Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

THUỶ TIÊN - NGƯỜI ĐẸP CÔ ĐƠN GIỮA ĐẠI NGÀN - ghi chép của NGUYỄN DUY XUÂN - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018





Một ngày đầu tháng Tư, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk làm một chuyến du ngoạn thác Thuỷ Tiên ở Krông Năng. Khoảng thời gian này trong năm có thế nói là rất đẹp về thời tiết ở cao nguyên, rất lí tưởng cho những chuyến đi dã ngoại.
Sáng xuân hôm ấy, trời trong xanh không một gợn mây, chẳng còn những cơn gió gào thét như mấy hôm trước. Bỗng thấy tâm hồn lâng lâng một niềm vui khó tả. Càng thú vị hơn khi tham gia chuyến đi này còn có mấy cô văn nghệ sĩ Sài Gòn vừa chân ướt chân ráo từ nơi phồn hoa đô hội lên Tây Nguyên làm cuộc viễn du về miền đất lạ.
7 giờ 30 phút, chiếc xe khách hạng trung rời trung tâm thành phố, nhằm hướng Krông Năng xuất phát. Nắng sáng vàng tươi chiếu rọi vào ô cửa xe. Gió se se lạnh lùa qua khe cửa. Một cảm giác khoan khoái dễ chịu tràn ngập trong con người tôi. Bỗng dưng thấy cuộc đời thật đẹp và đáng yêu làm sao!
Từ thành phố Buôn Ma Thuột để đến được với thác Thuỷ Tiên, bạn phải vượt qua chặng đường gần 60 ki lô mét. Thác nằm ở địa bàn xã Ea Puk, huyện Krông Năng, cách trung tâm huyện khoảng 10 cây số về phía đông bắc.
Thuỷ Tiên, hiểu nôm na là nàng tiên nước. Tên gọi này xuất phát từ đặc điểm của dòng thác: Nước tuôn chảy mượt mà tựa suối tóc của cô gái chăng? Và vì thế, thác không chỉ đẹp về hình thể mà tạo hoá đã ban cho nó, thác còn ấn tượng bởi cái tên mĩ miều mà con người mến yêu trao tặng.
Nhưng Thuỷ Tiên còn có một tên khác, tuy đậm chất địa chất nhưng cũng rất gợi hình: Thác Ba Tầng.
*
Xe dừng lại mươi phút để du khách ngắm cảnh thị trấn Krông Năng. Hôm nay gặp lại, tôi sững sờ vì thấy vùng đất yêu thương này có nhiều thay đổi. Thời gian như gió thoảng qua. Hơn mười năm trước, xuống công tác ở vùng đất yêu đất quí này, thị trấn còn đơn sơ lắm. “Con đường xưa ngập nắng” giờ đã nhường chỗ cho đại lộ rộng thênh thang. Trung tâm thị trấn là một quảng trường mênh mông. Và cái cột cờ, có lẽ nó cũng chẳng hề kém chị kém em so với cột cờ nơi quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột. Đứng cách xa hàng chục mét vẫn nghe tiếng phần phật của lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm.
Rời phố huyện, xe đi giữa bạt ngàn cà phê, cao su. Những cánh rừng cao su còn non trẻ như vô tận đến chân trời. Đất vàng, đất bạc đang hứa hẹn một ngày mai tươi sáng.
Tâm hồn tôi miên man với bao suy tưởng để rồi như bừng tỉnh khi đập vào mắt mình là dòng chữ trên bảng chỉ dẫn đặt ở góc ngã ba đường: Khu du lịch thác Thuỷ Tiên, di tích danh thắng cấp quốc gia. Ồ, Thuỷ Tiên tầm cỡ quốc gia cơ đấy! Thế mới xứng với tầm vóc của một nàng tiên chứ! Du khách dường như cảm thấy phấn chấn hơn trước giây phút chạm mặt “người đẹp” của đại ngàn.
Khi tiếng máy của xe khách ngừng hẳn thì cũng là lúc âm thanh của mong đợi vọng về từ xa xa. Tiếng thác nước nghe rõ dần, nhè nhẹ, dìu dịu, rồi ầm ào sau khi bạn đã rời bước khỏi bậc thang dốc đứng cuối cùng để chính thức đặt chân lên thác. Xúc cảm chuyển dần từ hồi hộp (như gặp người yêu) đến reo vui, ngỡ ngàng trước vẻ khác thường của dòng thác.
Trong cụm 8 ngọn thác được công nhận là di sản danh thắng cấp quốc gia ở Đắk Lắk, tôi đã từng chiêm ngưỡng Đray Sáp, Đrai Nur, Đrai Dlông. Những ngọn thác ấy đều mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên huyền thoại. Nhưng Thuỷ Tiên thì rất khác, có lẽ vì nàng đẹp đã đành, chuyện này thì tôi không muốn ngợi ca thêm nữa, vì mình là người đi sau, lại chả đủ ngôn từ mĩ miều trước vẻ nghiêng nước nghiêng thành của “người đẹp” đại ngàn.
Từ Buôn Ma Thuột đến xã Ea Púk, nơi Thuỷ Tiên chọn làm cõi vĩnh hằng cho mình, chỉ non sáu chục cây số nhưng xe chúng tôi cũng chạy mất hơn hai tiếng đồng hồ. Tới nơi thì đã xế trưa. Đoàn tổ chức ăn nhẹ buổi trưa ngay bên thác. Cũng thịnh soạn ra phết. Có bánh chưng, giò chả, bánh mì và cả bia đem theo từ Buôn Ma Thuột nữa. Tuy “năng lực cán bộ” yếu kém nhưng tôi cũng “chiến” được một lon, bõ cái công mình vác thùng bia từ chỗ đậu xe, vượt 100 bậc dốc xuống suối.
Có điều này xin mách nhỏ với bạn: Uống bia giữa đại ngàn, lại bên một người đẹp như Thuỷ Tiên mới thú vị làm sao. Hương vị đặc biệt của bia chắt từ lòng đất Ban Mê hoà với nguyên khí trong lành và suối nguồn tươi mát của Thuỷ Tiên. Giữa cái ồn ã, xô bồ của cuộc sống hiện đại, có được phút giây thư thái, thả hồn về với thiên nhiên như thế, mới cảm nhận được cái linh thiêng của nơi cội nguồn sự sống.
Tôi dành thời gian ngắn ngủi của buổi trưa để mong khám phá được chút gì về Thuỷ Tiên, về cái sự “rất khác” của nàng mà tôi đã nói ở trên. Thuỷ Tiên không có cái hùng vĩ, hào sảng âm thanh của đại ngàn như bao dòng thác khác ta vẫn thường gặp. Thuỷ Tiên dịu dàng như một cô gái đẹp có giọng hát ngân nga. Đó là sự khác biệt rõ nhất mà du khách cảm nhận được ngay khi vừa đặt chân xuống thác. Nơi vĩnh hằng nàng chọn cho mình là một dải đá trầm tích, có cấu tạo phân lớp, thế nằm ngang như mặt nước (thể vỉa – sill). Đây là thế trầm tích ít gặp trong vận động kiến tạo địa chất hàng triệu triệu năm trước. Có lẽ vì thế mà Thuỷ Tiên còn có tên khác là Thác Ba Tầng. Nền thác nhìn chung là bằng phẳng, phân chia làm ba nấc rõ rệt. Lòng thác trải rộng với những phiến đá tựa như những tấm gạch nền khổng lồ chồng lớp lên nhau khiến cho Thuỷ Tiên có được cái ưu thế hơn những ngọn thác khác. Du khách trẻ già, ai cũng có thể tung tăng, hoà mình giữa lòng thác nước chỉ lấp xấp lút mắt cá chân chứ không phải đứng từ xa mà ngóng vọng như Đray Sáp, Đrai Nur hay Đrai Dlông.
Tôi lẩn thẩn đi dọc hai bên bờ thác, ngắm nhìn thật kĩ những mảnh đá như gạch vỡ rải đầy dưới chân. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi những vỉa đá xếp thẳng băng dọc bên bờ. Ấn tượng nhất là cái vỉa đá chạy dài ở lưng chừng bờ thác, độ dày khoảng hai mươi phân, có những đoạn nhô ra khỏi vỉa, vuông thành sắc cạnh tựa như những lát bánh vừa cắt ra trong bữa đại tiệc của thiên nhiên. Tạo hoá quả là vi diệu. Con người dù rất tài giỏi đấy cũng chẳng thể bao giờ tạo được những kì quan vĩ đại như thế.
“Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông”. Tôi ngược theo dòng thác. Ở khúc đầu nguồn, thác hẹp dần, rồi lẫn vào đại ngàn đầy hoang sơ, bí ẩn.
Bên bờ trái bỗng xuất hiện một phiến đá tương đối phẳng, rộng chừng vài chục mét vuông, nằm nghiêng nghiêng cạnh một bậc thềm mà nếu toạ lạc ở chỗ khác chẳng ai nghĩ đó là sản phẩm của tạo hoá. Điều kì lạ là trên mặt phiến đá nổi lên những đường cắt ngang dọc, tựa như mảnh sân được lát ghép tinh vi bởi bàn tay điệu nghệ của một người thợ nào đó. Bất giác tôi nghĩ, bậc thềm này, sàn đá này phải chăng là nơi nàng Thuỷ Tiên thuở xa xưa từng lên đây ngồi hong tóc sau mỗi lần tắm gội? Ở Tây Nguyên, ngọn thác nào cũng gắn liền với một huyền thoại. Huyền thoại về tình yêu, sự thuỷ chung và lòng nhân ái. Thuỷ Tiên cũng không là ngoại lệ.
Thuở ấy có nàng H'Năng
Chẳng quản gian nan đi tìm chồng
Tìm miền đất hứa cho dân bản
Kiệt sức gục xuống lòng suối cạn
Thương tình, Giàng nổi trận mưa dông

Dân làng thoát khỏi cơn đại hạn
Ơn người cứu nạn đã xả thân
Hồn thiêng hoá thành dòng suối mát
Nhớ nàng, gọi mãi Thác Thuỷ Tiên
(Huyền thoại Thuỷ Tiên – Nguyễn Duy Xuân)
*
Tạm biệt Thuỷ Tiên, chúng tôi về lại Ban Mê. Dọc đường, tâm trí tôi ngổn ngang bao suy tư. Lòng đầy tự hào về một vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều thác nhất trong cả nước. Nhiều thác đã nổi tiếng từ lâu nhưng lượng du khách đến khám phá, chiêm ngưỡng hãy còn khiêm tốn lắm. Thuỷ Tiên cũng nằm trong số đó. Dù nổi tiếng là một thác đẹp, độc đáo, được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia nhưng Thuỷ Tiên vẫn còn “xa xôi”, không chỉ vì đường sá, cơ sở hạ tầng hạn chế mà còn vì cách làm du lịch của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tại thác Thuỷ Tiên, dịch vụ, tiện ích đi kèm cũng rất “khiên tốn”, nếu không muốn nói là chưa có gì. Tuy lượng du khách tới thác chưa nhiều nhưng đã thấy không ít những bao nilon, chai nhựa, giấy báo… vứt dọc hai bên bờ thác, trên dòng nước chảy. Môi trường tự nhiên, vẻ nguyên sơ của dòng thác đang đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại bởi chính con người đến Thuỷ Tiên với khát khao được trở về nơi hoang dã.
Rồi thì, du khách đến Thuỷ Tiên thì cũng chỉ để biết Thuỷ Tiên mà thôi. Trong khi đó Thuỷ Tiên nằm giữa khu rừng nguyên sinh Ea Púk, liền kề với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thèm lắm một sự nối kết để “nàng Thuỷ Tiên” không còn lẻ loi giữa đại ngàn mênh mông.
Và còn đó rất nhiều những ngọn thác đẹp khác trên địa bàn tỉnh nhà nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đang “ngủ yên” nơi rừng thẳm.
Ai sẽ “đánh thức” tiềm năng vô giá ấy?
   Thuỷ Tiên – Ban Mê, Tháng Tư 2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI