Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

CHUYỆN THẦY Y DHĂNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ: 526 NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2018







Trong một lần về thăm buôn Krông Pa dưới chân dãy núi Krông Á xanh ngắt, cao chọc trời, giống như một bức tường thiên nhiên phân định ranh giới của của hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa, tôi có dịp ngồi uống rượu cần bên bếp lửa nhà ông giáo già Y Đhăng.
Ngôi nhà sàn dài gần trăm mét, trong đó một phần ba làm phòng khách, nơi sưởi ấm, tiếp khách và uống rươu; phần còn lại từng gian một được ngăn ra làm phòng ngủ cho các gia đình thuộc dòng họ bên vợ chung sống. Ông Y Đhăng có khuôn mặt cương nghị, tuổi ngoài bảy mươi, cao, gầy; đặc biệt đôi mắt có gì đó như ẩn chứa một nét u buồn. Ông cời đống than đỏ rực đặt mấy miếng thịt khô, lật qua lật lại… mùi thơm tỏ ra ngào ngạt.
- Thịt nai à thầy? - Tôi hỏi
- Thịt heo của buôn chia phần đấy.
Ông nói giọng buồn buồn. Ma(1) Hen cán bộ Phòng giáo dục Huyện đi cùng tôi cười xòa nói với ông Y Đhăng.
-Đây là anh Vân Trang – nhà báo về huyện ta công tác, tiện đường đi tôi dẫn ghé thăm anh.
      Ma Hen quay sang tôi:
- Anh biết không, thầy Y Đhăng thời thanh niên không chỉ là một thầy giáo dạy giỏi mà còn là tay võ sĩ cừ khôi của cả vùng này đó.      
- Thật  thế sao?
Như đoán đuợc suy nghĩ của tôi về người thầy giáo gầy gò ngồi trước mặt đã từng nổi tiếng một thời, ama Hen nói:
- Trước đây, vào khoảng năm 1977-1978 trở về trước, cả vùng phía đông huyện này chỉ có rừng là rừng, đi mỏi chân mới thấy một buôn nằm lọt thỏm giữa rừng. Thú rừng nhiều vô kể, ngoài hổ, báo, voi, gấu, bò rừng, min… thường kéo về theo một chu kỳ nhất định của vòng quay kiếm ăn; còn heo, nai, khỉ, dọc… thì cứ đàn này đi, đàn khác kéo về quấy phá thường xuyên. Cuối năm 1978 thầy Y Đhăng về phụ trách lao động trường nội trú huyện, thường dùng tài lẻ của mình kiếm thức ăn cho cả trường. Thời ấy, kinh tế còn khó khăn, thực phẩm khan hiếm, vận động được các em học sinh rời buôn làng, xa ama amí(2) đến trường học là cả một vấn đề. Nhưng thầy Y Đhăng đã làm được và làm tốt là nhờ một phần vào tài giỏi võ nữa đấy. Chuyện thầy đi đón học sinh chiều chủ nhật, tay không đánh gục gấu ở dốc Cổng Trời hay tiếng thét của thầy làm chúa sơn lâm phải cụp đuôi bỏ chạy ở đèo 519 đã trở thành truyền thuyết của vùng này…
*
**
Vào chiều chủ nhật đầu tháng, thầy Y Dhăng thường đạp xe đạp đến dốc Cổng trời đón các em học sinh từ vùng căn cứ cách mạng ra học. Gọi dốc Cổng Trời, vì nó rất cao so với khu vực xung quang, một bên rừng già, một bên suối sâu, cách xa khu dân cư, thú dữ lại nhiều. Mỗi tháng các em được về nghỉ chiều thứ bảy tuần đầu của tháng, qua chiều chủ nhật phải trở lại trường. Ami ama đưa các em đến đỉnh dốc quay về, còn từ đỉnh dốc xuôi về trường hơn chục cây số ra gần đường quốc lộ là đồi cỏ gianh ít nguy hiểm và được các thầy cô thay nhau đến đón. Hôm đó khoảng bốn giờ chiều, thầy Y Dhăng đến chân dốc dựng xe đạp bên đường rồi leo lên dốc đón học sinh.
Thầy Y Dhăng mới leo lên lưng chừng dốc đã nghe tiếng học sinh la hét hoảng loạn trên đỉnh dốc. Chạy lên một chút thấy các em hốt hoảng lao xuống dốc, nhiều em ngã lăn lông lốc như hòn đá. Phía sau các em, một con gấu cao hơn mét, đen thui, chỉ có một vệt trắng hình chữ V trên cổ nhãy chồm chồm phía sau. Thầy vội thét lên, lao đến trước mặt gấu đứng thủ thế. Thấy người lớn đến, con gấu đứng bật dậy bằng hai chân sau, hai chân trước khua khua trong không khí, lừ lừ tiến lại. Chờ con gấu lại đúng tầm, thầy Y Dhăng vung tay ném hòn đá to như cái chén ăn cơm trúng ngay mõm con gấu. Con gấu hãi quá đứng khựng lại, rồi đổ mình xuống đi bằng bốn chân. Thầy Y Dhăng lại vung tay choảng cho nó một hoàn đá nữa trúng vào đầu; chắc bị đau, con gấu sợ chạy biến vào rưng.
Chuyện của thầy trị thú dữ bảo vệ học trò nhiều như lá rừng, kể hoài không hết; nhưng rồi một tai nạn khủng khiếp giáng xuống thầy vào đúng thời điểm bất ngờ nhất, đau đớn nhất trước sự chứng kiến của thầy cô và học sinh toàn trường...
Giọng ama Hen chợt chùng xuống, anh vít cần uống một hơi dài, rồi chuyển cần cho ông Y Dhăng:
- Để tôi kể tai nạn của thầy Y Dhăng cho anh nghe.
Thầy Y Dhăng không nói gì, đôi mắt buồn buồn nhìn chăm chăm vào đống lửa. Tiếng ama Hen rì rầm, rì rầm . . .

*
*     *
  
Hôm ấy mấy thầy trò trường Dân tộc nội trú huyện tổ chức lao động phát cánh đồng sậy rộng chừng một héc ta sát ngay chân núi Krông Á. Đám sậy mọc khá tốt, cao lút đầu người. Ở giữa đám sậy có con suối chảy qua, quanh năm nước màu riêu cua, váng vàng nổi lên từng đám lững lờ trôi theo dòng nước. Chính đây là nơi lí tưởng cho bầy heo rừng ẩn nấp trước khi về phá hoại hoa màu. Học sinh tham gia lao động khá đông vì không chỉ để có đất tăng gia, sản xuất, mà còn giúp dân bảo vệ hoa màu và đuổi lũ heo vào rừng sâu. Hơn hai chục thầy cô và gần bốn trăm em học sinh tuổi mười ba đến  mười bảy, dàn hàng ngang từ cuối đám sậy phát ngược suối lên phía chân núi cao. Từ sáng đến gần trưa phát được khoảng một nửa.
Thầy Y Dhăng bận họp nên gần trưa mới vào thăm các em lao động. Đến bên đám lau sậy học sinh đang phát, con xám đi theo thầy Y Dhăng bỗng đứng bằng hai chân sau, hai chân trước khua khua trong không khí như con gấu đuổi ong mật rồi lao thẳng xuống mặt sình, nhãy chồm chồm qua đám lau sậy vừa bị chặt đổ. Thầy Y Đhăng vội kêu lên:
-         Thầy cô và các em lên triền đồi ngay, có heo rừng đấy.
Thầy cô giáo và học trò vội vã dừng phát, kéo nhau lại chỗ thầy Y Dhăng đang đứng. Bỗng tiếng con chó xám cất tiếng sủa ông ổng từng tiếng một như đếm, sau gào lên dữ dội hơn.
Mấy em học sinh lớn nhanh chân đạp lau sậy lên trước, còn cô bé H’Trang Bya học sinh lớp bảy từ chân đồi đối diện lội sình băng qua bên này với các bạn, mới vượt qua được một nửa đám sình phát dở đã nghe tiếng chó sủa cuống quýt vừa chạy vài bước, ngã dúi xuống sình. Thầy Y Dhăng vội cầm cây xà gạc(3) nhảy ngay xuống sình chạy lại phía H’Trang để giúp.
R…ầm r…ầm, đám sậy như có đàn trâu rừng đuổi nhau làm cây gãy, tiếng lội nước vang lên. Tiếng sủa của con xám im bặt, nhưng đám sậy rung lên bần bật như có trận gió lướt qua xuôi theo dòng suối về phía đám sình mới phát. Con xám lao vút ra, nhảy thoăn thoắt trên đám sậy vừa phát, phía sau cách độ chục mét, một con heo rừng to đùng, dài bằng sải tay người lớn có hai chiếc răng nanh màu vàng như hai quả chuối bên mép, nhảy chồm chồm đuổi theo phía sau. Có lẽ vì sình lầy, nước ngập đến nửa bụng nên heo chạy không nhanh. Trong khi ấy, H’Trang cũng đang cố chạy, nhưng hình như quýnh quá, cứ bước vài bước lại trượt chân xuống sình, ngã úp mặt xuống đám sậy mới phát.
Con heo nhìn thấy người liền bỏ con chó quay ngoắt sang phía H’Trang lao đến như con trâu điên lồng trong bùn. Thầy Y Đhăng thét lên:
-         Huầy, huầy, huầy!
Trên bờ, thầy cô và học trò thi nhau hò hét, có mấy em còn nhanh tay vớ luôn nắp xoong nồi nấu nước gõ liên hồi mong con heo sợ bỏ đi. Mặc người hò hét, mặc tiếng gõ ầm ĩ của nắp xoong, con heo vẫn nhằm H’Trang lao đến. Cũng vừa lúc thầy Y Đhăng băng đến, nắm lấy tay H’Trang kéo mạnh về phía mình rồi đẩy ra phía sau. Con heo rừng lao xộc đến, đôi mắt trắng dã long lên. Một thầy giáo đứng bên mép sình thấy thế cũng vội vã lao xuống, đạp lên đám lau lách vừa phát, băng qua đám sình, lại kéo H’Trang lên bờ.
Con heo nhắm thẳng thầy Y Dhăng lao đến, cái mõm dài ngoằng, cái đầu to như cái chậu lớn đen bóng, riêng cái lưng heo lông mọc dựng ngược lên dài gần gang tay trông rất dữ tợn. Chờ con heo lao gần đến nơi, thầy Y Dhăng vung cây xà gạc trên tay chặt một nhát thật mạnh vào trúng vai trước con heo làm rách một miếng lớn lòi cả một khúc xương vai, rồi nhảy qua bên tránh cái mồm há to đầy răng nhọn của con heo xộc đến. Con heo hụt mồi, quay ngoắt lại làm nước bùn bắn tung tóe rồi nhằm thầy Y Dhăng lao lại. Con chó xám nhảy chồm chồm qua đám sậy mới phát nhắm đít con heo lao tới, cắn vào chiếc đuôi heo đang cong lên, giật mạnh. Con heo quay đầu định cắn con xám nhưng con xám đã nhanh nhẹn nhảy tránh qua bên rồi bỏ chạy ra xa. Không đuổi theo chó, con heo quay lại nhằm thầy Y Dhăng lao tới, thầy vung xà gạc chặt một nhát thật mạnh vào đầu con heo, nhưng do đám sậy dưới chân không chịu được sức nặng bất ngờ tụt xuống làm lỡ đà nên lưỡi dao chỉ phạt được một mảng da bên mõm lại trúng ngay chiếc răng nanh con heo làm xà gạc văng lên trời, tuột khỏi tay bay đi mất. Thầy ngã chúi xuối, hai tay chống xuống mặt sình; khi đứng lên được, bùn ngập đến ngang bụng vừa lúc con heo ập đến…
Trên bờ, nhiều tiếng thét hãi hùng vang lên, có em đã bật khóc quay lại ôm chặt lấy nhau không dám nhìn xuống sình; mấy thầy giáo vội vã vác xà gạc lao xuống tiếp sức, nhưng từ trên mép sình xuống đến chỗ con heo phải trên năm chục mét, làm sao kịp. Con heo mắt trợn ngược, chân trước còn lại đạp lên ngực, giơ chiếc mõm dài, hai bên chìa ra hai chiếc răng nanh to như quả chuối định cắm vào mặt thầy Y Dhăng. Thầy Y Dhăng lấy hết sức lực dồn vào đôi tay rắn chắc của mình bóp chặt hàm dưới đẩy mõm con heo lên. Con heo rừng muốn ghì chết kẻ thù của nó; còn con người vì sự sinh tồn cũng cố móc tay vào yết hầu đẩy mõm nó lên. Không biết thầy Y Dhăng cầm cự được thêm bao lâu, khi cánh tay tê dại dần, cái chết đã lơ lửng trên đầu. Đúng lúc đó con xám xuất hiện, nó cắn vào cán dao xà gạc kéo lại sát bên chủ, ngay dưới mõm con heo. Làm xong cái việc phi thường đó, nó lấy hết sức lao vào chiếc chân trước bị chém, nhằm miếng xương bả vai của con heo lòi xương ra,  gặm một miếng rõ to, giật mạnh. Con heo đau đớn hộc lên một tiếng, quay ngang táp vào chân sau con xám. Một tiếng rắc khô khan vang lên, con heo đã cắn đúng chân sau con xám, lắc mạnh. Con xám kêu lên một tiếng thảm thiết, văng ra xa. Thầy Y Dhăng cố hết sức cầm cây xà gạc con xám vừa kéo đến thọc thẳng lưỡi dao vào mồm con heo vừa há ra định cắn vào mặt thầy. Cây xà gạc xuyên vào mồm con heo, thọc xuống cổ họng cũng vừa lúc ấy mấy thầy giáo chạy xuống đến nơi tiếp ứng...
*
**
Thầy Y Đhăng được đưa vào bệnh viện điều trị gần ba tháng mới lành vết thương. Khi kéo xác con heo rừng lên bờ, mọi người phát hiện ra chân sau của nó bị mới dính bẫy, mất một bàn chân; có lẽ vì thế nó mới trở nên hung dữ khủng khiếp đến vậy. Còn con xám cũng được mấy em học trò đưa về chăm sóc, đắp thuốc chữa trị, tuy thoát chết, nhưng cụt mất một chân.


Chú thích:
1.     Ama: ba – tiếng Êđê;
2.     Ama, ami: ba, má - tiếng Êđê;
3.     Xà gạc: dao phát rẫy của người Êđê.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI