Ăn trưa xong, Vân hỏi hai bạn:
- Giờ mình đi đâu?
- Ta đi gần đến rừng cấm rồi đấy.
Y Nhớ trả lời. Vân ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao ở nơi hoang vắng này lại có rừng cấm,
mình không được đến à, vì sao thế?
- Nghe người già bảo đó là rừng của Yang(1)
không được vào, ai vào sẽ bị trừng phạt; vì
thế bao đời nay người vùng này không ai dám đến đó săn bắn hay hái quả đâu - Y Nhớ giải
thích.
- Đã có ai bị phạt khi vào rừng đó chưa?
- Ngày xưa có rồi đấy, người nào vào thì
không quay ra được; còn về đến nhà cũng bị điên loạn, giống con
thú không còn biết làm người nữa.
- Ôi, hãi quá!
Nghe Y Nhớ nói xong, Vân thốt lên tỏ vẻ hoảng
sợ. Thấy thế H’Uyên bảo:
- Đàn ông sao nhát thế, ta có thể lên đó
xem thử. Dám đi không?
- Sợ lắm – Vân trả lời.
- Đi thì đi chứ sợ gì – Y Nhớ đáp.
H’Uyên bước xuống thuyền trước, đến Vân ngồi
giữa thuyền, Y Nhớ cởi dây buộc thuyền,
đẩy mạnh rồi nhảy tót lên. Con thuyền ngược sông tiến vào khu rừng của Yang.
Hai bên bờ sông cây cối tươi tốt, nhiều cây cổ thụ mọc như xếp hàng sát bờ
sông, nghiêng bóng che mát cho cả một vùng mặt nước rộng lớn, khoe những bộ rễ
như những con trăn khổng lồ đang bò xuống uống nước.
Bỗng phía trước mặt có tiếng kêu gào thảm
thiết, tiếng hò hét như có chuyện gì khủng khiếp đang xảy ra. Y Nhớ
bảo:
- Hình như phía trước có người hay sao ấy?
- Rừng cấm mà cũng có người ở à?
Vân ngạc nhiên hỏi, H’Uyên trả lời:
- Hình như không phải tiếng người.
- Không phải người thì chúng mình quay lại
thôi, đừng đi nữa, nguy hiểm đấy.
Vân tỏ vẻ sợ sệt, mắt nhìn quanh, tay bám
chặt vào thuyền. Vân sợ là phải, học hết lớp tám rồi mà có mấy khi được vào rừng
đâu, công việc chính chỉ học và học, con một mà; còn
các bạn cùng lứa như: Y Nhớ, H’Uyên… buổi lên lớp, buổi phải theo
ama, amí(2) lên rẫy hay vào rừng làm việc. Các bạn người dân tộc tại chỗ khi đi
làm, đôi vai luôn luôn có chiếc dây gùi đè lên. Trên đường về, trong gùi đủ các
thứ có thể mang theo khi thu hái được trên rẫy hay trong rừng. Việc vào rừng cũng
như lên rẫy thôi không có gì đặc biệt, khác lạ cả, công việc hàng ngày thôi mà.
***
Con thuyền độc mộc vẫn từ từ ngược sông tiến dần về phía
có tiếng ồn ào. Qua một khúc cua rộng của dòng sông, bất ngờ ba người chứng kiến
cảnh kỳ lạ: Một dây khỉ,
con này nắm tay con kia đang cố kéo một con khỉ sát mặt nước. Hình như con khỉ ở
sát mặt nước đang nắm một cái gì đó không chịu thả ra. Khi đến gần, trông rõ những con khỉ
mặt đỏ như sơn son, lông màu xám; dưới cằm, râu mọc cong vút, màu trắng bạc; đuôi chúng ngắn tý tẹo, nhưng tay chân khá
dài, trọng lượng chắc phải đến ba mươi ký một con. Ngoài dây khỉ nối từ cành
cây đa xuống sông cao đến chục mét, còn lại một số nữa đang nhảy
nháo nhác trên các cành cây, vừa rung vừa kêu ầm ĩ. Thấy thuyền đến gần chúng
thôi không chạy nhảy, gào thét nữa, nhưng cũng không buông nhau ra, tay nắm chặt
tay. Y Nhớ kêu lên:
- Cá sấu ăn con khỉ dưới nước kìa.
- Cá sấu à, bơi tránh đi không nó cắn chúng
mình đấy.
Vân tái xanh mặt, hai tay bám chắc vào thuyền
kêu lên, H’Uyên bảo:
- Phải cứu bầy khỉ, Y Nhớ đập cá sấu đi, nhớ
đập đúng mắt nó nhé.
Thuyền đi sát lại dây khỉ, thấy rõ đầu con cá sấu nhô lên
khỏi mặt nước đang cắn chặt
một cánh tay con khỉ. Con khỉ một tay bị cá sấu giữ, một tay được các con khỉ nối
thành dây đang cố kéo lên cành cây. Hình như con cá sấu trêu chọc bầy khỉ hay định
làm gì đó chứ không, với thân dài đồ sộ thế kia, nó giật một cái cánh tay khỉ chắc đi đứt.
Hay nó đang cố chờ bầy khỉ mỏi tay để bắt cả dây luôn? Thuyền đến sát bên đầu
con cá sấu đang nhô lên, Y Nhớ vung mái chèo nhè mắt cá vụt xuống. Cá sấu há miệng
thả con khỉ, ngụp xuống mặt sông và con thuyền bị đuôi cá đập mạnh làm chao
nghiêng, hắt nước vào thuyền. Y Nhớ loạng choạng, suýt ngã xuống
sông. H’Uyên kêu lên:
- Ngồi xuống, bám chặt vào thuyền.
Rầm!
Lại một cái quẫy đuôi rất mạnh của con cá sấu đập vào mạn
thuyền, H’Uyên thọc mạnh mái chèo xuống mặt nước, ghì thuyền cho đỡ chòng chành
rồi chèo mạnh, đưa
thuyền lao vào bãi cát gần gốc cây đa. Y Nhớ nhảy lên cát, khéo thuyền lên để
Vân và H’Uyên bước xuống. Dưới sông, con cá sấu vẫn lồng lộn, đập đuôi ầm ầm làm nước bắn lên cao tận cành cây đa. Con cá sấu vùng vẫy một lúc
rồi im, dòng sông trở lại thanh bình. Bầy khỉ ngồi thu lu trên các cành đa chắc
phải
gần
trăm con. Chúng hình như đang quan sát ba ân nhân cứu mạng.
Vân ngồi bệt xuống mặt cát, mặt tái xanh
như tàu lá, nói như hụt hơi:
- Bây giờ phải làm sao đây?
- Chắc con sấu bị đau mắt rồi đấy, đầu nó
to quá, mình gõ một cái đúng mắt phải luôn. Mà
sao mắt nó to thế, hơn cả cái ly uống nước ấy - Y Nhớ góp chuyện. Vân vẫn
còn run run nói:
- Còn nước không, cho xin một ngụm.
Vân quay lại hỏi, H’Uyên đưa quả bầu khô đựng nước cho
Vân; Vân ngửa cổ làm một hơi dài, uống xong mới lấy lại bình tĩnh, hỏi:
- Làm sao lại phải đánh vào mắt mà không
đánh vào đầu cá sấu?
- À, chuyện của người già kể lại mà, kinh
nghiệm sống khi đi trên sông nước đấy - H’Uyên
trả lời, chuyện là như vầy...
***
Ngày ấy có đôi vợ chồng mới lấy nhau, vào rừng đi săn. Họ
đi từ sáng tới chiều không bắn được con nào. Có lẽ vì họ đang yêu say đắm nên
chỉ lo chuyện trò, không chú ý mấy đến muông thú.
Chiều xuống, họ quyết định ra sông lấy thuyền trở về, xem
như một ngày vợ chồng vào rừng dạo chơi. Khi ra gần đến chỗ cột thuyền, bất
ngờ một con mang vô tình đi qua trước mặt, cơ hội Yang cho không thể để lỡ, người chồng đang cầm
cây lao trên tay phóng ngay ra, trúng cổ con mang. Mang gục ngay
tại chỗ, người vợ mừng quá chạy lại tranh phần vác con mang xuống thuyền. Người chồng cười độ lượng, chiều theo ý vợ, họ lên thuyền
trở về nhà.
Sông Sêrêpôk quãng từ buôn qua rừng già,
nơi người dân thường chèo thuyền qua lại, vào
mùa khô chỉ rộng khoảng một trăm sải tay người lớn. Chiều lại, người trong buôn
kéo ra bến sông tắm giặt, nô đùa đông vui lắm. Người chồng ngồi sau chèo thuyền,
người vợ ngồi giữa thuyền, quay mặt nhìn chồng, nở nụ cười hạnh phúc vì ngày đầu tiên
vào rừng được Yang ban quà. Khi thuyền ra gần đến giữa dòng, người vợ thò tay
xuống sông để rửa. Hai bàn tay dính đầy máu mang hoà vào trong nước. Không ngờ
dưới lòng sông có con cá sấu ở đâu mới đến ngửi thấy mùi máu, liền nổi lên đuổi
theo thuyền. Khi thuyền ra giữa dòng, con cá sấu thúc đầu vào thuyền đội lên
làm nghiêng thuyền, người vợ văng xuống nước. Cá sấu đớp luôn vào đùi người vợ từ từ dìm xuống sông. Người chồng thấy vậy vội bỏ
thuyền lao xuống sông nắm lấy tay vợ. Con cá sấu lặn sâu xuống lòng sông. Người
chồng lần theo tay vợ, xuống đến đầu cá, cố dùng hai tay kéo hàm cá để vợ rút chân
ra, nhưng không được. Trong lúc đường cùng, anh ta chợt nghĩ, đằng nào cũng chết,
phải giết cá trừ hoạ cho dân. Trong tay không tấc sắt, da cá lại dày, chỉ có
con mắt cá là dễ gây tổn thương nhất. Nghĩ vậy, anh ta thôi không kéo hàm cá nửa
mà dùng hết sức bình sinh thọc hai tay, móc hai mắt cá sấu lôi ra. Con cá đau quá phải há miệng
nhả chân người vợ, chạy trốn. Nhờ thế người chồng cứu được vợ, nổi lên mặt nước.
Đàn ông trên bờ thấy thế vội bơi thuyền ào ra vớt hai người lên. Trong khi ấy con cá sấu mất mắt, quẫy đạp ầm ầm, làm
vẩn đục cả một khúc sông’.
Chiều tối, già làng cho chôn cột, buộc
chiêng và rượu cần ngay bến sông rồi nổi chiêng
tạ ơn Yang và hỏi chuyện người chồng, làm cách nào cứu được vợ khỏi hàm cá sấu.
Bên đống lửa đỏ rực trên bãi cát ven sông, người chồng cứ thật tình kể lại suy nghĩ và
hành động của mình lúc ấy. Già làng khen: Giỏi! Rồi nói thêm: Lũ chúng mày nghe
chưa, từ nay nếu không may bị cá sấu cắn, phải bình tỉnh dùng tay móc vào mắt
cá, nó sẽ phải há miệng để người thoát ra.
Người trong buôn vui lắm, mở tiệc linh đình
đúng ba ngày ba đêm. Đến chiều ngày thứ ba người ta thấy xác con sấu nổi lên, trôi dạt vào
bến. Người già trong buôn cho cánh thanh niên kéo lên bờ, đo chiều
dài hơn ba sải tay người lớn.
- Người xưa kể thế, nhưng ở buôn ta đã có
ai bị cá sấu cắn chưa?
- Chuyện ngày xưa thôi, chứ lâu lắm khúc
sông gần buôn ta không có cá sấu nữa, chắc
chúng sợ người nên đi xa cả rồi.
Y Nhớ trả lời Vân, H’Uyên góp chuyện:
- Voi và trâu, bò vẫn bơi qua lại trên sông
hàng ngày, nhưng không bị cá sấu tấn công,
chắc chúng không dám ở gần con người.
- Cá sấu dưới nước làm sao biết con người
trên cạn mà sợ? - Vân không tin, vặn lại. Y Nhớ trả lời:
- Vân không biết thôi, có con vật nào lại
không sợ người. Con cá dưới nước, con chim bay
trên trời, con thú trong rừng sâu đều sợ người hết, nếu không chúng đã bị người ăn thịt hết
cả rồi.
- Con sấu lúc nãy to lắm, nó có lật được
thuyền của ta không?
Vân lo lắng hỏi lại. H’Uyên gạt đi:
- Đàn ông gì mà yếu bóng vía thế, nếu nó tấn
công thuyền, mình sẽ nhảy xuống nước móc
mắt nó luôn. Yên tâm chưa.
- Cậu dám?
- Dám chứ sao không. Chẳng lẽ lại yếu như
con trai Kinh, mới thấy nó quẫy đuôi một cái
hồn vía đã theo Yang hết cả.
- Thôi hai bạn đừng cãi nhau nữa, giờ ta đi
đâu?
Y Nhớ hỏi, H’Uyên trả lời:
- Ta để thuyền đây rồi vào rừng chơi cho biết.
- Đồng ý.
- Này các cậu có khùng không mà rủ nhau vào
rừng cấm?
Vân không chịu, hỏi lại. Y Nhớ nói:
- Rừng cấm là chuyện của người xưa rồi, nay
ta thử vào xem ra sao. Mình tò mò lắm, muốn biết cái
gì trong đó mà người ta lại gọi rừng của Yang.
- Y Nhớ nói phải đấy Vân ạ, không biết phải
đi cho biết, biết đâu ta lại phát hiện ra những điều
thú vị cũng nên.
- Thôi không nói nữa, ta đi thôi không chiều
mất.
Y Nhớ dứt lời, bước lại lôi Vân đứng dậy bảo:
- Giúp mình kéo thuyền lên bãi cát nào.
Ba người đẩy thuyền lên bãi cát, lấy đồ
mang theo leo lên bờ. Y Nhớ cầm cây xà gạc đi trước, Vân vác cây
đinh ba đánh cá đi giữa, H’Uyên đeo gùi bước đi sau cùng. Bầy khỉ thấy vậy đột nhiên cất tiếng hú ầm ĩ, rồi đu cành lao vun vút
vào rừng sâu. Mặt trời nghiêng về phía tây, thỉnh thoảng một đám mây trắng bồng
bềnh trôi qua như dõi theo ba cô cậu học sinh vừa mới học xong lớp tám rủ nhau
vào rừng của Yang. Rừng Yang là rừng của thần linh luôn luôn mang
theo những huyền bí mà nhiều khi con người vẫn chưa thể khám phá được.
Nhà
sáng tác Nha Trang, tháng 7 năm 2018
Chú thích:
Yang – tiếng Ê đê chỉ thần linh.
Ama, ami – tiếng Ê đê gọi ba, má.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI