Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Nhà văn Trương Nhất Vương
Đêm 24.4.2016, tại nhà nghỉ số 12
đường Ngô Gia Tự, Phường Tân An xảy ra một vụ bắt cóc con tin. Đối tượng Nguyễn
Xuân Minh, trú tại huyện Lắk do mâu thuẫn gia đình đã sử dụng mìn tự chế khống
chế vợ trong phòng. Nhận lệnh của lãnh đạo Công an tỉnh, thiếu tá Nguyễn Công
An trực tiếp chỉ huy lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm phối hợp với các đơn vị chức
năng đến xử lý vụ việc. Sau quá trình vận động thuyết phục, tên Minh đã chấp
nhận thả vợ ra ngoài và đi ra theo. Cô vợ quá sợ hãi đã nhanh chân lẩn vào đám
đông chạy mất. Đối tượng lồng lộn, la hét nếu ai dám cản đường sẽ cho nổ mìn và
yêu cầu gặp lại vợ. Lực lượng giải cứu đã khéo léo trì hoãn kéo dài thời gian,
tuy nhiên đến khoảng 22giờ 25 phút, khi yêu cầu gặp vợ không được, Minh mất
kiểm soát ném quả mìn tự chế về phía đường Nguyễn Tất Thành. Mìn không nổ. Hắn
lao theo lượm lại ném ngược về phía đồng chí An và lực lượng giải cứu nhưng
không nổ. Đối tượng tiếp tục lượm và ném lần thứ 3 về phía đường Nguyễn Tất
Thành. Mìn phát nổ làm chiếc xe tải đang lưu thông trên đường nổ lốp trước,
cùng lúc quả mìn trong người đối tượng cũng phát nổ. Hậu quả tên Minh chết tại
chỗ và 2 người khác bị thương trong đó có có Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám
đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo vụ việc.
Thiếu tá An và Đại uý Lê Minh
Thức (Công an thành phố Buôn Ma Thuột) là hai cán bộ trực tiếp theo sát tên
Minh ngay từ đầu kể lại: Rất may hai anh em đã được đồng chí Thắng chỉ đạo:
“Phải tính toán kỹ, đảm bảo an toàn mới đánh bắt đối tượng, khi chưa biết chắc
vật trong tay đối tượng là mìn thật hay giả, và tay kia chưa bỏ ra khỏi túi
xách thì chưa thể quật ngã, khống chế đối tượng…”. Thức đi trước làm nhiệm vụ
lôi kéo, gây sự chú ý về phía mình để An sẽ ra tay khi có cơ hội. Sự cẩn trọng
và những tính toán chính xác đã không thừa, mìn nổ, hai anh đã phản xạ kịp thời
và thoát chết trong gang tấc. Khi khám nghiệm hiện trường, trong người đối
tượng vẫn còn một quả mìn tự chế chưa nổ… Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án
có thể trả giá bằng sinh mạng mà thiếu tá An tham gia.
Nguyễn Công An, sinh năm 1977 là
em út trong một gia đình nông dân nghèo có bảy anh em ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm
1983, cả gia đình An cùng nhiều nông dân khác vào làm công nhân nông trường ở
khu kinh tế mới Ea Đa (Đắk Lắk). Cuộc sống lam lũ vất vả đã hun đúc để cậu bé
An sớm ý thức học hành và học khá giỏi, nhưng đường học tập và đến với ngành
công an của anh cũng lắm gian nan. Năm 1997 sau khi tốt nghiệp trung học, An
đậu khoa báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng cha của An người từng là dân công hoả tuyến phục vụ nhiều năm tại chiến
trường Trung Lào, khuyên con nên đăng ký tham gia phục vụ trong lực lượng CAND.
Nghe lời cha, An gác lại giấc mơ đại học và đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Do nhanh nhẹn, hoạt bát, giỏi võ
thuật và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nên sau 3 năm, An được biên
chế tại Phòng cảnh sát cơ động và làm việc tại đội cảnh khuyển với nhiệm vụ
huấn luyện chó nghiệp vụ. Nick, tên chú chó mà An huấn luyện sau này được đánh
giá là con chó thông minh bậc nhất. Nick đã góp một phần trong việc giải tán
đám đông ở cuộc biểu tình, bạo loạn năm 2004 trên địa bàn tỉnh. Để khắc chế,
bắt Nick phục tùng mệnh lệnh và lập được nhiều chiến công, đòi hỏi chủ nhân của
nó cũng phải mạnh mẽ và can trường. Ngoài việc kiên trì, nhẫn nại, mồ hôi công
sức đã có cả máu của An đã phải đổ xuống trong quá trình huấn luyện. Ngón tay
kế út bàn tay phải của An bị cong quẹo mãi không bao giờ trở lại hình dáng ban
đầu vì con Nick quá mạnh mẽ, quá ham tấn công nên giật xích khiến chủ nhân bị
gãy ngón tay. Một lần khác, An đứng trên tường cao nhứ vật thể yêu cầu Nick
cướp vật thể đó. Nó tung người lên cao đớp vật thể mạnh đến nỗi rọ mõm của nó
thúc thẳng vào miệng khổ chủ khiến An chỉ còn biết đưa tay hứng máu và một chiếc
răng cửa đã mãi mãi ra đi…
Tạm xa con Nick mạnh mẽ, trở lại
hai sự kiện biểu tình, bạo loạn trên địa bàn Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 do
Ksơ Kơr cầm đầu tổ chức phản động FULRO lưu vong, câu kết với các tổ chức phản
động FULRO trong nước, tìm cách lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân hòng
thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga độc lập”. Nguyễn Công An đã có mặt hầu hết
ở các điểm nóng nhất. Cụ thể, tháng 2 năm 2001, anh được cấp trên điều động
xuống tăng cường tại huyện Ea H’leo (một trong những điểm nóng xảy ra biểu
tình, bạo loạn đầu tiên tại Tây Nguyên). Sau nhiều ngày bám trụ địa bàn, An đã
cùng đồng đội giải quyết được điểm nóng tại huyện Ea H’leo. Anh tiếp tục được
điều động về Buôn Ma Thuột và hai huyện Ea Sup, Cư Mgar... Tại các điểm nóng
này, An đã cùng đồng đội phối hợp với lực lượng an ninh và công an các huyện
bắt hàng trăm đối tượng cầm đầu, cốt cán để đấu tranh, khai thác làm thất bại
mọi âm mưu của các thế lực thù địch.
Điển hình là cuộc tập kích bất
ngờ bắt gọn đối tượng Y Noen Kpá là đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong chuyên
án của ta. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên Đội phó đội an ninh Ea Súp tham gia
trận đánh kể lại: 1giờ sáng, tại buôn Ea Sup B, trong cái lạnh buốt giá của núi
rừng, An cùng với đồng chí Phạm Ngọc Hải, đột nhập từ cửa sau nhà sàn, hai đồng
chí đột nhập từ cửa trước, quân số còn lại bao vây quanh nhà. Theo trinh sát
báo cáo thì trong nhà chỉ có hai vợ chồng, nhưng khi phá cửa vào, ngoài vợ
chồng đối tượng còn có năm thanh niên ở trong nhà làm nhiệm vụ bảo vệ. Chúng
chống cự, đánh trả quyết liệt. An và tổ công tác đã tả xung hữu đột khống chế
được Y Noen. Trong quá trình đưa đối tượng ra xe, An đã bị một tên to cao quật
cây gỗ có đinh nhọn vào ống chân. Vết thương bị nhiễm trùng khiến An phải nằm
viện điều trị gần 2 tháng.
Năm 2004, biểu tình, bạo loạn tái
diễn trên địa bàn Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, lần này qui mô, mức độ và số lượng
người tham gia đông đảo hơn ở các huyện: Ea Sup, Ea H’leo, Cư Mgar, Cư Kuin,
Buôn Ma Thuột… Ngã tư Lê Thị Hồng Gấm – Phan Chu Trinh, là điểm chốt hết sức
phức tạp do chốt cố định của Công an huyện Cư Mgar và Cảnh sát cơ động E20 đã
bị vỡ. Với số lượng hàng ngàn người và hàng trăm xe công nông các loại, nhiều
gia đình gần như di chuyển hết cả nhà, đồ đạc, tư trang…. Khoảng 8giờ 15 phút
đoàn người biểu tình đến điểm chốt bị lực lượng của ta chặn lại. Họ chống đối
manh động, liều lĩnh. Các đối tượng quá khích đập phá nhà dân, dùng gạch, đá,
hung khí tấn công lực lượng công an nhưng An và đồng đội vẫn cương quyết giữ
chốt. Đến khoảng 11giờ khi các đối tượng cầm đầu càng lúc càng manh động hơn,
lệnh của giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị của An phải vượt hàng rào bùng
nhùng đánh mở đường. Lập tức An và các chiến sĩ đã tiên phong chiến đấu, mặc dù
bị chống đối quyết liệt nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên quyết chiến đấu đến
khoảng 12giờ 30 phút thì lực lượng của ta đã khống chế hoàn toàn các đối tượng
cầm đầu. Trong trận này mặc dù bị các đối tượng tấn công gây thương tích ở lưng
nhưng An vẫn bám sát đội hình, chủ động tấn công khống chế hàng trăm đối tượng
cầm đầu cốt cán chuyển giao cho cơ quan An ninh điều tra xử lý.
Một ngày đầu năm, trong cái se
lạnh và gió mùa đông bắc thổi thốc từng cơn, tôi đến Phòng cảnh sát cơ động toạ
lạc ở 239 Hà Huy Tập nơi thiếu tá An công tác. Anh đang chỉ huy luyện tập thực
binh, mục tiêu giả định là giải phóng con tin bị bọn khủng bố khống chế trên
tầng 3 của một toà nhà. Các chiến sĩ cơ động tiếp cận mục tiêu bằng thang
người, bằng sào đẩy, đu dây… Trên mái của các toà nhà bên cạnh thấp thoáng bóng
các chiến sĩ vừa di chuyển vừa nổ súng lôi kéo hoả lực của “bọn khủng bố” về
phía mình. Những loạt súng sử dụng đạn mã tử (đạn phục vụ trong huấn luyện
chiến đấu) vang rền khiến tôi nổi gai ốc, cứ nghĩ mình đang lạc bước vào giữa
một trận đánh ác liệt.
Tiếp tôi là Đại tá Hồ Bắc, trưởng
phòng, ông oai vệ trong bộ quân phục sĩ quan nhưng lại rất niềm nở, gần gũi.
Với một chất giọng sang sảng khá đặc biệt, từng câu từng chữ được truyền đạt
một cách rõ ràng, dứt khoát và át cả tiếng súng đang nổ giòn giã. Ông cho biết:
Diễn tập thực binh là công việc thường xuyên để rèn luyện phối hợp tác chiến
giữa các binh chủng nâng cao khả năng chiến đấu. Phòng có 5 bộ phận trực thuộc,
thì Tiểu đoàn cảnh sát cơ động là tiểu đoàn chủ lực, tiêu biểu của đơn vị.
Trong đó Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Công An là cá nhân xuất sắc đã được Nhà nước
tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang các hạng: nhất, nhì, ba; Bộ Công an tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua
toàn lực lượng Công an nhân dân và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Anh
trực tiếp đi đầu, xử lý các điểm nóng, bắt các các đối tượng nguy hiểm có vũ
khí. Gần đây nhất là vụ giải cứu con tin tại số nhà 172 đường Nguyễn Văn Linh,
Phường Tân An. Đối tượng Nguyễn Ngọc Phương đã dùng dao khống chế cháu Y Giang
Knul, 14 tuổi, cố thủ trong phòng hơn 6 giờ. Đồng chí An trực tiếp chỉ huy 6
cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Sau 15 phút triển khai thuyết phục, khi đối
tượng sơ hở An cùng đồng đội lao vào tước hung khí, bắt gọn đối tượng và giải
cứu cháu bé an toàn.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thì
công tác tình nguyện hướng về cơ sở, xây dựng mối đoàn kết quân dân, kết hợp
phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Phong trào hiến máu tình
nguyện luôn được cấp uỷ, Ban chỉ huy tiểu đoàn trong đó thiếu tá Nguyễn Công An
với cương vị tiểu đoàn trưởng luôn chú trọng. Từ năm 2013 đến 2017, đơn vị của
An triển khai được 15 đợt hành quân dã ngoại, lao động giúp dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt
khó khăn với hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, nạo vét kênh mương thuỷ
lợi, sữa chữa, làm mới đường liên buôn, liên thôn, làm cầu, nhà mẫu giáo, tu
sửa nhà cộng đồng, trường học… Chỉ riêng năm 2017, tổ chức hành quân dã ngoại,
lao động giúp dân, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn 100.000.000
đồng; phối hợp với các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Buôn Ma
Thuột thăm tặng hơn 2540 suất quà, 52 bao quần áo (tổng giá trị trên
616.000.000 đồng) cho các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
tại các địa bàn: huyện M’Drăk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Păc, Tp. Buôn Ma
Thuột... Già làng Ma Rô Tơ, buôn Hằng Năm (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) khi được
hỏi về những chiến sĩ Cảnh sát cơ động, về thiếu tá Nguyễn Công An, những người
đã cùng ăn, cùng ở giúp bà con nhiều đợt, nhất là sau cơn bão số 12 cuối năm
2017 đã dành cho các anh những lời nhận xét hết sức tốt đẹp: Mình coi tất cả
như con cháu trong nhà, khi tụi nó đến ở giúp bà con thì vui lắm, khi xong việc
tụi nó phải về công tác thì buồn thì nhớ nhiều lắm… Buôn có chuyện gì khó khăn
cần giúp đỡ, mình gọi ngay cho cán bộ An, mình có số điện thoại của nó mà.
Đi dân nhớ, ở dân thương… thật sự
là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ mà thiếu tá Nguyễn Công An và đơn vị của mình đã để
lại trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Động lực để anh
chiến đấu, hy sinh trong hơn 20 mươi năm qua còn có một yếu tố thầm kín mà
không phải ai cũng được biết: Người cha yêu quý của anh trước phút lâm chung đã
kể cho gia đình nghe câu chuyện. Ông rất thương thằng con trai út của mình và
mong ước nó sẽ trở thành một chiến sĩ công an nên khi An vừa mở mắt chào đời,
ông đặt tên anh là: Công An.
Buôn Ma Thuột 2.2.2018
https://images.google.ci/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.info.vn//
Trả lờiXóahttps://images.google.cl/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.info.vn//
https://images.google.cm/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.info.vn//