Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

NGƯỢC DÒNG SÊRÊPÔC truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - THỜI NAY số: 922 - 15/11/2018





Bính bong… bính bong… bính bong!
Dàn chiêng của buôn Phôn Prang nổi lên lan tỏa trên mặt sông, dội vào cánh rừng già như tiếng kêu bi ai, nghe nảo lòng. Hôm nay nhà amí H’Lan(1) làm lễ bỏ mã chồng, tổ chức đâm trâu. Theo phong tục người Êđê, khi người vợ có đủ vật chất làm lễ bỏ mã, sau lễ là quên luôn mộ người chồng cũ để đi bắt chồng mới. Trong lễ bỏ mã, có lễ đâm trâu. Trong lễ đâm trâu, người chủ con trâu làm thủ tục đầu tiên, khóc và than thở với con trâu chuẩn bị đâm: tao với mày là bạn, sướng khổ có nhau, nay tiễn mày về với Yang… tiếng chiêng ngân lên đệm cho lời than của chủ nhân. Sau nghi lễ khóc trâu đến nghi lễ đâm trâu rất rùng rợn: ông thầy cúng lại lầm rầm khấn vái, chiêng trống nổi lên và một người đàn ông khỏe mạnh, cởi trần chỉ đóng một chiếc khố nhảy múa quanh con trâu đã bị buộc cổ vào một cây cột chôn gần ngôi mộ người chồng xấu số. Nhảy một lúc, ông ấy vung giáo lao một phát trúng vào ức con trâu, máu phọt ra, con trâu giãy dụa một hồi rồi gục xuống; nếu không trúng huyệt, họ tiếp tục nhảy múa và đâm tiếp đến khi con trâu chết mới thôi. Trong lễ bỏ mã toàn bộ người dân trong buôn của gia chủ - người vợ, còn thêm khách là người của buôn bên gia đình nhà người chồng đến chứng kiến. Ngoài con trâu đực lớn bị người ta cột cổ vào cây để đâm khi làm vật tế ra còn có thêm vài con bò, hàng chục con heo, gà… cùng bị thịt làm đồ ăn cho mọi người tham gia lễ cúng. Đã là cúng bỏ mã thì chỗ làm lễ phải ngay bên cạnh mộ người chết sắp bị bỏ và người ta tổ chức ăn uống cả ngày lẫn đêm ngay ở đó luôn.
Ông thầy cúng nổi bật nhất vì mặc chiếc áo thêu nhiều màu sặc sỡ, dài đến tận đầu gối che khuất luôn chiếc khố đen. Ông khấn vái xong một bài, lại vít cần rượu uống; uống rồi lại khấn, thâu đêm suốt sáng đến ba ngày ba đêm như thế. Không biết cái lời nơi miệng với bài cúng trong đầu có giống nhau không, nhưng Yang(2) trên trời chắc hiểu rõ cả nên mây vẫn bay, trời vẫn nóng oi ả vì mùa khô Tây Nguyên như thế. Còn đám người lớn cũng vậy, họ chỉ lo ăn, lo uống và đêm còn hát nữa, hát đến khi mệt thì kéo nhau ra lùm cây, hay chỗ vắng ôm nhau ngủ, ngủ dậy lại uống… lễ bỏ mả là vậy.
Đám trẻ lau nhau thấy người ta làm lễ cúng bỏ mã thích lắm, tha hồ ăn, tha hồ chơi và tha hồ nghịch ngợm mà không bị la mắng vì… ai cũng say cả rồi. H’Uyên con gái út của già làng năm nay vừa tròn mười ba mùa rẫy, khuôn mặt như trăng rằm, tóc hoe hoe đỏ, quăn tự nhiên như người thành phố đi uốn. Trong số mấy chục đứa bạn cùng tuổi, kể cả nam và nữ trong buôn hình như đã thỏa thuận ngầm với nhau đều nhất nhất tuân theo ý kiến H’Uyên, không bao giờ tranh cải. H’Uyên không thích uống rượu cần, cũng không ham ăn đồ cúng nên chỉ đứng nghe người ta đánh chiêng, khóc trâu một lúc rồi lại gần Y Nhớ, đá vào khủy chân bạn, làm bạn khụy xuống. Y Nhớ nổi cáu quay lại định vung tay đấm kẻ gây sự, nhìn thấy H’Uyên đang nở nụ cười tươi như hoa liền hỏi:
-Có chuyện gì à?
-Ta lấy thuyền đi chơi nhé.
-Xin ama(3) chưa?
-Say xỉn hết rồi, ai còn nhớ gì đâu mà phải xin. Đi không?
-Đi.
-Gọi thêm Vân nữa.
-Ừ!
H’Uyên đi về buôn lấy đồ, Y Nhớ chạy đi tìm Vân, cậu bạn học cùng lớp. Ba Vân làm bác sỹ, còn má Vân là cô giáo xứ Nghệ, họ gặp nhau trên cao nguyên rồi nên vợ nên chồng, định cư luôn ở cái buôn thơ mộng bên dòng sông Sêrêpốk – con sông chảy ngược, bắt nguồn từ phía đông đổ nước qua phía tây. Trong cái buôn hơn ba trăm nóc nhà dài, chỉ có nhà Vân là hộ người Kinh duy nhất và Vân cũng là người H’Uyên chơi thân, tạo thành bộ ba thường tổ chức các cuộc quậy phá bạn bè cùng trang lứa. Lũ bạn nhiều lúc bực lắm nhưng đều phải cười trừ. Hôm rồi, H’Uyên cầm một chùm quả dâu da chín đỏ, nặng trĩu tay đưa cho Vân cầm để ba đứa đứng dưới gốc cây phượng gần cổng trường bóc ăn. Mấy đứa bạn trai học cùng lớp thấy vậy kéo lại ăn cùng, cả đám đang ăn vui vẻ bỗng Y Trang nhảy dựng lên như trúng tà, tay múa may loạn xạ, rồi tụt luôn áo đang mặc quẳng đi, làm đám bạn xanh mặt. H’Uyên thấy vậy, cười nghiêng ngã. Bọn bạn không hiểu điều gì vừa xảy ra, đứng vây tròn lấy Y Trang. Một lúc sau ngớt cười, H’Uyên bảo:
-Y Trang bị trúng gió à? Chắc ăn nhiều dâu gia quá mà.
-H’Uyên chơi xấu.
Y Trang đỏ mặt lầu bầu, H’Uyên trả lời:
-Ơ sao lại đổi cho mình vậy, chuyện lạ kỳ chưa, có các bạn đây làm chứng nhé. Chắc Yang phạt thì có.
-Yang gì mà có chuyện bỏ thạch sùng vào cổ áo người ta. Không H’Uyên còn ai vào đây nữa?
Mãi đến lúc này mọi người mới biết, H’Uyên đã bắt sẵn con thạch sùng dấu vào trong bàn tay, chờ lũ bạn xúm vào ăn dâu gia mới thả vào trong cổ áo bạn. Con thạch Sùng vừa thoát khỏi tay người, bám vào da lưng để chạy, nhưng mắc áo nên chạy lung tung trên lưng.
Có một lần khác, H’Uyên đến lớp, mặt tươi tỉnh, trên tay cầm một gói báo đùm một chùm quả màu đỏ tươi, nhìn giống như hạt lúa nhưng to hơn đầu đũa một chút. Trãi tờ giấy lên bàn, bốc từng quả bỏ vào miệng ăn ngon lành. Mấy bạn trai người Kinh thấy thế xúm lại bốc ăn, rồi ôm miệng kêu. Lúc đó H’Uyên mới bỏ chạy ra khỏi lớp cười như bị ma làm. Té ra quả đỏ đẹp ấy là quả gắm, mọc hoang trong rừng già, phía dưới lớp vỏ đỏ tươi, mọng nước có một lớp lông nhỏ ly ti, người không biết cắn vào bị lông cắm vào môi… đau lắm.
Lại một lần đám bạn trai đang gân cổ lên cải nhau về chuyện chơi cù, không ai chịu ai, H’Uyên bước tới bảo;
-Ê, có chuyện gì nói tao phân giải cho.
Cánh bạn trai tranh nhau nói, giải thích để chứng minh bên mình thắng, H’Uyên thản nhiên lắng nghe, thỉnh thoảng lại đưa lên miệng một quả me rừng nhai, hơi nhăn mặt một chút như bị chua làm mấy anh bạn đang cãi nhau chảy nước miếng xòe tay xin chia. Khi ấy H’Uyên mới chìa tay trái dấu sau lưng, cầm một bao giấy gói quả cây chìa ra, đám bạn trai vội vã tranh nhau lấy, hí hửng bỏ miệng nhai. Đến khi ấy H’Uyên mới vùng bỏ chạy vào lớp để đám bạn trai hùng hục chạy đuổi theo đằng sau, vừa chạy vừa khạc nhổ ầm ĩ vì ăn phải quả liu chiu, đắng ngắt.
Chuyện nghịch của H’Uyên, kể cả ngày không hết, nhưng được cái học giỏi và khéo tay nên bạn bè đều phục lắm. Hình như Yang sinh ra cô con gái Êđê này để làm thủ lĩnh thì phải, việc lớp thì khỏi nói, chỉ đạo đâu ra đấy, ai cũng vừa lòng. Hôm nay rủ hai cậu bạn thân lấy thuyền đi chơi, đây là việc lạ với vùng này, chuyện chèo thuyền là của đàn ông, đàn bà chỉ biết ngồi trên thuyền thôi, vậy mà... 
*
**
Khi Vân và Y Nhớ chạy ra đến bờ sông đã thấy H’Uyên ngồi trên thuyền từ lúc nào rồi. Chờ hai bạn lên thuyền H’Uyên mới tháo dây buộc, đẩy thuyền ra rồi bảo:
-Bây giờ còn khỏe ta ngược dòng lên phía đông thượng nguồn chơi, chiều về xuôi dòng đi cho khỏe.
Cả bọn nhất trí, Y Nhớ ngồi mũi thuyền chèo phụ với H’Uyên; con thuyền từ từ nhắm phía đông thẳng tiến. Thuyền độc mộc của người Êđê được đẽo gọt công phu, tốn nhiều tiền của lắm. Để làm thuyền, gia chủ phải chọn ngày tốt, mời thầy cúng đến làm lễ xin Yang cho phép. Sáng hôm sau gia chủ dẫn bọn thanh niên vào rừng đi tìm cây làm thuyền. Thường phải loại gỗ tốt, gốc cây to hai vòng ôm người lớn; cao vút, cách mặt đất khoảng bảy sải tay không có nhánh hay u, bứu gì. Chọn được cây rồi, gia chủ cùng mọi người phát quang xung quanh gốc cây đọ hai sải tay, chặt vào thân cây năm nhát, rồi về. Một tháng sau, gia chủ vào thăm, không thấy có gì khác thì cây mình chọn là của mình. Nếu cây có người nhận trước, người ta sẽ chặt chéo lên vết chặt của mình, mình sẽ không được chặt cây đó nữa. Hôm sau chọn được ngày tốt, lại mời thầy cúng đi theo cùng bọn thanh niên vào rừng làm lễ cúng Yang rừng, xin chặt cây. Cúng xong mới chặt cây đổ xuống rồi về. Chờ sáu lần con trăng tròn trôi qua, gia chủ mới mời thầy cúng và thợ vào rừng làm lễ cúng Yang rừng xin được đẽo thuyền. Chỉ với cây dao, chiếc rừu thô sơ, người nghệ nhân tạc thành hình con thuyền dài khoảng sáu hoặc bảy sải tay. Sau đó mới đốt, khoét dần thành con thuyền. Để có một con thuyền, người dân làm mất nhiều công sức lắm, đó là chưa kể các lễ vật cúng Yang, tạ ơn Yang.
Sông Sêrêpốk mùa mưa gào thét kinh khủng lắm, nước trên thượng nguồn đổ về như sự dận giữ của Yang, cuốn phăng cả những cây to đùng cùng cành, lá, gốc rễ. Nhưng mùa khô nước trong xanh, êm ái chảy quanh buôn. Không biết tự bao giờ, người dân chỉ làm nhà bên trái dòng sông, còn bên phải là rừng già, rừng rộng đến nỗi nếu người cưỡi voi nhắm hướng tây đi cả năm mùa trăng cũng chưa hết rừng. Trong rừng thì nhiều thứ ăn được lắm, từ hoa quả, nấm, rễ cây đến các loại chim thú như được nhốt sẵn để người có việc vào lấy về dùng dần.
Con thuyền ngược nước từ từ tiến lên, tiếng chiêng trầm bổng nhỏ dần rồi mất hẳn. Vân quay lại nói với H’Uyên:
-Đưa mình chèo cho một lúc nào.
-Ô, Vân cũng biết chèo thuyền à?
-Phải thử chứ, đàn ông không có việc gì là không làm được; đưa đây thì biết.
-Đây, chèo đi.
Cầm mái chèo, Vân thọc xuống mặt sông vít mạnh, con thuyền quay ngang, nếu H’Uyên không nhanh tay túm lấy áo kéo lại, chắc Vân đã cắm đầu xuống sông. Khuôn mặt có nước da trắng hồng như con gái của Vân tái mét, H’Uyên cười phá lên:
-Ô đàn ông, đàn ông giỏi, có gì mà không làm được, nhất là chèo thuyền bằng… đầu!
-M… ình m… ình tưởng cứ thọc mái chèo xuống sông là được.
-Cậu phải lựa thế khi đưa mái chèo xuống nước như thế này này… rồi kéo mạnh về phía sau.
Y Nhớ vừa hướng dẫn vừa làm mẫu để Vân làm theo. Tuy mới có mười ba mùa rẫy – cách tính tuổi của người Êđê, vì mỗi năm người dân nơi đây chỉ làm rẫy một lần trong năm vào mùa mưa, mùa khô không làm rẫy mà đàn ông vào rừng săn bắn, phụ nữ đi thu sản phẩm rừng về ăn. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng già nên mọi người có ý thức bảo vệ rừng như bảo vệ tài sản riêng, không chặt phá bừa bãi mà cân nhắc cẩn thận khi chặt một cây mang về. Y Nhớ có khuôn mặt vuông chữ điền, tóc quăn tự nhiên hình như không bao giờ chải, có ít sợi phủ xuống vầng trán rộng; đôi mắt đen láy lúc nào cũng nhìn thẳng. Con trai người Ê đê, ai cũng có nước da đặc trưng màu chiêng đồng mới đúc xong, nhìn qua đã thấy tràn căng sức sống.
*
**
Dòng sông như một con trăn khổng lồ uốn lượn qua các cánh rừng già mượt mà xanh tốt, vươn mãi về phía núi cao mờ mờ phía đông. Con thuyền men theo ven bờ phía nam cứ ngược sông mãi về phía đông, thỉnh thoảng có đoạn bờ sông bị nước ăn vào, bờ sông dốc đứng, H’Uyên nói:
-Y Nhớ xem có con cá nào lớn bắt mấy con ăn trưa đi.
-Được.
Bỏ bơi chèo xuống lòng thuyền, Y Nhớ lấy cây chĩa ba mủi làm bằng sắt dài hơn gang tay được gắn vào thân cây mây già, to hơn ngón chân cái một tý, dài gần một sải tay, ra đứng đầu thuyền chăm chú nhìn xuống nước. Trên người mặc chiếc áo cộc, quần đùi, dáng người Y Nhớ không mập lắm nhưng thể hiện được vẻ rắn chắc của con người miền núi. Thấy bạn chăm chú nhìn mặt nước khi thuyền đi gần bờ, Vân bảo:
-Ơ, bắt cá phải ra giữa sông chứ vào sát bờ, đất lở ầm ầm thế kia thì có con cá nào ở đó mà bắt.
-Vân có kinh nghiệm bắt cá sông quá nhỉ, bạn đã từng bắt được con nào chưa?
H’Uyên nói xong, nở một nụ cười độ lượng. Vân cũng cười theo, chống chế:
-Mình đọc sách, người ta dạy thế mà.
-Bụp!
Chiếc mũi lao trên tay Y Nhớ lao vút xuống mặt nước, kèm theo tiếng kêu như đâm phải vật gì. H’Uyên dùng mái chèo, ghì con thuyền dừng lại để Y Nhớ rút cây lao lên. Trên đầu mũi lao, một con cá lăng, da trơn, bên mép có mấy cái râu dài phải hơn hai gang tay; đầu bẹp, thân tròn như bắp chân đang cố vùng vẫy nhưng không thể thoát ra khỏi mũi lao. Bỏ cá xuống lòng thuyền, Y Nhớ lại ra đứng mũi thuyền chăm chăm nhìn mặt nước rồi lại vung tay, mũi lao bay về phía trước, khi kéo lên lại một con cá trông như cá chép, thân đen nhưng miệng có môi dày và đỏ như đánh son, to hơn bàn tay xòe ra.
-Vậy là đủ chưa?
Y Nhớ quay đầu lại hỏi, H’Uyên trả lời:
-Nhiều quá rồi đấy.
-Ghé cây đa to kia ăn trưa nhé.
Vân chỉ cây đa to, cành lá sum sê, tỏ bóng xuống mặt sông phía trước mặt nói, H’Uyên gật đầu, trả lời:
-Đồng ý.
Thuyền ghé vào bờ, Y Nhớ nhảy xuống đất, túm dây buộc thuyền vào rễ cây để H’Uyên khệ nệ mang gùi bước xuống. Cô bạn thật chu đáo, trong gùi ngoài bầu đựng nước, gói muối, một xoong đựng cơm, mấy cái thìa, con xà gạc(4). Vân ngạc nhiên hỏi:
-Cậu mang cả cái bếp thu nhỏ của gia đình theo à?
-Người đi rừng phải chuẩn bị vậy đấy. Hai ông đi chặt củi, cây phải to như bắp chân trở lên mà chưa mục nhé, mục không có than đâu.
-Nhưng mà lấy lửa ở đâu đây?
Vân ngạc nhiên hỏi, H’Uyên móc trong túi áo, giơ bật lửa lên, trả lời:
-Có đầy đủ rồi.
Chỉ một thoáng, hai đứa đã lôi lại chất gần gốc cây đa bốn khúc cây củi lớn. Rừng già, cây bị gió quật gãy nhiều cành nên kiếm củi cũng dễ. H’Uyên chặt hai cây tre to hơn ngón tay cái một chút thọc vào miệng cá, giao một con cho Vân bảo:
-Vân để gần than nhưng không được chạm vào than, cá cháy đi mất ngon.
-Dễ ợt, mình làm được.
Vân trả lời rồi đón con cá từ tay bạn. Lúc đầu cầm con cá còn nhẹ, sau vài lần trở cá, hình như con cá trên hai ký cứ nặng dần, nặng dần làm khuôn mặt Vân mồ hôi nhỏ giọt, tay cầm cá cứ chực rớt xuống than. Nhìn thấy thế, H’Uyên bật cười bảo:
-Đàn ông người Kinh cái gì cũng làm giỏi nhỉ, nhất là nướng cá thế này… Thôi đặt xuống đây, ai lại cầm như vậy bao giờ.
Đặt hai hòn đá bên cạnh đống than, H’Uyên để hai con cá lên trên, thỉnh thoảng lật qua, lật lại cho cá chín đều. Vân nhìn bạn mặt lại đỏ lên, chắc không phải là nóng.
Y Nhớ vào rừng, một chốc về, tay xách một chùm quả chay, tay cầm thêm mấy tàu lá chuối tươi. Chay rừng, quả chỉ to như quả trứng gà, màu vàng chanh trông rất đẹp mắt. H’Uyên hái thêm lá rau lốt, lá giang mọc bên gốc đa mang góp vào. Trải lá chuối làm mâm, đặt quả chay lên rồi xếp hai con cá chín vàng ruộm, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, H’Uyên vui vẻ thông báo:
-Mời hai vị khai tiệc.
Thế là cả bọn dùng tay bẻ cá chấm muối, ăn. Nhìn mắt ai cũng long lanh, Vân bốc một miếng cá chấm muối, bỏ vào miệng, lấy thêm một cái lá rau lốt nữa, vừa nhai vừa xuyết xoa:
 -Ngon quá, mình chưa bao giờ được ăn ngon đến thế.
H’Uyên thấy vậy bật cười, bảo:
-Yang ạ, ai lại ăn thế thì ngon cái nỗi gì. Nhìn đây: lấy là lốt xòe ra, bỏ thêm một cái lá giang vào rồi mới bỏ cá vào giữa, cuốn lại, chấm muối…
-A, biết rồi, dễ ợt thôi mà – Vân hơi đỏ mặt, trả lời bạn.
Mặt trời đứng trên đỉnh đầu, đổ nắng xuống dòng sông, từng cơn gió nhẹ từ mặt sông ào đến như quạt cho ba người bạn. Xa xa tiếng chim gầm ghì chào hỏi nhau làm rộn rã cả không gian như đang cùng nhau hòa bản nhạc mừng ba bạn trẻ lần đầu ngược dòng Sêrêpốk.


Đại lải, tháng 10 năm 2018
Chú thích:
1.     Ami - tiếng Êđê gọi má.
2.     Yang - tiếng Êđê gọi thần linh.
3.     Ama – tiếng Êđê gọi ba.
4.     Xà gạc – con dao dùng phát rẫy, đi rừng của người Êđê..




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI