Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

VĂN CHIÊU HỒN, TÁC PHẨM NGÂM KHÚC GIÁ TRỊ CỦA NGUYỄN DU lời bình của PHẠM TUẤN VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ: 234 - THÁNG 10 NĂM 2018




Lâu nay, nhắc đến thể loại ngâm khúc, người ta nghĩ đến ngay hai đỉnh cao: Chinh phụ ngâm bản dịch hiện hành của Phan Huy Ích (quan niệm truyền thống cho là của Đoàn Thị Điểm) và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều mà ít khi đề cập đến Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) của Nguyễn Du. Tương tự, khi nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, người ta nghĩ ngay đến hai đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông là truyện Nôm và thơ chữ Hán mà dường như quên mất ông còn là một tác giả ngâm khúc. Chúng tôi cho rằng, Văn chiêu hồn là một tác phẩm ngâm khúc giá trị và Nguyễn Du với tác phẩm này là một tác giả ngâm khúc xuất sắc, có đóng góp nhất định vào sự phát triển rực rỡ của thể loại ngâm khúc trong văn học trung đại Việt Nam.
Văn chiêu hồn là cách gọi tắt phổ biến của người đời sau đối với Văn tế thập loại chúng sinh, một trong những đỉnh cao ở mảng sáng tác bằng chữ Nôm của Nguyễn Du, bên cạnh Đoạn trường tân thanh hay còn được gọi là Truyện Kiều.
Về thời điểm ra đời của tác phẩm, hiện nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo sự phỏng đoán của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có thể tác phẩm này ra đời cùng thời với Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, trong thời gian ông làm Cai bạ tại Quảng Bình (1902-1812), tức là trước cả Truyện Kiều. Tác phẩm là “một bài văn khấn tế, hình thức mang tính chất tôn giáo trong văn học Việt Nam, đề cập đến những hồn ma một cách thương cảm nhất”. Điều này giải thích cho hiện tượng tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật giáo này được lưu hành rộng rãi trong các nhà chùa, thậm chí còn có quan niệm xem đây là bản kinh Phật của người Việt.
Mang tên văn tế nhưng Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du không thuộc thể loại văn học chức năng này. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là tác phẩm này viết bằng thơ, tức văn vần, khác với lối văn biền ngẫu đặc trưng của văn tế và nhiều thể loại văn học chức năng khác (như hịch, cáo, chiếu, biểu,…).
Xét một cách nghiêm ngặt, có thể xem Văn chiêu hồn là tác phẩm văn tế phá cách (vi phạm tính quy phạm của thể loại ở việc không sử dụng lối văn biền ngẫu, không tuân theo bố cục 4 phần lung khởi, thích thực, ai vãn và kết…). Nhưng xét về bản chất, Văn chiêu hồn là một tác phẩm ngâm khúc. Bởi tác phẩm này thỏa mãn các tiêu chí của thể loại này: Là tác phẩm trữ tình dài hơi (184 câu thơ), phản ánh những bi kịch khổ đau trong cuộc đời với cảm hứng bi thương về những hồn ma cô đơn vất vưởng, viết bằng thể thơ song thất lục bát và bằng tiếng Việt (chữ Nôm), ra đời trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX, giai đoạn phát triển rực rỡ của thể loại.
Rõ ràng, thỏa mãn tất cả các tiêu chí của thể loại ngâm khúc, Văn chiêu hồn đích thực là một tác phẩm ngâm khúc dù được bọc trong hình thức văn tế (nhan đề và nội dung phản ánh). Tuy nhiên, điều này hầu như ít được đề cập trong các chuyên luận, từ điển. Nguyễn Lộc trong Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII-hết thế kỷ XIX) cho rằng “Văn chiêu hồn của Nguyễn Du là một tác phẩm thuộc loại Văn tế” và nêu ra điểm khác biệt cơ bản của tác phẩm này với thể loại văn tế truyền thống ở chỗ “không phải là bài văn tế một người hay một loại người, mà là bài văn tế chung cho nhiều người, nhiều loại người”. Đặng Thị Hảo trong Từ điển văn học (bộ mới) cũng khẳng định đây là “một bài văn khấn tế” với điểm đặc biệt là viết theo thể song thất lục bát. Trong Hợp tuyển ngâm khúc Việt Nam (Nxb Văn học, 2005), một công trình đồ sộ 742 trang, tuyển 53 tác phẩm, trích đoạn (cả chữ Nôm lẫn chữ Hán, thuộc các thể tài ngâm, khúc, ca, hành, thán, vãn…) của 27 tác giả (Nguyễn Du được tuyển 08 tác phẩm thơ chữ Hán) nhưng nhóm biên soạn Trần Lê Sáng, Phạm Kỳ Nam lại không tuyển Văn chiêu hồn. Có lẽ nhan đề “văn tế”, nội dung “khấn tế” và nhân vật trung tâm là những “cô hồn” đã khiến nhiều người quên mất Văn tế thập loại chúng sinh là một tác phẩm khúc ngâm.
Về giá trị của Văn chiêu hồn, từ khi tác phẩm được phiên âm và công bố đến nay, đã có hàng trăm ý kiến đánh giá cao của nhiều nhà nghiên cứu uy tín như Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Trương Chính, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Xuân Diệu, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Lộc, Nguyễn Ngọc Quang... Đây thực sự là một trong ba đỉnh cao của thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam ở thời trung đại. Xét ở bình diện thể loại, đây có thể xem là một tác phẩm ngâm khúc giá trị, có đóng góp nhất định đối với tiến trình vận động và phát triển của thể loại này.
Với Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du không chỉ ghi tên mình vào bản đồ tác giả ngâm khúc mà còn có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển rực rỡ của thể loại này trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX.
Những thành công cũng như đóng góp của Nguyễn Du qua Văn chiêu hồn đối với văn học trung đại nước ta là điều không cần phải bàn cãi, đã được nhiều người thừa nhận. Trong bài viết này, chỉ xin trình bày sơ lược hai đóng góp quan trọng của ông qua Văn chiêu hồn đối với sự phát triển của ngâm khúc, một thể loại đạt nhiều thành tựu trong văn học Việt Nam thời trung đại.
Trước hết, đóng góp lớn nhất của Nguyễn Du là sự mở rộng đối tượng và phạm vi phản ánh cho thể loại ngâm khúc. Như đã trình bày, vấn đề trung tâm đặt ra đối với ngâm khúc là những bi kịch cá nhân trước hiện thực phũ phàng. Đó là những bi kịch gắn với từng con người cụ thể. Những chinh phụ, cung nữ, Lê Ngọc Hân, Đinh Nhật Thận,… hiện lên trong tác phẩm ngâm khúc là những con người cá nhân. Và nỗi đau của họ là nỗi đau riêng. Đó là nỗi đau trong hoàn cảnh bi đát của một con người cụ thể, đại diện cho một loại người cụ thể.
Với Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, đối tượng và phạm vi phản ánh của ngâm khúc được mở rộng tối đa để vươn lên tầm phổ quát cho toàn nhân loại. Không còn những con người, loại người cụ thể, chúng sinh trong Văn chiêu hồn gần như là hình ảnh của tất cả con người trên cuộc đời này. Họ là “kẻ tính đường kiêu hãnh”, “kẻ màn loan trướng phụng”, “kẻ mũ cao áo rộng”, “kẻ bài binh bố trận”, “kẻ tính đường trí phú”, “kẻ rắp cầu chữ quý”, “kẻ vào sông ra bể”, “kẻ đi về buôn bán”, “kẻ mắc vào khóa lính”, “kẻ nhỡ nhàng một kiếp”, “kẻ nằm cầu chiếu đất”, “kẻ mắc oan tù rạc”, “những đứa tiểu nhi tấm bé”… Cùng với việc dùng từ phiếm chỉ “kẻ”, “người”, “đứa”, Nguyễn Du còn gọi một cách ước lệ đó là “thập loại chúng sinh” (bởi trong tác phẩm có hơn 10 loại người) với ý nghĩa để khái quát cho các loại người trên nhân thế. Họ dù “ai quý ai hèn… ai hiền ai ngu” cũng đều có những bi kịch, nỗi đau của mình. Đó là những nỗi đau “khôn đem mình làm đứa thất phu”, “phận đã đành trâm gãy bình rơi”, “bơ vơ góc biển chân trời/ nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao”, “đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê”, “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”, “mắc sơn tinh thủy quái”, “sa nanh sói ngà voi”… Dưới cái nhìn của nhà Phật, cuộc đời là bể khổ, và con người ta thật tội nghiệp, đáng thương bởi “sống đã chịu một đời phiền não”, “sống đã chịu nhiều bề thảm thiết”… Rõ ràng, vượt lên trên những bi kịch cá nhân, bi kịch trong Văn chiêu hồn là bi kịch của cuộc đời, bi kịch kiếp người. Đây là điều mà các tác phẩm ngâm khúc khác chưa đạt được.
Một đóng góp quan trọng nữa của Nguyễn Du đối với sự phát triển của ngâm khúc, một thể loại nội sinh phản ánh những chiều sâu trong đời sống tình cảm người Việt, là tiếp tục hoàn thiện thi pháp thể loại, đưa ngâm khúc trở về gần gũi với đời sống ngôn ngữ và tâm thức thẩm mĩ của người Việt. Nếu Cung oán ngâm khúc mang vẻ đẹp trang trọng, uyên bác, mẫu mực với những thi liệu, điển cố, từ Hán Việt được huy động sử dụng tần số rất cao thì Văn chiêu hồn có khuynh hướng quay về sử dụng tiếng nói thường nhật với việc gia tăng khẩu ngữ, chất liệu dân gian, hạn chế từ Hán Việt, điển cố. Mặt khác, Văn chiêu hồn còn góp phần làm cho thể song thất lục bát của ngâm khúc trở nên linh hoạt hơn. Chẳng hạn, về cách ngắt nhịp, riêng ở trường hơp cặp câu thất cũng thấy rõ điều này. Câu thất trong tác phẩm có khi ngắt theo nhịp 3/4 truyền thống (Đường bạch dương/ bóng chiều man mác - Ngọn đường lê/ lác đác sương sa), khi là 2/5 với số lượng lớn (Cũng có/ kẻ tính đường kiêu hãnh), 1/6 (Sống/ đã chịu một đời phiền não - Thác/ lại về hớp cháo lá đa). Hay như cuối tác phẩm, có trường hợp câu lục bị biến thể thành 9 chữ: Nam mô Phật, nam mô pháp, nam mô tăng/ Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài. Chính nhờ điều này mà nhịp thơ, tiết tấu thơ hết sức linh hoạt, phù hợp với việc thể hiện những cung bậc tình cảm cũng như chuyển tải nội dung trữ tình. Về điều này, Đặng Thị Hảo nhận định xác đáng: “Ngoài một vài phương ngữ và điển tích nhà Phật ít quen thuộc không đáng kể, nói chung bài văn dễ hiểu, dễ cảm thụ bởi giọng văn cuộn chảy theo những biến tấu bất ngờ của nhịp câu song thất. Văn tế thập loại chúng sinh còn được đánh giá là tác phẩm song thất lục bát  duy nhất sử dụng dày đặc và rất độc đáo thủ pháp tiểu đối. Thành công của tác phẩm đã làm giàu thêm cho thể song thất lục bát - một thể loại mới mẻ của văn chương dân tộc thế kỷ XVIII-XIX, - rất có ưu thế khi chuyển tải những nội dung trữ tình”.
Đúng như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Văn chiêu hồn là một phương diện khác của thiên tài Nguyễn Du, bên cạnh Truyện Kiều và 250 bài thơ chữ Hán. Tác phẩm này đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong việc thể hiện chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du. Hơn nữa, với tác phẩm ngâm khúc giá trị này, Nguyễn Du còn là một tác giả ngâm khúc và có những đóng góp nhất định đối với sự vận động, phát triển của thể loại ngâm khúc trong văn học trung đại Việt Nam ở nửa cuối thể kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI