Chuyện cổ của dân tộc Êđê
Các già làng ở buôn Ea Niêng, xã
Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn kể lại rằng: Vào thời ông bà xa xưa, tại một buôn làng
nọ của người Êđê có một người thợ săn tài giỏi tên là Đăm Chai M'Wat. Ngày nào
cũng vậy, hễ bác đã đi vào rừng là có thú mang về, khi thì con mang, lúc thì
con hươu, con heo rừng, ít nhất cũng vài con thỏ. Những con thú mắc bẫy và săn
được, bác không ăn một mình mà chia đều cho mọi gia đình trong buôn làng, vì
vậy mà dân làng rất quý mến bác. Thế rồi một hôm bác đi vào rừng thăm bẫy và
săn thú, nhưng rất lạ là các bẫy chẳng dính con nào, mà săn thú cũng chẳng gặp
một con chim, con thú nào cả. Thấy vậy, bác đi tiếp để tìm thú. Bác đi mãi, đi
mãi, đi sâu hết rừng này đến rừng khác, cuối cùng bác thợ săn lạc sâu trong
rừng, không tài nào tìm được lối ra. Chiều đến, bác dừng lại bên bờ suối thì
thấy từng đàn thú đủ các loài: nai, dê, ngựa, khỉ, trâu, bò, và cả các loài
chim nữa, chúng tụ tập quanh suối thi nhau uống nước, có con tắm mình xuống
dòng nước trông rất thích thú. Bác nghĩ, ôi dòng nước đối với chim thú thật là
quý giá. Rồi cơn mưa rừng trút xuống, đàn chim thú càng thích, chúng chạy nhảy
xung quanh bờ suối như những đứa trẻ. Tuy người ướt như chuột lột, nhưng bác
cảm thấy vui. Màn đêm buông xuống, rừng núi âm u tĩnh lặng, thỉnh thoảng nghe
tiếng hú của thú rừng. Lúc này bác cảm thấy sợ. Vừa đói vừa mệt, bác ngồi xuống
một gốc cây để nghỉ. Bỗng có vợ chồng thỏ nâu bước ra từ gốc cây và nói: “Bác
thợ săn ơi! Bác đi đâu mà lạc đến đây?” “Tôi đi thăm bẫy thú, nên lạc đến đây.”
“Ồ bác đặt bẫy để làm hại chúng tôi và các con thú khác trong rừng là không tốt
rồi. Nhưng thôi trời đang mưa gió, mời bác vào nhà chúng tôi nghỉ tạm, ngày mai
chúng tôi sẽ chỉ đường cho bác về.” Bác thợ săn nghe vợ chồng thỏ nâu nói vậy
liền bước vào nhà. Ôi ngôi nhà giống nhà dài của mình vậy. Vừa dài vừa rộng, có
cầu thang lên xuống ở hai đầu. Vợ chồng Thỏ nâu mời bác thợ săn ngồi xuống
chiếc chiếu hoa trải cạnh bếp lửa. Rồi nhóm lửa nướng bắp mời bác thợ săn ăn.
Đang đói, bác thợ săn ăn ngon lành. Ăn xong bác lăn ra ngủ. Đến sáng vợ chồng
thỏ nâu gọi bác dậy ăn sáng, nhưng gọi mãi mà bác thợ săn vẫn ngủ li bì. Vợ
chồng thỏ để cho bác ngủ và đi kiếm ăn. Một lúc sau bác thợ săn tỉnh dậy thì
thấy mình đang nằm trong một bụi cây chứ không phải trong ngôi nhà dài như đêm
qua. Bác thấy rất lạ, rồi chui ra bụi cây, tiếp tục đi tìm đường về. Nhưng loay
hoay suốt một ngày mà vẫn không tìm được đường ra. Tối đến, bác thợ săn thấy có
ánh lửa trước mặt liền đi đến thì thấy một ngôi nhà sàn khá đẹp. Bác gõ cửa xin
nghỉ nhờ. Trong nhà chú gấu nâu bước ra, thấy bác thợ săn liền hỏi: “Bác đi đâu
mà lạc đến đây?” “Tôi đi thăm bẫy, nhưng bị lạc đến đây!” “Ồ bác làm việc xấu
đấy. Thôi trời tối rồi mời bác vào nhà nghỉ tạm.” Gấu nâu mở cửa cho bác thợ
săn vào, rồi lấy mật ong và khoai lang đã luộc chín mời bác ăn. Ăn xong bác lăn
ra đống rạ bên cạnh bếp ngủ ngon lành. Sáng dậy, gấu nâu gọi bác mãi, nhưng bác
vẫn ngủ li bì. Để cho bác thợ săn ngủ, gấu nâu đi kiếm ăn. Mặt trời lên cao
chiếu những tia nắng xuống người, làm bác thức giấc. Bác thợ săn ngồi dậy thấy
mình đang ngồi dưới một gốc cây cổ thụ. Một lần nữa bác lại thấy lạ, vì hôm qua
ở đây là một ngôi nhà dài mà nay lại là gốc cây. Ôi rừng núi thật kỳ diệu. Nghĩ
vậy, rồi bác tiếp tục tìm đường về. Nhưng rồi chiều đến, bác lại quay về khu
rừng cũ. Bác xuống suối định tắm, thì thấy từng dàn thú rừng, chim rừng đủ các
loài thi nhau uống nước, tắm lội dưới dòng suối mát thỏa thích. Mặt trời tắt
dần, bác chờ cho đàn chim thú trở về tổ ấm, mới dám xuống suối tắm rửa. Tắm
xong, bác đi tìm chỗ nghỉ thì thấy có ánh lửa le lói trước mặt. Bác bước đến và
thấy một ngôi nhà sàn rất dài và đẹp. Cầu thang lên nhà vừa cao vừa rộng. Bác
gõ cửa, một chú khỉ đực ra mở cửa. Bác nói với chú khỉ, tôi bị lạc đường, xin
nghỉ nhờ một đêm. Khỉ nhìn bác thợ săn rồi nói: “Ồ, có phải bác là Đăm Chai
M'Wat không?” “Đúng!” “Bác làm điều xấu, đặt bẫy và dùng ná bắn giết các loài
chim thú trong khu rừng này, làm cho chúng tôi đi đâu cũng sợ. Nhưng thôi, trời
đang mưa gió, mời bác vào nhà nghỉ tạm, mai rồi tính.” Bác thợ săn theo khỉ đực
bước lên cầu thang vào nhà. Cả nhà khỉ đông đến gần vài trăm con. Lũ khỉ đang
ăn tối. Khỉ đực mời bác cùng ăn. Ăn xong, khỉ đực dọn một chỗ trên ghế kpan gần
bếp lửa cho bác thợ săn nghỉ. Sáng hôm sau, khi trời vừa hé rạng, cả đàn khỉ
thức dậy ăn sáng. Họ gọi bác thợ săn dậy cùng ăn, nhưng bác vẫn ngủ say như
chết. Mặc cho bác ngủ, lũ khỉ ăn sáng xong lại kéo nhau đi kiếm ăn. Bác thợ săn
ngủ gần đến trưa mới thức giấc. Nhìn trước, nhìn sau, bác không thấy lũ khỉ đâu
cả mà thấy mình đang ngồi trên một cành cây cao. Bác lại ngạc nhiên: Ôi,chính
hôm qua mình bước lên cầu thang cao và rộng, ăn xong, khỉ đực cho mình nằm trên
nghế kpan ngủ mà, sao bây giờ nó biến đâu cả rồi. Ôi thật kỳ lạ. Đang nghĩ,
bỗng bác thợ săn thấy một con ngựa đi qua, bác liền gọi: “Ơ chú ngựa cho tôi đi
nhờ với.” Rồi Bác thợ săn nhảy từ trên cành cây xuống lưng ngựa. Ngựa hỏi: “Bác
đi đâu?” “Tôi bị lạc rừng mấy ngày hôm nay rồi, xin hãy đưa tôi về buôn Thá!”
Ngựa gật đầu rồi tung vó chạy một mạch đưa bác thợ săn về tận buôn. Thấy bác
thợ săn hơn bảy ngày mới trở về, mọi người trong buôn kéo đến thăm hỏi. Dân
buôn tưởng bác đã bỏ xác trong rừng rồi. Nay bác trở về, ai cũng mừng vui khôn
xiết. Bác thợ săn kể lại những ngày lạc trong rừng sâu cho mọi người nghe, tối
đến xin ngủ nhờ nhà các con thú. Tuy biết bác là thợ săn là kẻ thù của thú
rừng, nhưng các con thú vẫn cưu mang bác tử tế, cho ăn, cho ngủ nhờ, chứ không
trả thù. Qua những ngày lạc rừng, bác thợ săn mới hiểu ra rằng: Rừng núi đối
với muông thú vừa là ngôi nhà để trú ngụ, vừa là nguồn sống vô tận của nó. Vì
vậy, bác nói với mọi người: “Từ nay tôi bỏ nghề đi săn, đặt bẫy thú rừng. Tôi
khuyên mọi người cũng làm theo tôi. Đối với cây rừng cũng vậy, chúng ta không
nên đốn chặt một cách bừa bãi mà phải bảo vệ nó. Mỗi cây rừng là một ngôi nhà
của thú rừng. Nếu chúng ta chặt đi một cây rừng thôi, thì vô tình phá đi ngôi
nhà ấm cúng của chúng. Dòng suối cũng vậy, nó là nguồn nước không thể thiếu được
của muôn thú, chúng ta phải giữ gìn, bảo vệ nó, đừng làm nước ô nhiễm, dừng làm
nước cạn.”
Từ ngày lạc rừng trở về, bác thợ
săn bỏ nghề đi săn, đặt bẫy thú, mà gắn bó với việc rẫy nương trồng lúa, trồng
bắp đậu, bầu bí, các loại và chăn nuôi trâu bò heo gà. Chỉ ba mùa rẫy nhà bác
kho đầy thóc, các con vật nuôi đầy sân. Bác chọn những đồi trọc tự mình trồng
cây, biến đồi trọc thành rừng cây xanh mát, làm nơi trú ngụ của muông thú. Chỗ
nào suối cạn, nước đục, bác khơi thông cho dòng nước chảy, để muông thú có nước
uống và tắm mình trong mùa khô cạn. Thấy bác thợ săn trồng cây rừng, khơi thông
các dòng nước, mọi người trong buôn cũng làm theo, nên những đồi trọc xung
quanh buôn làng đều biến thành những rừng cây xanh tốt. Những suối nước đọng
được khơi thông thành những dòng nước trong lành, chim thú khắp nơi rủ nhau về
sinh sống.
Qua câu chuyện này, đồng bào Êđê,
muốn nhắc nhở con cháu rằng: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cùng nhau
bảo vệ cây rừng, chim thú, và bảo vệ nguồn nước quý giá của núi rừng thiên
nhiên mà Yang Diê (ông trời) đã ban tặng, vì nó là nguồn sống của muôn loài và
của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI