Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

LỄ HỘI CÚNG BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI ÊĐÊ tác giả TUYẾT NHUNG BUÔN KBRÔNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 10 NĂM 2018

Tác giả TUYẾT NHUNG BUÔN KBRÔNG


Ở Cao Nguyên Đắk Lắk, khi mùa hoa pơlang nở rộ rồi xoay mình chạm nhẹ xuống đất cũng là “mùa ong say bướm lượn”, thời gian Yang Êa (Thần Nước) cựa mình báo hiệu cuộc hành trình của Ngài bằng những cơn mưa đầu mùa đùa giỡn trên những chiếc lưng uốn lượn của đồi núi. Vạn vật trong cõi vũ trụ cũng trở mình đón nhận ân lộc của Thần Nước ban tặng. Cũng như vạn vật, người Êđê tạm lơi công việc để chuẩn bị lễ hội cúng bến nước theo phong tục.
Nước không chỉ là linh hồn của cuộc sống mà còn được coi là đối tượng đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian Êđê. Lễ hội cúng bến nước (tuh pin êa) là hoạt động văn hóa thường diễn ra một năm hoặc hai, hay ba năm một lần. Khua buôn (Trưởng làng) – người đàn ông có vai trò quản lý cộng đồng thay mặt dòng họ phía vợ tổ chức lễ hội cúng bến nước. Một trâu, hoặc một heo, một rượu và các lễ vật cần thiết để tổ chức lễ hội. Sự khởi động của Khua buôn và gia đình sẽ được cộng đồng hưởng ứng bằng việc tham gia và tự nguyện mang rượu cần, heo, gà, gùi lúa, sản vật để cùng tham gia lễ hội.
Một ngày trọn vẹn dành cho việc tôn tạo bến nước, khơi lại mạch nước trên nguồn là việc ưu tiên trong ngày thứ nhất, những ống cũ sẽ được thay thế, những vạt cỏ khô, cây cối héo úa sẽ được phát quang sạch sẽ, rong rêu trên các tảng đá dưới dòng sẽ được rửa trôi, cột nêu đẹp mắt được dựng ở đầu nguồn và đầu làng báo hiệu sắp tổ chức lễ hội… Cảnh nhộn nhịp được diễn ra ngay tại bến nước bởi sự tham gia của các chàng trai, cô gái và những thành viên nam giới có kinh nghiệm thực hành nghi lễ.
Khi nguồn nước được khơi, khi lòng người đã nhẹ, nghi lễ cúng bến nước sẽ được tổ chức vào ngày thứ hai. Đầu trâu hoặc đầu heo hiến sinh cùng rượu và các lễ vật được mang ra bến nước. Pô Riu Yang (người khấn thần linh) sẽ thay mặt cộng đồng khấn Thần Nước và Thần cha sinh mẹ đẻ được mời gọi bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh: “Hỡi Yang Ea bất diệt - Thần tạo ra nguồn nước mát lạnh ! Thần hướng đông Thần hướng tây – Thần tạo ra ánh sáng và bóng tối ! Hỡi Thần cha sinh mẹ đẻ hãy về đây chứng giám và đón nhận thịt trâu thơm, giọt rượu ấm, tấm lòng của chúng tôi – những người con của các thần. Hãy khiến nước đầu nguồn không ngừng chảy, cây cối trên ngàn thêm xanh tươi, con trai luôn vững đôi tay cầm xà gạc, con gái mãi vững đôi chân đi cõng nước… Mời các thần hãy về đây nhận lễ ”. Thời khắc thiêng liêng ấy trẻ con, đàn bà mang thai, con trai chưa biết phát rẫy, con gái chưa biết giã gạo tuyệt đối không được xuất hiện nơi đầu nguồn, bến nước nếu không muốn linh hồn mình lạc lối. Sau đó, đoàn người quay về làng để tiến hành nghi lễ tiếp nhận Thần Nước. Cuộc trò chuyện giữa người với thế giới thần linh được kéo dài qua các hoạt động văn hóa đến khi một ngày mới bắt đầu.
Ngày thứ ba, sau khi các hoạt động nghi lễ kết thúc, nghi lễ liên quan đến Khua buôn (Trưởng buôn, Chủ buôn) sẽ được tổ chức. Rượu cần, heo thiến được hiến sinh để cầu sức khỏe cho ông và vợ ông – người tiếp nhận sức mạnh từ Thần Nước để tạo sự lan tỏa cho cộng đồng. Men rượu cần, mùi thơm cơm lam và thịt nướng sẽ được cộng đồng chia sẻ trong âm thanh cồng chiêng không ngớt. Câu chuyện tình yêu của các đôi trai gái, kinh nghiệm của bậc cao tuổi, nỗi buồn vui thường ngày sẽ được tiếp nối qua sự gặp gỡ. Những cái bắt tay nồng hậu, những ánh mắt trìu mến được trao gửi trong hoạt động hội trở thành sức mạnh để tiếp bước trong không gian văn hóa cồng chiêng.
Hãy một lần đến với Cao nguyên Đắk Lắk, du khách không chỉ được tiếp nhận qua nghi lễ đeo vòng, nghi lễ cúng sức khỏe, nghi lễ kết nghĩa mà còn được hòa mình với không gian văn hóa cồng chiêng của lễ hội cúng bến nước. Sự trải nghiệm trong môi trường di sản văn hóa độc đáo này sẽ giúp ta cảm nhận được ý thức, thái độ của người Êđê đối với tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI