Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

CÁCH THỂ HIỆN MỚI MẺ TRONG TẬP THƠ

“TÔI HÁT VỀ NGÀY KHÔNG EM” lời bình của HÀ QUẢNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 308 - THÁNG 5 NĂM 2018





Bùi Minh Vũ sinh ra và lớn lên ở một làng quê vùng biển, thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đến năm 1982, anh đến lập nghiệp và hiện sinh sống, làm việc ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk. Chính hai vùng đất này đã chắp cánh hồn thơ cho Bùi Minh Vũ bay bổng. Anh thành công trong nhiều lĩnh vực: làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình, sưu tầm và biên soạn truyện cổ, sử thi, luật tục các dân tộc Êđê, M’nông… Bùi Minh Vũ đã xuất bản được 20 tác phẩm. Riêng về thơ, Bùi Minh Vũ đã có 7 tập ra mắt bạn đọc. Tập thơ “Tôi hát về ngày không em” là tập thơ mới nhất của anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 11.2017).
Điều mà người đọc cảm nhận được là bút lực của Bùi Minh Vũ thật phong phú và dồi dào. Có khi một năm, anh ra mắt bạn đọc một tác phẩm; đôi khi một năm anh ra mắt 3 tác phẩm (chẳng hạn như năm 2017, anh phát hành 3 tác phẩm, với 3 thể loại khác nhau: “Tôi hát về ngày không em” (thơ), “Cõi hồng” (tiểu thuyết), “Truyện cổ M’nông” (sưu tầm, biên soạn). Trong các lĩnh vực mà Bùi Minh Vũ đang dụng công, thì thơ là một thể loại mà anh yêu thích, dành nhiều thời gian và tình cảm cho thể loại này. Vì vậy, ta thử xem anh bộc lộ quan điểm sáng tác thơ trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em”: “Làm thơ là dự một bữa ăn/ Sáng ăn, mai ăn, tháng ăn, đời ăn/ Đó không phải là điều mới/ Khi lần đầu ngậm chocolate” (Làm thơ).
Thơ của Bùi Minh Vũ có sự kén chọn độc giả. Anh sử dụng bút pháp tượng trưng, siêu thực vào thơ ca. Vì vậy, người đọc cảm thấy những động từ hay tính từ bình thường, nhưng khi được Bùi Minh Vũ, đưa vào thơ thì tạo thành nghĩa mới, tạo nên hình tượng mới mang một vẻ đẹp riêng.
“Có một lần
Tôi nâng ly rượu
Ngồi bên em
Tôi uống mặt trăng”
                      (Ngủ)
Hay:
“Ngày về
Làng quê mặc áo mới
Bằng trận mưa mùa hạ
Em trắng thơm nước giếng” 
                             (Ngày về)
Cứ như vậy: “Tôi hát về ngày không em/ Trăng vỗ tay bần thần/ Quên nhặt những vì sao rụng muộn” (Tôi hát về ngày không em), để từ đó Bùi Minh Vũ thể hiện những cảm xúc khác nhau, như khi anh nói về quê hương, tình yêu, hay bộc lộ tâm trạng của mình trước cảnh vật, thiên nhiên, con người mà anh đã gặp, đã yêu, đã và đang nhớ…
Viết về các mùa trong năm, Bùi Minh Vũ cũng có cách thể hiện một cách mới lạ, anh không đi theo con đường sáo mòn như nhiều người làm thơ thường thể hiện. Mùa xuân trong thơ anh trẻ trung, đầy sức sống, mùa thu hiền hòa và thơ mộng nhưng được anh thể hiện một cách khác. Vì vậy, người đọc cảm nhận được hình tượng mùa xuân và mùa thu trong thơ Bùi Minh Vũ như đang khoác lên chiếc áo mới mang hình tượng mới, thật đẹp, thật nên thơ: “Mùa xuân là bài thơ môi em/ Có vị ngọt của quá khứ/ Lên men trong đôi mắt mù/ Tôi đọc một sáng mùa thu/ Trên những chiếc lá đỏ như lửa/ Sưởi ấm yếu mềm” (Tôi hát về ngày không em).
Trong tập thơ này, Bùi Minh Vũ thể hiện nhiều khía cạnh, nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng trước hết, chúng ta nhận thấy anh dành nhiều bài thơ nói về người thân, về quê hương bằng tình yêu thiết tha, với tất cả trái tim mình: “Nếu một thứ gì đó/ Ngày càng rõ dần, rõ dần/ Hiện hữu và không bao giờ mất/ Trong đôi mắt, trong trái tim/ Đó là quê hương” (Quê hương yêu thương).
Điểm nhấn sáng lóa trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em”, là những cung bậc khác nhau về tình yêu, với sự trong trẻo, trẻ trung, nồng nàn, thơm tho như hương hoa mùa xuân, như hơi thở của người mình yêu:“Em không bao giờ nhớ tiếng đầu tiên xưng hô với anh/ Đó là thời khắc/ Bắt đầu thế giới khác” (Những ghi chép về người tình).
Bùi Minh Vũ có mặt trên cuộc đời này đã là một vòng xoay của trái đất, vì vậy người đọc cảm nhận được khi anh viết về tình yêu bằng sự chiêm nghiệm về những cuộc tình đi qua đời mình. Chắc người tình trong thơ Bùi Minh Vũ chính là người vợ - người bạn đời đã yêu anh và bây giờ đang sống với anh, đang lo từng bữa ăn, từng giấc ngủ để anh yên tâm công tác và làm thơ, viết văn. Vì vậy, tình yêu trong thơ anh vẫn trẻ trung, vẫn mơn mởn như trong cái tuổi xuân thì: “Tôi nắm tay em như cầm một lâu đài/ chẳng còn tưởng tượng/ một ngày và đêm/ em ăn giọng nói tôi” (Tưởng tượng).
Có người nói thi sĩ thường có nhiều người tình, đôi khi bài thơ này viết cho người này, bài thơ kia lại viết cho người kia; có khi cả tập thơ hàng mấy chục bài nhưng mỗi bài lại có bóng dáng của một người yêu. Không biết nói thế có đúng không? Tôi cũng chưa rõ; nhưng một điều tôi nhận thấy trong tập thơ này, Bùi Minh Vũ đã bộc lộ lòng mình: “Tôi không thể đi một mình/ Như thi sĩ viết một bài thơ tình nếu không có em/ Kết đính với nhau là bí truyền của thế giới cổ đại/ Ngay cả với nước, lửa, không khí” (Tôi không thể đi một mình). Điều dễ nhận ra hơn cả là xuyên suốt tập thơ “Tôi hát về ngày không em”, anh thể hiện tình yêu thật mãnh liệt, có khi đắm đuối nữa, bộc lộ tâm trạng cá biệt của mình đối với người yêu: “Ta giấu mặt trời trong mắt em/ Ta cất bóng đêm trong tóc em” (Mặt trời và bóng đêm”), nhưng ấn tượng hơn, tội nghiệp hơn khi người yêu đi lấy chồng, bỏ lại sau lưng bao nhớ thương đến thẫn thờ: “Em qua bên kia sông/ Con đò chiếc lá vong veo/ Ta quay lại lượm những bước chân” (Bên kia sông).
Viết về tập thơ “Tôi hát về ngày không em” của Bùi Minh Vũ còn nhiều vấn đề cần đề cập đến, nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ đề cập đến vài khía cạnh của tập thơ mà tác giả đã gửi gắm. Mong bạn đọc tiếp nhận tập thơ với lòng trân trọng, yêu thương  và cảm nhận tinh tế những vẻ đẹp mà Bùi Minh Vũ thể hiện qua ngôn từ bằng hình tượng thơ mới lạ, độc đáo.
                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI