Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

NHIỆM VỤ “ĐẶC BIỆT” bút ký dự thi của TRẦN ĐÌNH HẰNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 234. THÁNG 10 NĂM 2018


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




Tác giả Trần Đình Hằng 


Nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Trưởng Ty (nay là Giám đốc Sở) Vũ Nhật Hồng: “Đôn đốc, triệu tập một số vị Linh mục (LM) đã từng làm Tuyên úy cho Quân lực Việt nam Cộng hòa (QLVNCH) đi học tập”. Nói đến chức phẩm LM, trong đầu ông Giảng nghĩ tới: LM là một chức phẩm của Giáo hội Công giáo, có quyền thực hiện các lễ nghi tôn giáo trực tiếp cho giáo dân – cộng đoàn tín hữu, được bề trên giao phó. Tất cả các LM đều là những người có học vấn: Học vị cử nhân Thánh kinh; tốt nghiệp đại học Thần học hoặc Giáo luật trong một Học viện Cao đẳng được Tông tòa công nhận. Các vị ấy không là LM quản xứ, thì cũng là LM quản nhiệm là Cha xứ và tất cả đều có thanh danh. Và được tất cả các giáo dân thành kính lễ phép gọi bằng tên chung: Cha.
Kinh nghiệm cũng cho ông thấy (dù ở cương vị, hoàn cảnh nào) khi làm việc với các vị này thì hoàn toàn không được phép trịch thượng; không áp đặt, không giáo điều, tránh chiêu thức mánh khóe, xảo diệu... mà phải diễn giải có lý có tình và phải lấy câu “Thật thà bằng ba khôn khéo” làm nền.
Người chiến sỹ công an luôn phải kính trọng, lễ phép với dân một thì với các vị chức phẩm mức lễ độ phải là mười.
Ông và các đồng sự sẽ tiếp xúc với các cha. Việc mời một cha xứ đến một địa điểm để gặp thì không có gì trở ngại. Nhưng biện dẫn ra chứng lý và đưa họ vào nơi học tập thì sẽ chịu tiếng là lường gạt, cưỡng bức, thậm chí là bắt bớ... Như vậy sao tránh khỏi chuyện “rút dây động rừng” và không chỉ là động rừng thôi đâu mà động cả đại ngàn luôn. Chuyện bé xé ra to liền. Sẽ có vô vàn tin đồn bịa đặt.
Nếu để xảy ra tình trạng ấy thì e rằng không tránh khỏi chuyện “động trời” là phản ứng phẫn nộ của cả ngàn, cả vạn, cả triệu, thậm chí cả tỷ tín đồ công giáo không chỉ ở một tỉnh, một quốc gia. Có phân minh với giải trình đến cỡ nào cũng không thể minh oan.
Không! Quyết không thể để xảy ra một kẽ hở nào cho dù là nhỏ nhất để tất cả những phần tử đối lập có cơ hội!
Cho dù sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng (10.3.1975), chính quyền Cách mạng kêu gọi mọi người đã từng có những hoạt động phục vụ chính quyền, quân đội của chế độ VNCH ra trình diện để được hưởng lượng khoan hồng. Lời kêu gọi ấy được đông đảo các tầng lớp: Trí, nông, công, binh... hưởng ứng. Nhưng đã mấy tháng trôi qua mà một số vị đã từng làm Tuyên úy cho QLVNCH vẫn không ra trình diện.
Không trình diện là đồng nghĩa không hợp tác, cũng hàm chứa cả ý thức xem thường, thách đố.
Làm thế nào để mọi công dân bình đẳng trước pháp luật? Vận động, thuyết phục một viên chức đã khó thì đối với các bậc chân tu còn khó gấp bội phần. Phải vận động thế nào đây để các vị LM tự đến trình diện? Cả một vấn đề nan giải.
Những lúc gặp bí tắc trong công việc, ông Giảng thường ôn lại 6 điều Bác Hồ dạy. Lần này liên tưởng tới lời Bác dạy, ông nhớ tới một khóa học có bài giảng: Phân tích “Thư Bác Hồ gửi chúc mừng Giám mục (GM) Lê Hữu Từ tháng 8.1945” và sự kiện: “Ngày 25.2.1946, Bác đích thân đến Phát Diệm mời vị GM này làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ mới”.
Giám mục, Giám mục!
Ông Giảng thở phào nhẹ nhõm, vỗ tay lên trán và trịnh trọng thốt lên: “Ơn Chúa lòng lành!” Ấy cũng là khi còn làm Trưởng công an huyện Kim Sơn (Ninh Bình), những lần tiếp chuyện với các GM và LM, ông đều thành kính nhắc đến khẩu ngữ này cùng nhiều lời cầu nguyện khác đã nhập tâm. Ông thấy lòng nhẹ bẫng như trút được gánh nặng đã làm ông mất ăn, mất ngủ mấy tuần liền. Ngước nhìn lên tấm ảnh Bác treo trên tường. Ông thấy rõ vị Cha già đang trìu mến nhìn mình như nhắc nhở điều gì đó và ông vụt nhớ đến lời dặn của Người với cụ Huỳnh “Dĩ bất biến ứng vạn biến” từ mấy chục năm trước.
Chắp tay sau lưng, đi tới đi lui mấy vòng trong phòng, ông Giảng lẩm nhẩm căn dặn chính mình: “Tôn giáo sống trong lòng dân tộc! Tôn giáo có vai trò, vị trí lớn, có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa...”
Giá còn trẻ như 25 năm trước, năm 1950, “anh lính mới tò te” Trần Cao Giảng đã vui sướng nhảy tót lên vai người đồng sự, khi nghe tiếng nổ long trời, đánh sập CLB sỹ quan Pháp tại Kim Sơn. Với chiến công này, ông  Giảng được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp. Ừ giá như còn trẻ thì ông đã nhảy lên mà hét: “Chúng ta đã có được quý nhân phù trợ rồi!”
Chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất thị xã đỗ xịch trước cổng Ty Công an. Người lái xe miễn cưỡng làm các thủ tục tại bốt gác.
Xe lượn vòng rồi dừng lại trên thềm tiền sảnh. Viên sỹ quan trực ban lễ phép giơ tay chào và nhanh nhẹn mở cửa xe.
Một giáo sỹ khoan thai bước xuống. Ngài mặc chiếc áo màu đen liền mảnh, ôm sát thân, dài từ cổ đến mắt cá chân, có một dãy nút chính giữa từ cổ áo xuống tận phía dưới lai áo, có đường viền và dãy nút màu tím sậm cùng chiếc đai Fascia quấn quanh thắt lưng (phẩm phục dành cho GM). Đó là áo Cassock (còn gọi là áo Soutane). Ngài mang cặp kính trắng gọng vàng sang trọng. Ngài đường bệ bước trên từng bậc cầu thang.
Khỏi tốn nửa lời, chính phong thái ấy với nét mặt không một biểu cảm, cùng phẩm phục cũng đã đủ làm cho những người đang làm việc tại đây biết rằng “Người được mời đã đến đúng ngày giờ, địa điểm” và phải hiểu “Ngài là ai” để cư xử cho đúng phép tắc!
Sau ba tiếng gõ cửa, nhận phản hồi “mời vào”, người sỹ quan trực ban thận trọng đẩy cánh cửa, giọng nghiêm trang “Báo cáo thủ trưởng, GM Nguyễn Hữu Mai đã tới ạ!” “Ơn Chúa lòng lành! Đồng chí mời khách vào bàn uống nước giúp tôi!”
Sau những lời chào đón rất mực lễ tiết, ông Giảng niềm nở hỏi thăm sức khỏe của GM và xin ngài cho nhận xét về đời sống mọi mặt của nhân dân thị xã nói chung, của đồng bào công giáo nói riêng sau ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà. Ông nhấn mạnh cụm từ “Nam Bắc một nhà”.
Vị GM ngó lơ chiếc bình thủy Rạng Đông cùng bộ ấm tách Hải Dương. Nhưng mùi thơm của hương trà Tân Cương đã làm cho gương mặt của ngài có chút bần thần. Hẳn là cái hương vị độc nhất vô nhị ấy đã gợi cho ngài nhớ lại những ngày trước năm 1954 trên quê cha đất tổ. Những biểu cảm ấy, ông Giảng thấy hết.
- Thưa GM! Nếu đức GM tiên khởi Lê Hữu Từ của chúng ta chưa về Nước Chúa từ năm 1967 thì chính quyền Cách mạng sẽ nhận được sự ủng hộ quý báu của Giáo hội Công giáo rất nhiều! - Giọng nói đầy tôn kính của ông Giảng đã đưa mục đích của buổi giao tiếp trở lại thực tại, ông tiếp - Chính GM Lê Hữu Từ đã dẫn đầu đoàn giáo dân công giáo đến Quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình) dự lễ mit-tinh, nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
GM Nguyễn Hữu Mai lãnh đạm đáp: “Chuyện ấy cả Giáo hội Công Giáo đều biết và đã thuộc về lịch sử!”
Giọng ông Giảng mềm mỏng: “Ngày 2.9.1945 ấy đối với đồng bào Công giáo cũng là ngày “Lễ hội những người tử vì đạo Việt Nam” (tưởng niệm những người đã chết vì đức tin của mình).Việc lựa chọn ngày 2.9 của Cụ Hồ còn là nhằm gắn kết Chính phủ VNDCCH với phía Giáo hội Thiên chúa giáo nữa! GM đồng ý với nhận xét này chứ ạ!”
Gương mặt vị GM khi rạng rỡ, lúc đăm chiêu qua từng câu chuyện nhân tình, thế thái của người ngồi đối diện, tưởng như ngài đang nói chuyện với người thân ở ngoài Bắc trước khi di cư nên mới biết rành rõi về mình đến vậy, nhưng ngài lấy sự im lặng thay cho phản ứng.
Biết tâm trạng phân vân của khách, ông Giảng tươi cười: “Dạ! Tôi xin nói đỡ điều khó nói của ngài: Hiện thời đời sống sinh hoạt của toàn xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng đó chỉ là tạm thời, là nhất thời. Đổi lại, chúng ta đã được hưởng quyền lợi rất lớn: Quyền làm người dân của nước tự do độc lập. Quyền ấy lớn lắm, vinh quang lắm. Vinh hạnh tới mức chính cựu hoàng Bảo Đại đã thừa nhận: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ!” Nhà Vua nói điều ấy sau khi đã gạt nước mắt trước hơn hai triệu “con dân” nước Việt chết đói năm 1945 khi đang là hoàng đế trị vì vương quốc này và trước khi cùng GM Lê Hữu Từ làm Cố vấn Tối cao cho Chính phủ VNDCCH. Nước bị nô dịch thì tôn giáo cũng đâu có được coi trọng! Bằng cớ là đại hội Hội đồng GM Đông Dương lần thứ nhất không họp tại Đông Dương mà họp ở nước khác, trong khi đó Toàn quyền Đông Dương lại đặt trụ sở tại Hà Nội. Ông dừng lại, kính cẩn đặt tách trà lên tay vị GM rồi tiếp: Còn tương lai, thưa GM, nhất định nước nhà sẽ là thành viên của khối ASEAN cũng như Liên hiệp quốc và trên mọi phương diện nước ta sẽ ngang hàng với các cường quốc năm châu”.
Kết thúc buổi làm việc thứ nhất, hai người chia tay với hai tâm trạng: Một thanh thản, một nặng nề.
Buổi làm việc thứ hai nghe có chiều thuận tình hơn và đích đến đã dần hiện rõ. Đến giữa buổi, vị GM đột ngột lên tiếng: “Cảm ơn ông đã kêu tôi tới để thụ giáo những lời rao giảng!”
Ông Giảng thảng thốt: “Chết, chết! Nếu đúng như thế thì tôi thành thật xin lỗi, nhưng tôi nhớ là: Chính tay tôi viết giấy “trân trọng kính mời” chứ nào dám vô lễ “kêu” đâu, và cũng chỉ thưa với ngài về những điều mà chúng ta đều biết!” Vị GM thẳng thắn: “Vậy thì kế tiếp là chuyện gì khác nữa, thưa ông?” Ông Giảng nhìn sâu vào đôi mắt vị Giám mục, giọng bình thản: “Nói là khác và không khác cũng chỉ là một thôi ạ! Thưa GM! Chúng tôi mời ngài đến đây với mục đích là giãi bày cơ hội để ngài có dịp thể hiện tinh thần ủng hộ chính quyền Cách mạng, đồng thời cũng là dịp để ngài thể hiện vai trò của bậc chủ chăn”.
Vị GM thẳng thắn hỏi lại: “Ông nói cụ thể được chứ?”
Vậy là chuyện một số vị LM đã từng làm Tuyên úy cho QLVNCH được ông Giảng “đặt lên bàn nghị sự”. Việc các tín đồ công giáo có nghĩa vụ thực hiện Luật pháp của nước sở tại như Giáo luật Hội giáo Công giáo đã quy định cũng được hai bên sôi nổi đàm đạo.
Cuối cùng, ông Giảng cười ý nhị: “Chúng tôi khẩn thiết thỉnh cầu GM động viên các vị LM mà chúng ta đã biết, đến trình diện. Các vị ấy sẽ được chuyển đến nơi học tập trung. Tin chắc trong khi học tập, chúng ta sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng quý báu trên mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa... của các vị ấy! Với đức tin nhân từ, bác ái cùng tấm lòng kính Chúa yêu nước của ngài, chúng tôi tin là sự việc sẽ được diễn ra trong ấm ngoài êm”. Ông Giảng dừng lại, chắp tay thành kính: “Cầu Chúa ban phước lành!”
Vị GM trầm ngâm giây lát rồi nói: “Việc này tôi không thể tự quyết, nên không trả lời ngay được. Mong các ông thư thả đôi ba bữa.”
Ông Giảng vững tin chờ và nhận được thông tin của GM Nguyễn Hữu Mai: “Trong số các vị LM đó có một vị đang lửng rửng sốt!” Ông Giảng viết thư đáp lễ: “…Chúng tôi hân hạnh được đón nhận tất cả vì đã sắp xếp đội ngũ Y, bác sỹ giỏi với trang thiết bị tốt nhất hiện có, sẵn sàng khám bệnh chu đáo cho từng vị LM ngay khi được gặp”.
Ba ngày sau, một số vị LM kể trên đã được GM Nguyễn Hữu Mai bố trí xe đưa đến. Qua khám sàng lọc, các bác sỹ đã phát hiện LM Nguyễn Tích Đức bị mắc chứng phù. Vị LM này được chuyển ngay đến bệnh viện tỉnh để các thầy thuốc kịp thời chăm sóc. Một số vị LM khác bị nhức đầu sổ mũi cũng được cấp phát thuốc men đầy đủ.
“Anh ạ! Khi triển khai nhiệm vụ, tôi tin tưởng ở chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng hy vọng rất nhiều ở tấm lòng kính Chúa yêu nước của các vị chức phẩm, nhưng không ngờ kết quả lại lại vượt cả sự mong đợi. Thành tích này của Công an Đắk Lắk đã được Bộ Công an đánh giá rất cao”. Cụ Trần Cao Giảng ở 97 Trần Bình Trọng, Buôn Ma Thuột vui vẻ chốt lại chuỗi tâm sự và tôi đã ghi lại như trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI