Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

ĐỒNG THOẠI TRONG TÁC PHẨM “DÃ THÚ” CỦA ĐỖ TRỌNG PHỤNG lời bình của KHÔI NGUYÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 234 - THÁNG 10 NĂM 2018


 Nhà văn Lê Khôi Nguyên

Theo nguyên nghĩa, xuất phát từ Trung Hoa, thì “đồng thoại” là truyện viết cho trẻ em, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, thì nghĩa của đồng thoại đã được thu hẹp về biên độ, chỉ con được hiểu là một phương pháp sáng tác theo trí tưởng tượng mà ở đó con người cũng như những vật vô tri thoát được ra khỏi những vốn dĩ của nó. Với tác phẩm “Dã Thú” của Đỗ Trọng Phụng (NXB Kim Đồng – tháng 6/2018), đồng thoại là cơ hội cho sự tung hoành về trí trưởng tượng của tác giả.
Mở đầu truyện, câu hỏi: “Thích đi xem voi đẻ hông?” của nhân vật ama Tâm đã gây sự tò mò cho bạn đọc, không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả người lớn đã gắn bó ăn đời ở kiếp với đất Tây Nguyên này. Voi nhà thì không phải rồi, chỉ có voi rừng mới có chuyện sinh nở. Chính vì thế Cọng Khèo (nhân vật chính, ngôi thứ nhất trong chuyện) mới có sự mông lung trong mọi cách cảm và cách nghĩ khi được chứng kiến những sự việc diễn ra trước mắt.
Bắt đầu là với ama Tâm, một người bạn rất thân, thân đến nỗi khi gần nhau thì có thể cãi nhau không biết dứt, nhưng khi xa nhau là lại lồng lộn đi tìm, cứ vài ngày không thấy mặt là lại lọ mọ hơn chục cây số để được gặp nhau. Với Cọng Khèo thì ama Tâm lúc thì là giàng thiện, nhưng cũng có lúc là giàng ác. Thiện và ác ẩn chứa trong một con người. Ama Tâm là người rất am hiểu về rừng nhưng cũng bảo thủ đến cực đoan về luật tục. Để chuẩn bị cho việc xem voi đẻ phải “cai hai tuần” việc ngủ với vợ, không được uống rượu; trước khi vào rừng một tuần thì “không bước vô cửa buồng vợ, không nói tục, không nói dối, không được làm những việc xấu xa...”; phải chuẩn bị sẵn chiếc áo trùm lưng voi nửa tháng để lấy hơi voi để mặc thay mùi người; vào rừng không được hét dù có bị cọp beo vồ...
Sau ama Tâm là bầy voi. Loài thú hoang dã nhưng có tổ chức, có cá biệt, có thế giới ngôn ngữ giao tiếp với đồng loại và với cả con người. Mỗi cá thể voi một đặc điểm, một tính nết. Voi Đầu khôn ngoan, đầy kinh nghiệm; voi Sếp khí khái; voi Đầu trọc đầy chất giang hồ; voi Ché ngà với tính lãng tử, voi chồng tận tụy, voi bà đỡ có trách nhiệm, voi phụ sản nhõng nhẽo... mỗi con mỗi vẻ như ở thế giới loài người, biết yêu thương hờn giận, ân nghĩa. Chính vì vậy, thái độ của bầy voi đối với hai người có lúc đầy cảnh giác nhưng cũng có lúc đầy thân thiết. Voi cũng có rẫy mía và chuối của bầy đàn nhưng không bao giờ tự tiện bước vô vì đó là chế độ “phụ cấp ưu tiên, ưu đãi” ngoài thức ăn hàng ngày kiếm được của voi mang bầu, voi sắp sinh, rồi mới đến voi con, cuối cùng là dành cho voi già. Của voi rồi nên voi không ăn trộm, không phá phách, không tự tiện bước vô... nên cứ vài ngày là ama Tâm lại đến “thu hoạch” giúp cho voi đưa về phân phối trong bầy đàn. Con người (ama Tâm) với voi không chỉ giao tiếp bằng hành động, cử chỉ mà còn bằng cả ngôn ngữ. Voi không nói được tiếng người nhưng hiểu được ý của người; người hiểu được ý voi và nói được ngôn ngữ của voi. Điều đó khiến người đọc cũng giống như nhân vật Cọng Khèo, cứ ngơ ngơ ngác ngác, tò mò, vừa sợ hãi vừa thú vị...
Trong khoảng trống giao tiếp giữa hai người với bầy voi là sự xuất hiện của vợ chồng nhà báo, báo Hoa (báo vợ) và báo Vàng (báo chồng). Báo hoa đã từng cắn chết 5 người trong một gia đình để lót ổ, nay nó đang có chửa, đang canh giữ miếng mồi dự trữ, dã thú đã ác lại càng ác hơn. Tuy nhiên báo Vàng, đã từng được con người cứu vớt nên ân nghĩa với con người, nhẫn nại thuyết phục vợ để báo Hoa trở nên hiền từ.
Trận chiến giữa bầy voi và bầy cọp là một hoạt cảnh đầy chất nhân hóa. Có bày binh bố trận, có chiến thuật, có mưu mô thủ đoạn... Tác giả mặc sức tung hoành trí tưởng tượng về hai thế lực “ta và địch”. “Địch” có động thái tấn công, “ta” có động thái phòng thủ; “địch” tấn công, “ta” phòng ngự và cầm cự; “ta” có lúc tưởng như đã chắc thắng nhưng lại hở sườn để cho “địch” có cơ hội lật lại thế trận. Tới cao trào của sự nguy cấp thì “ta” (bầy voi) có thêm tiếp viện đến ứng cứu (con người và vợ chồng nhà báo)... Kết thúc trận chiến vẫn là “ta” thắng “địch” thua. Nhưng chiến thắng nào của cuộc huyết chiến cũng phải đánh đổi bằng xương máu, tính mạng. Bi hùng là thế.
“Dã thú” là chuyện đồng thoại, viết cho trẻ em. Giá như tác giả đừng lạm dụng ngôn ngữ giao tiếp với voi (theo tưởng tượng), đừng đưa vào đó (hoặc giảm đi) những chi tiết và những triết lý nhân sinh dành cho người lớn thì tác phẩm của Đỗ Trọng Phụng sẽ không kém những tác phẩm đã đi vào lòng người như Thú rừng Tây Nguyên của Thiên Lương, Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam, Ông Than đá của Viết Linh, Chú Đất nung của Nguyễn Kiên, Chú gà Trống Choai của Hải Hồ, Cô Bê hai mươi của Văn Biển, Chó Bi – đời lưu lạc của Ma Văn Kháng, Hạt nắng bé con của Phan Trung Hiếu, hoặc thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ (điển hình là tập Chú bò tìm bạn)... Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng: Dã thú của Đỗ Trọng Phụng đã gửi được thông điệp “hãy yêu thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên và vì thiên nhiên” đến với bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI