Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Huyện M’Drắk ở phía đông tỉnh Đắk Lắk, trung tâm huyện
cách thành phố Buôn Ma Thuột tròn 90 km tính theo Quốc lộ 26. Huyện có diện
tích tự nhiên 133.628 ha; dân số hơn 75.000 người, có 21 dân tộc anh em cùng
sinh sống trong 173 thôn buôn, tổ dân phố; thuộc 12 xã, một thị trấn. Tuy là một huyện vùng xa, điều
kiện
tự
nhiên khắc nghiệt, không thuận tiện phát triển nông nghiệp, dân di cư tự do vào định cư nhiều; nhưng liên tục nhiều năm liền huyện M’Drắk luôn là điểm
sáng trong phong trào bảo vệ vệ an ninh, trật tự
xã hội của tỉnh Đắk Lắk, được các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M’Drắk,
chúng tôi tới gặp vị cán bộ được đánh giá là “cuốn biên niên sử của Công an huyện
M’Drắk” và ông cũng chính là người có mặt từ những
ngày đầu thành lập huyện, công tác liên tục trong ngành cho đến năm 2016 mới
nghỉ hưu.
Chiếc bàn dài hơn chục mét được tán cây
sanh sống lâu năm toả bóng mát bao trùm lên
cả hai dãy ghế, Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh – Phó trưởng Công an huyện M’Drắk nhất
định mời tôi và Đại tá Bạch Văn Trọng ngồi giữa. Bên ly cà phê toả hương thơm
ngào ngạt, nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm, thành viên trong đoàn đi thực tế sáng
tác tại Công an huyện M’Drắk nêu ý kiến:
- Được biết Đại tá nhận chức vụ Phó trưởng huyện Công an
M’Drắk khi mới mang quân hàm thiếu uý, gần bốn chục năm công tác tại đây chắc
có nhiều kỷ niệm phá các vụ trọng án; Đại tá có thể cho anh em nghe về vụ án đầu
tiên trên cương vị lãnh đạo, tham gia phá án được
không ạ?
- Tháng 4 năm 1977, mình từ miền Bắc được điều về Phòng Cảnh
sát Giao thông tỉnh Đắk
Lắk và nhận nhiệm vụ tại chốt thôn Hai, xã Ea Trang, huyện M’Drắk trên trục đường 21A nay là Quốc lộ 26. Sau đó được điều về Công an huyện M’Drắk
làm ở bộ phận Cảnh sát điều tra. Án thì nhiều nhưng vụ án đầu tiên thì…
Khuôn mặt nghiêm nghị của Đại tá Bạch Văn Trọng hình như
toát lên một nét vui, làm các
nếp nhăn trên trán dãn ra; đôi mắt thông minh, luôn nhìn thẳng làm người ngồi đối diện
thấy anh trẻ hơn so với tuổi sáu ba. Anh kể:
Mình mới nhận chức Phó huyện chưa được một
tuần mà cơ quan mất luôn năm con trâu,
bò; nghe anh em báo bực lắm. Thời ấy lương thực, thực phẩm khan hiếm, một con
trâu hay bò là cả một tài sản lớn, hơn nữa kẻ trộm không trộm ở đâu mà trộm
ngay của Công an huyện. Lãnh đạo hạ quyết tâm phá án nhanh nhất, không để ảnh hưởng
xấu đến tình hình hình an ninh trên địa bàn. Qua kiểm tra hiện trường kết hợp với
nắm tin tức cơ sở có thể khẳng định: kẻ xấu ở trong địa bàn chứ không phải bọn Fulrô trong rừng ra trộm. Chuyên án được
lập, tối thứ bảy, ta bố trí phục kích ở ba hướng có đường mòn dẫn đến trại nuôi
bò của Công an huyện.
Đúng 23 giờ đêm, các tổ xuất phát đến địa điểm mai phục.
Đêm tháng ba Tây Nguyên, gió lồng lộng thổi, những vì sao đêm như những ngọn
đèn treo trước gió, nhấp nháy,
thức canh, dõi theo bước chân cán bộ chiến sỹ Công an đi làm nhiệm vụ. Thiếu uý
Bạch Văn Trọng – Phó Trưởng huyện Công an, người cao, gầy; ôm khẩu AK lom khom
đi trước; phía sau một người đồng đội bước theo, khoảng cách giữa hai người khoảng
năm mét, tiến dần vào nghĩa địa. Bên cạnh đường mòn dẫn về buôn, ngôi mộ của bà
Nguyễn Thị Xuân mới chôn, những vòng hoa xếp xung quanh
mộ có bông còn chưa kịp héo, Thiếu uý Bạch Văn Trọng nằm xuống cạnh ngôi mộ, kéo thêm vòng hoa che lên đầu mình. Bên trái, cách hai ngôi mộ,
người đồng đội đi cùng nằm ép mình bên ngôi mộ có bụi hoa ngũ sắc xoè cành như
cánh tay che chở, giấu kín người nằm phía dưới.
Đêm trở dần về sáng, tiếng những con dế rên rỉ bay qua
các ngôi mộ, ập vào tai người nghe rờn rợn. Thỉnh
thoảng tiếng chim ăn đêm gõ vào không gian những âm thanh lạnh buốt:
cú, cú, cú... làm người nghe phải dựng tóc gáy. Gió nhẹ dần, từng đám mây mù trên sườn núi từ từ bay xuống mang theo cái lạnh giá xộc vào
cổ áo, ống tay rồi chui luôn xuống sống lưng, làm hai hàm răng khua vào nhau.
Những người làm nhiệm vụ mai phục, cắn răng chịu lạnh, quên đi mọi thứ xung
quanh, đôi mắt mở to, dõi về phía con đường mòn từ núi cao đi về buôn, ra Quốc
lộ
21A.
Chọn điểm mai phục này là tạo thế bất ngờ vì bọn tội phạm chắc không thể ngờ cán bộ chiến
sỹ Công an có thể ở qua đêm giữa một nghĩa trang vừa mới chôn người chết, đợi chúng.
Gần ba giờ sáng, bỗng nghe tiếng chân bước,
tiếng người: xuỵt, xuỵt, xuỵt... Qua ánh sao
thấy một người đi trước dắt theo một con bò, phía sau một người cầm cành lá thỉnh
thoảng đập vào mông bò, mồm liên tục kêu: xuỵt, xuỵt, xuỵt... Bạch Văn Trọng nhẹ
nhàng đưa nòng khẩu AK qua chỗ hở giữa hai vòng hoa, hướng vào tên đi trước, chờ đợi.
Mười mét, bảy mét, năm mét, ba mét... nhìn
rõ tên dắt bò tay cầm dao, tay nắm dây thừng, biết chắc
đây là kẻ trộm, không phải Fulrô. Lòng căm giận lên đến tột độ khi giáp mặt thủ phạm
liên tục gây án trong mấy ngày qua như thách thức với Công an, anh muốn nhảy bổ ra quật chúng xuống cho hả dạ. Nhưng rồi phải kìm
nén lòng, chờ tên thứ hai đến gần; thấy trên tay tên này chỉ cầm một
cành cây để đập
bò, không mang theo vũ khí. Thiếu uý Bạch Văn Trọng đứng bật dậy quát:
- Ai, đứng lại!
Đoàng, đoàng!
Người đồng đội đi cùng nổ hai phát chỉ
thiên rồi cùng lao lên, quật ngã tên đi sau, tóm gọn. Nghe tiếng
súng, các mũi phục kích ập tới và ngay trong đêm ta đã truy ra tên chủ mưu
năm vụ trộm trước đây và điều ngạc nhiên hơn nữa, tên chủ mưu lại là em ruột của một vị cán bộ huyện, người mới từ dưới xuôi lên.
Vụ án khép lại, cái được lớn nhất lúc ấy là tạo niềm tin
cho nhân dân trên địa bàn, để mọi người dân tin tưởng vào chế độ, tin tưởng vào
lực lượng Công an nhân dân, cương
quyết đấu tranh với bọn tội phạm, mang lại sự bình yên cho cuộc sống.
Nghe kể xong, nhà văn Mai Khoa Thâu xúc động hỏi:
- Tại sao các anh không chọn chỗ khác mai phục
mà lại mai phục ngay bên mộ người mới
chết?
- Lên kế hoạch phá án, anh em cũng đã cân nhắc kỹ, chọn
nơi đó ta tạo được thế bất ngờ,
địa hình thuận lợi hơn các khu vực khác. Thời ấy ngoài tội phạm hình sự, ta còn phải chuẩn
bị cả kế hoạch đối phó với bọn phản động Fulrô; nếu chạm trán, ta nắm thế chủ động
tấn công, chắc thắng.
- Tại sao khi tên dắt bò cầm dao đi đến bên
cạnh anh không bắt ngay?
Nhà văn Vân Trang tò mò hỏi, Đại tá Bạch Văn Trọng trả lời:
- Còn tên đi sau chưa biết nó có mang vũ
khí nóng không, nên phải kiên trì chờ đợi, biết
chắc chắn mới ra tay, tránh thương vong không cần thiết.
Nhà thơ Hữu Chỉnh - thành viên trong đoàn,
tuổi gần tám mươi nở nụ cười hiền hậu nhận
xét: Đúng là bản lĩnh!
- Trong quá trình xử lý các vụ án, Đại tá
thấy có vụ án nào nhỏ mà để lại ấn tượng sâu sắc cho
người phá án không?
Nhà văn Vân Trang nêu câu hỏi, khuôn mặt Đại tá Bạch Văn
Trọng hình như có tươi lên
một chút, trả lời:
- Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật không có vụ án nào nhỏ
vì tất cả đều liên quan đến bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,
nhưng cũng có những vụ trọng
án vì gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Với giọng kể ấm áp của người gốc Hà Nội, Đại
tá kể về một câu chuyện ở chốt kiểm soát
giao thông như một ví dụ minh hoạ. Hôm ấy vào ngày chủ nhật, khoảng gần trưa
tôi đi qua thấy Trung uý Nguyễn Tiến Dũng ra tín hiệu dừng một chiếc xe mô tô
phân khối lớn, không biển số, điều khiển xe là một thanh niên khoảng 17 tuổi. Dừng
xe, người thanh niên vẫn ngồi trên yên hất hàm hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Anh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xe
không biển số, chạy quá tốc độ, đánh võng trên đường còn đạp chân chống xe xuống
mặt đường làm cản trở giao thông.
- Ông mới chuyển về đây công tác à?
- Yêu cầu anh xuống xe, xuất trình giấy tờ.
Người thanh niên xuống xe, nhưng móc điện
thoại gọi rồi đưa điện thoại cho đồng chí Dũng:
- Ông nghe điện thoại này.
- Xin lỗi, tôi đang làm nhiệm vụ. Yêu cầu anh xuất trình
giấy tờ xe.
Người thanh niên nói gì đó vào điện thoại rồi
đút điện thoại vào túi quần, mặt vênh vênh ra vẻ thách thức. Vừa lúc đó
điện thoại đồng chí Dũng reo, anh móc điện thoại trả lời:
- Dạ đúng ạ, xe vi phạm nhiều lỗi do cố ý của người điều
khiển nên không thể nhắc nhở được mà phải xử lý đúng theo quy định. Đồng chí
thông cảm!
- Giữ xe hả, cứ việc, chiều mang đến nhà trả nhé.
Người thanh niên hất hàm nói với Trung uý
Nguyễn Tiến Dũng rồi bỏ đi. Hơn chục người
dân đứng bên đường tròn mắt ra nhìn, có người dân tỏ ra ấm ức nói: Con “quan”
có khác, không còn xem luật pháp là gì!
Lại một người phụ nữ tuổi khoảng 50, đầu
không đội mũ bảo hiểm, chạy chiếc xe máy cũ,
phía sau đèo một cái đầu heo, vài ký cá, một cái bắp cải, mấy bó rau muống, một bịch rau sống
và có thêm một chiếc can 5 lít chắc là đựng rượu. Dừng xe người phụ nữ chỉ biết
đứng như hoá tượng khi nghe Trung uý Nguyễn Tiến Dũng giải thích lỗi mà người
phụ nữ mắc phải, khung xử phạt... Chị ta thanh minh: “Nhà em có việc nên em đi vội, quên đội mũ. Bây giờ giữ xe, nhà em làm
sao mang được hết đồ về ạ?” Trung uý Nguyễn Tiến Dũng mượn một cái mũ của người
quen vừa đi qua, đưa cho chị ta và nói: “Chị mắc lỗi lần đầu chúng tôi nhắc nhở,
lần sau phải nhớ chấp hành cho đúng. Cho chị mượn mũ, mai đưa ra Công an huyện
trả nhé”. Người phụ nữ bật khóc, trước khi lên xe nổ máy đi, người dân đứng xung
quanh vỗ tay ầm ầm.
Sáng hôm sau, tôi yêu cầu Trung uý Nguyễn
Tiến Dũng trình bày lại hai sự việc xử lý hôm qua. Tôi hỏi: vì sao cả hai đều
vi phạm luật, người được nhắc nhở, cho đi; người
lại giữ xe? Đồng chí trả lời: “Người thanh niên cố tình vi phạm luật vì cho rằng mình là con cán bộ sẽ không ai dám đụng đến nên làm càn thì phải xử đúng luật
để ngăn chặn tái phạm. Còn người phụ nữ chân đi dày bata dính đầy bụi đất, sau
lưng đèo theo toàn đồ ăn; chắc nhà chị ta không có ma chay, đám giỗ thì cũng thuê người
chặt mía. Nếu giữ xe chị ấy thì cả gia đình họ bữa trưa sẽ ra
sao?”
- Hôm qua, ít nhất đồng chí đã cứu mạng được một người và
giúp một gia đình không bất hoà, tan vỡ. Vì sao
ư? Cậu thanh niên ấy nếu không bị giữ xe và phạt theo quy
định, chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm luật giao thông, cậu ta không chết thì người đi đường
cũng chết oan; vì thế tôi mới bảo đã cứu được một mạng người. Còn gia đình người
nông dân kia nếu đang đám tang hay đám giỗ, cả gia đình dòng họ người ta ngồi
chờ, trưa không có đồ cúng thì gia đình ấy sẽ thế nào? Đồng chí cho chị ấy đi
khi cho mượn mũ đội, không những chị, mà cả ga đình nhà người ta đều
cảm ơn đồng chí, cảm ơn Công an và chắc chắn sẽ không tái phạm.
Đại tá Bạch Văn Trọng dừng lời, tất cả mọi người lặng đi
vì xúc động. Chuyện chúng ta gặp thường ngày trên mỗi bước đường đi, hình ảnh
người cảnh sát giao thông trực
tiếp làm việc với mọi tầng lớp xã hội, nhưng để làm tròn trách nhiệm, thực hiện nghiêm luật
pháp của Nhà nước quả không dễ trước sức ép từ nhiều phía. Cách xử sự tinh tế, đầy tính nhân văn của Đại tá Bạch Văn Trọng và
Trung uý Nguyễn Tiến Dũng, Công an huyện M’Drắk đáng để chúng ta suy ngẫm.
- Cà phê nguội hết rồi, ta uống đi chứ!
Mọi người cười oà, Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh
bùi ngùi nói: Câu chuyện của bác là bài
học hết sức sinh động cho chúng em, những người đi sau và chắc chắn các đồng
chí có mặt hôm nay, ở đây đã hiểu thêm vì sao trong hơn 40 năm qua Công an huyện
M’Drắk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hơn 40 năm công tác trong ngành và 39 năm công
tác tại huyện, trong đó có 18 năm làm
Phó trưởng Công an huyện và 10 năm làm Trưởng Công an huyện M’Drắk, Đại tá Bạch
Văn Trọng không những là người chỉ huy giỏi mà còn là người bạn chân tình với đồng
chí, đồng nghiệp, được mọi người kính trọng yêu mến. Mong rằng những kinh
nghiệm quý báu mà anh đã xây dựng, đúc kết nơi mảnh đất bạc màu nhưng giàu tình
người này sẽ được đồng đội tiếp tục phát huy để mãi mãi huyện M’Drắk là vùng đất bình yên, đáng sống. Cán bộ và chiến sỹ
Công
an
công tác nơi đây phát huy truyền thống cha anh đi trước, luôn luôn thể hiện được bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Một cái kết có hậu nhưng khá bất ngờ, Đại
tá Nguyễn Quang Trung “bật mí”: người trung
uý ngày ấy nay đã là Đại uý, Đội phó đội Cảnh sát Giao thông huyện M’Drắk - Nguyễn Tiến
Dũng và cũng là con rể của nguyên Trưởng huyện Công an M’Drắk – Đại tá Bạch Văn Trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI