Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

NHƯ CÁNH CHIM KHÔNG MỎI bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018


Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”






Gặp nhau như một định mệnh duyên phận, họ sánh vai chiến đấu gìn giữ đất nước cũng như  bảo vệ sự bình yên của cuộc sống, dù thời chiến hay thời bình biết bao khó khăn thách thức đặt ra, họ như cánh chim không mỏi đem hạnh phúc đến cho muôn nhà, đó là vợ chồng anh Cầm Bá Mao và chị H’Tếch, nguyên cán bộ thuộc lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk.
Thời chống Mỹ:
Chàng trai người dân tộc Thái Cầm Bá Mao, thuộc đơn vị chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, anh luôn tự hào mình được sinh ra từ vùng đất có đỉnh Pù Mé âm vang “lời thề Lũng Nhai” của Nghĩa quân Lam Sơn một thuở, mang trong người hào khí của mảnh đất anh hùng đến với vùng đất Tây Nguyên kiên cường, ai dè số phận đã gắn bó mãi mãi cuộc đời anh với chị - H’Tếch, dân tộc Êđê, cán bộ an ninh miền Nam hoạt động tại quận Buôn Hồ quê hương chị. Năm 1972, giữa lúc chiến trường Tây Nguyên ác liệt thiếu thốn đủ bề “Một lạng gạo chia cho ba bữa…/ Tây Nguyên một lần ai đến đó/ sẽ suốt đời mắc nợ nhớ thương nhau…”, anh chị gặp nhau; vừa kịp trao nhau niềm tin thì mỗi người có một nhiệm vụ của mình.
Chị nhận lệnh cùng tổ an ninh đột nhập ấp chiến lược tại khu vực Pơng Drang tiêu diệt ác ôn, do trinh sát để lại dấu vết, địch phát hiện phục kích, chưa kịp tới hàng rào ấp chiến lược thì dính mìn nổ. Không ai hy sinh, nhưng tất cả đều bị thương, chị H’Tếch bị thương nặng nhất, mảnh mìn cắm vào chân tay, có một mảnh xuyên vào bụng làm lủng ruột. Cuộc tiêu diệt ác ôn không thành, tất cả tổ phải chuyển ra rừng điều trị. Trạm phẫu thuật thời chiến thiếu thốn không có thuốc gây mê, chị cắn răng chịu đựng cho quân y mổ bụng nối ruột. Trở về đơn vị chân đi còn cà nhắc thì chị nhận được giấy gọi ra miền Bắc đào tạo chuyên môn.
Anh tham gia chiến đấu cùng đơn vị trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, có lẽ để lại dấu ấn hơn cả là cuộc truy kích địch trên đường số Bảy từ Cheo Reo, Phú Bổn xuống đến đồng bằng Phú Yên; một cuộc truy kích hiếm có trong lịch sử chiến tranh, bộ đội ta vừa trải qua năm tháng thiếu thốn ở Tây Nguyên, quần áo giày dép không được bổ sung, chân đất té tua rớm máu vẫn chạy truy kích địch. Phía địch, đội quân trang bị hiện đại từ đầu đến chân hoảng loạn bỏ lại xe pháo súng ống nằm ngổn ngang dọc đường, có tên bỏ lại cả vợ con chỉ mong thoát thân. Cả anh và chị đều trải qua những năm tháng thiếu thốn, ác liệt, thấu hiểu cái giá phải trả để có cuộc sống hoà bình. Chàng trai Thái hoàn thành nhiệm vụ, cùng đơn vị trở lại hậu cứ Buôn Hồ, cô gái Êđê xong khoá đào tạo tại miền Bắc trở về quê hương, họ cùng nhau “thực hiện lời thề” về chung sống một nhà với dự định sinh ra những đứa con mang dòng máu hai sắc tộc, nuôi dưỡng dạy dỗ chúng thành những chàng trai có sức vóc của chàng Đam San huyền thoại, những cô gái duyên dáng căng tròn sức sống của núi rừng Pù Né mang truyền thống vùng đất của người anh hùng Lê Lợi, chúng sẽ noi gương cha mẹ góp phần gìn giữ và xây dựng vùng đất Tây Nguyên, quê hương mà chàng trai người Thái Cầm Bá Mao nguyện gắn bó.
Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước:
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất thì anh và chị cũng hoà hợp một nhà. Khi đó chị cũng vừa cầm tờ quyết định của Bộ Công an về nhận công tác tại công an tỉnh Đắk Lắk. Đất nước vui hưởng hoà bình chưa bao lâu, cuộc sống hạnh phúc gia đình còn dang dở dự định, chiến tranh biên giới Tây Nam kêu gọi, anh lại lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc trong khi chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Sinh con trong hoàn cảnh xa chồng, trong khi lực lượng Fulro từ bên kia biên giới xâm nhập lôi kéo đồng bào ta, khắp các buôn làng nổi lên như những đợt sóng ngầm, người dân chưa hiểu về cách mạng dễ nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chị lại nhận nhiệm vụ trấn an tinh thần đồng bào, chị phải gửi con cho một gia đình đối tượng Fulro trông nom, cử một đồng chí chiến sĩ công an canh chừng, chị đi tuyên truyền vận động bà con mình đừng tin nghe theo lời dụ dỗ của bọn phản động mà làm hại nước hại dân. Thương yêu chồng đã chọn mảnh đất Tây Nguyên của chị gắn bó nên H’Tếch không theo phong tục của dân tộc mình mà đặt tên con mang theo họ của chồng: Cầm Thị Thu Hà. Mỗi khi nằm bên con, lòng H’Tếch thấp thỏm lo âu, chị luôn giật mình bởi tiếng súng nổ đâu đó trong giấc ngủ. Không ngủ được, chị bật dậy tìm việc làm, dọn dẹp xong ngồi trước sàn nhà chị nhẩm lại bài thơ: Bài ca chim Chơ rao của nhà thơ Thu Bồn mà anh hay đọc cho chị nghe, anh ví von cánh chim đó là anh đang làm sứ mệnh đem mùa xuân, hạnh phúc đến muôn nhà: Đêm tháng bảy trời sao yên tĩnh/ Tiếng lá rơi gõ nhẹ trước hiên thềm/ Mỗi trận gió lùa vào song sắt/ Có tiếng thở dài người lính gác đêm…
Có được hạnh phúc anh chị đã phải trải qua không ít thử thách, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, tiếng súng trên biên giới phía Bắc nổ, anh lại theo đơn vị nhận lệnh điều động ra miền Bắc vội vã, không cho anh kịp nhìn mặt đứa con gái. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính, anh cầm tờ quyết định phục viên ghi địa chỉ quê hương huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá nơi anh nhập ngũ. Về quê với gia đình họ hàng, lòng anh luôn thổn thức hướng về vợ con đang trông ngóng từng ngày nơi cao nguyên đất đỏ bazan. Bố mẹ, anh em gom góp kinh phí cho anh trở vào Tây Nguyên. Vậy là từ ngày đứa con gái đầu lòng sinh ra anh chưa biết mặt, hết chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc thấm thoắt thời gian trôi qua sáu năm. Quãng thời gian anh lo bảo vệ tuyến phên giậu Tổ quốc, ở nhà chị lo làm nhiệm vụ chiến đấu với lực lượng Fulro, bảo đảm an ninh cho cuộc sống quê hương cũng gian khỗ khó khăn không kém gì anh đi đánh đuổi quân xâm lược ngoài biên cương. Chị gửi con nhỏ đi khắp các buôn làng đồng bào mình để tuyên truyền. Địa bàn chị hoạt động lúc đó bao gồm cả khu vực huyện Krông Năng bây giờ, kéo vào đến địa phận huyện Cư M’gar, địa phận Ea Suop, vượt rừng núi, lội suối không có phương tiện nào khác ngoài đôi chân. Những vùng lực lượng Fulro xâm nhập lôi kéo thường những địa bàn vùng sâu vùng xa đồng bào còn thiếu thông tin về cách mạng như xa Ea Hồ, xã Cư Né, Ja Wằm… Có lần chị đang vào một gia đình có đối tượng theo Fulro vận động tuyên truyền thì bị lực lượng fulro phục kích bắn như vãi đạn vào nhà. Anh Trần Chương sau này là Trưởng công an huyện Krông Buk thấy đạn bắn rát quá, hỏi tổ trưởng:
-  Bây giờ làm sao chị?
- Chú ôm súng nằm ép xuống sàn chờ đợi, đứng dậy là chết.
Cuối cùng tổ an ninh của chị cũng bình an. Biết là nguy hiểm vậy, nhưng chị nghĩ Fulro cũng là đồng bào mình, do họ thiếu hiểu biết dễ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, mình phải kiên trì tuyên truyền vận động để họ hiểu cùng đồng tâm bảo vệ xây dựng buôn làng. Với suy nghĩ vậy nên dù đôi chân vượt qua chặng đường đồi núi hiểm nguy, bầu vú căng sữa nhức nhối trong khi con ở nhà đói khóc, chị vẫn vượt lên nỗi nhọc nhằn gian nan để làm nhiệm vụ.
Anh Cầm Bá Mao cầm tờ quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đưa cho chị, chị báo cáo với tổ chức để anh được đứng vào ngành công an cùng chị tiếp tục chiến đấu bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Trong lúc đất nước mới thống nhất đang xây dựng kiến tạo, chính quyền non trẻ đứng trước sự đe doạ của thế lực thù địch, cần được bảo vệ, vậy là anh Cẩm Bá Mao được đứng vào hàng ngũ công an sát cánh cùng chị làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cuộc sống.
Đất nước thời bình:
Đất nước chiến tranh cả nước lo đánh giặc, sau chiến tranh kinh tế đất nước kiệt quệ, toàn Đảng, toàn dân lại lo chống giặc đói. Trải qua năm tháng xa cách và chờ đợi, gian khổ, ác liệt chống thù trong giặc ngoài, gia đình anh được xum họp thực sự. Bé Cầm Thị Thu Hà tròn sáu tuổi thì chị sinh đứa con trai thứ hai. Chị vui mừng vì sinh con lần này có anh bên cạnh. Anh bàn với chị, mình đã thiệt thòi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh không được học hành để có kiến thức hiểu biết hơn, phải cho các con ăn học sau này có kiến thức mà đóng góp xây dựng, bảo về đất nước quê hương. Từng chứng kiến cảnh thiếu thốn đói khổ trong chiến tranh, anh chị mua thêm rẫy ra sức lao động tích luỹ thêm để cuộc sống đủ đầy có điều kiện chăm lo cho con cái, gia đình anh chị được đánh giá là gia đình cách mạng mẫu mực trong thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Được chị H’Pin Mlô, chủ tịch xã Pơng Drang giới thiệu, tôi đến thăm gia đình anh chị, giờ đây đã là hai ông bà gần 70 tuổi. Theo Khổng Tử thì đó là cái tuổi Lục thập nhi nhĩ thuận, có nghĩa con người ta tới 60 tuổi thì mới đạt tới mức độ hoàn hảo về mặt trí – hành, kiến – văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Hai ông bà giờ đây giờ đây đã có thể tự hào về sự cống hiến của mình và cảm thấy mãn nguyện về cuộc sống hiện tại. Bà H’Tếch tâm tình: So với xã hội thì chúng tôi đâu dám sánh, thời buổi kinh tế thị trường nhiều người giàu có, nhưng cái tình nghĩa con người không bằng thời khó khăn. Gia đình tôi từng trải qua chiến tranh thiếu thốn nên được như bây giờ tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi.
Cô con gái đầu Cẩm Thị Thu Hà mong ước trở thành cô giáo dạy chữ cho con em đồng bào mình có kiến thức hiểu biết hoà nhập với xã hội; cô đã thực hiện được đúng ước mơ, hiện cô đang làm giáo viên dạy trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Anh con trai thứ hai Cầm Việt Hùng theo truyền thống gia đình trở thành sĩ quan đứng trong lực lượng công an đang công tác tại huyện, anh con trai út cũng trong lực lượng công an nhưng đã ra đi trong một tai nạn. Để chủ động cuộc sống và góp phần cùng con cái, ông bà vẫn không nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc của hai ông bà là được lao động bằng đôi bàn tay của chính mình, hàng ngày hai ông bà thay nhau chăm sóc 3,5 héc ta điều, hơn 2 sào cà phê góp phần nâng cao đời sống cho gia đình và trông coi, đưa đón 5 đứa cháu nội ngoại đến trường. Một điều hạnh phúc nữa theo bà thì gia đình ông bà sống trong tình yêu thương quý trọng của buôn làng, kể cả những gia đình trước đây từng có đối tượng theo Fulro bị lực lượng an ninh của bà truy quét cũng không hề oán trách. Có nhiều người khó khăn về mặt kinh tế được ông bà giúp đỡ không những tạo công ăn việc làm, thậm chí có lúc hỗ trợ lương thực, kinh phí để họ sản xuất ổn định đời sống, họ gọi bà là mẹ, là bà ngoại.., ông nói vui với bà: Đó là cánh chim Chơ Rao lấy lại bay tới đâu đem mùa xuân đến đó. Đúng là cánh chim núi Pù Mé đã chọn rừng Tây Nguyên xây tổ, giờ đây tổ ấm nở ra những con chim mang hai dòng máu đang nối tiếp truyền thống cha mẹ góp phần bảo vệ sự bình yên cuộc sống và xây dựng quê hương.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI