Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

NHỮNG NHỊP CẦU HOÀN LƯƠNG bút ký TRẦN VIẾT NGHĨA - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”



Từ chuyện của người 2 lần cứu phạm nhân thoát chết…
Một buổi sáng đầu tháng 4 năm 2015, Trung úy Võ Thị Hiếu, cán bộ quản giáo thuộc Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk đang cùng đồng đội kiểm tra các buồng giam theo kế hoạch thì có lệnh của Giám thị về việc tiếp nhận phạm nhân mới. Người được “nhập kho” lần này là một phạm nhân nữ tên là Nguyễn Thị Thu Thủy. Thủy là một cô gái còn khá trẻ. Khác với đa số những phạm nhân nữ trước đây, khi nhập trại, cô nào cũng “nhũn như con chi chi”, Thủy chẳng những không tỏ ra sợ sệt, mà thái độ còn lầm lỳ, tỏ vẻ bất cần đời. Hiếu và đồng đội phải rất khó khăn khi hướng dẫn Thủy làm các thủ tục cần thiết theo quy định, và khi cánh cửa buồng giam vừa khép lại, tiếng la hét, đập phá của Thủy ở bên trong bắt đầu náo động dãy buồng giam. Tìm hiểu nhanh hồ sơ, được biết Thủy mới 19 tuổi, phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Lại là những mô típ cũ, quen thuộc, những cô gái mới lớn, học đòi ăn chơi lêu lổng, bỏ nhà “đi bụi”, hết tiền, phạm tội, vào tù. Trong một lần đưa “bạn trai” vào nhà nghỉ, Thủy đã dọa nạt lấy hết tài sản của khách bán lấy tiền tiêu xài. Sự việc bị phát giác, Thủy bị xử 4 năm tù giam. Những ngày đầu vào trại của Thủy là những ngày vất vả của các quản giáo. Thủy tỏ vẻ chán nản, tuyệt vọng, bất hợp tác, luôn tìm cách quậy phá, yêu sách đủ điều, Thủy dọa nếu không làm theo ý, cô ta sẽ tự tử. Với kinh nghiệm của mình, Hiếu biết không sớm thì muộn, cô ta sẽ thực hiện ý đồ. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ hàng ngày như các phạm nhân khác, Hiếu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Thủy. Từng ánh mắt, hành động, cử chỉ nhỏ nhất của cô, đều được Hiếu ghi nhận. Sau này, khi kể lại câu chuyện, Hiếu cũng không hiểu vì sao buổi trưa hôm đó mình lại có cảm giác bồn chồn, bất ổn không yên. Hiếu nhớ lại, cuối buổi sáng nay hình như Thủy có những biểu hiện rất lạ. Khi gặp quản giáo, cô ta không còn la hét như mọi khi, thay vào đó là cái nhìn bất động. Sau bao lần dọa tự tử, có thể là trưa nay không? Suy nghĩ mãi về cái nhìn của Thủy, Hiếu quyết định bỏ thời gian nghỉ trưa để đến đơn vị sớm hơn so với quy định. Và khi cả dãy phòng giam đang yên ắng giấc trưa, cửa phòng giam của Thủy bật mở thì một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt Hiếu, Thủy đang treo lủng lẳng trên cửa sổ với chiếc dây cột màn, chân tay khua khoắng, cổ họng tắc nghẹn. Hiếu chỉ kịp cắt dây, thân hình mềm oặt của Thủy đổ xuống vai Hiếu. Nước mắt của hai người phụ nữ cứ thế tuôn trào. Hiếu cảm nhận rõ vòng tay của Thủy quàng qua mình siết chặt. Sau này, khi Thủy đã trở thành một phạm nhân tích cực, khi đã trở thành “người bạn” với đúng nghĩa của nó, Hiếu mới biết rằng, Thủy đã có ý định tự tử rất lâu rồi nhưng chưa có cơ hội; ý định quyên sinh cũng chỉ là suy nghĩ bồng bột của Thủy trong lúc tuyệt vọng. Và sau khi được Hiếu cứu sống, thì những giọt nước mắt rất thật của người nữ quản giáo chính là động lực giúp Thủy tỉnh ngộ, thay đổi, giúp cô nhận ra sự nông nổi của mình và giá trị của sự sống. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một cán bộ quản giáo vẫn hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình, vẫn giao ca và đến đơn vị đúng giờ theo quy định? Chuyện gì sẽ xảy ra khi ta vẫn để những áy náy, “lợn cợn” trong lòng và tiếc một giấc ngủ trưa?
 Cũng là những “lợn cợn” ấy, mà cũng có thể là linh cảm của người phụ nữ, đã giúp Hiếu tiếp tục dành lại sự sống, dành lại cuộc đời cho một phạm nhân khác trong lúc tuyệt vọng nhất. Lần này là một phụ nữ tên Huê với cái án ma túy 20 năm. Người phụ nữ mang trong mình hoàn cảnh rất đặc biệt. Cả hai vợ chồng đều “dính” án ma túy, như hầu hết những tội phạm ma túy khác, xác định đã vào tù là vào con đường chết, nên người chồng đã không vượt qua được nỗi sợ hãi phải đối mặt với một cái án tử hình, anh ta đã treo cổ tự tử trước khi được đưa ra xét xử. Còn lại bà Huê với một gia đình tan nát, sự bỏ rơi của xã hội, sự tuyệt vọng đến cùng cực, cảnh tượng bị giam hãm trong bốn bức tường lạnh ngắt kéo dài 20 năm đằng đẵng đã làm bà suy sụp. Chỉ có cái chết mới đem lại sự giải thoát đang hàng ngày, hàng giờ đè nặng lên trái tim! Còn quản giáo Hiếu, với nghiệp vụ của mình, không khó để nhận ra vấn đề của phạm nhân mình đang quản lý. Chính vì vậy, ngoài việc hàng ngày thực hiện nghiêm túc những quy định của Trại đối với buồng giam và từng phạm nhân, Hiếu luôn canh cánh một nỗi lo trong lòng, có chỗ nào mình còn sơ hở, có điều kiện nào để bà Hằng còn có thể còn lợi dụng được để trốn trại, để vi phạm, để quyên sinh? Và vào một buổi tối trằn trọc ở nhà, Hiếu đã bật dậy, thôi chết, trong buồng giam của người phụ nữ mang án ma túy còn một bể nước vệ sinh, đủ sâu để cho một con người trầm mình nhẹ nhàng mà không bị phát hiện. Hiếu tức tốc lên chạy lên đơn vị, cô báo cáo đề nghị Giám thị cho hút hết nước tại bể nước vệ sinh trong buồng giam của bà Hằng trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Sau này, chỉ đến khi có lệnh chuyển trại, gặp nữ phạm nhân của mình đề chia tay, Hiếu mới giật mình biết rằng bà Hằng đã ấp ủ âm mưu tự tử trong bồn nước vệ sinh từ lâu, nhưng chưa có cơ hội. Bà Hằng cũng khóc với cô rằng bà sẽ không bao giờ quên ơn cô khi thi hành xong án phạt tù.        
…Đến “người bạn” của những tử tù
        Trong suốt 13 năm làm cán bộ quản giáo, Đại úy Lưu Văn Dũng – cán bộ Đội quản giáo can phạm, Trại trạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk không thể nhớ hết có bao nhiêu phạm nhân mang án tử hình đã “qua tay” mình. Chàng trai quê Nghệ An ngồi trước mặt tôi, với nước da rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị, nói năng có phần bộc trực, nhưng ai biết phía sâu bên trong, anh là một con người sống rất nội tâm và tình cảm.
        - Khó khăn nhất của em khi quản lý tử tù là gì? Tôi hỏi.
        - (Cười). Thế này nhé! Anh thử đặt mình trong hoàn cảnh của một tử tù thì sẽ thấy ngay những khó khăn vất vả của tụi em!
Tử tù - những người vi phạm pháp luật, bị tòa án kết án tử hình và đang bị giam giữ trong trại giam chờ ngày thi hành án. Một định nghĩa rất đơn giản và dễ hiểu qua cách giải thích của Dũng, nhưng qua những việc làm hàng ngày của anh và đồng đội, tôi nhận ra công việc của các anh phức tạp và gian nan đến mức nào. Tử tù thường là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, là đối tượng phức tạp, có nhiều tiền án, tiền sự, nhiều đối tượng đã nhiễm HIV. Với bản tính hung hãn, mưu mô, xảo quyệt và với tâm lý của những người không còn gì để mất, tử tù có thể làm mọi thứ! Có những quy định hết sức đặc biệt để quản lý tử tù trước khi thi hành án. Chẳng hạn, mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình đều được thực hiện trong buồng giam. Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân 24/24 giờ; mỗi tuần chỉ được đổi chân cùm một lần; mỗi ngày được mở cùm 1 lần không quá mười lăm phút để làm vệ sinh cá nhân; và khi mở cùm, nhất thiết phải có chiến sĩ vũ trang bảo vệ… Thời gian chờ ngày thi hành án là khoảng thời gian khủng khiếp nhất của tử tù. Anh ta biết rằng mình sẽ chết, nhưng cái chết đến lúc nào thì ngay cả đối với cán bộ quản giáo cũng là bí mật. Nằm trong 4 bước tường lạnh giá, chờ đợi từng ngày, từng giờ, không còn khái niệm về không gian và thời gian, anh chỉ biết rằng một ngày trôi qua là một ngày anh còn được sống. Rất có thể đêm nay, nửa đêm, hoặc gần sáng, anh đang chìm trong giấc ngủ, những tiếng gót giày rầm rập vội vã, tiếng lách cách lạnh lùng của cánh cửa buồng giam, của còng số 8 vang lên làm anh hốt hoảng, và đó chính là ngày cuối cùng được sống của anh. Có những tử tù chỉ sau vài tháng xét xử là bản án sẽ được thi hành, nhưng có người kéo dài đến 2 năm! Thử tưởng tượng 2 năm ròng rã sống trong cảm giác chờ đợi, lo sợ không biết khi nào sẽ đến lượt mình, 2 năm ròng không một đêm nào được yên giấc ngủ, 2 năm ròng của sự hành hạ về thể xác, tâm hồn đến cùng cực. Sự hành xác của tử tù là lớn đến mức nào. Bởi thế, có những tử tù sau khi viết đơn xin giảm án không thành, họ đã viết đơn xin được chết sớm, vì không chịu đựng nổi!
Để quản lý những “người đặc biệt” ấy, đòi hỏi ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giam giữ, người cán bộ quản giáo còn phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt, một tư thế, tác phong chuẩn mực và một sự chịu đựng phi thường. Đại úy Dũng cũng không nhớ hết những lời chửi bới, rủa sả nặng nề của tử tù đối với mình mỗi lần vào thay cùm cho họ, anh cũng đã từng nhiều lần bị đối tượng nhổ vào mặt, bôi chất bẩn lên người và làm đủ những chiêu trò mà một tử tù có thể nghĩ ra. Anh đã chịu đựng! Đối với Dũng, cũng như các phạm nhân khác, tử tù là những người vi phạm pháp luật, ở góc độ nào đó họ đại diện cho cái ác, cái xấu. Tuy nhiên, họ đã bị trừng trị bằng một bản án thích đáng cho hành vi phạm tội của mình. Chính vì vây, khi vào đây, họ cũng chỉ là một con người bình thường, do đó, cũng phải đối xử với họ như những con người. Chính suy nghĩ ấy đã giúp anh luôn có sự gần gũi, đồng cảm, sẻ chia với các tử tù. Can phạm nhân không có chế độ ăn buổi sáng, việc bỏ tiền túi mua mì tôm, mua xôi cho tử tù là việc làm nằm trong kế hoạch chi tiêu hàng tháng của Dũng; các từ tù hầu hết đều bị gia đình, người thân bỏ rơi, “người bạn” gần gũi nhất của tử tù, không ai khác cũng chính là cán bộ quản giáo. Chính những suy nghĩ, việc làm của Dũng đã biến anh trở thành cán bộ quản giáo tử tù khó có thể thay thế tại Trại tạm giam Công an tỉnh hiện nay. Cũng chính vì vậy, đã mấy lần Ban giám thị quan tâm, chuyển Dũng đến bộ phận khác nhẹ nhàng hơn, gọi là để thay đổi không khí. Nhưng chỉ được một thời gian, Dũng lại được điều vào quản giáo tử tù!
Hiện nay, Trại tạm giam Công an tỉnh đang tạm giam 4 tử tù, Dũng và một đồng đội của anh, mỗi người quản lý 2 tử tù. Và cũng như những tử tù đã “qua tay” họ, không một ai biết được ngày cuối cùng của mình lúc nào sẽ đến. Hàng ngày, những “hỉ, nộ, ái, ố” của tử tù vẫn xảy ra thách thức sự chịu đựng của cán bộ quản giáo. Tuy nhiên, đối với cá nhân Dũng, hơn 13 năm trong nghề, anh chưa để xảy ra một trường hợp nào can phạm nhân vi phạm quy chế. Các tử tù được đảm bảo an toàn tuyệt đối đến ngày thi hành án. Đó là một nỗ lực rất lớn đối với người cán bộ quản giáo trong một công việc hết sức đặt biệt. Tử tù cuối cùng rồi cũng phải thi hành án, cuộc sống của họ rồi cũng phải chấm dứt, anh chỉ giúp con đường đi đến cái chết của họ được nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn. Thiết nghĩ, đó cũng là một việc làm nhân văn của Dũng và đồng đội, những cán bộ quản giáo tử tù. 
Và những nhịp cầu hoàn lương
Đại úy Lưu Văn Dũng và Trung úy Võ Thị Hiếu là hai trong rất nhiều gương mặt mà tôi có dịp được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện tại Trại tam giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Còn rất nhiều những gương mặt, việc làm của cán bộ, chiến sỹ ở đây mà tôi không có điều kiện tìm hiểu hết. Từ Đại tá, Giám thị Võ Huy Hòa – người có công rất lớn trong việc vận động các nguồn kinh phí xây dựng Trại tạm giam Công an tỉnh trở thành một “hoa viên”, cải thiện từng bữa ăn cho can phạm nhân, đến Đại úy quản giáo Phan Văn Nam hàng ngày đều đặn mua báo cho phạm nhân đọc. Tất cả những việc làm của họ, có những việc làm cao cả, có những việc làm rất đỗi đời thường, nhưng đều hướng đến một mục đích chung, đó là giúp cho can phạm nhân có một môi trường cải tạo thật tốt, sớm được trở về cuộc sống đời thường.
Chưa có một thống kê nào để biết rằng, những can phạm nhân được chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh, sau khi về cộng đồng, bao nhiêu trong số họ tìm được con đường hoàn lương, bao nhiêu trong số họ tiếp tục tái phạm. Chỉ biết rằng, với Trung úy Võ Thị Hiếu, ngoài hai lần cứu phạm nhân thoát chết, chị còn là người “mẹ hiền” của những đứa con, là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho những hoàn cảnh nữ can phạm nhân phải sinh nở và nuôi con ngay trong phòng giam. Còn với Đại úy Phan Văn Nam, việc bỏ tiền túi ra hàng ngày mua một vài tờ báo mới đem vào cho phạm nhân chuyền tay nhau đọc đã trở thành một thói quen của anh vào mỗi buổi sáng. Những cán bộ quản giáo đến nơi làm việc với thùng mì tôm, gói xôi sáng ăn thêm cho phạm nhân là hình ảnh bình thường, dễ dàng bắt gặp ở nơi đây. Chính những việc làm cụ thể, xuất phát từ tình cảm con người với con người, hoàn toàn tự nguyện của quản giáo chứ không phải những quy định cứng nhắc của pháp luật, nội quy, quy chế Trại giam đã tác động tích cực đến tình cảm, suy nghĩ của từng can phạm nhân, giúp họ yên tâm chấp hành án, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật và tự tin hơn trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng. Hôm trò chuyện với tôi, Trung úy Võ Thị Hiếu không giấu được niềm vui, cô cho biết, tháng trước gia đình cô được đón tiếp những vị khách đặc biệt, đó là 2 mẹ con một phạm nhân cũ đã chấp hành xong bản án đến thăm, được bồng trên tay đứa bé mà mình đã trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng từ khi mới lọt lòng trong Trại ngày nào, nay đã bi bô, chập chững, biết được những nỗ lực cố gắng, tiến bộ từng ngày của người nữ phạm nhân cũ trên con đường hoàn lương tại địa phương, Hiếu đã không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt đồng cảm, sung sướng và hạnh phúc, cô khóc vì những nỗ lực cố gắng, chịu đựng, sẻ chia… của mình đã được đơm hoa, kết quả.
“Giúp được một người phạm tội hoàn lương, trở thành người tốt, cũng là một cách giảm bớt cho xã hội một tội phạm, giảm bớt được gánh nặng cho bao nhiêu người, cũng là góp phần đem lại bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân. Đó cũng chính trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an chúng em, anh ạ”.
Khi trích lời tâm sự rất thật của Hiếu để kết lại bài viết này, tôi chợt nghĩ, có phải Hiếu đang nói thay lời cho đồng đội, cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh, những người đang ngày đêm lặng lẽ góp thêm cho đời những điều tốt đẹp. Họ chính là những sự thể hiện cụ thể nhất về “bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ” của lực lượng Công an nhân dân!


Ghi chú: Để đảm bảo quyền riêng tư, tên can phạm nhân trong bài viết này đã được thay đổi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI