Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

MÁU TIM ANH ĐÃ NHUỘM HỒNG SẮC NẮNG lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018

Nhà thơ Phạm Doanh

Sổ tay Thơ:

MỘT NGÀY KHÔNG CHIẾN TRANH

Một ngày không chiến tranh
Khí tượng báo một ngày trong trẻo lắm
Cha đi bừa đồng sâu
Mẹ và chị hái dâu
Em ủ mạ cho mùa gieo thẳng...
Trời xanh, xanh bất tận
Đâu đẹp bằng quê anh?

Một ngày không chiến tranh
Người ta yêu đương và sinh nở
Người ta gieo hạt và hái quả
Người ta tham thú làm giàu
Người ta phô trương của nả
Người ta ve vuốt nhau...

Người ta nào biết đâu
Nơi rừng khộp khô cằn biên giới
Anh đang phải leo đèo lội suối
Mật phục tuần tra
Ghì khẩu súng trong tay với cơn sốt rừng già
Người ta nào biết đâu
Chốn biên thùy hoang dã
Những viên đạn hận thù còn ẩn trong kẽ lá
Hướng theo anh như vắt hướng theo người

Và sáng nay lá đỏ vòm trời
Chim gõ kiến báo ngày trong trẻo lắm
Sao bỗng nhiên từ một phía đồi
Tiếng ác điểu lại rít lên thù hận
Để phía lưng mình cuộc sống cứ yên vui
Anh đã lấy ngực mình che chắn...

Và máu tim anh đã nhuộm hồng sắc nắng
Một ngày không chiến tranh.
                                                                        PHẠM DOANH
LỜI BÌNH:


Viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, văn học cách mạng Việt Nam từ sau 1945 đến nay tập trung phản ánh khá nhiều. Riêng mảng thơ ca, con số thi phẩm phải lên đến hàng ngàn bài, xuất hiện ở nhiều vùng miền, địa phương khác nhau và cũng được nhiều thế hệ tác giả lắng lòng thể hiện nỗi niềm cảm xúc trước những hi sinh, mất mát của biết bao nhiêu người con anh dũng. Nhưng cũng phải thú thật rằng, càng lùi về sau những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của đất nước, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cảm hứng sáng tạo về đề tài này dường như cũng vơi giảm dần, nhường chỗ cho các vấn đề thế sự, nỗi đau phận người giữa chênh chao cuộc sống thường ngày trong giai đoạn hội nhập mới của đất nước. Những buồn vui, được mất lắng nhịp trong từng cá - thể - người với sự khám phá vô cùng tận đang là mảnh đất giàu sức sáng tạo cho thi ca suốt mấy chục năm qua. Vì thế, cảm hứng về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng ít nhiều phai nhạt. May thay, giữa nhiều bài thơ không được dành nhiều năng lượng sáng tạo ấy, trong mảng thơ của một tỉnh vùng cao nguyên như Đak Lak, tôi đã bắt gặp một thi phẩm viết ra giữa cuộc sống thời bình mà nhuộm máu hi sinh bằng một cảm xúc chân thành và một kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn. Một ngày không chiến tranh đã gieo vào hồn độc giả một tiếng lòng oán thán, một nỗi niềm xót xa và thương cảm cho người lính nằm xuống nơi mảnh đất biên cương, đem lại hòa bình cho hàng triệu người dân yêu quý.
Như đã nói, bài thơ bộc lộ chân thành về mặt cảm xúc khi diễn tả được sự hi sinh của một người lính trong thời bình. Theo thời điểm sáng tác năm 1994 của tác phẩm, nghĩa là đất nước đã bước sang một giai đoạn hòa bình khá lâu rồi, vậy mà máu vẫn đổ xuống. Bằng cách mở đầu thật nhẹ nhàng nhưng đầy ý tứ, Phạm Doanh đã luyến láy lại cụm từ "một ngày" như một điệp khúc nhằm khẳng định cái phi lý, cái không thể tin được, cái làm cho mọi người phải bất ngờ, thảng thốt: "Một ngày không chiến tranh/ Khí tượng báo một ngày trong trẻo lắm". Vâng! Một ngày rất đẹp và thanh bình, những tưởng không có gì phải lo âu, sợ hãi. Lời thơ tự sự mà chứa bao triết lý về đời sống nhân sinh. Gia đình anh, gia đình người lính ấy, vẫn như bao mái nhà đang bình yên kia, mỗi người mỗi công việc trong không gian sinh tồn vốn dĩ quen thuộc với mình:
Cha đi bừa đồng sâu
Mẹ và chị hái dâu
Em ủ mạ cho mùa gieo thẳng...
Song, chưa dừng lại ở đó, như một nhà thiết kế sân khấu có tài dựng cảnh, nhà thơ Phạm Doanh điểm xuyết thêm trên cái nền không gian của quê hương người lính với vẻ đẹp của bầu trời xanh bất tận, một vẻ đẹp bình thường, đơn sơ nhằm để khắc sâu thêm sự bình yên từ cảnh vật đến con người:
Trời xanh, xanh bất tận
Đâu đẹp bằng quê anh?
Một câu hỏi tu từ thật hay, hỏi nhưng là để khẳng định cái vẻ đẹp bình yên của quê hương bản quán người lính. Nào đã có điều gì chẳng lành dự báo trước về sự bất trắc mà người lính phải đón nhận sau này đâu! Chính trên cái nền của cảnh vật thanh bình, tươi đẹp và cuộc sống con người lao động hiền hòa nơi mảnh đất quê hương, nhà thơ đã chuẩn bị cho một "kíp nổ" bắt đầu. Tứ thơ độc đáo, sự òa vỡ cảm xúc và tác động đến người đọc cũng nằm ở chỗ đó.
Tiếp mạch cảm xúc tạo nên về một không gian thanh bình, yên ả, vẫn cách lặp lại cấu trúc thơ như khắc, như chạm vào hồn người đọc, một lần nữa Phạm Doanh nâng cái bình yên lên đến đỉnh điểm của "một ngày không chiến tranh". Giữa không gian bình yên sự sống kia, tất cả mọi người hướng theo khát vọng của chính mình: yêu đương và sinh nở, gieo hạt và hái quả, tham thú làm giàu, phô trương của nả...Tất nhiên khi liệt kê một chuỗi hành vi của ngươi đời, ít nhiều tác giả cũng bộc lộ những dằn vặt, những suy tư, đồng tình cũng có mà chua chát cũng nhiều. Vấn đề cốt lõi mà nhà thơ muốn hướng đến chính là sự hi sinh thầm lặng của người lính biên phòng kia. Để có được cuộc sống bình yên nơi hậu phương ấy, giữa nơi rừng khộp biên giới khắc nghiệt, người lính biên phòng phải đối diện với gian lao, vất vả, phải "mật phục điều tra/ ghì khẩu súng trong tay với cơn sốt rừng già". Nguy hiểm hơn, đau đớn hơn khi "những viên đạn hận thù còn ẩn trong kẽ lá/ hướng theo anh như vắt hướng theo người" giữa một ngày tưởng chừng như bình yên, không có chiến tranh:
Người ta nào biết đâu
Nơi rừng khộp khô cằn biên giới
Anh đang phải leo đèo lội suối
Mật phục tuần tra
Ghì khẩu súng trong tay với cơn sốt rừng già
Người ta nào biết đâu
Chốn biên thùy hoang dã
Những viên đạn hận thù còn ẩn trong kẽ lá
Hướng theo anh như vắt hướng theo người
Chưa dừng lại ở đó, một lần nữa, để đẩy lên cao trào của bi kịch đau thương, nhà thơ đã lặp lại vẻ đẹp thanh bình của một ngày trong trẻo lắm. Người đọc như đang trôi trong một không gian của vòm trời lá đỏ, bỗng kinh hoàng và giật mình nghe tiếng "ác điểu rít lên thù hận" khi người lính đã lấy ngực mình che chở cho hậu phương có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Và anh ngã xuống: "máu tim anh đã nhuộm hồng sắc nắng" giữa một ngày không có chiến tranh. Câu thơ đẹp với hình tượng đầy bi tráng, đầy chất thơ. Chính cách viết gợi cảm của tác giả đã phần nào làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát về những hi sinh mà hình tượng người lính biên phòng cũng là nguyên mẫu từ liệt sĩ Trần Văn Tài thể hiện trong bài thơ.
Bằng một hình mẫu có thật ngoài đời, một cảm xúc chân thành kết hợp với một bút pháp nhuần nhuyễn từ nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, Một ngày không chiến tranh của nhà thơ Phạm Doanh thật sự đã để lại nhiều ấn tượng đối với người đọc về những chiến công và hi sinh thầm lặng của người lính biên phòng trong cuộc sống hiện nay, góp phần giữ vững bình yên cho đất nước, cho cuộc sống của mỗi người dân đất Việt.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI