Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

NGƯỜI NGỦ NGỒI truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018

            

1.
Vách tường in bóng người.
Đêm làm nền cho ánh sáng đè nghiến những cái bóng lên nhau. Lẫn lộn. Người in bóng lên vách tường. Vách tường mờ đục ảo những ảo giác khập khiễng dáng hình của một chiếc lưng cong, một cái đầu gập xuống gối. Im lặng. Vo ve. Tiếng muỗi. Thêm vài thanh âm từ những chiếc giường bệnh bật khe khẽ rên xiết trong đêm tối. Bóng của đêm, của những người ngủ ngồi chập choạng mờ ảo rồi nhập vào nhau thành một.
Ông không rên xiết. Ông không la lối gào thét. Ông cũng chẳng hề ngọ nguậy đổi tư thế của mình mỗi lần cơn đau chạy dọc trằn ngang hoặc lấn chồng lên đỉnh đầu ông rồi cấu xé những sợi dây thần kinh đã hóa thép từ thời khói lửa chiến chinh. Ông lặng yên ngẫm nghĩ về một cơn đau, chịu đựng cơn đau ấy trong đêm giữa những bức tường quét vôi lành lặn.
Bất giác, ông nhớ tiếng bom, ông nhớ mùi thuốc súng, ông nhớ ánh lửa lóe lên từ những nòng pháo sáng lấp lánh một thời trai trẻ đầy lý tưởng và chí khí hùng anh. Ông chỉ nhớ bấy nhiêu thứ vào những đêm bình yên như thế này, khi vách tường in bóng ông. Bóng ông dán chặt vào vách tường trong tư thế ngủ ngồi đã gần một tháng ở bệnh viện quân y này.
Những đêm không chợp mắt, ông đốt khói, phẩy phẩy tàn đóm đùa chơi với cái bóng của mình. (Như khi còn trẻ, khỏe). Giờ ông chỉ mới năm mươi chín, gần một đời người ngắn ngủi mốc thếch sáu mươi. Tóc người ta thì bạc nửa đầu. Tóc ông vẫn xanh đen mượt mà (như thời trẻ, khỏe). Ông nhìn tàn đóm đỏ như lửa ma trơi. Khói lất phất như sương buổi sớm. Sương của đất trời. Sương của đời người. Sương lén nấp trong những ngôi mộ cỏ. Ông nghiện khói. Khói trong lửa. Khói trong nòng súng. Khói từ đạn pháo. Khói lấp lánh niềm tin ngày không còn chiến tranh. Khói ấp ủ tình yêu và mơ ước bếp núc hòa bình. Khói ru mơ những giấc mộng trẻ trai của một người đàn ông với lồng ngực đầy khát khao trở về làng quê hiền lành sau con đê, sau cánh đồng lúa chín.
2.
Người đàn bà đốt rơm ngoài đồng, đốt lửa tro trấu trong bếp mỗi ngày trời sáng và tối ngồi tựa lưng vào góc bàn cũ kỹ ngày xưa chồng bà vẫn ngồi phả khói qua điếu cày, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng tối bên ngoài cánh cửa. Ba gian nhà trống, buồn. Những ngày giáp tết khi còn ông, bà nhớ, bà đã háo hức như thế nào khi chuẩn bị dây lạt, lá, đậu xanh, thịt ba chỉ để gói bánh, rồi ông tranh phần ngồi canh nồi bánh ban đêm.
Mới đó, đã gần hết năm hết tháng. Chiếc trường kỉ thiếu bóng dáng ông, không có màu khói, phủ bụi, dưới góc bàn thiếu cái xô đựng bã chè quen thuộc. Bà ngước mắt lên di ảnh của ông, nén tiếng thở dài rồi nhìn ra phía cổng nhà. Nhiều bận bà mong ngóng bóng dáng nào đó quen thuộc. Nhưng, chẳng có gì ngoài những ngọn lúa xanh rì lất phất trong gió. Ông không còn phải ngủ ngồi như ngày ở viện K nữa. Ông nằm thẳng, sâu dưới ba tấc đất, xương thịt hình hài giờ hẳn cũng đã tan thành cát bụi. Bà nghĩ ngợi đến trắng cả tóc. Người đàn bà mới hơn năm mươi tuổi. Tóc đã bạc nửa đầu. Ngày ông đi, tóc ông vẫn đen nhánh như thời trai trẻ.
Chẳng mấy chốc mà đời người lặng lẽ vụt qua hệt gió thoảng, mây bay.
Trưa mùa thu. Mắt bà lim dim mỏi mệt.
Bà chẳng biết từ bao giờ bà có thói quen ngủ ngồi giữa trưa, sau khi liếc nhìn di ảnh ông, vài thứ vật dụng những ngày ông còn sống vẫn dùng, vài bức ảnh gia đình đã cũ. Bà nhìn vào xô đựng bã chè, chỉ thiếu mỗi ống điếu. Ông bị K phổi. K phổi thì đi nhanh lắm. Bà thở dài đánh thượt. Chẳng biết, sẽ có bao nhiêu người ngủ ngồi như ông ở cái làng này.
Tiếng trẻ con ồn ã phía ngoài sân phơi. Thằng cháu nhỏ từ đâu chạy tót sà vào lòng bà nũng nịu: “bà ơi, bà lại ngủ ngồi nữa à?”. 
Bà mở mắt, vòng tay ôm thằng cháu nhỏ, vừa mắng yêu: “cha bố mày”. Bà nhớ ông. Khi ông đi, thằng nhỏ vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Bà nhớ, những ngày ông ở viện K. Cơn đau của người bị K giai đoạn cuối hành hạ cơ thể gầy guộc của ông, hành hạ giấc ngủ bình yên của người lính trở về từ những chiến trường năm xưa. “Chẳng có cuộc chiến nào thực sự dừng lại”, bà nghĩ thế. Đời người vốn dĩ chỉ là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Người ta sống và chết với chúng hàng ngày hàng giờ.
3.
Mùa xuân thứ ba anh xa nhà.
Anh ngước mắt nhìn qua cửa sổ. Một thân cây gầy guộc khô quắt vừa mới qua mùa đông đã bắt đầu nhú mầm non của lá, đơm nụ đợi những cánh hoa tươi mơn mởn bung nở. Ở xứ lạnh. Thu, Xuân cũng như Đông. Bước chân ra đường chưa bao giờ rời khỏi chiếc áo ấm. Anh nhận thấy có thứ cảm giác nào đó khá quen thuộc. Như hơi hướm của cái lạnh mùa xuân xứ Bắc ở quê nhà. Anh chợt nhớ, tối qua, anh mở lại đoạn ghi âm giọng nói của người đàn ông ngủ ngồi ở viện K ngày nào. Hình dáng đó ám ảnh, khiến anh xót xa đến tận bây giờ. Anh mở đi mở lại đoạn ghi âm chỉ có một câu ngắn ngủi, “thịt gà được chưa vớt ra đi”. Mỗi đợt về thăm nhà, người đàn ông ngủ ngồi của anh luôn xoắn xuýt đón thằng con trai lớn như thế. Mẹ thì tất tả rau cám lợn gà, cũng không quên làm thêm vài món anh thích.
Anh mỉm cười, khi nghe lại đoạn ghi âm lần nữa. Vợ anh thủng thẳng nói, “giá anh ghi âm nhiều hơn nhỉ”. Giọng nói của người đàn ông ngủ ngồi vẫn ấm áp, gần gũi như thế.
Hôm nay, anh gật gà giữa bộn bề chữ nghĩa trong office. Phòng làm việc riêng của những nghiên cứu sinh quốc tế. Anh rời nhà cũng đã ba năm. Tóc người đàn bà ở nhà hẳn cũng đã thêm vài phần bạc trắng. Có bận anh gọi điện về, nghe thằng cháu bi bô đủ chuyện trên trời dưới đất, lại còn tranh thủ khoe với anh, vài lần nó bắt gặp bà ngủ gật. Anh chạnh lòng nhớ người đàn ông ngủ ngồi những ngày ở viện K. Hóa ra không chỉ mỗi mình anh nhớ. Sau vài câu chuyện hỏi han, bà lại thông tin cho anh về cái chết của những người làng trên xóm dưới. Quê anh chỉ có chừng đó chuyện, cưới hỏi, ma chay, sống và chết. Những cái chết đều đặn đến. Mộ phần đều đặn mọc lên. Khói hương đều đặn nghi nghút. Già, trẻ, lớn, bé, đời người ai cũng phải chết. Anh biết vậy, nhưng lòng vẫn buồn hun hút. Có những cái chết theo quy luật sinh lão bệnh tử thì khá bình thường. Còn những cái chết bất đắc dĩ bởi căn bệnh K vô phương cứu chữa ở quê nhà, khiến anh nghĩ ngợi mông lung nhiều hơn.
Anh rời khỏi office. Bước chân xuống phố. Đường phố không có sự đông đúc nhộn nhịp đến nghẹt thở. Không khí rất trong lành. Cây cối tươi xanh mơn mởn. Nơi này đã mùa xuân. Một chút se lạnh len lỏi vào cổ áo. Bên vỉa hè bất giác hiện lên hình ảnh của một người đàn ông vô gia cư đang ngủ gà ngủ gật dưới ánh đèn đường. Anh chợt nghĩ, “hóa ra, những người ngủ ngồi có mặt ở khắp mọi nơi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI