Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

TIẾNG THƠ MỀM NHƯ GIÓ lời bình của BÙI MINH VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018




Lê Thị Minh Nghiệm làm thơ và có thơ in từ những năm 70 của thế kỷ trước. Thơ chị chân quê, chất phát, mộc mạc, hồn nhiên. Thơ song hành với chị như một bạn tình đã trải nhiều thử thách vẫn gắn bó, duyên nợ, thủy chung.
Sinh ra ở Thái Bình, từng sống ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Tháp... nơi nào chị cũng mến, nhưng có lẽ ấn tượng sâu thẳm, cảm xúc dạt dào nhất vẫn là thành phố Buôn Ma Thuột muôn quý ngàn yêu. Lê Thị Minh Nghiệm có mặt ở Đắk Lắk sau năm 1975, lúc đang ở tuổi đôi mươi:
“Từ quê lúa Thái Bình
Tôi về với quê em Đắk Lắk
Những cánh rừng bát ngát
Mở ra như lạ như quen.”
                         (Về với quê em)
Khi dạy học, lúc làm báo, dù ở cơ quan hay ở nhà, Lê Thị Minh Nghiệm vẫn có một khoảng thời gian riêng để suy nghĩ về đất nước, con người nơi chị trải qua. Những tên đất, lên làng xuất hiện trong hầu hết các bài thơ, nào Bông Krang, Đắk Phơi, Buôn Tría, Khuê Điền, Ea Phê, Dray Sáp...đến Lắk, Krông Năng, Đắk Nông, Đắk Lắk... Chị đi nhiều, ngắm nhiều và rung động trước cảnh vật, cây cối, mùa màng, vui cùng với cái vui chung của cộng đồng các dân tộc. Thơ chị có hình ảnh của cây lúa, đậu, cà phê, dâu, khoai, sắn, chè, cao su... cũng có những cây đại ngàn như: rừng dầu, tếch, cà te, giáng hương, cẩm lai, trắc... có cả các nhạc cụ như: đing pah, chiêng, trống, ghi ta...
Sự gắn bó với mảnh đất này được chị khẳng định như một lời thề của mọi thế hệ đối với vùng quê mới:
“Đất này chưa đến đã mê
Đất này đến chẳng thể về được đâu
Đất này duyên nợ nặng sâu
Như tình em chẳng phai màu thời gian.”
Quan hệ thân thiện giữa người làm thơ và hiện thực cuộc sống có tính xuyên suốt đã bộc lộ trong nhiều bài thơ, tạo ra những hình ảnh, những cách nói độc đáo:“Khuê Điền ơi, bước đi không nỡ/ Lúa kín đồng lúa níu bàn chân”. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, Minh Nghiệm có những bộc trực đầy trách nhiệm: “Dray Sáp có hay, ta thành người mắc nợ”. Điều dễ thấy trong từng bài thơ của Minh Nghiệm là sự nhân hậu, tràn ngập tình thân yêu. Đọc thơ Minh Nghiệm, tình yêu được nhân lên, cuộc đời nhân đạo hơn. Tôi đọc trên 40 bài thơ của chị, bài nào cũng dạt dào sự ưu ái với đời, với người. Ngắm một công nhân nông trường, Minh Nghiệm giúp ta phát hiện vẻ đẹp của một cô gái lao động:
“Sáng em đi sương phủ trắng mái nhà
Tối em về trăng đậu vàng vai áo”
                            (Nông trường của em)
Hoặc:
“Các cô thôn nữ
Gánh lúa về làng
Bàn chân nhẹ bước
Nhún nhảy nắng vàng
Gánh cả mùa màng
Trên đôi vai nhỏ”
               (Mùa xuân quê mới)
Sự nhân hậu bàng bạc trong ý tứ, hình ảnh, cảm xúc, tạo nên cái nhìn thi vị, lãng mạn gần như là nét riêng nổi bật trong thơ Minh Nghiệm. Thăm một vùng dâu, chị đã rón rén như nàng tiên, gót chân sen nhẹ nhàng: “Sợ lay động cả một vùng dâu non”. Đôi tay thiếu nữ không dám cựa quậy, chỉ: “Vịn thật là êm, sợ làm đau cọng dâu mềm như nhung”.
Minh Nghiệm ít nói đến kỷ niệm, ký ức và tình yêu riêng lẻ. Nhưng khi đề cập đến, tay chị giang rộng, cởi mở, vị tha như Leo Tolstoy: “Hạnh phúc của một người là làm cho người khác sung sướng”.
“Em muốn mình là dòng sông im lặng
Dẫu vui buồn quặn thắt một mình đau
...
Em chỉ sống với những gì chân thật
Và trái tim nhân hậu của riêng mình”
Và một thoáng buồn phảng phất khi nỗi trống vắng ập đến mang theo cái lạnh của heo may, của gió và mây. Minh Nghiệm chỉ trách nhẹ nhưng chua chát, quặn lòng: “Có phải anh vô tình/ Nên làm sao hiểu được/ Giọt nước mắt u buồn/ Trên môi em mặn chát.”.
Lê Thị Minh Nghiệm làm nhiều thơ và thơ chị ngày càng chín, có giọng điệu riêng. Tiếc một điều là chưa tập hợp, chưa có người tổng kết, đánh giá, rút ra cá tính sáng tạo nhằm thúc đẩy sự nghiệp sáng tác ngày càng tiến triển hơn của chị. Qua một số bài thơ tôi đọc nhanh, đã phát hiện nhiều sự thú vị trong cách ví von, so sánh:
Điệu quan họ ngọt như sữa mẹ
Đưa tôi về với hội cầu lim
                     (Đêm lâm trường em hát)
Chiếc cầu bắt ngang như sợi chỉ nâu
Nối đôi bờ cho em gặp anh những chiều giặt áo
                    (Trên công trường mùa xuân và giọng hát)
Hoặc một lối nói vừa rất bản địa, nhưng cũng rất hiện đại:
“Trăng trung tuần sáng lạ
Ngủ quên ở đỉnh rừng
Tiếng đàn trầm hùng
Luồn qua nóc nhà rông bay vòng qua bếp lửa
Tiếng hát mềm như gió”
Đố ai phân biệt nổi: “Tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn đing năm, tiếng rừng núi xốn xang, âm thanh nào làm rụng vì sao sáng? Âm thanh nào làm rung dòng suối cạn, âm thanh nào chở mây trôi theo trăng? Tiếng đàn lan trên thung xanh, tiếng đàn trải đều mặt suối”(Tiếng đàn).
Ấy chính là sự hồn nhiên, mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ đời thường của cộng đồng các dân tộc và cũng vì lẽ trên, thơ Lê Thị Minh nghiệm dễ vào lòng người, dễ được bạn đọc yêu thích.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI