(Đọc tập thơ Cung trầm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)
"Người thơ phong vận
như thơ ấy" (Hàn Mặc Tử). Tôi nghĩ khi Hàn thi sĩ thốt lên câu thơ này hẳn
ông đã có một bề dày kinh nghiệm về đọc thơ và thẩm thơ. Quả vậy, thơ chính là
hồn cốt của thi nhân. Dung mạo tâm hồn họ thế nào, chỉ cần đọc thơ người ấy lên
là ta chạm được, dù chưa thể toàn bích, song những tâm tình rung cảm với đời, với
người lẽ nào không ít nhiều phản chiếu qua thơ?
Lâu nay, đọc thơ của nữ
sĩ Bích Xoan trên báo chí và cả trang facebook cá nhân của chị, tôi cứ đồ rằng,
chị phải là người phong tình nhiều lắm, yêu thương nhiều lắm. Nay cầm trên tay
tập bản thảo Cung trầm, lòng tôi mới tin rằng mình đúng. Đúng như cái tên rất
thơ và lắng đọng này, ta bắt gặp tâm hồn thi nhân luôn canh cánh một nỗi
niềm luyến ái, dường như bao nhiêu cung bậc của tình yêu đều ngân rung nhẹ nhàng qua từng câu
chữ tràn ngập hương yêu. Quả vậy, thơ Bích Xoan ngập tràn hương sắc tình yêu.
Lúc khao khát nồng nàn, khi âu lo khắc khoải; lúc buồn thương vương vấn, khi thầm
trách vu vơ... Tất cả cứ chân thành, bộc trực bằng chính trái tim thiết tha, mê
đắm và sống trọn vẹn với cõi tình vạn thuở.
Trong bài thơ Cung trầm
- cũng chính là tên của tập thơ - nữ sĩ Bích Xoan đã có những câu thơ
thật hay, thật xúc động về tình yêu đôi lứa. Phải trải nghiệm và thấu hiểu, tác giả mới có
được cảm nhận về một không gian đầy tâm trạng trong cái "đêm thương"
kỳ diệu của tâm hồn:
Đêm
thương
đêm
chẳng sắc màu
Ngày
thương
mây xám nhuộm sầu không gian
Cạn dầu, tội bấc khô khan
Mùa đi, mặc kệ gió ngàn
xác xơ
(Cung trầm)
Từ "đêm thương đêm
chẳng sắc màu" đến "Có những ngày rất nhớ biết không anh", thơ Bích
Xoan vẫn một điệu tình tha thiết ấy. Có lúc cảm xúc trào dâng, thơ chị cuống
quýt, nồng nàn nhưng rồi bỗng trở nên hụt hẫng, bởi tất cả đã hóa thành những
"cung trầm" kỷ niệm. Vì thế, dù có yêu đến cháy dạ cháy lòng giữa bể
tình nông sâu lắm nỗi, tâm hồn thi nhân vẫn mãi hư hao và nặng trĩu một mối u hoài.
Nỗi niềm bơ vơ ấy mới tội nghiệp làm sao khi ta đọc những dòng thơ này trong bài Có những ngày như thế:
Ôi
những ngày...
lặng lẽ với cơn mơ
Em cô đơn và rất cần anh đó
Hãy là gió mây, là vầng trăng sáng tỏ
Để em dõi nhìn cho vơi bớt nỗi bơ vơ...!
lặng lẽ với cơn mơ
Em cô đơn và rất cần anh đó
Hãy là gió mây, là vầng trăng sáng tỏ
Để em dõi nhìn cho vơi bớt nỗi bơ vơ...!
Có lúc, không
thể tự mình bộc lộ trực tiếp nỗi niềm thương nhớ, hờn trách người yêu, nhà thơ Bích Xoan mượn
hình tượng núi và mây để giãi bày tâm sự. Vẫn điệu tình thăm thẳm một
"cung trầm" thương nhớ đấy thôi, nhưng lúc này như khoác hờ voan
sương mỏng, nhờ đó thơ Bích Xoan lắng sâu và giàu hình tượng nhiều hơn. Qua nỗi niềm chờ
mong mỏi mòn của núi, mây đến "êm đềm thoáng chốc vụt qua đi", đã đọng
lại một khối u sầu thê thiết trong hồn thơ của chị. Rồi sau phút
"bình tâm" nhận về bao xa xót ấy, nữ sĩ Bích Xoan tâm sự:
Mưa xối xả lên niềm đau
thương ấy
Mặc núi mòn mây
vội vã bay đi
Sau bão tố ta
bình tâm nghĩ lại
Núi và mây đâu đã chút
duyên gì...!
(Núi và mây)
Trong tập thơ Cung trầm,
nữ sĩ Bích Xoan có một chùm bài thể hiện cảm thức mùa qua những hồi ức tơ vương
gắn với kỷ niệm về tình yêu đôi lứa. Đó là Khúc hạ giã từ, Chỉ là...,
Bóng mây, Em gọi xuân về, Hạ về, Xuân mơ... Ở mảng thơ này, cảm xúc tình yêu trong
thơ chị nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần sâu lắng. Đây là "âm ve"
vang vọng qua hồi ức nhà thơ khơi nguồn từ tiếng cười trong veo một thời thiếu
nữ, vậy mà nỗi niềm cứ vương vấn, xót xa:
Chỉ là đâu đó tiếng cười
Mà âm ve gọi bời bời đợi
mong
Níu mùa... hỏi
thấu ta không?
Lặng trong nỗi
nhớ nao lòng, hạ ơi...!
(Chỉ là...)
Bên cạnh mảng thơ viết
về tình yêu với những "cung trầm" thao thiết, nhà thơ Bích Xoan còn
có nhiều bài thơ hay viết về nghĩa mẹ, tình quê sâu thẳm ân tình. Tôi nghĩ đây cũng
là mảng thơ giàu cá tính của chị, bởi tất cả đều cất lên từ những khoảnh khắc tâm tình rất
thật khi được trở về bên mẹ nơi chốn quê xưa. Suy tư và trăn trở về quê hương
và hình ảnh mẹ hiền một thời khó nhọc, trong bài Nghĩa mẹ, tình quê, nữ
sĩ Bích Xoan đã có những câu thơ thật sâu lắng, mang nhiều nỗi niềm về một
đoạn đời ở chốn quê cơ cực. Nơi đó bóng mẹ, tình quê đan lồng vào nhau, vất vả mà nặng
sâu một ân tình cao đẹp:
Lũ quê nước bạc trắng
trời
Củ khoai xẻ nửa, nụ cười
rụng rơi
Đêm ngồi đan thúng chằm
tơi
Tay đưa cánh võng ru hời
giấc con
(Nghĩa mẹ, tình quê)
Câu thơ "Củ khoai
xẻ nửa, nụ cười rụng rơi" hay đến không ngờ, tự nhiên mà thấm thía một nỗi
niềm quê kiểng. Khắc khoải nhớ thương về hình bóng mẹ già nơi quê nhà xa cách,
mượn hình tượng cánh cò trong thi liệu ca dao - dân ca: "Cánh cò cõng nắng ven
sông", nhà thơ Bích Xoan cũng đã đưa người đọc lắng vọng tâm hồn để hồi ức về đấng
sinh thành cả cuộc đời khó nhọc mà thơm thảo tình thương bằng những câu
thơ giàu cảm xúc và mang đậm dấu ấn rất riêng:
Núi cao trong dáng
mẹ ngồi
Giếng quê trong vắt như
đời mẹ tôi
Về vùi lòng mẹ
đưa nôi
Cho con mơ tận cuối trời
thẳm xa
(Cổ tích đời mẹ)
Về phương diện
nghệ thuật, thơ Bích Xoan là điệu hồn bộc trực nên hình tượng thơ thường "găm"
trực tiếp vào lòng người đọc bằng những tâm sự chân thành, không vòng vèo đánh
bóng câu chữ. Đọc toàn bộ thi tập Cung trầm, thi thoảng ta cũng gặp các hình
tượng ẩn dụ, hoán dụ, các thi pháp nghệ thuật giàu tính hình tượng, song phần lớn
tất cả những nỗi niềm, tâm sự về tình yêu, về mẹ và quê hương đều được nhà thơ biểu
đạt rất mực chân thành, đậm sắc thái trực cảm. Dù vậy, nếu tinh ý, chúng ta vẫn
có thể phát hiện qua các lớp ngôn từ nghệ thuật một số nét thi pháp khá đặc sắc
trong tập thơ Cung trầm của nhà thơ Bích Xoan. Chẳng hạn về hệ thống
nhan đề các tác phẩm, nhà thơ đã dùng rất nhiều các chủ từ nhân xưng
"anh", "em" để khẳng định cái tôi trữ tình mãnh liệt của
chính mình, nhất là mảng thơ viết về tình yêu: Cho em mượn một bờ vai, Đêm
không anh, Em gọi
xuân về, Em sợ lắm, Em sẽ về thăm quê anh miền Tây, Em ước, Nhớ anh, Về Hà Tĩnh
anh ơi!, Em về nơi đó tìm anh... Bích Xoan đấy, một Bích Xoan nồng nàn, mê đắm; mãnh liệt và rất
đỗi chân thành. Đó chính là cái tôi tha thiết và bộc trực mà người đọc rất dễ
dàng nhận ra khi đọc thơ chị trong thi tập này. Quả là một Bích Xoan không giấu
diếm tâm tình, không ẩn dụ, kín đáo mà luôn đon đả, gọi mời và cháy hết mình
trong tình yêu. Nói với anh hay nói với chính mình, trước sau gì thơ Bích Xoan vẫn nồng
nàn cảm xúc, "cần lắm bờ vai anh ngay cả... chết đi rồi":
Dựa vào vai anh chợt ấm áp tim mình
Bao vất vả nhọc nhằn bay không tưởng
Những lo toan của đời thường đổ xuống
Bờ vai anh hóa khoảng lặng êm đềm
(Cho em mượn bờ vai)
Ngay cả trong thảng thốt, lo âu, thơ Bích Xoan vẫn một niềm mơ ước. Bài
thơ Em ước là niềm khát khao da diết, nồng nàn của chị trong tình yêu:
Em
ước suốt đời anh yêu em nhất
Như
thân cau quất quýt lá trầu vàng
Và suốt kiếp tình này không lỗi nhịp
Sắc thắm hồng quyện mãi lửa yêu thương
(Em ước)
Qua tập thơ Cung trầm, nhà thơ Bích Xoan sử dụng các thể thơ truyền thống
quen thuộc, trong đó thể thơ lục bát chiếm một tỉ lớn, 17/50 bài. Cùng với giọng
thơ trữ tình trực cảm như chính tâm tình của thi nhân trước
tình yêu lứa đôi, quê hương và hình bóng mẹ hiền; các hình ảnh thơ đậm tính dân
tộc, bình dị, gần gũi cũng chính là những
đóng góp rất riêng của tác giả Cung trầm.
Với
những thành công ban đầu từ tập thơ Gửi nắng qua sông (2015), phải bình tâm mà nhận thấy rằng đến Cung trầm, nữ sĩ Bích Xoan đã có những cố gắng
nâng hồn thơ bay bổng nhiều hơn, cảm xúc thơ cũng chín đậm và sâu hơn trước. Đọc
qua 50 bài thơ trong thi tập, hẳn lòng ta cũng thương vương nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm được đánh thức giữa những bôn ba khó nhọc đời thường. Có lẽ từ
những cảm xúc nhân văn, những tâm tình dịu dàng mà tha thiết,
nồng cháy mà thẳm sâu, Cung trầm của nữ sĩ Bích Xoan
đã thực sự rung cảm và sẻ chia với nhiều trái tim đồng điệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI