Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI TRONG "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" CỦA NGUYỄN MINH CHÂU NHÌN TỪ THI PHÁP NHÂN VẬT lời bình của TRẦM THANH TUẤN - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018

 



(Ngữ văn 12 – tập II)



Nhân vật văn học là kết quả của quá trình hư cấu sáng tạo của nhà văn. Nhà văn muốn thông qua nhân vật để gửi gắm những thông điệp của mình, hoặc những chiêm nghiệm trước cuộc sống. Vậy nên mỗi nhân vật mà nhà văn sản sinh ra không thể là hình chiếu một trăm phần trăm nguyên mẫu từ cuộc sống mà nó đều mang tính "quan niệm". Nhân vật bao giờ cũng hiện ra trong cách hình dung, cảm nhận của tác giả về những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống. Nguyễn Minh Châu là một nhà văn lúc nào cũng trăn trở "tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người". Thế nên khi xây dựng nhân vật ông luôn có ý thức đặt nhân vật của mình lên bàn xoay để từ đó từng góc độ, từng khía cạnh của nhân vật tự bộc lộ. Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một nhân vật như thế.
Người đàn bà xuất hiện lần đầu tiên trong sự chứng kiến của Phùng, một nhiếp ảnh gia sau khi đã chứng một cảnh đắt trời cho. Nguyễn Minh Châu miêu tả “Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đên thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Đây là nhân vật tiêu biểu cho dạng “nhân vật tính cách – số phân”(1) trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Bằng một giọng văn lạnh lùng, tác giả đã bằng vài thông tin ngắn gọn mù mờ: người đàn bà ấy trạc bốn mươi, người miền biển, thân hình cao lớn thô kệch. Người đàn bà miền biển ấy lại được gọi bằng “thị, ả, mụ” thiếu thiện cảm.thế nên nhiều người khi đọc đến đây, họ lại muốn “phản biện” Nguyễn Minh Châu (2). Vì họ cho rằng nhà văn không nên gọi người đàn bà hàng chài như thế. Người đàn bà này không đáng “bị” gọi như vậy. Phàm những tài năng lớn thường vẫn vượt qua được cái khó của ngôn từ. Mà hi họ đã vượt qua được cái khó ấy thì ắt hẳn họ sẽ tiến tới làm chủ ngôn từ. Nam Cao vẫn gọi nhân vật của mình là mụ Lợi (Lang Rận) rồi lại còn “mụ béo trục, béo tròn, mặt mũi như tổ ong bầu, mắt trắng môi thâm”, Kim Lân gọi nhân vật là thị vốn là một cô “vợ nhặt”… mà ta có thấy những nhân vật ấy bị suy giảm phẩm chât nghệ thuật đâu. Ở đây, Nguyễn Minh Châu không hề có cái nhìn rẻ rúng nhân vật của mình. Người đàn bà không tên lại được gọi là “mụ” ấy, sẽ là một trong những mấu chốt tạo nên những tình huống “bừng tỉnh” trong Phùng và Đẩu sau này. Cái nhìn ban đầu càng thiếu thiện cảm thì phút giây “ngộ” của nhân vật càng có ý nghĩa, càng sâu sắc.
Trong những chi tiết đầu miêu tả nhân vật người đàn bà làng chài, tôi chú ý hơn đến chi tiết "Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo l­ưới, tái ngắt và dường như­ đang buồn ngủ". Đây là một chi tiết được tạo dựng để tác giả nhấn mạnh sức cam chịu của người đàn bà trước những đắng cay tủi hờn do người chồng vũ phu gây ra. Thông thường sau một đêm thức trắng, mệt mỏi và buồn ngủ sẽ khiến con người ta trở nên cáu gắt. Ấy thế mà người đàn vẫn chịu đựng những cơn cuồng nộ không có lí do của người chồng vũ phu trong trạng thái tâm lí ấy. Và cũng bắt đầu từ những chi tiết  này. Chiếc bàn xoay từ từ chuyển động, nhân vật bắt đầu hé lộ những phẩm chất đáng quý.
Khi đã cùng chồng vào bờ, người đàn bà làng chài ấy thừa biết chuyện gì sẽ sắp xảy ra với mình. Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng một chi tiết giàu ý nghĩ: "Người đàn bà đứng lại, ngư­ớc mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đư­a cặp mắt nhìn xuống chân". Tại sao người đàn bàn ấy lại phải nhìn trở lại mặt phá nơi có chiếc thuyền của gia đình bà đang neo đậu. Phải chăng đó là cái nhìn để thêm một lần xác thực không có đứa con nào của bà trên chiếc thuyền ấy phải mục kích cảnh cha của chúng hành hạ mẹ chúng. Sau khi đã chắc chắn, lũ con sẽ không nhìn thấy người đàn bà ấy đã "sửa soạn" cho mình một tâm thế để hứng chịu trận đòn của ông chồng vũ phu. Bà đã phải chịu một trận đòn phủ phàng từ chiếc thắt lưng của người chồng độc dữ. Nhưng người đàn bà ấy vẫn "cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn". Tuy nhiên bà không ngờ thằng Phác đã phát hiện và nó đã chạy sổ đến giật chiếc thắt lưng từ tay của cha mình. Hậu quả của tình trạng bạo lực trong gia đình cậu bé Phác là nỗi đau khổ nặng nề của người mẹ. Lúc này người mẹ khổ đau ấy không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị giày vò về tinh thần: "Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, nh­ư một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà". Bà luôn nơm nớp lo sợ con cái bị tổn thương. Dù bà hết sức che chắn (xin chồng đừng đánh mình trên thuyền, trước mặt con cái) nhưng rồi những đứa con vẫn biết sự thật khiến bà "vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã". Đứa con - cậu bé Phác - vì yêu mẹ, thương mẹ mà thành căm ghét bố. Nó xông vào đánh bố để bảo vệ mẹ và như vậy niềm tin trong trẻo của tuổi thơ đã bị rạn vỡ. Trong những đứa con của bà có lẽ bà lo cho thằng Phác hơn cả. Trong sự nhạy cảm tuyệt vời của người mẹ, bà biết thằng Phác sẽ là đứa bị tổn thương nhiều nhất. Bởi vì trong tất cả những đứa con nó là đứa giống cha nhất. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà bà đã để cho con lên ở với ông ngoại trên rừng vì chỉ có ở trên ấy thằng Phác mới được cách li hoàn toàn, thằng Phác mới giảm bớt những tổn thương tinh thần chính do cha nó tạo ra để sau này nó lớn lên một cách bình thường. Nó sẽ không đi lại đoạn đường mà cha nó đã đi. Chao ôi! Đằng sau cái xù xì ấy là cả một con người dạt dào yêu thương và thông tuệ.
Trong đoạn trên tòa án huyện, câu chuyện người đàn bà được lần giở từng trang. Mỗi trang đời của chị ta là một sự bừng ngộ thấm thía với Phùng và Đẩu. Bằng nghệ thuật phân tích tâm lí bậc thầy và một trái tim nhạy cảm trước nỗi đau của những mảnh đời bình dị trong cuộc sống, Nguyễn Minh Châu đã làm một cuộc phản biện quyết liệt để đánh đổ những định kiến của chính những nhân vật của mình và với cả cảm nhận ban đầu của người đọc.
Người đàn bà hàng chài không phải là con người chỉ biết cam chịu và nhẫn nhịn đến mức ngờ nghệch như Đầu và Phùng đã nghĩ mà ngược lại có thể nói đây là một người phụ nữ thông minh tinh tế.
Sự thông minh tinh tế có thể thấy được qua cách mà người đàn bà hàng chài đã chủ động thay đổi cách xưng hô từ "con"- quý tòa" sang "chị - các chú". Dưới góc nhìn ngôn ngữ có thể thấy người phụ nữ khốn khổ ấy đã khéo léo chuyển từ mối quan hệ thứ bậc (con - quý tòa) sang quan hệ thân sơ (chị - chú). Chính cách chuyển đổi như thế, người phụ nữ ấy đã buộc Phùng và Đẩu tiếp nhận câu chuyện của cuộc đời mình ở một vị thế khác. Chính vị thế ấy, người nghe mới có thể mở lòng hơn để chấp nhận câu chuyện mà bà sắp thuật lại. Như vậy đây chẳng phải là một điểm sáng đầu tiên đã phát lộ trong thế giới tâm hồn của người đàn bà hàng chài?
Trong quá trình giao tiếp, người phụ nữ đáng thương ấy lại tiếp tục khiến cho Phùng và Đẩu chuyển từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bà bộc lộ sự tinh tế của mình trong quá trình giao tiếp: "Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...".
Khen người ta trước "lòng các chú tốt" rồi mới phê bình người ta "các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc..." đấy chẳng phải là một "chiêu thức" hữu hiệu để bà có dịp chỉ cho Đẩu và Phùng thấy được những khuyết điểm của mình nhưng Phùng và Đẩu, những người trí thức, lại không thể phản ứng một cách mạnh mẽ vì bà đã chạm vào lòng tự ái của họ? Có thể nói đây chính là cách "phản đòn" khiến Phùng và Đẩu bất ngờ "cũng phải nói thật, những lời ấy, nhất là đấy lại là lời một người đàn bà khốn khổ, không phải dễ nghe đối với chúng tôi. Dầu mặt hãy còn trẻ, Đẩu cũng là một chánh án huyện. Còn tôi, một người đáng lẽ mụ phải biết ơn... Nhưng người đàn bà để lộ ra cái vẻ sắc sảo chỉ đến thế, chỉ vừa đủ để kích thích trí tò mò của chúng tôi".
Quả thật khi khuyên người đàn bà bỏ chồng: "Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu! Chị nghĩ thế nào?", Đẩu đã không đi sâu để tìm hiểu phận đời của những người đàn bà miền biển, trong đó có người đàn bà đang ngồi trước mặt anh. Cuộc đời của họ gắn chặt với con cái và phương tiện sinh nhai duy nhất của họ là con thuyền trên mặt biển đầy bất trắc. Và tất nhiên mỗi chiếc thuyền luôn luôn phải có một người đàn ông chèo chống. Bắt bà thôi chồng cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn sống duy nhất để duy trì cuộc sống của một bầy con thơ "Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa". Tôi đã thật thú vị khi liên kết chi tiết này với một chi tiết khác trong truyện "Viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má. Đẩu đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc sâu vào hai bên túi chiếc quần quân phục đã cũ. Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ". Tôi băn khoăn mãi với những suy nghĩ vẫn vơ: Phải chăng sự nhiệt huyết kia của anh chánh án Đẩu chỉ đang dừng lại ở những hiểu biết thủ tục giấy tờ? Và đây cũng chính là điều mà Nguyễn Minh Châu âm thầm gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình?
Với Phùng, chính câu chuyện của người đàn bà cũng phần nào giúp anh nhìn lại chính mình. Trong anh vẫn tồn tại quan niệm: những người bên kia giới tuyến đều là những người ác, người xấu. Phùng hỏi người đàn bà một câu như lạc đề: "Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?". Có lẽ nguyên nhân khiến Phùng hỏi câu này chính là sợi dây thắt lưng của lính ngụy mà lão đàn ông đã dùng để đánh đập vợ. Một chi tiết nhỏ nhưng hàm chứa ở đó một tinh thần phản biện quyết liệt của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Như vậy đã rõ, nhân vật người đàn bà hàng chài trong phân đoạn này được tác giả Nguyễn Minh Châu tạo dựng nhằm mục đích soi sáng tính cách của nhân vật Đẩu và Phùng.

Tôi vẫn thích thú khi qua mỗi dòng mỗi chữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, tôi đã có dịp nhìn sâu hơn vào "hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người " bị che khuất bởi những lấm láp của cuộc đời. Tâm hồn của người đàn bà là hạt ngọc như thế. Bà là một người phụ nữ đầy bao dung và thấu hiểu lẽ đời. Chao ôi! Để thấu thị được lẽ huyền diệu của cuộc đời đâu phải là việc dễ dàng gì đối với con người trong cuộc sống đầy biến động. Ấy thế mà một người đàn bà vùng biển "thô kệch", "xấu xí" quê kiểng đã thể hiện sự thấu hiểu lẽ đời của mình bằng những cách lí giải dung dị khi đề cập đến sự tha hóa tính cách của lão chồng: "Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi". Bà hiểu được nguyên nhân của sự tha hóa ấy. Bằng tấm lòng bao dung cam chịu bà tự nhận tất cả trách nhiệm ấy lên mình: "Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn", "nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật". Bà đang chiêu tuyết cho chồng mình, đang cố gắng để Đẩu và Phùng thấy nguyên nhân chính của việc tha hóa ở người chồng là cuộc sống đói khổ thiếu thốn, áp lực về nhu cầu áo cơm của một gia đình đông con khiến con người ta biến chất trở thành tàn bạo. Đây có thể xem là một ẩn ý, một tiếng nói hiện thực, một lời cảnh tỉnh của Nguyễn Minh Châu?
Hơn thế nữa tiếng nói ấy càng trở nên quyết liệt hơn khi Nguyễn Minh Châu xây dựng chi tiết: thằng Phác vì để bảo vệ mẹ mà đã hai lần phản kháng lại cha. Nhưng nguy hiểm hơn cả là lần thứ hai thằng Phác đã dùng con dao găm để bảo vệ mẹ nó trước những đòn roi tàn nhẫn của người cha. May mà cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí để bảo vệ người mẹ đáng thương. Tội ác đã không xảy ra nhưng nguy cơ tha hóa trong tâm hồn non nớt của Phác vẫn đang hiện hữu, và chính những vết sẹo tâm hồn này sẽ đẩy thằng Phác đến những bi kịch khác trong tương lai.
Tôi vẫn khâm phục người đàn bà hàng chài khi bà thể hiện quan niệm của mình về hạnh phúc. Câu hỏi hạnh phúc là gì? Luôn là câu hỏi lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Bà quan niệm hạnh phúc khi được nhìn thấy các con ăn no, gia đình quây quần bên mâm cơm "ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ", "vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...". Bà biết chắt lọc những hạnh phúc nhỏ bé trong cuộc sống để làm điểm tựa giúp bà vượt qua những khổ đau của cuộc đời.
Chính cuộc đời của người đàn bà hàng chài đã làm thay đổi sâu sắc quan niệm về cách nhìn nhận đánh giá con người cũng như quan niệm về nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Phùng. Chi tiết cuối tác phẩm, chi tiết về "tấm ảnh trong bộ lịch năm ấy" là một chi tiết thể hiện sự thức ngộ của người nghệ sĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực đời sống "Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông..." . Nghệ thuật chân chính phải bắt thật sâu vào đời sống của con người. Nghệ thuật chân chính là thứ nghệ thuật vì con người. Nhiệm vụ thiêng liêng của nghệ thuật là đi sâu vào khám phá đời sống chân thực trong  tâm hồn của mỗi con người.
Như vậy có thể nói qua từng ấy những con người trong câu chuyện của người đàn bà hàng chài, từng ấy những quan niệm mà bà đã ấp ủ, người mẹ miền biển lam lũ khó nhọc  đã "tự nhiên" cãi "trắng án" cho mình.
Và vì thế mà sẽ không quá lời khi tôi nghĩ rằng: Người đàn bà không tên của Nguyễn Minh châu sẽ tiếp bước những người đàn bà vô danh khác trong văn học nước nhà để trở thành những người đàn bà nổi danh trong văn học Việt Nam.


Chú thích
([1]) Tôn Phương Lan – Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu – NXB KHXH - 2002
([1]) Trên Văn học và tuổi trẻ số tháng 4 (185) 2009 đã đăng tải tả nhiều ý kiến xung quanh một bài viết "Có phải Nguyễn Minh Châu lỡ lời không?" đã được đăng ở Văn học và tuổi trẻ số tháng 2 (185) 2009, trong đó có ý kiến của Trần Quang Đại xem đây là "một chi tiết lỗi".




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI