Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

CON SÓI DẠI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MNH số: 522 ra ngày 01 tháng 11 năm 2018



            Bầu trời xanh màu bạc, lấm tấm những vì sao bé nhỏ như được một bàn tay vụng về nào đó rắc lên một cách cẩu thả. Xa xa dãy núi Krông Zin vẽ một đường đen sẫm che lấp hẳn chân trời phía đông bằng những nét nhấp nhô kì lạ. Gió Tây Nguyên cuối mùa khô gào thét ầm ĩ, xô ngọn cây ào ào trước khi ùa đến kéo theo dòng đất đỏ bụi mù phủ lên mọi vật. Tiếng cú mèo gõ những tiếng phách lạc lõng hòa cùng giọng “Tắc kè, tắc...k...è” vọng vào đêm như kéo bầu trời trĩu xuống. Khu nhà công vụ giành cho giáo viên cũng chìm vào bóng đêm lặng lẽ, duy nhất căn phòng cuối cùng cánh cửa vẫn mở toang hắt ra một quần sáng trong xanh phủ lên một bóng người lặng lẽ trước chồng giây trắng. Người ngồi đó lặng im như hóa đá. Biết bao câu hỏi đặt ra trong đầu chưa có câu trả lời: Kẻ nào rắc thuốc độc vào trường làm hàng trăm giáo viên, học sinh nhiễm độc? Kẻ nào tung tin đồn nhảm trước cái chết của gia đình thôn trưởng? Kẻ nào xúi học sinh bỏ học? Những đồng nghiệp trúng độc gục ngay trên bục giảng do đâu? Ta có lỗi với đồng đội, bạn bè và các em học sinh bé nhỏ nữa; các em vô tư hồn nhiên như thế mà chúng nỡ ra tay sát hại các em, ta không ngăn được. Phải bắt chúng đền tội! Nhất định phải...
- Thưa thầy!
Tiếng nói tuy rất khẽ nhưng cũng làm người ngồi thoáng giật mình quay phắt lại. Trước cửa bóng cô gái độ mười lăm tuổi có khuôn mặt hình trái xoan, tóc xõa ngang vai xuất hiện như từ trên trời rơi xuống.
- H’Loan, vào đây em. Tại sao em đến khuya thế?
- Em tặng thầy.
Cô gái đặt chiếc nanh heo rừng to như ngón tay cái, trắng ngà, cong vút, đầu răng đã vẹt đi nhọ lại như một lưỡi dao.
- Cái này của a jun (*) tặng em, làm sao lại đưa cho thầy được?
- Em sắp phải xa thầy rồi, sợ không còn bao giờ gặp lại được nữa. Chúng em ai cũng quí các thầy cô, muốn học nữa lắm!
- Em bỏ học ư?
- Thầy ơi! Cô gái rưng rưng: Bọn người xấu bắt cả nhà em đi ngày trong đêm nay. Chúng nói sẽ đưa đến một nơi không phải làm cũng có ăn; có nhiều tiền nữa. Ama (**) em đã nhận nhiều tiền của người ta cho nên buộc cả nhà phải đi, ở lại sẽ là con ma lai. Thôi em phải về kẻo ama biết thì chết.
- H’Loan
- Dạ, thầy bảo gì em!
Hai tay người thầy giáo nắm chặt như sắp đấm vào ai, mặt đanh lại có vẻ như khó xử khi quyết định vấn đề gì khó khăn lắm.
- Thôi đành vậy! Em phải hết sức bình tĩnh và nghe lời ama, amí (***); luôn luôn đi cạnh họ, không được rời xa. Em làm được không?
- Dạ!
- Em cầm lấy cái này.
Mở ngăn kéo hộc bàn, lấy hộp vuông nhỏ bé như bao diêm đặt vào tay cô gái.
- Thầy tặng em, em cất kĩ trong người, không được cho ai biết. Thầy sẽ luôn bên cạnh em cho dù có khó kăn đến mấy.
- Dạ!
Tiếng dạ nghèn nghẹn thoảgn trong gió và màn đêm nuốt chửng bóng hình người con gái.

*
*      *
Nhà amí H’Loan dài như một tiếng hú, mái lợp ngói, sàn nhà và vách làm bằng gỗ sao lên nước bóng lộn tập trung đầy người. Tiếng người thanh niên trong cùng nói vọng ra.
- Các nhà đến cả chưa; xem có còn ai ngủ quên không? Mỗi người chỉ được mang một cái gùi đựng ít quần áo và cơm ăn đường, qua bên kia biên giới người Mĩ sẽ cho máybay tới đón.
- Tối thế này mấy đứa nhỏ làm sao đi được? Tiếng ai đó vọng lên.
- Người lớn gùi con nít, đứa lớn gùi đứa bé, vứt bớt đồ lại, qua bên kia biên giới sẽ dùng toàn đồ mới của “Liên hiệp quốc” viện trợ tha hồ sướng.
- Thế ra mọi người bỏ cái rẫy đi ăn xin à?
- Đứa nào nói bậy đấy, muốn chết hả. Nay ngài Y Ksơk đã được Mĩ cho làm tổng thống rồi, chỉ mai mốt đất nước Đê-Ka được giải phóng, lúc ấy có một cuộc sống khác tốt đẹp lắm. Ai hôm nay không đi sẽ là con ma - lai. Bây giờ đi phải hết sức im lặng, người nọ sát người kia để khỏi lạc đường. Theo tao!
Gần ba chục con người lầm lũi, thập thửng dấn thân vào màn đêm đi theo bóng đen mờ mờ phía trước. Hắn có vẻ thạo đường, cầm chiếc đèn pin nhỏ xíu chiếu xuống mặt đất, bước thoăn thoắt. Chẳng ai ngờ, hắn - thằng Y Joan, lười lao động, thích đi chơi và ham “nhặt” của người khác đi đổi rượu lại trở thành người quan trọng thế này. Con người ta có cái số thật! Từ một kẻ chuyên chờ người trong buôn đi làm rồi quay lại trộm gà, bắt chó, chôm chỉa đồ, ai cũng ghét, xem như con ma-lai của buôn; vậy mà đánh đùng một cái gặp được người lạ cho hắn nhiều tiền và bày cho hắn về buôn dụ người trốn qua biên giới để để... nhận tiền. Người buôn hắn thật là lũ ngốc, khi bảo đi không ai nghe còn chửi hắn; hắn cười rút trong người ra cục tiền to tướng, khoe với mọi người; đồng đô la Mĩ, đồng mác Đức, Nhân dân tệ... tất cả mới tinh; còn tiền Việt Nam nhiều như lá rừng, ai muốn đi, hắn sẽ cho tiền sắm dày, dép, lớn bé có tất, người nào cũng có phần cả. Hắn đủ tiền mua rượu để cả buôn cùng uống, uống thật say. Nhưng trước khi đi phải thịt gà, giết hết gia cầm, gia súc. Nhà nào chưa kịp thịt cũng bị đánh thuốc cho chết hết. Cái kế hoạch của người bên kia biên giới giỏi thật. Cả buôn giờ đây phải kính trọng hắn, xem hắn như anh hùng, chỉ có thằng thôn trưởng ngu nên cả nhà đau bụng lăn ra chết - Giàng phạt mà. Ai chống lại hắn thì xem gương trưởng buôn đấy!
- A - Mí!
Tiếng kêu thất thanh của một em bé nào đó vang lên vọng vào rừng lan ra thành tiếng M...í kéo dài. Cắt luồng suy nghĩ của hắn, làm cả đoàn người đang cắm cúi đi phải dừng lại.
- Đức nào kêu đấy!
- Con H’Lam bị ngã, vỡ mặt rồi.
Ánh đèn pin quét lên khuôn mặt đầy máu của H’Lam con bé không biết vì đau hay quá sợ đã xỉu đi, chân trái gãy lìa, xương ống chân như muốn xé da chui ra.
- Mang nó về viện thôi, để thế này chết mất.
Mỗi người một lời, nhưng đều cùng ý phải đưa H’Lam vào viện. Nhưng muốn vào viện phải quay lại buôn đón xe đi.
- Hầy! Yàng gọi nó về với Yàng thì ta nên để nó đi đừng bắt nó quay lại làm gì. Hãy thả nó xuống suối vậy. Vợ chồng chúng mày sang bên kia muốn sinh thêm bao nhiêu mà chẳng được. Đưa nó cho tao.
Nói là làm Y Joan bước đến bên H’Lam định dằng con bé ra khỏi tay amí nó để quẳng xuống vực.
- Không! Mày không được làm thế.
Ama H’lam gầm lên, xỉa xà gạc ngang mặt Y Joan, mắt vằn lên những tia máu đỏ. H’Loan cũng lao tới ôm lấy H’Lam.
- Chúng mày muốn làm loạn à? Nếu không theo tao sang bên kia biên giới sống cuộc sống sung sướng như đất nước của Yàng ban cho thì giờ đây đi đâu! Chúng mày có quay về buôn cũ được nữa không? Trâu, bò, heo, gà thịt hết; xoong, nồi, chiêng, ché... cũng đập nát hết cả rồi, lấy gì mà sống. Đó là chưa kể đến chính quyền họ biết chúng mày bỏ đi, nay muốn quay lại sẽ bỏ tù hết. Chúng mày muốn vào tù hay muốn sung sướng?
Cả đám người lặng đi trước thực tế phũ phàng, không có con đường để quay lại. Cả ama, amí H’Lam nước mắt lưng tròng không biết phải làm gì. H’Loan nói qua nước mắt:
- Tại ama cả, nhà mình đang sống yên vui, đông đủ đi nghe người ta xúi bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ nương rẫy đi xin ăn. Sướng không thấy đâu đã thấy khổ đấy rồi. Đêm tối như thế này sẽ còn có nhiều người như H’Lam nữa, chẳng lẽ để chết cả ư? Thôi xin ama, amí cho tôi mang H’Lam về.
- Không được!
Tiếng nói khẽ nhưng lạnh băng làm mọi người giật mình vì không ngờ có giọng nói của người lạ xen vào. Y Joan mừng như bắt được vàng khi chiếu đèn pin vào mặt người lạ bỗng nhiên xuất hiện, kêu lên mừng rỡ.
- Yàng ơi! Y Sú.
Y Joan mừng là phải, kẻ lạ mặt đúng là Y Sú, người cho hắn nhiều tiền về xúi dân buôn bỏ chạy, và cũng là người cho nó thuốc độc để giết trâu, bò, lợn gà và thả vào bầu nước nhà buôn trưởng, hại chết cả nhà người ta.
- Thưa đồng bào! Tôi là Y Sú  Ksơn, người được “Tổng thống” Y Ksơk và “Liên hợp quốc” cử về đón đồng bào tới cuộc sống sung sướng trên đất Mĩ. Chỉ cần ta vượt qua biên giới, máy bay của “Liên hợp quốc” sẽ chở tất cả qua nước Mĩ định cư, mỗi tháng sẽ được phát 1.000 đô la Mĩ cho một người - tương đương với hai chục con bò lớn; sướng vậy đó. Thôi, mọi người phải cố chịu khổ một chút, ráng mang con bé đi hết đêm nay, qua bên kia người Mĩ chỉ giơ tay xoa một cái là liền xương ngay thôi.
Cả đám người chết lặng khi thấy Y Sú xuất hiện. Hắn là tên Phun rô khét tiếng tàn bạo gây biết bao tội ác với người dân vô tội. Song cái số nó lớn hay nói cho đúng hơn hắn có sự tinh khôn của sói nên thoát chết sau mấy lần bị công an, du kích bắt hụt. Sợ quá hắn chạy qua nước ngoài lánh thân thờ chủ mới. Nay có người nuôi rồi thuê hắn về lại Tây Nguyên đe dọa, mua chuộc, dụ dỗ người dân tộc tại chỗ chạy qua biên giới. Cứ mỗi người qua biên giới đưa về trại “tị nạn” hắn sẽ được thưởng 50 đô la. Số người càng đông, càng tốt; không kể to nhỏ, lớn bé gì ráo, cứ đếm đầu mà lấy tiền. Hắn cũng biết ngôi nhà trong mơ mà đoàn người nhẹ dạ nghe theo hắn là những dãy chuồng bò cũ quây thép gai để nhốt người; hay những chiếc lều vải bạt căng tạm dưới cái nóng như đổ lửa của ông mặt trời được bao bọc dây thép bùng nhùng “nội bất xuất”, không ai được ra ngoài. Hàng ngày mỗi người ăn phát một can nước để ăn, uống, tắm giặt (vì nước phải chở từ xa đến). Chính hắn, hắn cũng không biết người ta thuê hắn dụ dỗ nhân dân vượt biên giới nhốt vào trại làm gì! Nhiều người muốn về nhưng đâu có được, họ đã thành con cá tự  chui vào giỏ, chạy đâu cho thoát.
- Này đồng bào, cuộc sống ấm no mà không phải động tay, động chân đã ở phía trước; tất cả đứng dậy đi tiếp, đau cũng phải đi.
H’Lam được đặt vào cáng làm bằng cây và dây rừng khiêng đi. Y Sú tự khen mình: giỏi, giỏi thật! Đêm tối thế này, cái cáng chỉ cần sơ ý một tí thôi là con bé sẽ văng xuống vực, đỡ phiền. Còn không thì ama, amí nó tự lo lấy. Đoàn người vẫn phải đi về phía đã định, ai dám trái lời, bắn bỏ.
Bầu trời sáng dần. Những ngôi sao li ti nối đuôi nhau đi ngủ, chỉ còn lác đác vài ngôi sao mệt mỏi ngơ ngác đứng nhìn. Từng cụm mây trắng thỉnh thoảng chạy ngang qua bầu trời, sà xuống cánh rừng, đọng lại trên các kẽ lá tí tách nhỏ giọt xuống mặt đất. H’Loan bước sau amí, lòng đau thắt nghĩ thương em gái còn nằm mê man, chưa tỉnh. Tất cả tại lũ người xấu gây ra thảm cảnh cho gia đình. Chúng lừa người ta phá nhà cửa, ruộng vườn chạy trốn Tổ quốc để làm gì? Chúng còn rải thuốc độc vào trường làm trẻ em không được đi học. Có lẽ chúng sợ người ta có cái chữ sẽ hiểu được lẽ phải, biết đúng, biết sai. Và thầy cô giáo hàng ngày dạy nó nữa không biết có hiểu tấm lòng của nó không? Nó muốn được học nhiều, thật nhiều để được làm cô giáo dạy con em đồng bào biết cái chữ, biết gieo trồng cho nhiều hạt, biết nhiều điều để cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.
- Amí!
H’Lam tỉnh dậy, khóc òa; ama, amí vội dừng cáng. H’Loàn quì xuống bên cạnh hỏi.
- H’Lam đau lắm không, ráng chịu nhé.
- Em đau lắm!
- Bịt mồm hắn lại. Y Sú quát khẽ; chúng mày muốn bộ đội biên phòng bắn chết cả hay sao. Nếu để nó kêu nữa tao cắt cổ.
Tội nghiệp H’Lam, cô bé bụ bẫm mới mười hai tuổi đầu xinh đẹp là thế, giờ đây như tàu lá héo. Ama nghèn nghẹ thì thầm:
- Cố chịu đau tí nữa đi con; đừng kêu người ta giết đấy.
- Chúng mày đi tiếp đi, không được đứng lại.
Y Joan hối mọi đi tiếp. Chiếc cáng được nâng lên.
- Oái, Yàng ơi, đau quá!
Tiếng kêu của H’Lam vọng vào núi không lớn lắm, song cũng đủ để cả đoàn người dừng lại. Y Sú chạy đến ghé khẩu AR 16 đen ngòm vào đầu H’Lam.
- Cho nó về với Yàng thôi.
- Mày không dám bắn em tao đâu.
H’Loan đây lòng súng qua bên, nói tiếp: Nó đau kêu nhỏ mày còn sợ có người nghe, mày bắn nó cả núi rừng cùng nghe thấy; bộ đội, công an sẽ đến ngay.
- Con này nói đúng, không bắn được; có cái này dùng được. Soạt con dao găm trắng toát được lôi ra khỏi vỏ.
-  Mày không được giết nó!
Ama H’Loan gầm lên giật phắt xà gạc đứng thế thủ; amí H’Loan ôm ghì lấy con, cố giơ thân mình che chở cho con. Đoàn người quay tròn quanh gia đình H’Loan. Chứng kiến cảnh Y Sú, Y Joan và đồng bọn đối xử với H’Lam, mọi người như chợt tỉnh ra, song có lẽ đã quá muộn. Thấy dân không phục, con cáo già Y Sú cười cười, tra dao vào vỏ.
- Tao đùa đấy. Chúng mày đi tiếp đi, gần qua biên giới rồi; chỗ này nguy hiểm lắm. Còn con bé nhét khăn vào miệng nó, cột tay nó lại khiêng qua bên kia là có thuốc chữa khỏi ngay à.
- Nghỉ chút đã, đi cả đêm mệt lắm rồi.
- Lũ chúng mày cố một chút, chút xíu nữa qua biên giới tha hồ mà nghỉ. Còn ở chỗ này bộ đội biên phòng đi tuần là chết hết đấy.
- Cái chân hết đi nổi rồi!
Không ai bảo ai, người ngồi, người lằm la liệt ra mặt đất. Tiếng con trẻ khóc ré lên.
- Chúng mày còn để bọn nhỏ khóc tao ném xuống vực hết bây giờ. Đứng hết dậy, đứng dậy.
Mặt trời lên cao, nhưng sương mù vẫn sà xuống cánh rừng, thấm vào da thịt, hòa quện với mồ hôi chảy thành dòng xuống mặt đất. Người nào, người nấy răng và vào nhau lộc cộc, cố bước, mặt mũi bơ phờ. Già làng run rẩy gằm mặt xuống đất nặng nề lê bước, chắc giờ này mới hiểu sự đồng ý nhận tiền của Y Joan bắt người trong buôn đến miền đất hứa là sai lầm; sự hối hận muộn màng! Chỉ có Y Sú và ba đứa theo nó tay nắm chặt súng Mĩ là mừng rỡ. Chúng lại sắp có một khoản tiền lớn nữa. Những cô gái mười ba tuổi trở lên có nhan sắc một chút được hưởng lời đơn, lời kép mà. Ngay cả lũ đàn bà có chồng con rồi khi đã vào đến trại “tị nạn” thỏa sức chọn mang đi “hỏi cung” để “dùng”. Đứa nào không chịu sẽ bị đoàn có thể đánh chết như đánh chết con gà, con vịt vậy thôi; ai bắt tội! Xung quanh các trại “tị nạn” hàng ngày những nấm đất mới đua nhau mọc lên; trong đó ngoài người già, con trẻ, còn có những người đàn bà không chịu nhục, chấp nhận cái chết. Bọn dân đúng là lũ ngu mới xử sự như vậy chứ cứ  Y Sú đây sẽ làm tất cả để sống cơ mà, mất mát gì đâu.
- Tất cả dừng lại! Chúng ta sắp đến nơi rồi. Y Sú bất ngờ kêu lên rồi nói tiếp: Khó khăn cuối cùng là đi qua mỏm đá kia, khi đi phải thật cẩn thật, từng người qua một. Ama Đúc đi trước, sau đến Y Vế, tiếp nữa ama H’Loan còn Y Joan và tao đi cuối cùng giúp amí H’Loan.
Ama Đúc khoác khẩu AR16 qua vai vịn vào vách đá cẩn thận leo qua từng bậc và khuất hẳn phía bên kia. Đoàn người nối nhau bò qua vách đá; Y Sú đã đi gần đến đích. Nó tính toán cả rồi và tất cả diễn ra đúng theo kế hoạch đã định. Nhìn H’Loan, hắn lè lưỡi liếm mép tự nhủ  cố kìm nén dục vọng đang trào lên. Chỉ chờ Y Joan giúp ama, amí H’Loan đưa H’Lam qua bên kia vách núi là nó sẽ...
Nhưng bây giờ không thể cáng H’Lam được nữa vì vách đá dốc quá, chỉ một người bám đá mới leo được; nếu sẩy chân sẽ tan xác dưới vực sâu ba chục mét kia. Y Joan buộc amí H’Loan đi trước còn ama H’Loan lấy dây cột con vào lưng. Con bé chắc quá đau, mặt đầm đìa máu, chân gãy lủng lẵng và có lẽ nó xiễu rồi nên không khóc nữa. Ama H’Loan nặng nề di chuyển từng bước, phía sau là Y Joan. H’Loan định đi tiếp liền bị một bàn tay giữ lại.
- Từ từ không ngã chết cả bây giờ. Mày phải để Y Joan đi qua rồi mới được lên.
Nhưng ama H’Loan vừa khuất sau vách đá hắn đã quẳng súng qua bên, nhảy bổ đến, ôm ghì lấy H’Loan đè ngửa ra. Bàn tay thô bạo thọc vào ngực xé toạc áo miệng gầm gừ.
- Mày kêu lên ở đây ai nghe! Nếu khong chiều tao, tao sẽ giết cả nhà mày.
Mặc cho H’Loan cào cấu, giãy giụa hắn nhăn nhở cười, một tay giữ người, một tay giật bỏ những mảnh vải cản trở cơn thú tính của hắn. Hắn giống con mèo khi vồ được chuột, không bao giờ vội vàng nhai ngấu nghiến; mà phải hành hạ, giỡn cợt theo cách riêng kể cả phải dùng nắm đấm buộc con mồi phải tuân theo dục vọng của hắn. Bỗng nhiên, giống như đứa trẻ thò tay vào bếp nắm ngọn lửa, khi tay hắn chạm vào chiếc hộp người thầy giáo tặng đeo bên mình H’Loan; hắn hoảng hốt đứng bật dậy, mặt tái mét, giọng run run:
-  Mày... mày lấy ở đâu? Mày là...? Y Sú vung tay ném chiếc hộp bay xuống vực và lao lại nơi để súng. Nhưng trước mặt hắn là những bóng áo xanh và nòng súng AK chĩa thẳng về phía hắn. Hắn cuống cuồng lao luôn xuống vực sâu.
*
*       *
Buôn Ra Krưng hôm nay vui lắm; mọi người tập trung tại nhà ama H’Loan để xét tội Y Joan, kẻ tiếp tay cho kẻ xấu, hại buôn làng. Trước mặt dân buôn hắn phải khai nhận mọi hành vi tội lỗi của mình và cả những kẻ thuê hắn. Hình ảnh của một Y Joan vênh vênh cái mặt vác một ôm tiền hôm này nay không còn nữa; thay vào đó là khuôn mặt đầy nước mắt của sự ăn năn, hối hận cầu xin được tha thứ để làm lại cuộc đời. Cuộc họp kết thúc, amí H’Loan mời mọi người ở lại mở ché rượu cần của người em gái đến mừng. Vít cần rượu ama H’Loan nói:
- Thưa cán bộ! Thưa bà con trong buôn! Tại cái đầu mình tối quá nghe lời kẻ xấu tí nữa hại chết con H’Lam; để con H’Loan bị làm nhục; làm khổ người trong buôn. May có cán bộ đến cứu kịp thời chứ không thì còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa. Cho phép tôi mời ama Win và mọi người li rượu nhạt, bỏ qua cho lỗi lầm vừa qua và cũng là lòng cảm ơn Đảng, chính quyền đã giúp đỡ gia đình tôi được sống bình thường như trước đây.
Ông ama Win - Trưởng Công an huyện đứng dậy đỡ cần rượu từ  tay ama H’Loan.
- Thưa bà con. Đảng và nhà nước Việt Nam chúng ta bao giờ cũng mở rộng bàn tay đón những người con lầm lỡ trở về. Song sẽ nghiêm trị những tên côn đồ, lợi dụng dân chủ chống phá chế độ, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. Chiến thằng của chúng ta hôm nay trước hết thuộc về nhân dân, vì họ đã phát hiện và tố giác với cơ quan chức năng những hành vi phạm tội của chúng và một người nữa góp công sức rất lớn; đó là cháu H’Loan. H’Loan đâu?
- Hai cháu đi học chưa về. Xin mọi người bắt đầu.
“Rượu vào lời ra”, quả đúng vậy; ama H’Loan khoa chân múa tay khen công an mình giỏi thật; họ đứng bên mỏm đá từ lúc nào ấy, cứ tên nào đeo súng bước sang được “đón tiếp lịch sự”, không kịp kêu báo động cho đồng bọn đi sau. Cả lũ bốn tên lần lượt tra tay vào còng số tám như trong mơ, không tốn một viên đạn. Đồng bào được bảo vệ an toàn”.
Mọi người vui mừng chúc nhau rôm rã. Ngoài sân nắng chiếu vàng lên các nóc nhà làm nổi bật những làn khói trắng mỏng manh bay lên từ  các nóc nhà tan dần vào trời xanh. Xa xa tiếng trống trường giòn giã vang lên báo hiệu một buổi học kết thúc làm òa ra tiếng nói cười ríu rít của trẻ nhỏ như bầy chim c’rao vào hội.

Chú thích Tiếng Êđê:
(*)Ajun – bà.
(**) A ma – ba.
(***) A mi – mẹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI