa trên giảng đường đại học.
Lợi sinh năm 1981, với niềm đam mê tin học từ thời còn ngồi ghế nhà trường, khi máy tính chưa phổ cập như ngày nay. Lợi luôn mày mò, khám phá tin học. Trường Đại học khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và chuyên ngành tin học đã mở rộng vòng tay đón nhận, nuôi dưỡng, ươm mầm cho niềm đam mê ấy lớn lên. Năm 2004 Lợi tốt nghiệp ra trường. Với truyền thống gia đình, bố Lợi là cán bộ công an về hưu và đúng thời điểm Công an tỉnh Đắk Lắk tuyển cán bộ có trình độ tin học. Lợi được nhận vào công tác tại phòng hồ sơ cho đến nay.
Nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ buổi ban đầu, tiếp xúc ứng dụng các phần mềm do Bộ Công an cài đặt, hướng dẫn để nhập dữ liệu và bổ sung thông tin, tra cứu phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ thực tế công tác, có nhiều công việc phải thao tác bằng thủ công, theo dõi dữ liệu trên giấy tờ, sổ sách mất rất nhiều thời gian và không hiệu quả. Xuất phát từ ý tưởng hiện đại hóa công tác quản lý để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật và muốn làm gì đó để nâng cao hiệu quả công tác, điện tử hóa cơ sở dữ liệu là khâu đột phá được Lợi đặt lên hàng đầu. Ngày làm việc cơ quan, đêm Lợi thao thức cùng bàn phím và những số liệu nghiệp vụ, ứng dụng kiến thức đã học để chuyển hóa công việc thủ công thành điện tử. Qua một thời gian dài vật lộn nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 2010 phần mềm đầu tiên của Lợi được đưa vào ứng dụng tại đơn vị, bước đầu đáp ứng được mục tiêu cải cách hành chính và mang lại hiệu quả tích cực. Được lãnh đạo đơn vị ghi nhận, biểu dương, Tỉnh Đoàn tặng bằng khen “Đã có công trình, đề tài sáng kiến về quản lý yêu cầu tra cứu phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Không bằng lòng với thành quả bước đầu, Lợi không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực công tác. Đặc biệt là việc ứng dụng phần mềm Afis do Bộ Công an cài đặt để nhận dạng vân tay phục vụ công tác truy tìm tung tích nạn nhân, truy tìm thông tin qua vân tay đối tượng để lại hiện trường. Để vân tay tội phạm biết nói và thú tội không phải việc dễ dàng, trước đây phải tốn rất nhiều thời gian, mất rất nhiều công sức và phải huy động tổng lực rất nhiều cán bộ tham gia. Qua công tác tra cứu, dữ liệu vân tay các đối tượng được Lợi điện tử hóa. Dẫn đến việc truy nguyên dấu vết vân tay tội phạm diễn ra nhanh chóng, chính xác, khoa học. Vụ án trộm cắp tài sản do Công an thị xã Buôn Hồ cung cấp, từ dấu vân tay thu được trên cửa kính của đối tượng để lại hiện trường, Lợi cùng anh em nhanh chóng tìm ra thông tin bắt được đối tượng nhanh chóng.
Thông qua việc tra cứu trao đổi thông tin với Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Bến Tre, Lợi đã phát hiện và báo cho Phòng Truy nã Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre bắt được đối tượng truy nã nguy hiểm đang làm hồ sơ tư pháp để xin việc trong cơ quan nhà nước.
Tìm đến nhà Lợi trong một ngày giá rét ở đường Lê Quý Đôn, thành phố Buôn Ma Thuột. Chủ nhật, vợ anh vẫn phải đi làm vì phải phụ trách công tác tài chính của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh, công việc quyết toán cuối năm hết sức bận rộn. Anh phải dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho hai nàng công chúa bé bỏng (cô chị bốn tuổi, cô em ba tuổi). Lo cho các con ăn cũng đủ mướt mồ hôi... Lợi cười hiền hậu: “Lâu lâu mới phải phụ vợ một tý, còn công việc nội trợ thường là vợ em gánh vác. Đầu tắt mặt tối suốt ngày, nhưng được cái cô ấy yêu chồng, thương con hết mực và không bao giờ có một lời ta thán...! Em đi sớm về muộn và nhiều đêm gần như thức trắng, cô ấy luôn thông cảm và còn là nguồn động viên cổ vũ để em hoàn thành nhiệm vụ”.
Rời khỏi căn nhà ấm áp, tràn ngập yêu thương, hạnh phúc qua cách chăm chút con của Thiếu tá Tống Văn Lợi. Tôi vẫn nhớ những ánh mắt hồn nhiên của hai cô con gái bé nhỏ, chúng lấp lánh, rạng rỡ đầy niềm vui vì sắp được bố chở đi công viên chơi trong ngày chủ nhật. Tôi nhớ mãi câu nói của anh: “Với em, gia đình là tổ ấm là chốn bình yên để đi về, nghỉ ngơi thư giãn sau những lam lũ đời thường. Nếu không có nơi chốn bình yên ấy, thật khó làm nổi việc gì cho ra hồn...”.
Trở lại với Phòng Hồ sơ nơi Lợi công tác, được biết: Đơn vị quản lý trên năm trăm ngàn hồ sơ, tài liệu, hàng trăm ngàn thẻ, danh chỉ bản. Chỉ tính trong năm năm trở lại đây, đơn vị đã cung cấp hàng chục ngàn bản sao y tài liệu, tra cứu trăm ngàn lượt yêu cầu thông tin, phục vụ công tác nghiệp vụ và các yêu cầu chính đáng khác. Trong đó, nhiều thông tin có giá trị góp phần giúp công tác đấu tranh chuyên án thắng lợi, truy bắt đối tượng truy nã trốn sâu, ẩn lâu, truy tìm tung tích nạn nhân... Riêng năm 2017 Phòng Hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý, tra cứu, phục vụ xác minh thông tin lý lịch tư pháp 5.574 trường hợp, xác nhận không tiền án 338 trường hợp. Để đơn vị hoàn thành số lượng công việc khổng lồ như vậy, công đầu thuộc về Tổ Tin học do Thiếu tá Tống Văn Lợi phụ trách...
Anh còn nghiên cứu viết nhiều phần mềm ứng dụng công tác hồ sơ ở các đơn vị Công an tỉnh. Góp phần tin học hóa, tăng tốc độ tiếp nhận, quản lý, xử lý, tra cứu, cung cấp thông tin về tiền án, tiền sự, thông tin nghiệp vụ, giúp điều tra viên có thông tin làm căn cứ điều tra phá án đúng người, đúng tội không xảy ra oan sai, phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kỳ mới.... tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền của trong giải quyết công việc.
Nhắc đến Thiếu tá Tống Văn Lợi ở Phòng Hồ sơ, nhiều lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk đều hết lời khen ngợi: Lợi là tài năng thật sự. Từ khi các phần mềm nhận dạng dấu vân tay của của Lợi được đưa vào ứng dụng, công việc của anh em chúng tôi đỡ vất vả đi nhiều. Nếu như trước đây để truy cứu dấu vân tay đối tượng để lại trên hiện trường phải chụp ảnh, chui vào trong chăn tráng phim, rửa ảnh, rồi bao nhiêu người chụm đầu vào phân tích, sàng lọc và phải trải qua nhiều công đoạn thì nay chỉ vài thao tác nhắp chuột đã cho kết quả chính xác… Một số phần mềm Lợi viết theo sự chỉ đạo của cấp uỷ lãnh đạo đưa vào ứng dụng thực tế, nâng cao hiệu quả công tác, tăng năng suất công việc và đáp ứng cải cách thủ tục hành chính như:
Phần mềm quản lý công văn, Phần mềm quản lý cán bộ giúp cho việc quản lý thông tin cán bộ một cách khoa học, nhanh chóng và chính xác. Phần mềm quản lý đối tượng vi phạm pháp luật lập căn cước được lãnh đạo đơn vị cho triển khai toàn tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý và lập căn cước tại các nhà tạm giữ của công an các huyện, thị xã, thành phố, Trại tạm giam - Công an tỉnh. Tăng hiệu suất công việc, hỗ trợ cao cho công tác thống kê, báo cáo nắm số lượng đối tượng phạm tội bị lập căn cước, qua đó nắm bắt tình hình tội phạm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố và của toàn tỉnh Đắk Lắk. 
Thiếu tá Tống Văn Lợi làm được rất nhiều việc cho Phòng Hồ sơ, cũng như Công an tỉnh Đắk Lắk, nhưng bản thân anh luôn hòa đồng, vui vẻ, luôn khiêm tốn, học hỏi, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với anh em, đồng chí. Đăng ký nộp lưu các loại hồ sơ vụ án, chuyên án và hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát, đảm bảo hồ sơ luôn trong tình trạng “sống” không “chết”. Tất cả hồ sơ được sắp xếp lưu trữ một cách cẩn thận, khoa học, phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, sao chụp, cung cấp tài liệu khi các cá nhân trong và ngoài ngành đến liên hệ làm việc; góp phần trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tuyển sinh, tuyển dụng và công tác bảo vệ nội bộ; vận dụng kiến thức tin học, khích lệ cán bộ chiến sỹ say mê làm việc, tạo không khí sôi nổi, hứng khởi trong việc ứng dụng các phần mềm thay thế phương pháp thủ công trước đây.
Không dừng lại ở đó, Thiếu tá Lợi còn là chủ công viết nhiều phần mềm mang tính ứng dụng thực tiễn cao, được lãnh đạo biểu dương và cho phép ứng dụng trên phạm vi toàn tỉnh như: Phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu, tìm kiếm, lọc, thống kê số hồ sơ trống của công an các huyện, thị xã, thành Phố; Phần mềm quản lý biểu mẫu nghiệp vụ, tố tụng; Phần mềm Quản lý việc đăng ký và nộp lưu hồ sơ; Phần mềm quản lý, theo dõi hồ sơ rút mượn nhằm kịp thời nhắc nhở và đôn đốc cán bộ, đơn vị có hồ sơ quá hạn nhưng chưa hoàn trả theo quy định, tránh tình trạng mất, thất lạc hồ sơ. Tham gia điện tử hóa và kết nối dữ liệu chứng minh nhân dân cho Phòng Quản lý hành chính, nâng cao năng suất trong việc tra cứu cấp phát chứng minh.
          Với sự năng động, sáng tạo và những đóng góp tích cực, liên tục năm năm từ 2013 đến 2017, Thiếu tá Tống Văn Lợi đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2013 được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”. Năm 2015 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chứng nhận là Đại biểu chính thức dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Hà Nội… Còn rất nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho Tống Văn Lợi mà trong khuôn khổ bài viết không thể nêu hết được.
Với những thành tích xuất sắc như đã kể trên, Thiếu tá Tống Văn Lợi được cán bộ chiến sỹ, lãnh đạo đơn vị tín nhiệm và bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Hiện anh đang là Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Đắk Lắk.
Bởi chính anh là người đã tạo ra sự thay đổi lớn trong công tác quản lý hồ sơ của Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt hồ sơ “lên tiếng” nhanh nhất khi cần.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI